Kiến thức

Giáo Dục Tăng Ni là Phật sự quan trong hàng đầu của Giáo Hội

Thứ năm, 15/07/2022 04:11

Đối với Phật giáo, một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự hưng thịnh đó là chất lượng của Tăng Ni. Chùa chiền dù xây dựng to lớn như thế nào, nhưng nếu không có Tăng Ni tu tập và hướng dẫn Phật tử theo đúng Chánh pháp của Phật thì ngôi chùa cũng không có ý nghĩa.

Tuy nhiên, nếu Tăng Ni không được đào tạo, thiếu sự tu học thì Phật giáo cũng khó phát triển được. Do vậy, Phật sự giáo dục Tăng Ni luôn được chư vị tiền bối quan tâm, xem đó là một trong những công việc quan trọng hàng đầu của bất cứ tổ chức Phật giáo, ở bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào.

Từ nửa đầu thế kỷ XX, Tổ Khánh Hòa đã đặt vấn đề phải mở trường đào tạo Tăng Ni, và xem đó là một trong bốn nội dung căn bản để chấn hưng Phật giáo ở nước ta. Trước đây, chư tôn đức tiền bối đã chủ trương xây dựng các Phật học viện, Phật học đường đào tạo Tăng tài, song song với đào tạo truyền thống sơn môn, tổ đình, hệ phái.

Tôi còn nhớ ngay từ khi GHPGVN được thành lập (1981), Đức Trưởng lão HT.Thích Đức Nhuận khi được Đại hội cung thỉnh suy tôn vào ngôi Pháp chủ của Giáo hội, ngài đã đưa ra mấy yêu cầu trong đó có nội dung được mở trường đại học đào tạo Tăng Ni tại 3 miền đất nước, và đã được Nhà nước chấp thuận, Trường Cao cấp Phật học cơ sở tại Hà Nội và TP.HCM được thành lập rất sớm - tiền thân của hệ thống Học viện Phật giáo Việt Nam bây giờ.

37

Qua đó có thể khẳng định rằng, Tăng Ni là linh hồn của Phật giáo. Giai đoạn nào Tăng Ni được đào tạo tốt, thực học và thực tu, thì giai đoạn đó Phật giáo hưng thịnh.

Là vị giáo phẩm được suy cử làm Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương ngay từ ngày GHPGVN thành lập (11-1981), sau mấy mươi năm gắn bó với Phật sự hoằng pháp, Hòa thượng được Giáo hội giao phó trọng trách Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, kế thừa Trưởng lão HT.Thích Minh Châu, từ đó, các công tác, tiến độ xây dựng cơ sở mới Học viện liên tục được thúc đẩy. Trước sự kiện khánh thành giai đoạn 1, cơ sở Học viện Phật giáo VN tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, Hòa thượng suy nghĩ gì về lộ trình của Học viện đã đi, và dự hướng tương lai?

- Trong hoàn cảnh những năm sau khi đất nước thống nhất, Giáo hội mới được thành lập, mọi việc còn khó khăn, mặc dù tôi được giao vai trò là người đứng đầu ngành hoằng pháp, nhưng việc đào tạo Tăng tài luôn là sự ưu tư trong tâm, do đó tôi đã cố gắng để mở được các lớp đào tạo giảng sư. Kể từ khi về làm Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ, tôi đã cho xuất bản phụ trương nghiên cứu Phật học - Nguyệt san Giác Ngộ bên cạnh tờ tuần báo, kết hợp với Ban Hoằng pháp Trung ương mở các khóa Phật học hàm thụ, Đào tạo từ xa liên tục nhiều năm liền, tổng số có hàng ngàn học viên là Tăng Ni, Phật tử cũng như nhiều thành phần khác trong và ngoài nước đăng ký theo học.

Khi được Giáo hội cung cử làm Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, thay Trưởng lão HT.Thích Minh Châu, Viện trưởng sáng lập, chúng tôi đã kế thừa thành tựu trong sự nghiệp của ngài và các vị tiền nhiệm, mở rộng phạm vi và đối tượng đào tạo.

Theo đó, Hội đồng Điều hành đã chủ trương thành lập các khoa, mở thêm nhiều chuyên ngành học mới cho Tăng Ni. Gần đây, Học viện đã có thêm các khoa Hoằng pháp, Công tác xã hội và Sư phạm Giáo dục mầm non…

Trong tương lai, Học viện sẽ mở thêm một số khoa ứng dụng, nhằm nâng cao khả năng quản lý cơ sở Phật giáo như trụ trì các tự viện, tham gia lãnh đạo các cấp Giáo hội cơ sở một cách bài bản và hiệu quả hơn.

Qua các thông tin khảo sát kết quả đào tạo của Học viện trong nhiều khóa cũng như qua kinh nghiệm đào tạo Tăng tài trước đây, thực tế cho thấy, các vị Tăng Ni xuất thân từ các môi trường Phật học viện, Phật học đường thường có khả năng làm việc, đạo hạnh được trau dồi, có tính kỷ luật và ý thức trách nhiệm tự thân cao, vì khi cộng trú cùng tu cùng học, chúng ta sẽ dễ dàng theo đó phát huy sở học, sở tu cũng như khả năng tùy duyên bất biến trong mọi hoàn cảnh. Bản thân tôi cũng nhờ môi trường Phật học đường mà có được như hôm nay.

dao-tao-tang-ni-sau-dai-hoc

Do đó, với vai trò là Viện trưởng, tôi cùng Hội đồng Điều hành Học viện, Ban Bảo trợ đã hạ quyết tâm xây dựng cho được môi trường nội trú cho Tăng Ni sinh viên. Học cần song hành với tu, môi trường giáo dục dành cho Tăng Ni phải làm sao không chỉ thiên về kiến thức mà phải bảo đảm sự tu tập, thực hành giới luật và thiền định qua sinh hoạt hàng ngày, cùng với các kỹ năng cần thiết cho việc hành đạo sau khi ra trường tùy theo tâm nguyện của mỗi vị và yêu cầu của Giáo hội.

Được Nhà nước tạo điều kiện cấp đất với diện tích khá rộng, tương đối xa thành phố, cơ sở mới tại xã Lê Minh Xuân - huyện Bình Chánh của Học viện đủ duyên, vừa tầm cho mô hình một tòng lâm - phù hợp với công việc đào tạo, giáo dục Tăng Ni.

Tôi còn nhớ trước đây, cố Trưởng lão HT.Thích Thiện Hoa đã chủ trương xây dựng mô hình giáo dục - tòng lâm nhưng ngài chưa thực hiện được. Trong hướng tới, cơ sở mới của Học viện tại xã Lê Minh Xuân sẽ là trung tâm đào tạo Tăng Ni tập trung, đưa chương trình trung cấp Phật học của thành phố về đây bên cạnh chương trình đại học và hậu đại học của Học viện.

Đầu tháng Tư âm lịch này Học viện sẽ khánh thành giai đoạn 1, trên diện tích 6ha, bắt đầu áp dụng chương trình tu học nội trú cho Tăng Ni sinh khóa XI, tất cả an cư tập trung tại cơ sở mới. Giai đoạn 2, sẽ xây dựng thêm các hạng mục và hoàn thiện môi trường cảnh quan trên 16 ha còn lại, xây dựng thư viện, thư viện điện tử, hội trường lớn, khách xá dành cho các học giả quốc tế đến giảng dạy, làm việc lưu trú… đáp ứng cho việc trao đổi nghiên cứu sinh với các đại học Phật giáo các nước, hỗ tương cho nhau trong việc truyền bá Chánh pháp khắp địa cầu…

Chúng tôi nghĩ, giáo dục, đào tạo Tăng Ni phải làm sao vừa có học vị lại vừa có chất liệu tu hành, như vậy chúng ta mới có được những vị lãnh đạo, làm Phật sự tốt, làm cho Phật giáo phát triển được.

Năm nay, được biết Hòa thượng đã gần 80 tuổi, nhưng theo quan sát, Hòa thượng vẫn có phong thái nhanh và nhạy; cùng lúc, Hòa thượng là vị giáo phẩm đảm nhiệm nhiều trọng trách của Giáo hội, lúc thì thấy Hòa thượng ở nơi công trường Việt Nam Quốc Tự, lúc lại đích thân giám sát công trình xây dựng cơ sở Học viện tại xã Lê Minh Xuân, nhưng không bao giờ vắng mặt trong các kỳ bố-tát, vẫn chủ trì các cuộc họp giao ban của các nơi mà Hòa thượng là người lãnh đạo…, xin Hòa thượng có thể chia sẻ bí quyết nào để Hòa thượng luôn có được sức khỏe, sự nhạy bén và minh mẫn trong công việc như thế?

- Điều đó thuộc về kinh nghiệm tu. Qua nghiên cứu hành trạng của chư Tổ, các vị đi trước, các bậc cao tăng trong và ngoài nước mà tôi có duyên gặp gỡ, trao đổi và làm việc, tích hợp những kinh nghiệm đó rồi ứng dụng, thành ra con đường đi của bản thân.

Điều quan trọng đối với tôi là giờ nào việc đó. Sắp xếp không để các việc chồng lấp lên nhau, đồng thời khi đang làm việc này thì tâm không nghĩ đến chuyện khác.

Thêm nữa, cần có một lịch sinh hoạt tiết chế và điều độ trong ăn uống, ngủ nghỉ, thực hành thiền định. Không thái quá và không sử dụng thực phẩm, những gì không phù hợp cho cơ thể, tránh các tình huống tạo nên sự rối loạn trong sinh hoạt của người tu, đặc biệt phải biết tận dụng thời gian tịnh tâm thay cho sự ngủ nghỉ.

Khi gặp các hoàn cảnh khó khăn, tôi thường đóng cửa để có thời gian thiền định. Kinh nghiệm cho thấy các vị thiền sư ăn ít, ngủ nghỉ cũng ít nhưng năng lượng vẫn luôn dồi dào. Tôi ứng dụng như vậy và thấy mọi việc tốt lên.

Với vai trò Viện trưởng, Hòa thượng có nhắn nhủ gì đến Tăng Ni, Phật tử, đặc biệt là Tăng Ni sinh viên của Học viện khóa XI sẽ nội trú tại cơ sở mới?

- Đây là khóa đầu tiên nội trú tại cơ sở mới, nên chắc chắn còn nhiều điều bất cập, sẽ phải tiếp tục điều chỉnh để ngày càng phù hợp, tạo thuận duyên cho việc tu và học của Tăng Ni sinh viên. Do đó, các Tăng Ni sinh cần cố gắng, cùng chia sẻ cùng Hội đồng Điều hành, từng bước sẽ được nâng cao, tốt hơn.

Trong tinh thần Lục hòa cộng trú, cùng với đức tính của người tu, tôi tin tưởng các Tăng Ni sinh viên sẽ tạo nên môi trường tòng lâm trang nghiêm, tinh tấn, đầy năng lượng an lạc trong mùa an cư năm nay.

Với các vị bổn sư, y chỉ sư của Tăng Ni sinh, và chư vị Tăng Ni nói chung, chúng ta cần có trách nhiệm cao trong việc độ người xuất gia, khuyến khích và tạo điều kiện vừa đủ cho những nhu cầu hợp lý trong sinh hoạt của người tu, làm sao để thế hệ đàn em, đệ tử mình ngày mỗi được nâng cao hơn sở học và chất liệu tu tập, đạo hạnh, bởi đó là hành trang quý nhất của người tu.

05tang2-1013

Đối với các Phật tử đã đóng góp cho việc xây dựng Học viện, cho đến hôm nay, giai đoạn 1 đã hoàn thành như dự kiến, nếu quý vị cảm thấy trong lòng sanh năng lượng hoan hỷ thì sẽ có phước báu thiện lành, nên tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp đào tạo Tăng Ni. Đó cũng là một pháp tu.

Tuy nhiên, nếu vị nào có hoàn cảnh gia đạo khó khăn thì nên tạm ngưng việc đóng góp, đừng để ảnh hưởng làm trở ngại cho sự an lạc của bản thân, gia đình và sự nghiệp của mình. Đó là tinh thần mà Đức Phật đã dạy trong Kinh tạng, chúng ta cần thực hành.

333

Từ thời của Trưởng lão HT.Thích Minh Châu, Viện trưởng sáng lập, đến giai đoạn tôi làm Viện trưởng, lộ trình giáo dục Phật học của Học viện đối với Tăng Ni sinh viên (TNSV) là nhất quán, gồm 3 phương diện. (1) TNSV đạt được pháp học (Pariyatti-dhamma), tức giáo dục có hệ thống các chân lý được Phật dạy trong 3 kho tàng kinh luật luận, thể hiện qua các môn thế giới quan, nhân sinh quan, xã hội quan, đạo đức quan, tu tập quan và giải thoát quan Phật giáo, được chuyển tải qua các ngành học thuộc khoa học xã hội - nhân văn và khoa học tự nhiên. (2) TNSV trải nghiệm pháp hành (Patipatti-dhamma) trong cuộc sống thường nhật bao gồm làm chủ giác quan, tu tập thiền chỉ, phát triển thiền quán để làm chủ thân và tâm. (3) là pháp thành (Pativedha-dhamma), tức chứng đạt các mục tiêu đạo đức, thiền định, trở thành bậc chân nhân, tiệm cận thánh nhân và thánh nhân, trên nền tảng chứng đạt các quả thánh. Ba phương diện giáo dục này không tách rời nhau, theo đó, người hoàn tất "pháp học” phải là người đang sống với "pháp hành” để có được "pháp thành” trong kiếp sống bây giờ và tại đây.Nền giáo dục của Đức Phật nhấn mạnh đến sự hoàn thiện 3 mục tiêu giáo dục cao cấp, thường được gọi là "tam tăng thượng học” (Tisikkhā). Hoàn thiện giáo dục đạo đức (Adhisīlasikkhā, tăng thượng giới học) giúp người học, một mặt tuân thủ luật pháp, mặt khác phát triển các nhân cách cao thượng, nhờ đó, trở thành bậc chân nhân, chuẩn mực về đạo đức, làm chủ lối sống, thói quen, hành vi và các ứng xử. Giáo dục đạo đức được Đức Phật nâng thành mục tiêu giáo dục hàng đầu, vì thiếu đạo đức nguồn tri thức mà con người sở hữu có thể trở thành mối đe dọa cho sự cộng sinh, công bằng xã hội và hòa bình thế giới. Các khủng hoảng xã hội tại Việt Nam trong 4 thập niên qua có gốc rễ từ sự xuống cấp đạo đức; mà một phần là do nền giáo dục nước ta bỏ quên môn đạo đức học trong các cấp học. Do đó, "tiên học đức” nên được nâng thành chủ trương giáo dục và là kỹ năng sống cho mọi người.

Giáo dục thiền định (Adhicittasikkhā, Tăng thượng tâm học) giúp phát triển tâm ý theo hướng khai phóng cao nhất. Để đạt được mục tiêu giáo dục này, TNSV vừa học triết lý thiền, phương pháp thiền, trị liệu thiền còn được hướng dẫn kỹ năng ứng dụng thiền chỉ, thiền quán, thiền minh sát trong đời sống, qua việc làm chủ các động tác đi, đứng, nằm, ngồi; nói, nín, động, tĩnh; thức, ngủ… Ngoài làm chủ thân thể, cảm giác, tâm, các ý niệm trong tâm, người thực tập thiền trở nên điềm tĩnh, không dao động trước các hoàn cảnh thuận và nghịch, theo đó làm chủ và quản trị tình huống một cách tích cực, có hiệu quả cao nhưng đồng thời không để lại các phản dụng phụ tiêu cực.

Giáo dục trí tuệ (Adhipaññāsikkhā, tăng thượng tuệ học) được xem là mục tiêu cuối cùng của giáo dục Phật giáo, nhằm giúp TNSV có tầm nhìn xa, hiểu biết rộng, có kiến thức nhân quả về các vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa và mọi phương diện khác của cuộc sống. Người đạt trí tuệ có khả năng ứng xử hợp với luật pháp, thuận với đạo đức và lương tâm. Trí tuệ đạt được từ việc học Phật là trí tuệ như thật (Sacca-ñāna), có thể giúp ta thấy được thực tại khổ đau, nguyên nhân bất hạnh, trải nghiệm Niết-bàn và thực tập Bát chính đạo, con đường dứt khổ. Loại trí tuệ này giúp con người tăng cường bản lĩnh giáp mặt cuộc đời, kết thúc bất hạnh, xây dựng an vui.

Để đạt được trí tuệ, Đức Phật dạy có 3 cách thức: (a) trí tuệ do học rộng hiểu nhiều về chân lý và quy luật, (b) trí tuệ đạt được do quán chiếu, thẩm sát về chân lý, (c) trí tuệ đạt được do tu tập thiền định, hoàn thiện đạo đức. Nhờ sở hữu trí tuệ này, con người đạt được cái nhìn như thật về mọi sự vật như chúng đang là. Chính vì thế, Đức Phật khẳng định "trí tuệ là sự nghiệp” của mọi người, trong đạo cũng như ngoài đời. Trí tuệ dẫn đến các thành tựu tích cực, góp phần tạo ra sự phát triển bền vững. Nơi nào có trí tuệ, nơi đó có hạnh phúc. Người nào có trí tuệ, người đó trở nên cốt lõi như Đức Phật đã dạy trong kinh Trung bộ: "Cái gì là lõi cây, cái đó tồn tại lâu dài”. 

loading...