Sống an vui

Gieo trồng và chăm sóc hạt giống hạnh phúc

Thứ ba, 13/04/2022 10:48

Chúng ta chỉ có được hạnh phúc thật sự khi cắt đứt hết những mầm mống cấu uế của tham lam, sân hận và si mê có trong tâm.

Từ muôn đời, con người luôn xem hạnh phúc là mục tiêu hướng đến trong cuộc đời. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể chạm được đến hạnh phúc đích thực, nếu như không biết được phương pháp thực tập đúng đắn. Có quan điểm cho rằng, hạnh phúc là khi chúng ta có thật nhiều tài sản, danh vọng, quyền lực. Cũng có người lại cho rằng hạnh phúc đơn giản chỉ là cùng với người yêu thương ăn một bữa cơm đạm bạc, hay có thể nhàn nhã thưởng thức một tách trà nóng vào buổi sáng tinh sương. Tuy khác nhau về cảm nhận, nhưng tựu trung lại, đa số người đều đánh đồng hạnh phúc là một đích đến, dù là vật chất hay tinh thần. Từ đấy mới có quan điểm cho rằng có sự tồn tại về một con đường đưa đến hạnh phúc. Nhưng điều ấy thật sự không đúng, bởi lẽ “Chẳng có con đường nào dẫn đến hạnh phúc vì hạnh phúc chính là con đường”; và hạnh phúc như một hạt giống, luôn cần có sự chăm sóc, tưới tẩm hằng ngày của chính chúng ta, thì mới cho ra hoa thơm quả ngọt là những giá trị chân thật của nó.

17

HẠNH PHÚC LÀ GÌ?

Có người định nghĩa hạnh phúc là trạng thái tâm lý của con người khi cảm thấy thỏa mãn một nhu cầu trừu tượng. Nhưng đó chỉ mới là khái niệm thuộc phạm vi đời sống tinh thần. Đó là trạng thái tinh thần lý tưởng nhất mà con người mong muốn theo đuổi. Nhà triết học Heraclitus từng nói: “Nếu thỏa mãn vật chất là hạnh phúc thì ta có thể xem con bò là hạnh phúc”. Nghe hài hước, nhưng thật sự điều ấy không sai và cho chúng ta cái nhìn chính xác hơn về khái niệm hạnh phúc đích thực. Nó vượt ra ngoài giới hạn thoả mãn vật chất thông thường.

Trong Đạo Phật, hạnh phúc tối thượng được gói gọn trong khái niệm Niết bàn (Nibbāna). Niết bàn chính là trạng thái của tâm khi ta loại bỏ được hết những phiền não, cấu uế trong tâm; là hạnh phúc đích thực, viên mãn và trường cửu.

“Nói là Niết bàn, thế nào là Niết bàn?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp: “Niết bàn là sự đoạn tận vĩnh viễn của tham dục, sự đoạn tận vĩnh viễn sân nhuế, ngu si; sự đoạn tận vĩnh viễn của tất cả các phiền não. Đó gọi là Niết bàn” [1].

Chúng ta chỉ có được hạnh phúc thật sự khi cắt đứt hết những mầm mống cấu uế của tham lam, sân hận và si mê có trong tâm. 

HẠNH PHÚC LÀ KHI BIẾT SỐNG BUÔNG XẢ VÀ TUỲ DUYÊN

Trong đời sống hiện tại, con người đang đối mặt với quá nhiều áp lực từ đời sống vật chất cho tới tinh thần. Tất cả vô hình trung trở thành gánh nặng đè lên đôi vai mỗi người. Nó làm ta cảm nhận cuộc sống này thật sự quá mệt mỏi, khổ đau; hai từ “hạnh phúc” là khái niệm xa vời và có phần thiếu thực tế. Nhưng chúng ta có lần nào thử suy nghĩ lại: “Tại sao chúng ta lại không thể nào tận hưởng được hạnh phúc hay không?”. Phải chăng những cái gọi là “áp lực” ấy đều do chính chúng ta tạo ra, do mãi chạy theo những giá trị hư ảo như tiền tài, sắc dục, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghỉ, mà Đức Phật gọi là Ngũ dục? Chúng ta cho rằng năm thứ kể trên là những thứ tạo nên hạnh phúc, nên bằng mọi cách ra sức phấn đấu để mong cầu có được. Nhưng đến khi có rồi, ta lại không hài lòng và tiếp tục kiếm tìm những đối tượng khác vì cho rằng những cái khác mới lại là “Hạnh phúc”. Cứ như vậy, cả cuộc đời sẽ mãi mãi không bao giờ có được “Hạnh phúc”. Thật ra, những thứ kể trên đều mang tính chất không chắc chắn, dễ đổi thay như lời Đức Phật đã dạy:

“Này các Tỳ kheo, ở đây, có người nghĩ như sau: ‘Cái gì chắc chắn đã là của tôi, nay chắc chắn không còn là của tôi. Cái gì chắc chắn có thể là của tôi, chắc chắn tôi không được cái ấy’. Người đó sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đấm ngực, đi đến bất tỉnh. Này Tỳ kheo, như vậy, có cái không thực có ở ngoài, có thể gây lo âu, phiền muộn” [2].

“Này các Tỳ kheo, Ta cũng không thấy một vật sở hữu được nắm giữ nào, mà vật sở hữu được nắm giữ ấy sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không chuyển biến, có thể trú như thế này mãi mãi. Này các Tỳ kheo, các Ông có thể chấp thủ Ngã luận thủ (chấp Ngã) nào mà Ngã luận thủ ấy được chấp thủ như vậy lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không? Này các Tỳ kheo, các Ông có thấy Ngã luận thủ nào mà Ngã luận thủ ấy được chấp thủ như vậy lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?

– Bạch Thế Tôn, không.

– Lành thay, này các Tỳ kheo, Ta cũng không thấy Ngã luận thủ nào mà Ngã luận thủ ấy được chấp thủ như vậy lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não…” [3].

Những lời dạy trên của Đức Phật chỉ ra, nếu bám víu vào những giá trị hư ảo ấy, cho rằng những thứ ấy là mình và của mình; thì khi có sự thay đổi, hoại diệt, ta sẽ không sao tránh khỏi những đau khổ, phiền não.

Để thoát khỏi những điều ấy, người Phật tử chân chính phải thực tập được phương pháp quán chiếu: “Nếu ở nơi sắc mà đoạn trừ dục, đoạn trừ tham, đoạn trừ niệm, đoạn trừ ái, đoạn trừ khát, thì đối với sắc nếu có biến đổi, hoặc khác đi, vẫn không khởi lên ưu, bi, khổ, não; đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy… Hãy đoạn trừ các pháp bất thiện…. ở trong Phật pháp tu các phạm hạnh….Vì nguyên nhân nhận lãnh các pháp bất thiện nên sẽ đưa đến một cuộc sống khổ đau ngay trong hiện tại và chướng ngại, nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung sẽ đọa vào trong đường ác…. Vì thọ trì pháp thiện nên ngay trong cuộc sống hiện tại được an vui, không khổ, không chướng ngại, không phiền não, không nhiệt bức; sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào nơi tốt lành” [4].

Qua lời chỉ dạy của Đức Phật, ta thấy rằng hạnh phúc chân thật không phải là khi có được một cái gì đó thuộc về Ngũ dục, mà chính là sự đoạn trừ, buông bỏ bớt đi những thứ buộc ràng ấy. Chúng ta thực tập lối sống “ít muốn biết đủ”, đồng thời phải thực tập phép quán chiếu mọi sự vật, hiện tượng đều do nhân duyên hòa hợp mà hình thành. Khi đủ duyên thì sự vật, hiện tượng biểu hiện, tồn tại; khi thiếu duyên thì ẩn tàng, hoại diệt. Khi an trú trong nếp sống “tùy duyên” ấy, thì nếu có sự biến hoại, ta cũng dễ dàng mở lòng buông bỏ, không còn dính mắc. Có như vậy mới đạt được sự thanh thản, nhẹ nhàng trong tâm đối với mọi nhân duyên đến – đi, dù là nhân duyên thuận hay nghịch.

18

Như vậy, hạnh phúc nằm ở quá trình biết thực tập con đường tâm linh, trui rèn những phẩm chất giá trị đạo đức cao cả để thăng hoa nhân cách của chính mình. Hạnh phúc là sự biết buông bỏ những phiền não trong tâm, an yên, hài lòng với những gì mà mình đang có, sống tùy duyên mà không đánh mất đi phẩm chất của chính mình. Bhutan là một quốc gia nhỏ bé ở châu Á, không nổi trội về kinh tế, nhưng lại là quốc gia có chỉ số hạnh phúc GNH (Gross Nation Happiness) cao nhất thế giới, bởi họ đã biết phát triển đất nước trên nền tảng đạo đức và tâm linh Phật giáo.

HẠNH PHÚC LÀ KHI BIẾT SẺ CHIA

Hạt giống của hạnh phúc, đôi khi còn ẩn tàng trong chính hành động sẻ chia, giúp đỡ mọi người xung quanh chúng ta mà Đạo Phật gọi là Bố thí. Đấy là một lối sống không vị kỷ, hướng đến lợi ích của cộng đồng và xã hội.

Mỗi người tùy theo nghiệp duyên của mình ở quá khứ mà có những phước báu khác nhau, tạo nên một cuộc sống vật chất hay tinh thần khác nhau theo chiều hướng sung túc hay thiếu thốn. Sự sẻ chia với tấm lòng thương yêu, nâng đỡ, không vụ lợi sẽ góp phần xoa dịu đi những khó khăn đối với những người đang cần sự giúp đỡ. Sự sẻ chia không chỉ đơn thuần là vật chất, mà còn là những lời động viên, an ủi khi một người nào đó gặp khó khăn trong cuộc sống. Một lời động viên của chúng ta có thể giúp họ bước tiếp những bước cuối cùng trên hành trình cuộc đời, tiếp thêm lửa cho người mất động lực có thể đạt tới mục đích mà họ đang hướng tới. Sự sẻ chia còn là một lời an ủi, một đôi vai để dựa vào hay một cái ôm thật chặt khi người khác đang rơi vào trạng thái tuyệt vọng, giúp họ thấy cuộc đời vẫn còn có nhiều giá trị tích cực để cố gắng. Đấy còn là những lời khuyên giải giúp vượt qua nỗi sợ, niềm đau, chia sẻ những kiến thức và chân lý sống để giúp nhau trau dồi bản thân, hướng đến những giá trị cao đẹp.

19

Sự sẻ chia đối với những người thiếu thốn về vật chất hay tinh thần là một cơ hội quý báu, để chúng ta chiêm nghiệm lại những gì mình đang có. Từ ấy, hạnh phúc sẽ tự nhiên xuất hiện khi thấy mình quá may mắn hơn bao người vì vẫn còn có cái để “trao đi”. Đồng thời, việc chia sẻ, bố thí đến mọi người còn giúp ta thực tập buông xả, để chuyển hóa lòng tham lam, ích kỷ và hẹp hòi. Muốn có được hạnh phúc từ sự san sẻ như vậy, thì việc làm ấy phải xây dựng trên nền tảng của vô ngã, không chấp ngã khi sẻ chia, cũng không chấp vào giá trị mình trao đi. Có làm được như vậy, việc sẻ chia mang lại cho chúng ta giá trị hạnh phúc đích thực, như lời Đức Phật đã dạy: 

“… Ở đây, ai bố thí không với tâm cầu mong, bố thí không với tâm trói buộc, bố thí không với mong cầu được chất chứa, bố thí không với ý nghĩ: ‘Ta sẽ hưởng thọ cái này trong đời sau’, bố thí không với ý nghĩ: ‘Lành thay, sự bố thí’ … Bố thí không với ý nghĩ: ‘Do ta bố thí vật bố thí này, tâm được tịnh tín, hỷ duyệt khởi lên’. Nhưng vị ấy bố thí với ý nghĩ để trang nghiêm tâm, để trang bị tâm. Do vị ấy bố thí như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở Phạm chúng thiên. Khi vị ấy, nghiệp được đoạn tận, thần lực ấy, danh tiếng ấy, uy quyền ấy được đoạn tận, vị ấy trở thành vị Bất lai, không trở lui lại trạng thái này” [5].

20

HẠNH PHÚC LÀ KHI BIẾT SỐNG TRỌN VẸN VỚI GIÂY PHÚT HIỆN TẠI

Bản chất của con người là luôn không hài lòng với những gì mình đang có, tiếc nuối cái huy hoàng, rực rỡ ở quá khứ; hay sống trong những mong ước, mộng huyễn về tương lai do chính mình vẽ nên. Vì vậy, chúng ta luôn đánh rơi những giá trị đẹp đẽ của đời sống hiện tại. Cho nên nếu quy hướng hạnh phúc là mục đích, là cái phải đạt được ở tương lai; hay những gì đã xảy ra ở quá khứ thì chúng ta sẽ không bao giờ có được hạnh phúc chân thật, vì mãi chạy theo cái sự không hài lòng của chính mình. Ngược lại, hạnh phúc trong Đạo Phật là việc biết sống nguyên vẹn với giây phút hiện tại, gọi là “Hiện pháp lạc trú”. Điều đó có nghĩa là không bị lôi dẫn bởi những ý niệm về quá khứ hay những suy nghĩ tính toán cho tương lai. Đức Phật dạy trong kinh Tương Ưng rằng :

“Không than việc đã qua

Không mong việc sắp tới

Sống ngay với hiện tại

Do vậy, sắc thù diệu

Do mong việc sắp tới

Do than việc đã qua

Nên kẻ ngu héo mòn

Như lau xanh lìa cành” [6].

Việc suy nghĩ về quá khứ, ước vọng về tương lai, làm chúng ta rời bỏ đi giây phút của hiện tại, đánh mất yếu tố chánh niệm (Sammā-sati) – là hạt nhân của việc loại trừ các phiền não trong tâm. Vì vậy, có những loại hạnh phúc không cần làm bất cứ điều gì cũng tự có được hạnh phúc, chỉ cần chúng ta trở về sống chánh niệm trong giây phút hiện tại, thì đã hạnh phúc rồi. 

Chánh niệm là nguồn năng lượng có được từ việc sống tỉnh thức trong giây phút hiện tại. Nhờ có chánh niệm mà ta huân tập được Định (Samādhi), từ Định sẽ có được Trí tuệ (Pañña). Tuệ giác có được từ thực tập chánh niệm sẽ tạo công năng giải phóng chúng ta ra khỏi sợ hãi, lo âu, tuyệt vọng và hướng tới hạnh phúc đích thực. Nghe có vẻ rất dễ dàng, nhưng đòi hỏi ta phải có sự thực tập liên tục và kiên trì mới có thể chế tác ra yếu tố chánh niệm. Chúng ta có thể thực tập chánh niệm bắt đầu từ những công việc thường ngày như: Đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc, ăn uống, thậm chí là ngay cả khi đi vệ sinh, với sự ý thức sắc thân đang làm những công việc ấy. Khi tâm đi lang thang thì ta kéo tâm về và tập trung vào hơi thở vào – ra. Việc làm ấy giúp ta trở về với giây phút hiện tại. Có chánh niệm là có suối nguồn của hỷ lạc và hạnh phúc.

Ăn cơm có chánh niệm, giúp ta cảm thấy bữa cơm ngon một cách lạ kỳ, thấy được muôn vạn nhân duyên hội tụ trong từng hạt cơm, giúp ta thầm biết ơn con người và cuộc sống. Hay như việc đi thật chậm có chánh niệm, sẽ giúp ta thêm biết ơn chính ông bà tổ tiên, biết ơn chính cơ thể ta đã phối hợp nên hình hài, để ta có thể có được những bước chân kỳ diệu tiếp xúc với đất mẹ. Hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản thế thôi, nào phải tìm kiếm xa xôi.

HẠNH PHÚC LÀ MỘT CON ĐƯỜNG

Nếu xem hạnh phúc phải là điều cuối cùng đạt được ở một quá trình, thì khi chưa đạt tới hay không thể đạt đến, chúng ta sẽ không có hạnh phúc hay sao? Thật chất, hạnh phúc đích thực giản đơn hơn chúng ta suy nghĩ rất nhiều. Có khi chính những điều bình dị nhất trong cuộc sống hằng ngày là những điều hạnh phúc, mà ta lại hời hợt không nhận ra. Mỗi sớm mai thức dậy, ta thấy mình vẫn còn hít thở được, vẫn có thể hoạt động hay ăn uống, đó cũng là một loại hạnh phúc. Vì mỗi giây đi qua, trên thế giới có biết bao người không may mắn đã không còn cơ hội thấy được ánh mặt trời.

Hạnh phúc không nằm trong thành tích kết quả học tập thật cao, không nằm trong tấm bằng tốt nghiệp loại ưu nhờ sự giành giật, ganh đua với những bạn đồng học, mà hạnh phúc chính là sự nỗ lực trong quá trình lao động và nghiên cứu. Hạnh phúc không nằm ở sự thành đạt trong cuộc sống với nhà lầu, xe hơi, mà ở tinh thần biết vươn lên, vượt qua những khó khăn nghịch cảnh. Gặp một người giàu sang, ta nói họ thật hạnh phúc chưa hẳn đã đúng, hay thấy một gia đình nghèo khó, ta cảm thương và cho rằng họ bất hạnh thì có thể đã sai.

Hạnh phúc là một kỹ năng và mọi người hoàn toàn có thể học tập để có được. Nhà bác học Aristotle cho rằng: “Hạnh phúc là một cái gì đó rất quan trọng mà cuối cùng nhiều người phải chọn lựa”, hay nói cách khác, khi ta có nhiều thứ trên đời mà thiếu hạnh phúc thì cuộc đời cũng trở nên thật vô nghĩa. Qua đó, ta thấy rằng đánh đồng hạnh phúc với sự thỏa mãn về vật chất hay xem nó là mục đích mà chúng ta muốn đạt được là một điều rất sai lầm. Vì vậy, thực tập sống có chánh niệm, biết quay trở về an trú trong hơi thở, bước chân; quán sát các sự vật hiện tượng dưới cái nhìn chánh kiến, duyên sinh; thực tập mỗi ngày lòng yêu thương giúp đỡ muôn loài với tinh thần vô ngã, là ta đang gieo mầm và tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc trong tâm. Một cuộc đời hạnh phúc chắc chắn phải bắt đầu bằng từng giây hạnh phúc. Vì vậy, chúng ta hãy bắt đầu bước những bước chân hạnh phúc ngày từ hôm nay, ngay từ bây giờ trên lộ trình tiến tới một hạnh phúc viên mãn như lời bài hát:

“Ta hạnh phúc liền giây phút này

Lòng đã quyết dứt hết âu lo

Không đi đâu nữa, có chi phải tìm

Học buông thả, sống không vội vàng” [7].

loading...