Kiến thức

Giáo dục đạo đức trong phẩm thứ 4 của Kinh Địa Tạng Bồ tát Bổn Nguyện

Thứ hai, 29/08/2023 10:30

Phương tiện trong phẩm này là dụng pháp lâm thời, nhằm chặn đứng hành vi phi đạo đức của con người, nâng cao nhận thức về việc bảo vệ thiên nhiên (thông qua một “bản án” để giáo dục mang tính răng đe). Theo kiểu thức này, hễ gây một nhân sẽ gánh lấy một quả.

Audio

Cuối quyển trung của Kinh Địa Tạng có phẩm “Nghiệp cảm của chúng sanh”. Ở mục 6 của phẩm này có phân tiết “phương tiện giáo hóa”.

Đây là một phẩm ngắn nhưng chứa nhiều thông tin, về tác hại của việc tự mình làm hỏng đạo đức cá nhân và tác hại của việc phá hoại môi trường.

Trong bản dịch của Hoà thượng Thích Trí Tịnh có thêm cụm từ “phương tiện giáo hóa” ở đầu phân đoạn, vốn không có trong nguyên tác, nhưng nó được xem là tiêu đề gợi ý, khái quát hóa một tiểu đoạn để người đọc, tụng dễ nắm được thông tin.

Phương tiện trong phẩm này là dụng pháp lâm thời, nhằm chặn đứng hành vi phi đạo đức của con người, nâng cao nhận thức về việc bảo vệ thiên nhiên (thông qua một “bản án” để giáo dục mang tính răng đe). Theo kiểu thức này, hễ gây một nhân sẽ gánh lấy một quả. Thật ra, lý luận về nhân quả (hay đủ hơn là nhân-duyên-quả) nó không phô phác như vậy, nhưng ít ra, chúng cũng có một giá trị nhất định, một từ mà tôi mượn dùng ở đây là “khuyến thiện trừng ác” là thích hợp hơn trong trường hợp này.

Hạnh nguyện nổi bật của Bồ tát Địa Tạng: tinh thần hiếu đạo và tâm nguyện độ tận pháp giới chúng sanh

09

I. Bảo vệ thực vật 

[…] Nếu gặp kẻ đốt núi rừng cây cỏ, thời Ngài dạy rõ quả báo cuồng mê đến chết.

Rừng là “ngân hàng”cung cấp gỗ và tạo oxy, là nơi cư trú của động vật, là lá chắn gió bão. Việc đốt phá rừng một cách vô tội vạ (thay vì phát hoang nhất định để cải tạo môi trường) hoặc vô ý làm cháy rừng là gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường sống của chúng ta. Việc khai thác rừng trái phép hoặc đốt núi rừng cây cỏ, có thể người đó không “cuồng mê đến chết” ngay trong hiện tại, nhưng cộng đồng có thể chết dần theo năm tháng.

II. Bảo vệ động vật 

[…] Nếu gặp kẻ buông lung săn bắn, thời Ngài dạy rõ quả báo kinh hãi điên cuồng mất mạng.

Buông lung là hành vi của bất chấp hoặc săn bắt động vật mà không được cấp phép. Quả báo “kinh hãi điên cuồng mất mạng” có thể cường điệu hóa cho một bản án. Nhưng nếu buông lung săn bắt động vật quý hiếm có thể dẫn đến ngồi tù!

[…] Nếu gặp kẻ dùng lưới bắt chim non, thời Ngài dạy rõ quả báo cốt nhục chia lìa.

Đoạn này có nói là “chim non”, là “bé thơ còn trong vòng tay mẹ”, chúng chưa đủ sự phản vệ nhất định để đào thoát sự truy bắt của con người. Việc “bắt chim non” ở bất kỳ quốc gia cũng là hành vi vô nhân đạo, đó là sự săn bắt động vật theo hướng tận diệt.

[…] Nếu gặp kẻ dùng nước sôi hay lửa, chém chặt, giết hại sinh vật, thời Ngài dạy rõ quả báo phải luân hồi thường mạng lẫn nhau.

Điều 71 Luật Chăn Nuôi (Luật số: 32/2018/QH14), khoản 2 và 3 nêu: “Hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi; Có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ”.

Việc dùng nước sôi hay lửa, giết hại sinh vật là ngược đãi và tra tấn động vật dã man là hành vi vô nhân đạo, thay vì phải có “biện pháp gây ngất” trước khi giết mổ.

“Việc luân hồi thường mạng lẫn nhau” cũng là “bản án” răng đe, nhằm thiểu số hóa việc săn bắt động vật, giết hại tràn lan và vô nhân tính.

III. Xây dựng đời sống cộng đồng lành mạnh 

[…] Nếu gặp kẻ tà kiến mê tín, thời Ngài dạy rõ quả báo thọ sanh vào chốn hẻo lánh.

[…] Nếu gặp kẻ hủy báng Tam Bảo, thời Ngài dạy rõ quả báo đui, điếc, câm, ngọng.

[…] Nếu gặp kẻ ô nhục người hạnh thanh tịnh và vu báng Tăng già, thời Ngài dạy rõ quả báo ở mãi trong loài súc sanh.

Người vô minh thì tỉ lệ thuận với tà kiến, còn người có trí tuệ đi liền với chánh kiến. Họ nhìn sự vật khách quan và đúng bản chất của nó.

Hình ảnh Tăng Ni trong xã hội hiện nay cũng là điều đáng bàn và nhìn lại, nhưng mía sâu có đốt, nhà dột có nơi. Người có chánh kiến thì không bao giờ thổi phòng một cá thể u nhọt lên thành một hiện tượng phổ quát. Việc quy chụp vô căn cứ và khái quát hóa vội vã thường đi liền cảm xúc cá nhân và ác ý, nhưng thường là họ dễ nhập vai làm “nghệ sĩ” giỏi ngụy trang với lớp vỏ xây dựng, nhưng thật ra là cào bằng mọi giá trị: thanh tịnh hay nhiễm ô đều úp sọt!

IV. Xây dựng đạo đức bản thân - Giữ gìn năm giới 

Giới 1: Nầy bốn ông Thiên Vương! Ngài Địa Tạng Bồ Tát nếu gặp kẻ sát hại loài sanh vật, thời dạy rõ quả báo vì ương lụy đời trước mà phải bị chết yểu.

Giới 2: Nếu gặp kẻ trộm cắp, thời Ngài dạy rõ quả báo nghèo khốn khổ sở.

Giới 3: Nếu gặp kẻ tà dâm thời Ngài dạy rõ quả báo làm chim se sẻ, bồ câu, uyên ương.

Giới thứ 4: Nếu gặp kẻ nói lời thô ác, thời Ngài dạy rõ quả báo quyến thuộc kình chống nhau.

Nếu gặp kẻ hay khinh chê, thời Ngài dạy rõ quả báo không lưỡi, miệng lở.

Nếu gặp kẻ hủy báng Tam Bảo, thời Ngài dạy rõ quả báo đui, điếc, câm, ngọng.

Giới 5 (phẩm 8: Các vua Diêm la khen ngợi, mục 6: Khi sanh nở nên làm lành kiêng ác; phẩm thứ 12: “Thấy nghe được lợi ích” mục 8: Được trí huệ và mục 10: Khỏi hiểm nguy). 

Những ai chỉa mũi vào Kinh Địa Tạng, rằng đây là kinh văn phi Phật thuyết. Nghe lời nói ấy, là Phật tử không nên phiền lòng ngay và “nhanh tay” tiếng bảo vệ. Điều đó dẫn tới vũng lầy tranh cãi mất thời gian, nó cũng chẳng hay ho gì cho Phật giáo chúng ta (nếu cuộc đối thoại này Phật tử….tay đôi khác ý thức hệ). 

Kinh Phật không cần ai bảo vệ, mà cần phải hiểu đúng, vậy thôi!

Nguồn: Long Vân Tự. 

loading...