Kiến thức

Giới luật là thọ mạng của Phật pháp

Thứ bảy, 12/01/2024 10:31

Xuyên suốt mấy ngàn năm qua, đạo Phật được vững mạnh và trường tồn, đi vào lòng người dân Việt, như ngọn đuốc soi sáng cõi vô minh, đó cũng là nhờ nghiêm trì giới luật. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Giới là gốc của vô thượng Bồ-đề”, vì vậy, muốn tiến đến quả vị giải thoát, chúng ta phải thọ trì giới luật.

Audio

Tinh thần căn bản của Phật giáo là sự tôn nghiêm giới. Người đệ tử Phật, dù tại gia hay xuất gia khi bước vào thiền môn, điều trọng đại nhất là phải thọ giới. Muốn thọ giới, người xuất gia phải đi đến đâu để thọ nhận giới pháp?

Chỉ có nơi Giới đàn, giới tử Tăng hoặc Ni được thọ lãnh giới pháp từ các bậc tôn túc truyền trao để trang nghiêm giới thể thanh tịnh, đây còn gọi là tuyển Phật đường, là nơi tuyển lựa người làm Phật, kế thừa mạng mạch của Như Lai. Giới là chiếc phao nổi để vượt bờ sanh tử. Giới là ngọc anh lạc để trang nghiêm pháp thân. Vì vậy, thọ nhận và giữ gìn được giới pháp của Đức Phật là điều quý báu vô cùng đối với người xuất gia.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Đức Phật đã dạy: “Sau khi Như Lai diệt độ, các ông phải lấy giới luật làm Thầy, cũng như Phật còn tại thế, bởi vì giới luật còn là Phật pháp còn, giới luật mất là Phật pháo mất". Muốn bảo tồn chánh pháp cửu trụ, lợi lạc quần sanh, người xuất gia phải đăng đàn thọ giới, phải nhiếp tâm thanh tịnh trong khi thọ nhận giới, có như thế mới thành tựu được giới thể.

Giới là nền tảng, là chỗ đứng đầu tiên để bước lên bậc Thánh Hiền, bởi vì có giới mới có định, có định mới phát sanh trí tuệ, muốn làm Thánh làm Phật đều từ nơi giới mà thành. Nếu không trì giới, chánh định không do đâu mà sanh, khi chánh định không có thì làm sao có chánh huệ. Đó là Tam vô lậu học rất cần thiết và quan trọng đối vối người xuất gia.

Phật dạy: “Trong lục đạo chúng sanh chỉ có thân người là quý, làm người mới được xuất gia, mới được thọ giới làm Tăng hay Ni”. Chúng ta có duyên thọ giới và đắc giới, ấy là do đã trồng nhân lành trong vô lượng kiếp. Thế nên, chúng ta phải trân trọng trì giữ giới pháp, đừng để bị mai một.

loading...