Kiến thức
Gieo giống phước điền
Thứ ba, 09/06/2023 08:30
Chúng ta gieo giống phước điền là một phước báo tối thượng ở cõi người, để chuẩn bị cho mình một hành trang trong kiếp sống mới.
Theo truyền thống Phật giáo Bắc tông, sau kỷ niệm ngày Đức Phật đản sanh là ngày vào hạ của chư Tăng-Ni. Thế là bao chuyện hóa duyên tạm thời gác lại, dành trọn thời gian cho việc tu tập thúc liễm thân tâm, trau giồi Tam vô lậu học. Đây cũng là cơ hội để hàng Phật tử tại gia phát tâm gieo trồng ruộng phước thông qua việc cúng dường. Mặt khác, truyền thống an cư kiết hạ thời Đức Phật được xem là sợi dây kết nối mối quan hệ giữa hai chúng tại gia và xuất gia đệ tử Phật, cũng để làm tăng thêm sự vững mạnh trong ngôi nhà chánh pháp. Truyền thống này vẫn được phát huy và gìn giữ mãi đến hôm nay.
“Phước điền” có nguồn gốc từ phạn ngữ Punna khetta, Trung Hoa dịch là phước điền. Theo từ điển Phật học, “Phước điền” là ruộng phước, tức mảnh ruộng sanh ra phước đức, là nơi để chúng ta gieo hạt giống thiện lành. Người nào kính Phật, trọng tăng, thương yêu cha mẹ, những người nghèo khổ cơ hàn…..thì sẽ được phước đức, giống như người nông phu gieo giống trên mảnh ruộng, đến một ngày sẽ thu hoạch được những hạt lúa vàng. Vì:
“Gieo một hạt hái được trăm nghìn hạt
Thí một đồng, đáp lại vạn ức đồng"
Phật tử tại gia với sứ mệnh hộ pháp và hoằng pháp
Trong Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân (quyển 3) có ghi: “Đức Phật là ruộng phước lớn, tối thắng; cha mẹ là ruộng phước tối thắng trong ba cõi”.
Kinh Ưu Bà Tắc Giới, cũng có nói đến ba loại phước điền là: Kính điền, Ân điền và Bi điền. Trong bài này, người viết sẽ đề cập đến 3 loại phước điền trên.
1. Kính điền: còn gọi là cung kính phước điền hay công đức phước điền, tức Tam bảo Phật - Pháp - Tăng.
Một hôm Đức Phật cùng với Tăng đoàn đến núi Linh Thứu, Ngài nhìn thấy người dân đang cày ruộng theo từng ranh giới (từng ô), nên từ đó Ngài quy định các Tỳ kheo may y phấn tảo và trên mảnh y đó chia thành từng ô nhỏ, với ý nghĩa các Tỳ kheo phải tu tập cho có nhiều công đức, để chúng sinh gieo trồng phước đức trên những thửa ruộng, nhờ đó mà tăng trưởng thêm phước báo cho mình và thân quyến trong hiện tại cũng như ở đời sau.
Vì vậy, mùa an cư cũng là dịp để cho hàng Phật tử tại gia gieo duyên với Tam bảo. Như vậy, Tam bảo phước điền thuộc kỉnh điền hay còn gọi là cung kính phước điền. Những việc làm như: xây dựng chùa tháp, ấn tống kinh điển, sơn phết tượng Phật…thuộc về cung kính phước điền.
2. Ân điền: còn gọi là báo ân phước điền, chỉ cho cha mẹ, sư trưởng, bạn bè… Tất cả những người trợ duyên cho chúng ta gọi là ân điền.
Người Phật tử ngoài việc cung kính Tam bảo, còn có bổn phận đối với cha mẹ. Đức Phật dạy: “Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật”. Ân điền này rất quan trọng, vì đó là nền tảng đạo đức của con người. Nếu chúng ta cung kính Tam Bảo mà xem thường công ơn cha mẹ, quên ơn nghĩa bạn bè, là điều không nên có. Nhờ cung kính Tam bảo mà ta được đầy đủ phước báo ở tương lai, nhờ hiếu thuận với cha mẹ mà ta có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, nhờ thương yêu cứu giúp chúng sanh mà ta luôn được mọi người thương mến.
3. Bi điền: còn gọi là lân mẫn phước điền, chỉ cho người nghèo khổ, bệnh tật, cần được sự thương yêu giúp đỡ. Nếu phân tích riêng từng chữ thì “Bi” có ý nghĩa rộng lớn hơn “Từ”. Bi điền được xem là một phước điền, do thương yêu cứu giúp tất cả chúng sanh, hy sinh thân mình vì mọi người. Tấm gương sáng của Thái tử Sĩ Đạt Ta, vì Bi tâm mà hy sinh hạnh phúc cá nhân, hy sinh cả cuộc đời mình để đem lại niềm vui cho tất cả chúng sinh, đó gọi là Bi.
Như vậy, hai chữ Từ và Bi đều nói đến tình yêu thương, nhưng chữ Từ là lòng thương yêu có tính cách ban tặng hạnh phúc cho một ai đó, chia sẻ niềm vui và cứu giúp họ tùy theo hoàn cảnh và khả năng của mình. Chẳng hạn, chúng ta mỗi người dành một phần của cải vật chất của mình, chia sẻ cho những người có hoàn cảnh khó khăn, thì gọi là Từ thiện. Do vậy, khi ta gieo hạt giống yêu thương vào lòng người, cố nhiên ta sẽ gặt được niềm vui trong cuộc sống. Bởi vì:
“ Cứu giúp người nghèo khổ
Lòng quảng đại hải hồ
Ban ra không màng trả
Đời đạo khéo điểm tô”.
Mặt khác, để việc gieo giống phước điền hay cúng dường Tam bảo được lợi lạc, người Phật tử phải thể hiện bằng “Cái Tâm” cung kính, đó mới là yếu tố quyết định phước đức nhiều hay ít. Nếu chúng ta cúng dường không có tâm mong cầu hay vì danh, thì phước báo sẽ lớn hơn, việc làm của chúng ta có công đức trọn vẹn hơn. Như vậy, cúng dường được phước đức hay không còn tùy nơi tâm người cúng dường.
Tóm lại, người Phật tử ngoài trách nhiệm hộ trì Tam bảo, còn phải thể hiện lòng tôn kính đối với đức Phật, quý trọng chư tăng, thương yêu cha mẹ và tất cả mọi loài. Cho nên chúng ta gieo giống phước điền là một phước báo tối thượng ở cõi người, để chuẩn bị cho mình một hành trang trong kiếp sống mới. Vì sau khi thân hoại mạng chung chúng ta sẽ đi luân hồi tái sinh, và có được trở lại làm thân người nữa hay không là còn tùy thuộc vào phước báo và nhân quả mà chúng ta đã gieo trồng trong kiếp sống hiện tại. Mong rằng hàng Phật tử tại gia là những hộ pháp đắc lực, trợ duyên cho chư Tăng-Ni trong đời sống tu học, để cho ngôi Tam bảo được trường tồn mãi ở thế gian.