Kiến thức

Giới Bồ tát trong Kinh Phạm Võng và Kinh Ưu-Bà-Tắc Giới

Chủ nhật, 11/12/2022 10:26

Hành trình tu tập của một người xuất gia học Phật, ai cũng đều trải qua giai đoạn thọ giới. Khi còn làm cư sĩ thì thọ 5 giới, vào chùa xuất gia thì thọ 10 giới trở thành một vị Sa-di hoặc Sa-di ni.

Audio

Hai năm sau, được thọ giới Tỳ kheo/Tỳ kheo ni (bên Ni có thêm giới Thức-xoa) trở thành bậc “Thiên nhơn chi đạo sư”. Đây gọi là Thanh văn giới, sau đó, người xuất gia phải thọ thêm giới Bồ tát để vừa tu học giải thoát cho bản thân, vừa có thể tu tập hạnh Bồ tát làm lợi ích cho tất cả chúng sanh. Bồ tát hạnh được nói đến rất nhiều trong các kinh điển Phật giáo Đại thừa như: Kinh Lăng-già, Kinh Bảo Tích, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Pháp Hoa… Tuy nhiên, đề cập đến giới Bồ tát có các kinh, như: Bồ tát Anh Lạc bản nghiệp Kinh, Phạm Võng Kinh Bồ tát giới bổn, Du-già Sư Địa Luận Bồ tát giới bổn, Bồ tát Địa Trì Kinh, Bồ tát Thiện giới Kinh, Ưu-bà-tắc giới Kinh… Trong phạm vi bài này, người viết chỉ trình bày “Giới Bồ tát trong Kinh Ưu-bà-tắc giới và Kinh Phạm Võng”. Qua đó, cho thấy giới Bồ tát không chỉ mang ý nghĩa giới điều, ngăn cấm như giới của hàng Thanh văn, mà còn mang ý nghĩa trách nhiệm, bổn phận, nâng cao lên đó là hạnh của Bồ tát nên làm để cứu độ chúng sanh nhìn từ góc độ giới luật.

Giới Bồ tát không chỉ mang ý nghĩa giới điều, ngăn cấm như giới của hàng Thanh văn, mà còn mang ý nghĩa trách nhiệm, bổn phận, nâng cao lên đó là hạnh của Bồ tát nên làm để cứu độ chúng sanh nhìn từ góc độ giới luật.

Giới Bồ tát không chỉ mang ý nghĩa giới điều, ngăn cấm như giới của hàng Thanh văn, mà còn mang ý nghĩa trách nhiệm, bổn phận, nâng cao lên đó là hạnh của Bồ tát nên làm để cứu độ chúng sanh nhìn từ góc độ giới luật.

Bảng đối chiếu giữa giới của Bồ tát xuất gia trong kinh Phạm Võng và Bồ tát tại gia trong kinh Ưu Bà Tắc giới

Hiện nay, có hai bản kinh nói về giới Bồ tát được hàng xuất gia và tại gia thọ trì nhiều nhất đó là: Kinh Phạm Võng (S. Brahmajāla Bodhisattva śīla Sūtra, 梵網菩薩戒經) [1] được ngài Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva, 鳩摩羅什, 344-413) dịch và kinh Ưu-bà-tắc giới (S: Upāsaka śīla Sūtra 優婆塞戒經) [2] do Đàm-vô-sấm (Dharmakṣema, 曇無讖, 385-433/439) dịch năm 426. Đây là hai bản kinh trọng yếu về quy phạm của hàng Bồ tát xuất gia và tại gia. 

Sau đây là bảng đối chiếu giữa giới của Bồ tát xuất gia trong Kinh Phạm Võng và Bồ tát tại gia trong Kinh Ưu-bà-tắc giới: 

53-1
54

Giới Bồ tát có ba nhóm giới thanh tịnh (S. tri-vidhāni śīlāni, C: 三聚淨戒: tam tụ tịnh giới): Thứ nhất là nhiếp luật nghi giới (S. sajvara-śīla, 攝律儀戒) bao gồm: các giới trọng và khinh của Bồ tát. Thứ hai là nhiếp thiện pháp giới (S. Kuśaladharma-sajgrāhaka-śīla, 攝善法戒) nghĩa là làm tất cả các điều lành như Lục độ Ba-la-mật. Thứ ba là nhiêu ích hữu tình giới (S. Sattvārthakriyā-śīla, 饒益有情戒) tức là làm lợi ích cho tất cả chúng sanh.

Căn cứ theo tính chất của ba nhóm giới Bồ tát có thể nói rằng 48 giới khinh của Bồ tát trong Kinh Phạm Võng thì 30 giới đầu được xếp vào nhóm “nhiếp thiện pháp giới”, giới 31 đến 40 xếp vào nhóm “nhiếp chúng sanh giới”, còn 28 giới khinh trong Kinh Ưu-bà-tắc giới phần nhiều thuộc nhóm “nhiếp thiện pháp giới”. Điều này có ý nghĩa rằng giới Bồ tát chú trọng thực hành các điều lành, làm lợi ích chúng sanh.

Về số lượng giới điều, Bồ tát tại gia trong Kinh Ưu-bà-tắc giới có 6 giới trọng và 28 giới, Bồ tát xuất gia trong Kinh Phạm Võng gồm 10 giới trọng và 48 giới khinh. Các giới trọng trong Kinh Ưu-bà-tắc tương đồng với 6 giới trọng đầu trong 10 giới trọng của Kinh Phạm Võng. Còn về phần giới khinh: Giới thứ 2 Bồ tát xuất gia tương đương với giới 2 Bồ tát tại gia. Giới thứ 7 của Bồ tát xuất gia tương đương với giới thứ 8 của Bồ tát tại gia. Giới thứ 1 của Bồ tát xuất gia tương đương với giới thứ 5 của Bồ tát tại gia. Giới 37 của Bồ tát xuất gia tương đương với giới 11 của Bồ tát tại gia. Giới thứ 9 của Bồ tát xuất gia tương đương với giới thứ 3 và giới 28 của Bồ tát tại gia. Giới 30 của Bồ tát xuất gia tương đương với giới thứ 7 của Bồ tát tại gia. Giới 32 của Bồ tát xuất gia tương đương với giới 15, 19 của Bồ tát tại gia. Còn lại 35 giới của Bồ tát xuất gia không có trong Bồ tát tại gia. 

Bên cạnh đó, giới dâm của Bồ tát xuất gia là đoạn hẳn dâm dục, Bồ tát tại gia thì không được tà dâm, vì có đời sống vợ chồng nhưng phải đúng thời, đúng chỗ. Về vấn đề ăn thịt, Kinh Phạm Võng vì dành cho Bồ tát xuất gia nên “không được ăn thịt của mọi loài chúng sanh”, nghĩa là trường chay. Còn Kinh Ưu-bà-tắc giới không thấy quy định rõ về việc này. Điều này có thể suy luận, Bồ tát tại gia nếu trường chay được thì tốt, không trường chay được thì phải ăn chay kỳ. Nguyên nhân có những sự chênh lệch đó là do đời sống của người xuất gia khác với người tại gia. Người tại gia còn có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với gia đình, xã hội, gia duyên bận rộn không thể dành trọn thời gian và tâm lực để tu tập như người xuất gia. Giới Bồ tát trong Kinh Ưu-bà-tắc Đức Phật chế ra là để cho người tại gia phát tâm Bồ-đề dù ở nhà thế tục vẫn có cơ hội thực hành Bồ tát hạnh và tu tập như những người xuất gia. 

Về xưng danh của giới trọng, giới khinh, hai bản trên đều có tên gọi bất đồng. Nói về giới trọng, Kinh Phạm Võng gọi là “Ba-la-di tội” (波羅夷罪), Ưu-bà-tắc giới Kinh gọi 6 điều giới trọng là “Lục trọng pháp” (六重法). Về giới khinh, Kinh Phạm Võng gọi là “Khinh cấu tội” (輕垢罪), Kinh Ưu-bà-tắc giới gọi là “Thất ý tội” (失意罪). Nếu căn cứ trên tinh thần đốn, tiệm mà nói thì Kinh Phạm Võng thuộc loại đốn lập. Kinh Phạm Võng quyển hạ ghi rằng: “Người thọ Phật giới, không kể là Quốc vương, Vương tử, bá quan, tể tướng, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, 18 cõi Phạm Thiên, Thiên tử 6 tầng trời cõi Dục, thứ dân, huỳnh môn, dâm nam, dâm nữ, nô tỳ, bát bộ quỷ thần, thần kim cang, súc sinh, cho đến người biến hóa, hễ hiểu được lời của Pháp sư đều thọ được giới và đều gọi là thanh tịnh thứ nhất” [7]. Như vậy, một hữu tình bình thường chỉ cần nghe hiểu lời của Pháp sư sẽ được thọ giới và đắc giới, cho nên nói đây là đốn lập.

Kinh Ưu-bà-tắc giới là thuộc về tiệm thứ giới. Trước khi thọ giới phải theo thứ tự cúng dường: cha mẹ, sư trưởng, vợ con, hiện tại tri thức, nô tỳ, đạo nhân xuất gia, và hỏi chín thứ già nạn: Gia đình có cho phép không, thiếu nợ người khác, thân tâm có bệnh, nhiễm ô phạm hạnh, làm tội ngũ nghịch, trộm pháp tặc trụ, người huỳnh môn, hai căn, giết người có tâm đạo, vọng ngữ trước chúng. Nếu phạm một điều thì không được thọ giới. Trước khi thọ Bồ tát giới (6 giới trọng, 28 giới khinh), phải thọ Tam quy Ngũ giới. Tuy đã thọ ngũ giới, cũng phải trải qua 6 tháng xem xét, rồi ở trong 20 Tỳ kheo làm pháp yết để thọ giới. Vì sao phải nghiêm khắc như thế? Vì: “Giới Ưu-bà-tắc này làm căn bản của Sa di thập giới, Đại Tỳ kheo giới, Bồ tát giới, cho đến A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề. Chí tâm thọ trì Ưu-bà-tắc giới sẽ được vô lượng lợi ích của các giới ấy” [8]. Điều này mang ý nghĩa thọ Ưu-bà-tắc giới rồi mới được thọ giới Sa di, Tỳ kheo, Bồ tát.

Sự khác nhau giữa giới Bồ tát và giới Tỳ kheo

Giới Bồ tát thuộc đạo tục thông hành giới, nghĩa là người xuất gia và tại gia đều được thọ. Còn giới Tỳ kheo chỉ dành cho hàng xuất gia. Giới Bồ tát dành cho tất cả chúng sanh nào nghe hiểu được lời truyền giới của Pháp sư. Còn giới Tỳ kheo chỉ dành cho loài người, đầy đủ 6 căn, không có các bệnh nặng. Giới Bồ tát chú trọng làm lợi ích chúng sanh. Giới Tỳ kheo tập trung tu tập cho bản thân.

Giới Tỳ kheo thì “tùy phạm tùy chế”, nghĩa là phạm lỗi gì Đức Phật sẽ chế giới đó, dần dần mới đủ giới Tỳ kheo. Giới Bồ tát chế định một lần đủ tất cả các giới. Khi Đức Phật thành đạo, liền chế định giới Bồ tát ngay lúc đó: “Thuở ấy, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lúc mới thành đạo Vô Thượng Chánh Giác, trong khi ngồi dưới cội Bồ-đề, Ngài bắt đầu kiết “Bồ tát giới” [9].

Giới Bồ tát chế định một lần đủ tất cả các giới. Khi Đức Phật thành đạo, liền chế định giới Bồ tát ngay lúc đó: “Thuở ấy, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lúc mới thành đạo Vô Thượng Chánh Giác, trong khi ngồi dưới cội Bồ-đề, Ngài bắt đầu kiết “Bồ tát giới”.

Giới Bồ tát chế định một lần đủ tất cả các giới. Khi Đức Phật thành đạo, liền chế định giới Bồ tát ngay lúc đó: “Thuở ấy, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lúc mới thành đạo Vô Thượng Chánh Giác, trong khi ngồi dưới cội Bồ-đề, Ngài bắt đầu kiết “Bồ tát giới”.

Giới Tỳ kheo chỉ có một cách thọ giới, giới sư do Tăng chủ trì. Giới Bồ tát có 2 cách thọ: tự thệ thọ giới hoặc Pháp sư truyền giới; thỉnh chư Phật, Bồ tát làm Giới sư. Giới Tỳ kheo nếu phạm Ba-la-di thì không thể sám hối, không được thọ giới lại. Giới Bồ tát khi phạm giới trọng vẫn có thể sám hối cho tiêu tội nhưng cần phải thấy hảo tướng. 

Giới Tỳ kheo có tác dụng trong một kiếp, khi còn thân người. Giới Bồ tát có tác dụng vô lượng kiếp, dù tái sinh ở đâu, chỉ mất giới thể khi phạm 1 trong 7 tội nghịch hoặc bỏ tâm Bồ-đề. Giới Tỳ kheo thuộc về tân đắc, giới Bồ tát thuộc về huân phát. Nghĩa là giới Tỳ kheo phải trải qua nghi thức thọ giới nghiêm ngặt mới đắc giới thể. Giới thể này sau khi thọ giới mới phát sinh, nên gọi là “tân đắc”. Còn giới Bồ tát là pháp sẵn có của tự tâm “Giới pháp này cũng chính là bổn nguyện của tất cả Phật, bổn nguyện của tất cả Bồ tát và là chủng tử Phật tánh” [10]. Giới pháp này mỗi chúng sanh đều có đầy đủ nhưng đời này phải thọ giới Bồ tát là để làm cho giới ấy huân tập và phát triển lớn mạnh hơn, cho nên gọi giới Bồ tát thuộc về “huân phát”.

Các điều kiện thọ giới bồ tát

Đối tượng thọ giới Bồ tát: Đối tượng được thọ giới Bồ tát gồm: Quốc vương, Vương tử, bá quan, tể tướng, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, 18 cõi phạm Thiên, Thiên tử 6 tầng trời cõi Dục, thứ dân, huỳnh môn, dâm nam, dâm nữ, nô tỳ, bát bộ quỷ thần, thần kim cang, súc sinh, cho đến người biến hóa, hễ hiểu được lời của Pháp sư đều thọ giới và đắc giới.

Điều kiện thọ giới Bồ tát: Điều kiện để được thọ giới Bồ tát là không phạm 1 trong 7 tội nghịch: ác tâm làm thân Phật chảy máu, giết cha, giết mẹ, giết Hòa thượng, giết A-xà-lê, phá yết-ma tăng, phá pháp luân Tăng, hại bậc Thánh nhân [11] thì mới được thọ giới.

Cách thức thọ giới Bồ tát

Có hai cách để thọ giới Bồ tát: tự nguyện thọ giới và thọ giới với chư Tăng. Nếu trong vòng 1000 dặm mà tìm không có vị Pháp sư truyền giới thì được tự nguyện thọ giới. Nếu Phật tử, sau khi Phật diệt độ, muốn thọ giới Bồ tát thì đối trước tượng Phật, Bồ tát mà tự nguyện thọ giới. Nhưng phải đối trước tượng Phật, Bồ tát mà sám hối cho đến khi nào thấy được hảo tướng mới được thọ giới. Nếu đối trước vị Pháp sư đã thọ giới Bồ tát mà thọ giới thì không cần thấy hảo tưởng. Vì vị Pháp sư ấy là chư sư truyền giới cho nhau, giới tử hết lòng kính trọng cầu giới sẽ được đắc giới [12].

56

Sám hối khi phạm giới Bồ tát

Nếu có phạm trong mười giới trọng, phải sám hối trước tượng Phật, Bồ tát ngày đêm sáu thời tụng giới Bồ tát tha thiết đảnh lễ chư Phật, cho đến khi thấy hảo tướng. Thấy được hảo tướng đó là hiện tượng tội đã tiêu diệt. Nếu người phạm trong 48 giới khinh thì đối thú sám hối thì tội được tiêu diệt [13].

Tụng giới Bồ tát

Nếu đến ngày Bố-tát, hàng tân học Phật tử, mỗi nửa tháng luôn Bố-tát, tụng 10 giới trọng và 48 giới khinh. Lúc tụng giới nên đến trước tượng Phật, Bồ tát mà tụng, chỉ có một người Bố-tát thì một người tụng. Nếu hai người, ba người nhẫn đến trăm nghìn người thì cũng một người tụng, còn bao nhiêu người ngồi lắng nghe. Người tụng ngồi cao, người nghe ngồi thấp. Mỗi người đều đắp y hoại sắc 9 điều, 7 điều, 5 điều [14]. Đây là cách tụng giới theo kinh Phạm Võng, nếu người tại gia tụng giới Bồ tát cũng như vậy, chỉ khác là y phục nên mặc áo tràng cho trang nghiêm vì người tại gia không có y.

KẾT LUẬN

Như vậy, qua tìm hiểu hai bản kinh ta thấy: Giới Bồ tát trong Kinh Phạm Võng dành cho hàng xuất gia thọ trì gồm 10 giới trọng và 48 giới khinh. Giới Bồ tát trong Kinh Ưu-bà-tắc giới thì dành cho hàng Bồ tát tại gia tu tập gồm 6 giới trọng và 28 giới khinh. Về căn bản, 6 giới trọng của Bồ tát tại gia tương đương với 6 giới đầu trong 10 giới trọng của Bồ tát xuất gia. Về giới khinh Bồ tát xuất gia nhiều hơn Bồ tát tại gia 20 giới. Nguyên do sự sai khác này là do đời sống của người tại gia nhiều trách nhiệm và bổn phận đối với gia đình và đất nước, nhiều chướng duyên ràng buộc không thể chuyên tâm thực hành Bồ tát được. Cả hai hạng Bồ tát tuy điểm khởi đầu khác nhau nhưng mục đích cuối cùng là thành tựu quả vị Phật. Vì vậy, trước hết Bồ tát phải phát tâm Bồ-đề, thọ giới Bồ tát và thực hành Bồ tát đạo.

 Chú thích và tài liệu tham khảo:

[1] 梵網經 CBETA, T24, no. 1484

[2] 優婆塞戒經 CBETA, T24, no. 1488.

[3] Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Phạm Võng Bồ tát Giới, Nxb.Tôn giáo, 2008, tr.19. CBETA, T24, no. 1484, p. 1004, b21-25.

[4] Thích Tịnh Nghiêm dịch, Tại gia Bồ tát giới kinh, tr.58. CBETA, T24, no. 1488, p. 1049, a28-b24.

[5] Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Phạm Võng Bồ tát Giới, tr.25. CBETA, T24, no. 1484, p. 1005, a25-26.

[6] Thích Tịnh Nghiêm dịch, Tại gia Bồ tát giới kinh, tr.59. CBETA, T24, no. 1488, p. 1049, c1-p. 1050, b5.

[7] Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Phạm Võng Bồ tát Giới, Nxb.Tôn Giáo, 2008, tr.19.

《梵網經》卷2:「若受佛戒者。國王王子百官宰相。比丘比丘尼。十八梵天六欲天子。庶民黃門婬男婬女奴婢。八部鬼神金剛神畜生乃至變化人。但解法師語。盡受得戒。皆名第一清淨者」(CBETA, T24, no. 1484, p. 1004, b7-10).

[8] Thích Tịnh Nghiêm dịch, Tại gia Bồ tát giới kinh, bản pdf, 2009, tr.52. (CBETA, T24, no. 1488, p. 1047, a27-p. 1048, a1)

[9] Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Phạm Võng Bồ tát giới, tr.17.

《梵網經》卷2:「爾時釋迦牟尼佛。初坐菩提樹下成無上覺初結菩薩波羅提木叉」(CBETA, T24, no. 1484, p. 1004, a23-24)

[10] Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Phạm Võng Bồ tát Giới, tr.15.

《梵網經》卷2:「金剛寶戒是一切佛本源。一切菩薩本源。佛性種子」(CBETA, T24, no. 1484, p. 1003, c22-23)

[11] Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Phạm Võng Bồ tát Giới, tr.49.

《梵網經》卷2:「七逆者。出佛身血。殺父。殺母。殺和上。殺阿闍梨。破羯磨轉法輪僧。殺聖人。」(CBETA, T24, no. 1484, p. 1008, c1-3)

[12] Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Phạm Võng Bồ tát giới, tr.36.

《梵網經》卷2:「若佛子。佛滅度後。欲心好心受菩薩戒時。於佛菩薩形像前自誓受戒。當七日佛前懺悔。得見好相便得戒。若不得好相。應二七三七乃至一年。要得好相。得好相已。便得佛菩薩形像前受戒。若不得好相。雖佛像前受。戒不得戒。若現前先受菩薩戒法師前受戒時。不須要見好相何以故。以是法師師師相授故。不須好相。是以法師前受戒即得戒。以生重心故便得戒。若千里內無能授戒師。得佛菩薩形像前受戒而要見好相。」(CBETA, T24, no. 1484, p. 1006, c5-15)

[13] Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Phạm Võng Bồ tát Giới, tr.50.

《梵網經》卷2:「若有犯十戒者應教懺悔。在佛菩薩形像前。日夜六時誦十重四十八輕戒。若到禮三世千佛得見好相。若一七日二三七日乃至一年要見好相。好相者。佛來摩頂見光見華種種異相。便得滅罪。若無好相雖懺無益。是人現身亦不得戒。而得增受戒。若犯四十八輕戒者。對首懺罪滅。」(CBETA, T24, no. 1484, p. 1008, c13-20).

[14]   Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Phạm Võng Bồ tát Giới, tr.46.

《梵網經》卷2:「若布薩日新學菩薩。半月半月布薩誦十重四十八輕戒。時於諸佛菩薩形像前。一人布薩即一人誦。若二人三人乃至百千人亦一人誦。誦者高座。聽者下坐。各各披九條七條五條袈裟。」(CBETA, T24, no. 1484, p. 1008, a20-24).

loading...