Kiến thức
Giáo lý “Tứ y” là gì?
Thứ hai, 14/09/2023 10:30
Giáo pháp tứ y trong đạo Phật là giáo pháp nói về bốn phương pháp thực tập sự nương tựa (y cứ) dẫn đến giác ngộ giải thoát.
1. Y Pháp bất y nhân
Y theo giáo pháp chẳng y theo người:
Pháp Phật là lẽ thật, là chân lý, quý báu vô lượng.
Người giảng nói pháp ấy tuy có hành vi không chân chánh, nếu mình vì chút hành vi đó không tin nhận hoặc không chịu đến nghe ắt sẽ mất phần lợi lạc.
Để gạt bỏ tâm phân biệt tỵ hiềm này Phật dạy chúng ta phải cố gắng học hỏi rồi y cứ giáo pháp Phật dạy để tu hành, mặc dù người giảng dạy có tốt hay xấu không cần thiết.
Xưa khi còn làm hạnh Bồ Tát, Phật vẫn đến nghe Dã Can nói pháp.
Trong Luận Đại Trượng Phu có dụ như trong thùng rác nhơ có hòn ngọc quý, chúng ta đừng ngại vì thùng rác nhơ mà không chịu thò tay lấy ngọc.
Nghĩa y pháp bất y nhân là như vậy.
2. Y nghĩa bất y ngữ.
Y theo nghĩa lý chẳng y theo văn tự ngôn ngữ:
Nghĩa Phật nói ra nhằm dạy chúng ta đạt được chân lý, lẽ thật của sự vật.
Người học phải y theo nghĩa đó mà tu hành để đạt chân lý, đừng chạy theo phân biệt văn tự ngôn ngữ, dù ngôn ngữ văn tự đó có kém dở, có vụng về, chúng ta cũng không nên cố chấp.
Giáo pháp của Đức Phật là toa thuốc trị liệu mọi nỗi khổ đau của nhân sinh
3. Y trí bất y thức.
Y theo trí không y theo tình thức phân biệt:
Dùng trí để quán xét mới hợp chân lý.
Trái lại, thức thì hợp với tình cảm, tình cảm là theo nghiệp.
Vì vậy, muốn đạt được chân lý phải sống bằng trí tuệ, gạt bỏ mọi tình cảm phân biệt theo vọng thức.
4. Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa.
Y theo kinh điển liễu nghĩa, chẳng y theo kinh điển không liễu nghĩa:
Kinh điển Phật nói ra tùy căn cơ, tùy tâm bệnh, như vị lương y tùy bệnh cho thuốc nên có cao thấp chẳng đồng, nhưng mục đích cứu cánh là giải thoát sinh tử.
Những kinh điển chỉ thẳng đến quả vị giải thoát viên mãn (Phật) là kinh liễu nghĩa.
Trái lại, kinh điển nào dùng phương tiện cho hàng căn cơ thấp kém, như Nhân thừa, Thiên thừa v.v... là kinh điển bất liễu nghĩa.
Vậy người tu Phật muốn ra khỏi sinh tử thẳng đến Phật quả phải lấy "Tứ y" này làm kim chỉ nam để hướng thẳng đến đạo giác ngộ.