Kiến thức
Giới luật là nền tảng của đạo Phật
Thứ bảy, 09/07/2022 08:00
Người đệ tử Phật xuất gia là người thấu rõ luật vô thường mà cắt ái, xả tục xuất gia tu hành “trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh” chính là những người tu sĩ “xả thân cầu Đạo, xả phú cầu bần”.
Trong quá trình tu tập, giữ gìn ba nghiệp và hộ trì sáu căn (mắt, tai, mũi, lươi, thân, ý) là việc làm rất quan trọng, để giữ gìn giới thân huệ mạng, tăng trưởng trí tuệ. Nếu không có sự tỉnh thức thì làm sao đạt đến con đường của Giới- Định-Tuệ. Nếu không nhờ oai nghi phép tắc trợ duyên thì làm sao bước vào con đường vô lậu được?
Cổ đức có dạy: “Nước không luật nước loạn, nhà không luật nhà vong”. Thật vậy, trong đạo Phật cũng nhờ có giới luật mới thống nhiếp được tăng đoàn, nhờ vậy mà Phật giáo tồn tại ngày càng hưng thịnh cho đến ngày nay.
Sự khác nhau giữa giới luật và luật pháp
Trong Luật Tỳ kheo và Bồ Tát giới mở đầu có viết:
“Giới như đại minh đăng
Năng tiên trường dạ ám
Giới như châu bảo kính
Chiếu pháp tận vô vi
Giới như ma – ni châu
Vũ vật tế bần cùng
Ly thế tốc thành Phật
Duy thử pháp vi tối”.
Nghĩa là: “Giới như ngọn đèn sáng lớn, có khả năng tiêu trừ đêm dài tăm tối. Giới như tấm gương quý báu, soi thấu hết thảy các pháp. Giới như viên ngọc như ý, hóa vật để giúp kẻ nghèo. Muốn mau giải thoát thành Phật, thì chỉ có giới luật là hơn hết”.
Vậy, “Giới luật là thọ mạng của Phật pháp, Giới luật còn thì Phật pháp còn”. Cho nên, Giới luật là những điều từ kim khẩu của đức Phật nói ra thành giới pháp, giới tướng để các chúng đệ tử Phật thực hành giới hạnh, nghiêm trì giới đức nhằm ngăn ngừa tất cả tội lỗi và giữ gìn nhân phẩm của thân, khẩu, ý được thanh tịnh.
Thế Tôn trước khi nhập Niết Bàn, đã để lại lời di huấn tối hậu trong Kinh Di Giáo rằng: “Sau khi Như Lai diệt độ, các ngươi phải trân trọng, tôn kính Ba La Đề Mộc Xoa như người đi trong đêm tối gặp ánh sáng, như người nghèo được của báu, phải biết pháp này là Thầy của các ngươi, dù ta có trụ ở đời cũng không khác gì”.
Một thầy Tỳ kheo giới hạnh thanh tịnh, tức là đã làm một nơi an ổn cho thế gian nương nhờ, và cũng là một thành viên tích cực khiến cho Phật pháp hưng thịnh. Tuy nhiên, nếu giới luật không được nghiêm trì thì chúng đệ tử của Phật sẽ là một cộng đồng ô hợp, có khi còn tai hại cho xã hội.
Chúng ta thấy có một sự tương đồng và thống nhất giữa kinh và luật. Theo lý thuyết thì kinh và luật có sự riêng biệt rõ ràng, nhưng ở người thực hành thì chúng tạo nên sự hợp nhất, trong vấn đề nuôi dưỡng phát triển và đào luyện tâm trí, tính cách như nhau. Điều này được thấy rõ qua đoạn kinh: “Giáo pháp và giới luật của đức Phật Gotami có những phẩm chất mà chúng ta có thể biết. Những phẩm chất này dẫn đến sự an tịnh, không có niềm đam mê, tham đắm; để được giải thoát và không bị trói buộc; để buông bỏ, xả ly mà không chấp thủ; để khiêm tốn và không tự cao, tự đại; để thỏa mãn và không để bất mãn; đưa đến sự ẩn dật và không vướng víu; để kích thích năng lượng tinh tấn và không lười biếng; để được trút bỏ gánh nặng và không nặng nề chất chứa, chắc chắn chúng ta có thể thực hành”.