Sách Phật giáo

Giải pháp ứng dụng CNTT vào việc đẩy mạnh công tác truyền bá chính pháp

Thứ hai, 21/11/2017 02:56

Đạo Phật xuất hiện trên thế gian đã hơn 2500 năm và du nhập vào Việt Nam cũng hơn 2000 năm lịch sử, trải qua mỗi thời đại với những sự phát triển về xã hội và khoa học, bằng tính “khế lý” và “khế cơ”, Phật giáo đã biết vận dụng những thành tựu đó để xiển dương đạo pháp, lợi lạc quần sinh.

Đối với thời đại khoa học công nghệ phát triển vượt bậc như hiện nay, những vị “sứ giả Như Lai” muốn đạt được những kết quả tốt đẹp trong việc hoằng truyền Phật pháp thì cần biết ứng dụng công nghệ thông tin của thời đại kỹ thuật số trong việc đẩy mạnh công tác truyền bá chính pháp, nhằm góp phần xây dựng và phát triển Phật giáo Việt Nam ngày càng hưng thịnh, mặt khác ở thời đại công nghệ thông tin việc xuất hiện thông tin trái chiều dễ xảy ra nên Phật giáo Việt Nam cũng cần có phương pháp, biện pháp ngăn chặn và xử lý khủng hoảng thông tin gây bất lợi về hình ảnh tổ chức hoặc liên quan đến các cá nhân tu hành trên mạng Internet.

I. Thực trạng về thông tin truyền thông
1. Khái quát chung

Để đi sâu vào nội dung, trước hết, hiểu một cách đơn giản “công nghệ thông tin” là gì?

Theo nghị quyết 49/CP của Chính phủ ngày 04/08/1993, Công nghệ thông tin (Information Technology) là tập hợp các phương pháp khoa học, các phương tiện và công cụ kỹ thuật hiện đại (chủ yếu là kỹ thuật máy tính và viễn thông) nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thông tin rất phong phú trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người và xã hội. Như thế, nó là ngành ứng dụng công nghệ để lưu trữ, bảo vệ, xử lý, thông báo, trao đổi thông tin qua không gian mà không phải chuyên chở những thông tin này như chuyển thư từ mà xưa nay vẫn làm.

Theo thống kê của Ngân hàng thế giới, số người sử dụng internet hiện nay trên toàn thế giới đã lên đến trên 800 triệu người. Riêng tại Việt Nam hiện nay có gần 50 triệu người sử dụng internet, đạt tỷ lệ trên 53% dân số (số liệu của Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2017). Từ những con số thống kê trên có thể thấy, việc sử dụng internet trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang ngày càng phổ biến và internet chính là một trong những phương thức hữu hiệu trong việc đẩy mạnh công tác truyền bá giáo lý chính pháp của Phật giáo.

Một điều đặc biệt trong công cuộc hoằng dương Phật pháp phải kế đến, đó chính là từ trước đến nay Phật giáo chưa bao giờ sử dụng đến bạo lực, quyền uy, sức mạnh kinh tế… để truyền đạo. Một tôn giáo chỉ thực sự được tồn tại khi nó được truyền đạo và truyền thông là công cụ sống còn của Phật giáo. Ưu thế về sự thâm sâu của tư tưởng, về giá trị quan điểm nhân sinh của Phật giáo chỉ được phát huy tác dụng khi nó được truyền bá đến với tất cả mọi người, nghĩa là khi triệt để khai thác “phương tiện mềm”. 

“Phương tiện mềm”, đó là hoạt động xuất bản, báo chí, diễn giảng… như trước đây chúng ta đã làm và các phương thức mới như phát thanh truyền hình, internet, website… những phương tiện chỉ mới phổ biến trong vài chục năm nay. Nếu không kịp thời nắm lấy những công cụ hiện đại và đắc dụng thuộc “phương tiện mềm” này, chúng ta có thể sẽ gặp khó khăn trong việc truyền bá Phật giáo. 

Với phương châm “Phật pháp bất ly thế gian giác”, nếu chúng ta không nhanh nhạy áp dụng công nghệ thông tin vào công cuộc hoằng pháp thì chúng ta sẽ tự đánh mất chính mình trên bước đường hội nhập và hoằng hóa độ sinh. Cho nên, nếu ngay bây giờ chúng ta không để tâm đến lĩnh vực công nghệ thông tin khi cả nước đang hướng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nếu không kịp hòa vào dòng phát triển đó thì Phật giáo chúng ta sẽ bị lạc hậu trên mặt trận quan trọng này của nhân loại.
 
2. Thực trạng về nhận thức và phương pháp hoằng pháp

Nói về truyền thông Phật giáo, không phải chỉ mới thời đại hôm nay truyền thông mới có mặt, mà nó đã tồn tại trải qua hơn 2.500 năm trước. Khi đức Phật chứng ngộ, xuyên suốt 49 năm Ngài đã mang sự giác ngộ đó để giáo hóa chúng sinh. Truyền thông và hoằng hóa Phật giáo đã tồn tại không phải bằng vũ khí, hay dựa vào nguồn tài lực kinh tế dồi dào, mà đơn thuần chỉ bằng sức mạnh của trí tuệ và đức hạnh. 

Tiếp nối tăng đoàn là đại diện của đức Phật tồn tại ở thế gian. Hơn 2.500 năm qua, với sự truyền thừa, tăng đoàn đã duy trì và phát triển giáo pháp của đức Phật lan tỏa khắp các châu lục trên quả địa cầu, cũng có một phần nhờ vào thời đại công nghệ thông tin phát triển nhanh ở thế kỷ XX và đang phát triển mạnh ở thế kỷ XXI.

Trong lịch sử, trước khi có công nghệ thông tin, Internet, sự phát triển của truyền thông Phật giáo lúc bấy giờ không phụ thuộc vào mạng kết nối (qua trung gian) vì Tăng tượng trưng cho Tam bảo, đã thừa hành sứ mạng, mang chính pháp truyền thừa mạng mạch. Từ đó, truyền thông tiếp tục có những đóng góp quan trọng và cần thiết cho nhân loại. Đây thực sự là vấn đề quan trọng mà nó phụ thuộc vào chính những người làm truyền thông, vào mỗi thế hệ tiếp nối của những người vì tương lai của Phật giáo.

Trải qua 25 thế kỷ, truyền thông tiếp tục tồn tại nhưng với những hình thức khác, bằng những con đường khác nhau và hơn hết là những phương thức hiện đại. Trước tiên, từ một xã hội truyền thống sang một xã hội hiện đại và sau đó là sang xã hội công nghệ. Ngày nay dấu hiệu dễ nhận ra của sự thay đổi này ở việc chú trọng vào các trang mạng xã hội và truyền tải thông tin. Sự chuyển giao này xảy ra trong mọi tầng lớp xã hội trên khắp thế giới. Sự thay đổi này trong truyền thông có thể nói chúng ta đang đi từ thời đại công nghiệp sang thời đại thông tin, từ nền văn minh dựa trên sản xuất sang nền văn minh dựa trên tri thức.

Sự chuyển giao sang một xã hội “thông tin nhạy bén” đã làm biến đổi bản chất của mối quan hệ truyền thông Phật giáo và xã hội một cách đáng kể. Điều này làm cho truyền thông phải đưa ra những giải pháp mới để giữ được tính thích hợp của Phật giáo. Thông qua mạng lưới internet, chúng ta có thể tiếp nhận vô số nguồn tài liệu về Phật giáo và tham gia nhiều diễn đàn thảo luận một cách thiết thực về mọi đề tài liên quan đến đạo Phật. Vì giáo lý nhà Phật không còn là đặc quyền của những người xuất gia và kho tàng kiến thức kinh, luật, luận của Phật giáo cũng không chỉ để trưng bày trong tự viện như nó đã từng như vậy trong một nền văn hóa Phật giáo truyền thống.

II. Ứng dụng công nghệ thông tin

Thế kỷ 21 này là thời đại của công nghệ và truyền thông, thông tin. Không chỉ có báo, đài, tạp chí, panô, áp phích, tranh cổ động, băng rôn, biểu ngữ,… mà hiện nay các phương tiện mới như mạng và các kênh xã hội Facebook, Youtube, Twitter, Zalo, Google+,… đang hoạt động rất mạnh, thu hút đa số người dùng sử dụng mạng internet. 

Truyền thông thời nay qua cả âm thanh, hình ảnh, ánh sáng,… để thông tin đến với người nhận thông qua cả 5 giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Thế giới ảo của truyền thông đã đi vào cuộc sống thường ngày, ảnh hưởng toàn diện đến nhân loại và truyền thông Phật giáo cũng không thể đứng ngoài sự phát triển vũ bão ấy với sứ mệnh xiển dương giáo lý Phật đà.

Mạng xã hội đã chính thức trở thành quyền lực số 5. Quan trọng đến mức mới đây tại châu Âu vừa diễn ra một hội nghị quốc tế rất lớn chỉ để bàn về mạng xã hội và quyền lực của nó. Các trang cá nhân giúp con người tự mở cửa nhìn vào xã hội và ngược lại xã hội cũng có thể nhìn vào sinh hoạt của từng cá nhân con người. Tất cả mọi tương tác này rất dễ dàng và hiệu quả.

Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, sự phát triển công nghệ thông tin trong những thập niên gần đây tiến bộ rất nhanh. Từ phát thanh sóng ngắn (short wave-SW, có thể phát với cự ly hàng chục ngàn km), đến truyền hình vệ tinh (phát toàn thế giới) và ngày nay phương tiện truyền thông trên internet khá phổ biến và tiện lợi, thu hẹp khoảng cách giữa những con người trên thế giới. Các chương trình truyền hình, các trang web có thể giúp cho những người cách xa nửa vòng trái đất chứng kiến gần như tức thì những sự kiện xảy ra ở nửa bán cầu bên kia. Hoặc có những buổi họp mà các thành viên ngồi ở nhiều châu lục khác nhau bằng trực
tuyến... Sự truyền bá Phật giáo trên internet là rất cần thiết và tiện lợi:

- Tài liệu, thông tin khá đầy đủ và chính xác:

Muốn có tư liệu, thông tin phong phú, trước đây phải dựa vào sách vở, nhưng ngày nay có thêm máy tính hỗ trợ. Máy tính chứa được rất nhiều dữ liệu, đơn cử như số lượng lớn các bộ Đại tạng kinh nhiều đến hàng trăm ngàn quyển sách, với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Bởi sức chứa của máy tính lớn như thế, nên đối với hành giả hoằng pháp, nó là “bộ óc” thứ hai và rất cần thiết để tra cứu các dữ liệu. Một khi tư liệu trong máy tính không đủ để cung cấp, có thể tìm trên mạng internet. Như thế, máy tính, internet,… sẽ giúp công việc tìm kiếm và chuyển tải những thông tin rất cần thiết, bổ ích đến mọi người, làm cho quần chúng hiểu biết đạo lý nhà Phật một cách rõ ràng và thiết thực.

- Nhanh chóng và tiện lợi:

Nhờ công nghệ thông tin mà mọi người trên thế giới có thể đến gần với nhau hơn trong tích tắc qua các cuộc gọi điện thoại quốc tế, qua mạng internet, qua email, qua nhắn tin, qua website. Vận dụng phương tiện công nghệ thông tin, ta có thể giới thiệu tin tức phật sự, những bài giảng giáo lý, những nghi lễ tâm linh… đến với mọi người khắp nơi trên hành tinh này vừa nhanh chóng vừa tiện lợi, chính xác và đầy đủ. 

Trong khi đó, nếu dùng báo chí để chuyển tải những lĩnh vực như trên thì phải mất nhiều thời gian. Một điều tiện lợi nữa là sách báo, tạp chí một khi in sai phải cáo lỗi và sửa lại trong lần in hoặc tái bản kế tiếp, nhưng bài đăng trên mạng sẽ trực tiếp sửa sai một cách dễ dàng.

- Đáp ứng mọi đối tượng có nhu cầu:

Thông thường vị giảng sư (hoặc người trình bày giáo pháp Phật đà) phải trực tiếp thuyết giảng trước thính chúng. Nhưng ngày nay, nhờ vận dụng công nghệ thông tin qua máy tính, qua mạng internet, qua ứng dụng livestream trên facebook… người nghe pháp không cần phải trực tiếp ngồi nghe tại chỗ, tức người nghe sẽ nghe pháp và thấy hình ảnh vị thuyết giảng trên mạng và trên băng đĩa. Như thế, không nhất thiết thính chúng phải nghe ngay lúc giảng mà giờ nào rảnh rỗi họ nghe cũng được, thậm chí có thể nghe lại được nhiều lần. Như thế, vị giảng sư chỉ cần “gián tiếp thuyết pháp”.
 
Với những đối tượng không phải là tín đồ Phật giáo, tất nhiên rất hiếm khi họ đến đạo tràng nghe thuyết giảng và nếu họ muốn có nhiều tư liệu về Phật giáo, thì việc sử dụng những website, băng đĩa… sẽ là phương tiện để họ tìm những tư liệu, những bài giảng pháp giúp họ hiểu về Phật giáo một cách dễ dàng và thuận tiện hơn. Trong thời đại mà truyền thông chiếm ngự hết mọi sinh hoạt của từng cá nhân con người, mỗi phật tử, tăng, ni chúng ta cần ý thức rõ và sử dụng các phương tiện truyền thông để hỗ trợ cho công cuộc hoằng pháp và góp phần xây dựng và phát triển con người và xã hội.

Có một điều cần lưu ý, truyền thông là một hoạt động mang tính quá trình. Đó không phải là hoạt động nhất thời, gián đoạn mà mang tính liên tục. Đó là quá trình trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các thực thể tham gia truyền thông. Chúng ta cần làm cho quá trình truyền thông diễn ra liên tục và thường xuyên để truyền thông Phật giáo không phải là một phong trào tự phát hay một chiến dịch nhất thời. Truyền thông phải đạt tới mục đích hiểu biết lẫn nhau, từ đó đem lại sự thay đổi trong nhận thức, thái độ và hành vi của đối tượng. 

Truyền thông Phật giáo và mỗi chúng ta nên ý thức rõ chuyện này để hiểu nhau, thương nhau, đoàn kết tạo nên sự thay đổi của toàn xã hội. Chúng ta cũng nên nhớ đến các đặc tính căn bản của truyền thông đại chúng như tính công khai, tính mục đích, tính phong phú và đa dạng, tính dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo, tính nhanh nhạy, kịp thời, tính tương tác và hiệu quả. Biết rõ những đặc tính này, với tâm thanh tịnh của mình, mỗi chúng ta sẽ nghĩ ra cách truyền thông đại chúng tốt nhất để mang giáo lý Phật dạy đến với đại chúng.

III. Thách thức trước thời đại kỹ thuật số

Một thách thức lớn mà hoằng pháp bằng công nghệ thông tin phải đối mặt, đó là tính chính xác,… Chúng ta đang sống trong thế kỷ XXI, thế kỷ của văn minh, khoa học, trong hoàn cảnh xã hội hiện đại, khi mà trình độ dân trí đã được nâng cao, khả năng cảm nhận và nguồn tri thức của quần chúng cũng dồi dào và phong phú hơn rất nhiều. Do vậy, nhu cầu thính pháp của quần chúng phật tử hiện nay ở một tầng bậc rất cao. Họ không đơn thuần là chỉ nghe những bài giảng vốn đã đọc, hay đã qua thông hiểu, mà họ muốn lắng nghe, muốn xem những kiến thức đậm tính khai mở nguồn tuệ giác. Điều này dẫn đến yêu cầu những vị giảng sư cần nỗ lực trau dồi kiến thức,…

Một thách thức nữa mà truyền thông Phật giáo cần đối mặt trong thời đại kỹ thuật số chính là nguồn thông tin trên internet và phát hành multimedia rất khó kiểm chứng về mặt chất lượng và phương thức. Rất nhiều kinh sách đã được chuyển tải lên internet. Một số chuyển tải thiếu sót về phần nội dung vì thiếu kinh nghiệm và chuyên môn về Phật học. Một số dịch giảng kinh theo quan điểm cá nhân có mục đích đề cao cá nhân hơn là học hỏi và truyền bá những điều đức Phật đã răn dạy có lợi ích cho chúng sinh.

IV. Ngăn chặn và xử lý khủng hoảng thông tin

Đối với Phật giáo, thời gian qua cụm từ “thông tin nhạy cảm” cũng là sự trăn trở của các cơ quan báo chí truyền thông Phật giáo chính thống cũng như Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội các cấp. Với Phật giáo, chọn cách ứng xử với các sự kiện, thông tin nhạy cảm như thế nào cần phải được xem xét. Câu hỏi được đặt ra ở đây là có nên đưa thông tin nhạy cảm hay không? Và nếu chúng ta không đưa tin thì người dân có biết hay không, khi mà hiện nay chỉ cần một chiếc điện thoại di động thông minh, ai cũng có thể tiếp cận thông tin dễ dàng và nhanh chóng? Tôi cho rằng nên lựa chọn cách tiếp cận chứ không phải từ chối việc đưa tin, phải vào cuộc một cách có trách nhiệm thay vì né tránh.

Trong thời buổi bùng nổ thông tin toàn cầu như hiện nay, sự bùng phát, “khủng hoảng” truyền thông Phật giáo là không thể tránh khỏi. Phật giáo cần những phát ngôn chính thức và có sự phản ứng nhanh trước những thông tin liên quan. Khi một thông tin, sự vụ có tính nhạy cảm xảy ra, cần trả lời kịp thời, tôn trọng sự thật, làm chủ diễn đàn, chọn cách ứng xử khéo léo trước các vấn đề có liên quan. 

Muốn vậy Ban Thông tin Truyền thông của các Ban Trị sự khi có sự việc xảy ra cần nhanh chóng nắm bắt tình hình và thông tin kịp thời đến Ban Thông tin Truyền thông Trung ương để bộ phận xử lý nhanh thông tin báo cáo lãnh đạo Giáo hội để thông tin trước đại chúng. Nói cách khác, người phát ngôn của Giáo hội cần làm chủ sự kiện, quan trọng là chọn cách ứng xử kịp thời, có trách nhiệm với sự kiện, với báo chí thay vì chỉ né tránh, từ chối đưa tin.

V. Giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào việc truyền bá chính pháp

- Để thực hiện công tác hoằng pháp này, chính các tự viện, chùa chiền và các vị chức sắc tôn giáo, các sứ giả Như Lai phải tự trang bị những thiết bị nghe nhìn, những kiến thức về máy tính, về internet và mở những lớp phổ cập về tin học cho giới trẻ ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, như những hình thức công tác từ thiện xã hội, là một trong những công tác hoằng dương Phật pháp trọng tâm hàng đầu.

Như vậy, chúng ta đã thấy rõ, xã hội đang phát triển, đạo pháp cũng phát triển nhịp nhàng theo đà tiến bộ ấy: thông tin nhanh nhạy, giao thông thuận lợi, sách báo phong phú, các trang thiết bị điện tử về khoa học kỹ thuật đầy đủ… Những điều kiện này là cơ hội tốt của Phật giáo, phải nhanh chóng chuyển đổi phương thức hoằng pháp cho thích hợp với hoàn cảnh mới, để kịp thời đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của quần sinh. Chúng ta phải phát huy tài sản vô giá của đức Phật để lại và nâng cao chính mình qua cách tiếp cận mọi lúc mọi nơi. Trong tương lai không xa, Phật giáo Việt Nam phải song hành cùng nền khoa học tiên tiến để đồng hành cùng dân tộc qua các thời đại.

- Hiện nay, các phương tiện truyền thông, công nghệ thông tin phát triển rất nhanh chóng và có nhiều tác động lớn đến sinh hoạt của người phật tử cũng như mọi người trong xã hội. Do vậy, cần đẩy mạnh công tác truyền bá giáo lý chính pháp của Phật giáo, nhằm phát triển GHPGVN, ngăn chặn và xử lý khủng hoảng thông tin. GHPGVN nói chung và Ban Hoằng pháp nói riêng nên có chủ trương khuyến khích chư tôn đức giảng sư dần dần chọn các phương thức truyền bá mới, gắn với thời đại mà trong đó ứng dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ là cần thiết.

Với một chiếc điện thoại thông minh (smart-phone), vị giảng sư cũng có thể thực hiện sứ mệnh hoằng pháp của mình bằng thao tác đơn giản đăng lên các mạng xã hội. Chỉ việc làm đơn giản như thế nhưng hiệu quả vẫn khá lớn khi tác động đến người đọc không chỉ trong nước mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Ngược lại, nếu hoằng pháp chỉ làm theo các cách thức truyền thống là phải pháp tòa, phải thông báo thính chúng thì hoạt động truyền bá chính pháp sẽ trở nên chậm trễ và nhiều người không có dịp tiếp cận được giữa cuộc sống khá bận bịu như hiện nay.

Thực tế nhu cầu thính pháp và tu học của cộng đồng người Việt đang sinh sống ở nhiều nước khá cao, trong khi các đợt viếng thăm, trao đổi và thuyết giảng của các giảng sư đã tổ chức trước đây chỉ như một cơn mưa rào thoáng qua, chưa thực sự đáp ứng được mong ước của đông đảo bà con xa xứ thì việc giảng pháp “thời đại công nghệ” chính là một phương thức hữu hiệu để đáp ứng được nhu cầu học pháp của bà con nơi xứ người.

- Bên cạnh đó cũng cần có tiếng nói khẳng định vị thế riêng của Phật giáo, cần có đội ngũ chuyên trách xử lý khủng hoảng truyền thông, xử lý những phản hồi nhạy cảm. Bởi nhiệm vụ của truyền thông là phải nói lên tiếng nói của lương tâm Phật giáo, làm cho mọi người nhận ra chân - thiện - mỹ. Không vì lợi ích riêng tư mà bóp méo sự thật, không giật tít câu like, không tranh luận đúng sai khi sự việc chưa rõ ràng, luôn lấy tinh thần hòa hợp làm nền tảng. 

Con đường hoằng pháp, truyền thông có lúc như dòng nước cuồn cuộn chảy qua những thác ghềnh, nhưng có lúc bằng phẳng, nước lững lờ trôi, lúc ấy người làm truyền thông không được buông lơi mái chèo và mất cảnh giác với đoạn thác ghềnh kế tiếp. Nếu nhận thấy chưa đủ trí tuệ để làm cho cái ác cúi đầu thì hãy dùng ngòi bút mà xiển dương cái thiện càng nhiều càng tốt, khi ánh mặt trời chiếu sáng thì mây mù ắt phải tan. Hơn tất cả, truyền thông Phật giáo phải tồn tại không bằng vũ khí, không dựa trên nguồn tài lực kinh tế dồi dào, mà đơn thuần chỉ bằng sức mạnh của trí tuệ và đức hạnh.

- Để có được những kết quả to lớn như trên, thiết nghĩ một vị giảng sư muốn hoằng dương Phật pháp lợi lạc chúng sinh, cần để tâm vào hai việc, đó là trang bị cho mình một nền tảng tri thức nhất định về Phật pháp, về công nghệ thông tin và kết hợp vận dụng hoằng pháp trực tiếp với gián tiếp. Có được một khả năng nhất định về Phật pháp và công nghệ thông tin, những bài viết đăng trên mạng, những bài giảng không những chuẩn xác, lôgic… mà còn làm cho người đọc, người xem, người nghe dễ dàng tiếp thu, hiểu rõ giáo pháp vi diệu, nhiệm màu, thiết thực lợi ích cho mọi người. 

Nhờ biết sử dụng công nghệ thông tin với một trình độ nhất định, những vị làm công việc xiển dương chính pháp nhanh chóng và dễ dàng vận dụng máy tính, mạng internet… để lưu trữ, chỉnh lý, chuyển tải thông tin, tư tưởng, hình ảnh kịp thời và đầy đủ đến mọi người.

Biết vận dụng hoằng pháp trực tiếp và gián tiếp sẽ đáp ứng các mặt như: đối tượng (kể cả những người không phải là tín đồ Phật giáo); về không gian (xa - gián tiếp, gần - trực tiếp); thời gian (có thể xem, nghe được kinh điển, triết lý, hình ảnh, tư liệu… được lưu trữ qua mạng, máy tính, băng đĩa…). Như thế, nó sẽ góp phần vào việc truyền bá chính pháp, đem lại ích lợi cho mọi người nhiều hơn nữa. Hoằng pháp bằng công nghệ thông tin là vấn đề mà mọi người con Phật trên khắp năm châu, nhất là những vị sứ giả Như Lai, cần phải hiểu và vận dụng nó một cách linh hoạt trong thời đại khoa học kỹ thuật ngày nay. Được vậy sẽ góp phần không nhỏ trong sứ mệnh hoằng truyền đạo pháp, lợi lạc quần sinh, góp phần xây dựng ngôi
nhà “Đạo pháp và Dân tộc”.

VI. Kết luận

Nhiệm vụ thiêng liêng của người hoằng pháp là đem chính pháp vào cuộc đời. Ngoài trình độ quảng bác kiến thức nội, ngoại điển, các sứ giả Như Lai phụng sự sự nghiệp truyền bá giáo lý nhà Phật còn phải trang bị cho mình giới hạnh cần thiết, kèm theo lòng từ bi và đạo lực nhẫn nhục; vừa phát huy trí tuệ để phá trừ vô minh tự ngã, vừa phổ biến rộng rãi giáo pháp, dìu dắt người sơ cơ, đấy là lối phát tâm thực hành Bồ tát đạo của Phật giáo, cùng đồng hành trên lộ trình về xứ Phật. Chính những nhân tố vô cùng quan trọng này sẽ giúp cho hành giả vững bước trên con đường phát huy tài sản vô giá của Phật pháp.

Ngày nay trước một xã hội, thời đại công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, để nắm bắt kịp thời thông tin đại chúng trong thời hiện đại và công nghiệp hóa đất nước, các chùa nên khuyến khích các tăng ni có năng khiếu về tin học… được học môn đó. Nếu được thế thì các Giáo hội địa phương thêm nguồn nhân lực dồi dào cũng như cá nhân tăng ni có thêm điều kiện học tập, cập nhật hóa những tin tức phật sự trong nước và quốc tế. Qua đó sẽ thêm thắng duyên trau dồi kiến thức Phật học và xã hội qua hệ thống công nghệ thông tin hiện đại.

Nhưng khi ứng dụng công nghệ thông tin của thời đại kỹ thuật số trong việc đẩy mạnh công tác truyền bá giáo lý chính pháp của Phật giáo, phát triển GHPGVN, chúng ta phải đề phòng, nó như con dao hai lưỡi. Chúng ta phải nhận thức được mối nguy hiểm tiềm ẩn do sự quyến rũ của kỹ thuật. Cái lợi và cái hại luôn ngấp nghé bên nhau, người sử dụng phương tiện này phải biết áp dụng chính pháp của đức Phật vào đời sống công nghệ để giảm thiểu những tiêu cực do chúng đem lại. 

Sẽ có nhiều quan ngại khi để cho tăng ni, nhất là tăng ni trẻ tự do sử dụng công nghệ thông tin. Tăng ni trẻ có thể bị ô nhiễm thế pháp, bị hư hỏng hay bị biến chất khi không có chính niệm trong khi sử dụng phương tiện thông tin hiện đại này.

Tuy nhiên, về cộng đồng đại chúng, Việt Nam là một nước nông nghiệp, chỉ có hơn một nửa dân số biết sử dụng internet, số còn lại chưa biết hay không đủ điều kiện để biết công nghệ thông tin, nên sẽ không hoàn toàn thành công khi chỉ sử dụng một phương tiện này để truyền bá Phật giáo. Cho nên người hoằng pháp vẫn phải đến tận địa phương để truyền bá Phật giáo, vì suy cho cùng thì không thể hoàn toàn loại bỏ phương pháp giảng dạy trực tiếp bằng “mặt đối mặt” giữa thầy và trò được. Chủ trương hoằng pháp tận vùng sâu vùng xa của Phật giáo Việt Nam luôn là tiêu chí cần thực hiện. Như vậy, nếu như Giáo hội biết quan tâm và có định hướng đúng việc hoằng pháp bằng các công cụ - công nghệ truyền thông hiện đại là bước chuyển mình cần thiết không thể không có nếu như Phật giáo hòa mình cùng với sự phát triển của thời đại.

Hòa thượng, TS.Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Thông tin Truyền thông T.Ư GHPGVN
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII
-
Tài liệu tham khảo:
- http://chuabuuda.com/phat-giao-doi-song/phat-giao-doi-song-chi-tiet/news/725-
loi-ich-cua-hoang-phap-bang-cong-nghe-thong-tin.html
- htps://thuvienhoasen.org/a28410/tuong-lai-cua-phat-giao-tren-internet
- https://www.baomoi.com/truyen-thong-phat-giao-can-ket-noi-de-xu-ly-khunghoang-truyen-thong/c/15631155.epi
- http://nguoiphattu.com/van-hoa/y-kien-trao-doi-du-luan/8965-thong-tin-nhaycam-cach-ung-xu-voi-truyen-thong-bao-chi.html
- http://khaidoan.com.vn/vi/news/Chan-Hung-Phat-Giao/Cong-nghe-thong-tintrong-su-truyen-ba-Phat-phap-1696/
- http://www.phatgiaobinhduong.com/index.
php?mod=news&cpid=46&nid=254&view=detail
- http://vinhnghiemvn.com/PrintView.aspx?Language=vi&ID=775652
- http://phatgiao.org.vn/y-kien/201308/Vai-net-so-sanh-ve-Phat-giao-trong-va-ngoainuoc-ung-dung-cong-nghe-truyen-thong-hien-dai-11736/
- http://thuvienhoasen.org/p119a14548/phat-giao-co-hoi-va-thach-thuc
- http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/ungdung.htm
loading...