Sách Phật giáo
Giáo hội Phật giáo Việt Nam 35 năm Thành tựu và Đổi mới
Thứ hai, 05/11/2016 10:19
Chú trọng đào tạo tăng tài đáp ứng đủ số lượng, chất lượng phân bổ đồng đều, để thực hiện được nhiệm vụ chiến lược đó đòi hỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải có tầm nhìn, có kế sách bài bản, đào tạo và sử dụng khuyến tấn tăng, ni dấn thân phụng sự đạo pháp
1. Đặt vấn đề
Trong hơn 2000 năm có mặt và đồng hành cùng dân tộc, có nhiều thời kỳ Phật giáo là quốc đạo, điển hình nhất là thời đại Lý - Trần.
Nhiều danh tăng Phật giáo đã được sử sách ghi lại, tiêu biểu là tấm gương Khuông Việt quốc sư, Vạn Hạnh thiền sư, Phật hoàng Trần Nhân Tông, Thiền sư Thích Quảng Đức... đó là những bậc thánh nhân xuất hiện giúp đời. Đó cũng chính là tấm gương cho hậu thế tiếp tục phấn đấu và noi theo nhằm đưa Phật Giáo Việt Nam (PGVN) ngày càng có uy tín và có ảnh hưởng tốt đẹp trong xã hội.
Sau năm 1975, khi miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất Nam – Bắc sum họp một nhà, PGVN bước vào vận hội mới của đất nước, thống nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Từ năm 1981 tất cả các hệ phái PGVN đã thống nhất trong ngôi nhà chung là Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã làm cho PGVN không ngừng phát triển và lớn mạnh cả về bề rộng lẫn chiều sâu tức là cả về số lượng và nội dung hoạt động. Sau khi 9 tổ chức, hệ phái thống nhất trong ngôi nhà chung GHPGVN, Phật giáo Việt Nam đã bước vào một quá trình phát triển mới với những thành tựu và quá trình đổi mới căn bản.
2. Thành tựu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Từ năm 1981 đến nay GHPGVN trải qua 7 kỳ Đại hội, mỗi kỳ đại hội cơ cấu tổ chức và nhân sự đều được củng cố và kiện toàn để đáp ứng nhu cầu hoạt động phật sự trong tình hình mới. Hoạt động phật sự phong phú với 13 ban, ngành viện hoạt động kết quả tốt. Hoạt động tăng sự ổn định và mở rộng với 63/63 tỉnh thành phố có tổ chức của Giáo hội. Công tác Giáo dục đào tạo tăng, ni đã khởi sắc, mở rộng quy mô và loại hình đào tạo với 4 Học viện PGVN tại Hà Nội, Huế, Tp.HCM và Cần Thơ cùng 30 trường TCPH cho các tỉnh thành. Công tác Hoằng pháp được mở rộng và đi vào chiều sâu cho các phật tử. Công tác nghiên cứu Phật học ngày càng được phát huy tính trong sáng và tích cực trong giáo lý đạo Phật đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu đạo Phật của tăng, ni, phật tử và các nhà khoa học xã hội. Công tác Phật giáo quốc tế không ngừng được mở rộng nhằm thắt chặt tình hữu nghị và hợp tác giữa GHPGVN và các tổ chức Phật giáo trong khu vực và trên thế giới. Giáo hội tham gia nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế về tôn giáo, đóng góp những hoạt động của mình vào thành công chung của các hội nghị. Công tác nghi lễ cũng có nhiều khởi sắc nhất là mấy năm gần đây Đại lễ Phật đản thực sự trở thành ngày lễ hội của PGVN, của người phật tử Việt Nam mang tính nhân văn sâu sắc với tinh thần kỷ niệm đức Phật là một nhà văn hóa lớn của nhân loại.
Hiện nay cả nước có khoảng 50,000 tăng, ni trên 17,000 cơ sở thờ tự và trên 12 triệu tín đồ phật tử có điệp Quy y, hàng chục triệu đồng bào yêu mến và tin quý đạo Phật đang sinh hoạt tại các hội quy và đạo tràng các tự viện.
Phật giáo là tôn giáo có đông tín đồ nhất trong các tôn giáo tại Việt Nam, Phật giáo cũng là tôn giáo có lịch sử phát triển lâu đời nhất tại Việt Nam so với các tôn giáo khác. Đặc biệt hơn Phật giáo Việt Nam có truyền thống “hộ quốc an dân”, “đồng hành cùng dân tộc” qua các thăng trầm và biến cố của lịch sử, nên văn hóa Phật giáo thầm nhuần với nền văn hóa dân tộc mà có nhà nghiên cứu đã ví von là như “cá với nước”, nó có vai trò cộng sinh và tương hỗ cấu thành nền văn hóa dân tộc Việt Nam.
Kế thừa di sản đó là một thuận lợi rất lớn, một điều kiện cơ bản và vững chắc để xây dựng Phật giáo ngày càng trang nghiêm và vững mạnh trong lòng dân tộc.
Công tác xây dựng và củng cố cơ sở các cấp Giáo hội tại địa phương được kiện toàn, đến nay đã có 63/63 tỉnh thành trên toàn quốc có tổ chức Đại diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đặc biệt nhiệm kỳ vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã xây dựng được một số chùa ngoài đảo Trường Sa, đảo Sinh Tồn, đảo Song Tử Tây. Những ngôi chùa mang đậm dấu ấn văn hóa của dân tộc Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Viêt Nam đã cử một số vị sư ra đảo trụ trì phục vụ nhu cầu tín ngưỡng cho bà con trên đảo.
Nhân tố chủ yếu thúc đẩy Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoàn thành mọi công tác phật sự đó là những thuận lợi khách quan và chủ quan, qua các văn bản quy phạm pháp luật mà đỉnh cao là Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, Nghị định số 92 CP đã làm cơ sở cho hoạt động tôn giáo thêm thuận lợi và đạt nhiều kết quả. Cộng với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền và sự ủng hộ của đông đảo bà con phật tử.
3. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động phật sự
Trong quá trình xây dựng và phát triển, có thể điểm qua những thành tựu đổi mới cơ bản của GHPGVN, như:
Kiện toàn cơ chế tổ chức, qua các kỳ Đại hội mỗi lần GHPGVN lại ghi thêm những dấu ấn mới về sự trưởng và phát triển. Năm 2012, tại Đại hội lần thứ VII của GHPGVN, Giáo hội đã tiến hành tu chỉnh Hiến chương với nhiều nội dung mới và quan trọng
Hiến chương được tu chỉnh có 13 chương, 71 điều. Hiến chương V đã có nhiều thay đổi quan trọng liên quan đến cơ cấu, tổ chức trong hệ thống giáo hội. Hệ thống Giáo hội cấp T.Ư từ sau Đại hội có 13 ban, ngành tăng thêm 3 ban (Ban Truyền thông, Ban Pháp chế, Ban Kiểm soát), ngành so với nhiệm kỳ trước.
Bên cạnh đó điểm mới của Hiến chương V là danh xưng của các cấp Giáo hội. Theo đó, danh xưng của các cấp sẽ được gọi thống nhất "Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tỉnh, Thành phố (hoặc quận, huyện,...) và cơ quan hành chính, điều hành, quản lý trực tiếp mọi mặt hoạt động Phật sự của cấp đó đều được gọi là "Ban Trị sự" (từ Đại hội VI Giáo hội Phật giáo có cấp hành chính thứ 3 là cấp quận -huyện, thị xã).
Hiến chương cũng quy định rõ độ tuổi thành viên tham gia Hội đồng Trị sự không quá 80 tuổi; mỗi thành viên không kiêm nhiệm quá 2 chức danh trong Ban thường trực; mỗi chức danh không quá 3 nhiệm kỳ.
Đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo và sinh hoạt Phật giáo cho bà còn kiều bào, Giáo hội đã công nhận 06 Hội Phật tử Việt Nam tại các nước châu Âu như: Cộng hòa liên bang Nga, Đưc, Séc, Hungari, Ba Lan, Ucraina và Lào.
GHPGVN cũng đã 2 lần đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc vào các năm 2008 tại Hà Nội và 2014 tại Bái Đính – Ninh Bình. Qua việc tổ chức Đại lễ Phật Đản, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có dịp giới thiệu hình ảnh, hoạt động văn hóa, kiến trúc Phật giáo Việt Nam đến bạn bè thế giới, góp phần nâng cao vị trí không chỉ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và của cả đất nước trên trường quốc tế.
Công tác giáo dục tăng ni phật tử được quan tâm, chú trọng: các hội thảo giáo dục như Hội nghị chuyên đề Giáo dục Phật giáo, Hội nghị của 04 Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, tổ chức Hội thảo giáo dục Phật giáo toàn quốc tại Hà Nội, các trường lớp của Phật giáo Nam Tông, gần đây có Hội thảo tăng ni trẻ với việc xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, góp phần xây dựng đất nước.
Trong Nhiệm kỳ VII (2012 – 2017), GHPGVN tập trung vào các nhiệm vụ phật sự trọng yếu như: Công tác kiện toàn và phát triển tổ chức Giáo hội; công tác Tăng sự; công tác giáo dục đào tạo tăng ni; công tác hoằng dương chính pháp; công tác văn hóa Phật giáo: giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc; công tác nghi lễ Phật giáo; công tác hướng dẫn phật tử; công tác từ thiện xã hội; công tác nghiên cứu Phật học; công tác đối ngoại Phật giáo; công tác truyền thông Phật sự; công tác kinh tế tài chính; và công tác xây dựng bảo vệ Tổ quốc.
GHPGVN các cấp cũng đang tích cực góp ý vào Dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo mà các cơ quan soạn thảo của Nhà nước đang trình để lấy ý kiến đóng góp của các tôn giáo. GHPGVN đã tích cực triển khai tìm hiểu và góp ý thông qua tất cả các cơ chế và các cấp, góp ý qua các lần lấy ý kiến của Ban soạn thảo, qua kênh của Ủy ban T.Ư MTTQVN, qua kênh lấy ý kiến của các tổ chức trực thuộc các cấp. Bằng cách đó, thêm một lần nữa GHPGVN quan tâm đến khuôn khổ pháp lý của Nhà nước để tạo hành lang hoạt động của đạo Phật cũng như của các tôn giáo nói chung trên tinh thần tôn trọng quyền tự do tôn giáo của mọi người.
4. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang tích cực triển khai một số giải pháp để Phật giáo phát triển, đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay:
Chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, chùa chiền, tịnh xá, cơ cở thờ tự, đồng đều trên khắp mọi vùng miền đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng tâm linh
Chú trọng đào tạo tăng tài đáp ứng đủ số lượng, chất lượng phân bổ đồng đều, để thực hiện được nhiệm vụ chiến lược đó đòi hỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải có tầm nhìn, có kế sách bài bản, đào tạo và sử dụng khuyến tấn tăng, ni dấn thân phụng sự đạo pháp; mặt khác phải dũng cảm gạt bỏ rào cản kỹ thuật, các tập quán cố hữu theo tư tưởng cục bộ, bản vị để tăng ni trẻ có cơ hội cống hiến, dấn thân phụng sự đạo pháp và dân tộc.
Đẩy mạnh hoằng pháp, truyền thông để cho người dân Việt Nam nói chúng đã có tín ngưỡng và yêu mến đạo Phật có cái hiểu chính tín về đạo Phật biết ứng dụng triết lý đao Phật vào cuộc sống mang lại lợi lạc và hạnh phúc cho quần sinh.
Soạn thảo và đi đến việc thống nhất về nghi lễ chung của Giáo hội, đồng thời phát huy truyền thống và bản sắc của từng sơn môn, hệ phái, cần có sự thống nhất kinh sách, Việt hóa về kinh điển, thống nhất về nghi lễ trên toàn quốc để đảm bảo sự thống nhất và trang nghiêm của Phật giáo. Nghi thức này phải phản ánh được các lời dạy căn bản của đức Phật trong hai truyền thống Nam tông và Bắc tông. Ngôn ngữ của nghi thức phải là quốc ngữ của quốc gia và ngôn ngữ địa phương đối với các dân tộc thiểu số.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về Phật giáo, đặc biệt là với các nước có truyền thống Phật giáo và có mối quan hệ truyền thống với dân tộc Việt Nam; đẩy mạnh quan hệ Phật giáo quốc tế, giữa các giáo hội và tông môn, pháp phái Phật giáo trên toàn thế giới, trong sứ mệnh phục vụ nhân sinh, thiết lập hoà bình.
Tăng cường hoằng pháp và hành đạo để thích ứng với sự phát triển mới của xã hội.
Cần có chiến lược và định hướng để chấn hưng Phật giáo, trên nền tảng văn hoá dân tộc.
Cụ thể hóa một cách rõ ràng các định hướng Phật giáo đồng hành với dân tộc, một cách thiết thực và khả thi.
Tu chỉnh Hiến chương Phật giáo phù hợp với hiện tình Phật giáo trước bối cảnh chính cần, luật pháp, kinh tế và văn hoá, để làm cho đạo Phật phát triển đồng hành với dân tộc hiệu quả hơn, nhưng lại độc lập với chính trị của các chính thể.
Khắc phục bệnh hình thức, quá chú trọng về phần nghi lễ hình tướng chưa có sự phát triển về hoằng pháp về giáo dục, văn hóa, truyền thông để Phật giáo đi vào đời sống có chiều sâu hơn, vững bền hơn.
Trên đây là một số đánh giá cơ bản những thành tựu và đổi mới mà GHPGVN đã và đang thực hiện, trong đó có việc Giáo hội nắm bắt được các cơ hội và thuận lợi và nhận diện được những thách thức khó khăn, từ đó đưa ra được những giải pháp hữu hiệu để GHPGVN ngày càng phát triển vững mạnh cùng với các tôn giáo khác đóng góp hữu ích vào sự nghiệp đại đoàn kết các dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam