Sách Phật giáo
Giới thiệu sách hay “Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức”
Thứ hai, 24/09/2018 09:09
Ngay những trang đầu, nội dung của cuốn sách đã được trình bày một cách súc tích, đầy đủ qua một hình ảnh rất đẹp: Hình ảnh của người anh lớn đến kịp lúc để giúp người em giải quyết một vấn đề nan giải trên máy vi tính. Người anh nói: “Em ngồi qua một bên, anh làm cho”. Người em tức thì cảm thấy vững lòng dù chưa biết vấn đề có được giải quyết ổn thỏa hay không. Người anh lớn đó chính là đức Bụt trong lòng mỗi chúng ta, là sự hiểu biết sáng suốt của chúng ta.
Thầy Thích Nhất Hạnh cũng chính là người anh lớn đó, lúc nào cũng gần gũi, thân thiết và kiên nhẫn. Mỗi trang sách là một lời nhắn nhủ, ta như đang nghe giọng nói nhẹ nhàng, dí dỏm của Thầy: “Các bạn cứ nhìn lại xem, tình thương và tuệ giác của Bụt ở ngay trong lòng của bạn”.
“Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức” là một cuốn sách nhỏ, đầy chất thi ca, đầy hình ảnh của Phật giáo cổ truyền được diễn bày bằng ngôn ngữ tâm linh của người Tây phương, điều đó để giúp ta hiểu rằng tất cả mọi vấn đề của thế gian đều mang một ý nghĩa chung: Đó là ý nghĩa tương tức mà Bụt đã dạy, không có gì mà không liên hệ mật thiết với nhau, không có gì là tách biệt nhau. Cho nên đọc cuốn sách này, ta phải đọc cho tất cả mọi người, để tất cả cùng nhau đóng góp xây dựng hạnh phúc cho mỗi người anh em của mình trên Trái đất này.
“Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức” (Buddha Body, Buddha Mind) do nhà Parallax ấn hành. Đó là nhà xuất bản mà Thầy Thích Nhất Hạnh và Arnold Kotler lập ra từ năm 1987, bây giờ đã trở thành một cơ quan xuất bản không vụ lợi của Cộng đồng sinh hoạt chánh niệm có nhiệm vụ quảng bá sách của Thầy và các tác giả khác viết về chủ đề: Đạo Phật đi vào cuộc đời. Quyển sách này là một tác phẩm về Phật giáo Tâm lý học mới thuộc loại xuất sắc nhất. Và chúng ta không ngạc nhiên khi sách bắt đầu bằng pháp môn thực tập thiền đi.
“Thực tập thiền đi chậm một mình, quý vị hãy thử phương pháp này: thở vào và bước một bước, chú tâm hoàn toàn vào gan bàn chân. Nếu quý vị chưa ‘về’, chưa ‘tới’ được một trăm phần trăm thì đừng bước thêm bước nào nữa cả. Cứ đợi cho quý vị về tới giây phút hiện tại được một trăm phần trăm rồi thì mới bước đi bước kế tiếp. Quý vị có thể ‘xài lớn’ thì giờ như vậy. Và khi quý vị thấy mình đã về đã tới được một trăm phần trăm rồi thì hãy mỉm cười và bước thêm một bước khác. Bước đi như vậy, quý vị in xuống đất sự vững chãi và thảnh thơi của quý vị”.
"Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức" là một cuốn sách tiếp nối công trình, phát huy giáo lý Duy Biểu của Thầy Nhất Hạnh, lấy cảm hứng từ kinh Lăng Già và các bộ luận của tổ Thế Thân, sống vào thế kỷ V. Cuốn sách trước đó cùng một chủ đề của Thầy là “Để hiểu tâm ta” (Understanding Our Mind), giảng dạy năm mươi bài tụng Duy Biểu của trường phái Vijnanavada. Trong khi “Để hiểu tâm ta” là một cuốn sách thuộc loại chuyên môn, đọc khá khó hiểu thì “Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức” lại là một quyển sách đọc rất dễ hiểu vì Thầy Nhất Hạnh đã có tài năng khéo léo diễn tả được những giáo lý khó khăn thâm diệu trong đạo Phật thành ra dễ hiểu với ngôn ngữ thông dụng của thời đại chúng ta.
Cuốn sách bắt đầu bằng cách dạy thiền đi, không phải là không có chủ ý. Chánh niệm từ trước đến nay đã là trung tâm của những gì Thầy giảng dạy cũng như giữa thân và tâm không có gì ngăn cách. Khi ta thực tập thiền đi, thiền ngồi, thiền lạy, khi ta tiếp xử với nhau, ta sử dụng cả thân và tâm cùng một lúc. Khi nói tới tương tức, đồng thời Thầy cũng đề cập tới sự nhất trí diệu kỳ giữa thân tâm với những phức hợp đa dạng, tương liên, tương quan, khăng khít và bất khả tri của các cơ cấu xã hội trong đó ta đang sống.
Những gì Thầy Nhất Hạnh giảng dạy đều chĩa mũi dùi vào những cuồng tín và những ảo tưởng của chúng ta. Dòng tu Tiếp Hiện, thành lập năm 1966, có mười bốn giới mà giới đầu tiên là: “Ý thức được những khổ đau do thái độ cuồng tín và thiếu bao dung gây ra, con xin nguyện thực tập để đừng bị vướng mắc vào bất cứ một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Bụt dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là những chân lý để thờ phụng và bảo vệ, nhất là bảo vệ bằng những phương tiện bạo động”.
Chúng ta phải nhìn cho rõ để đạt được tuệ giác qua cái sợ của chúng ta, đừng bao giờ không công nhận bất cứ một cái gì đang thuộc về ta và cũng không bao giờ nên cố níu giữ lấy những cái mà ta đã quá tin tưởng là thật, mà thật ra là không thật. Tuệ giác này, trong sách “Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức” đã được đề cập tới rất rõ ràng, thấu đáo – một tuệ giác đưa tới thương yêu và bất bạo động: “Thiền tập được dựa trên tuệ giác bất nhị – giữa thiện và ác, giữa khổ và lạc, vì vậy, phương pháp xử lý khổ đau luôn luôn là nhẹ nhàng, bất bạo động. Khi ta đã chấp nhận được tính cách bất nhị của thực tại, ta sẽ trở thành bất bạo động một cách tự nhiên. Ta thấy không cần phải đàn áp, xua đuổi cơn giận và nỗi sợ của ta nữa, bởi vì ta thấy cơn giận ấy và nỗi sợ ấy cũng là chính ta, chứ không phải là kẻ thù của ta. Do đó, ta sẽ đối xử với chúng một cách nhẹ nhàng êm dịu. Sẽ không còn có sự xung đột nữa. Chỉ còn lại sự thực tập để chăm sóc và chuyển hóa”.
Chúng ta phải nhìn cho rõ để đạt được tuệ giác qua cái sợ của chúng ta, đừng bao giờ không công nhận bất cứ một cái gì đang thuộc về ta và cũng không bao giờ nên cố níu giữ lấy những cái mà ta đã quá tin tưởng là thật, mà thật ra là không thật. Tuệ giác này, trong sách “Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức” đã được đề cập tới rất rõ ràng, thấu đáo – một tuệ giác đưa tới thương yêu và bất bạo động: “Thiền tập được dựa trên tuệ giác bất nhị – giữa thiện và ác, giữa khổ và lạc, vì vậy, phương pháp xử lý khổ đau luôn luôn là nhẹ nhàng, bất bạo động. Khi ta đã chấp nhận được tính cách bất nhị của thực tại, ta sẽ trở thành bất bạo động một cách tự nhiên. Ta thấy không cần phải đàn áp, xua đuổi cơn giận và nỗi sợ của ta nữa, bởi vì ta thấy cơn giận ấy và nỗi sợ ấy cũng là chính ta, chứ không phải là kẻ thù của ta. Do đó, ta sẽ đối xử với chúng một cách nhẹ nhàng êm dịu. Sẽ không còn có sự xung đột nữa. Chỉ còn lại sự thực tập để chăm sóc và chuyển hóa”.
Thầy Nhất Hạnh miêu tả “lục-ba-la-mật” như “sáu kỹ thuật tạo nên hạnh phúc.” Ba-la-mật có nghĩa là “từ bờ bên này đi qua bờ bên kia”. Tôi có cảm tưởng là khi dạy về lục độ, Thầy luôn luôn nhấn mạnh tới nhẫn ba-la-mật và tinh tấn ba-la- mật nhiều hơn. Nhẫn (ksanti) đối với Thầy là kiên nhẫn và không loại trừ, tinh tấn (virya) là chuyên cần, siêng năng.
Nếu không siêng năng vượt bậc thì làm sao Thầy tạo dựng và nuôi dưỡng được từng ấy tăng thân xuất gia và tại gia ở Tây phương, làm sao Thầy viết được từng ấy cuốn sách, làm sao có thể cứ tiếp tục đi giảng dạy khắp nơi trong suốt mấy mươi năm trời và làm sao chịu đựng nổi bốn mươi năm lưu đày viễn xứ?
Thầy mới được phép về lại quê xưa lần đầu cách đây chỉ có hai năm! Hơn thế nữa, nếu không chuyên cần và chịu đựng, làm sao Thầy kiên trì tranh đấu cho hòa bình và đối diện được với khổ đau trên thế giới trong suốt mấy mươi năm với hiểu biết và tình thương mà không hề thối chí như thế? Nhẫn nhục đi đôi với tinh tấn. Nhẫn nhục, theo Thầy là “thực tập để làm cho trái tim ta ngày càng lớn rộng thêm ra”. Cũng như mục sư Martin Luther King Jr. dạy về agape trong Kitô giáo: “Nhẫn nhục là ôm lấy tất cả trong tình thương của mình mà không loại trừ bất cứ ai. Trong tình thương đích thực, ta không còn kỳ thị nữa, dù người ấy là da đen, da trắng hay da vàng, dù người ấy theo đạo Hồi, theo đạo Bụt, theo đạo Do Thái hay theo chủ nghĩa gì đi nữa, mình cũng chấp nhận tất cả mà không còn kỳ thị. Nhẫn nhục ở đây có nghĩa là không kỳ thị”.
Thầy Nhất Hạnh nhìn đạo Bụt như con đường tu tập để trở thành một con người toàn vẹn, bước đi trên Trái đất một cách an lạc, tạo dựng được hòa bình. Cách sống này vượt lên khỏi mọi tôn giáo và mọi ý thức hệ, cho tình người là cao cả hơn hết. Tuy nhiên, Thầy cũng nói rằng các tôn giáo lớn phải có trách nhiệm đưa tín hữu của họ vào con đường nhân bản này. Tôi thấy nhà Riverhead vừa ăn mừng kỷ niệm ngày xuất bản cuốn “Bụt Ngàn Đời, Chúa Ngàn Đời” (Living Buddha, Living Christ) bằng một ấn bản thứ mười của cuốn sách ấy – một tác phẩm được xem như nền tảng chung của cả Phật giáo lẫn Kitô giáo. Với một bài tựa của học giả Elaine Pagels, cuốn sách này cũng là một viên đá nền tảng khác cho Phật pháp tại Tây phương, bây giờ đây còn thích ứng với thời cuộc hơn cả mười mấy năm về trước, khi nó mới được xuất bản lần đầu.
Tinh hoa của cuốn này, cũng như của bao nhiêu cuốn sách khác của Thiền sư Nhất Hạnh là đối thoại và chia sẻ, cái mà thế giới chúng ta đang thực sự cần đến hơn bao giờ hết, cho tất cả các tôn giáo trên thế giới. Làm thế nào để tự nuôi dưỡng mình và nuôi dưỡng truyền thống tôn giáo của mình? Thầy viết: “Khi phật tử và Kitô hữu tới với nhau, họ nên ngồi xuống ăn với nhau một bữa cơm có chánh niệm. Ăn cơm như thể là cử hành bí tích thánh thể. Thực tập ăn cơm trong chánh niệm như thế, mỗi bữa ăn đều có thể trở nên bữa ăn cuối cùng (the Last Supper). Thật ra, ta có thể gọi đó là bữa ăn đầu tiên (the First Supper), tại vì sau khi ăn một bữa ăn như thế, tất cả mọi cái đều trở thành mới tinh và tươi mát”.
TS.Nguyễn Mạnh Hùng