Sách Phật giáo

Giới thiệu tác phẩm “Tổ sư huấn hối yếu tắc”

Chủ nhật, 07/11/2020 06:46

Tác phẩm “Tổ sư huấn hối yếu tắc” gồm có 10 bài giáo lý cơ bản, đây là 10 điều Tổ sư Nguyên Thiều dạy bảo cho hàng đệ tử xuất gia học Phật suy nghiệm và thực hành.

Trải qua hơn 300 năm từ khi thành lập đến lúc bị thiêu hủy trong kháng chiến, mọi kiến trúc của Tổ đình Quốc Ân Kim Cang đều bị chôn vùi dưới lòng đất. Thế nhưng như một sự hiển linh của Tổ Nguyên Thiều, ngài đã chỉ dẫn cho hàng hậu học biết được nơi an nhiên xả báo thân của Ngài, đó là ngôi tháp nằm trong khuôn viên Tổ đình Quốc Ân Kim Cang, ấp Bình Lục, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Và gần đó còn có một tháp Phổ Đồng (nay là tháp tưởng niệm Công chúa Ngọc Vạn), do Tổ Nguyên Thiều đã xây cất. 

Hiện nay, di sản còn lại tại Tổ đình Quốc Ân Kim Cang gồm có:

– 1 Bảo tháp của Tổ sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch.

– 1 Tháp tưởng niệm Công chúa Ngọc Vạn.

– 1 Hồng chung (cỡ trung).

– 1 Bảng giáo lý mười bài “Tổ sư huấn hối yếu tắc”.

– 1 Long vị Tổ Minh Vật Nhất Tri.

Tổ đình Quốc Ân Kim Cang.

Tổ đình Quốc Ân Kim Cang.

Ý nghĩa chữ Kinh trong Phật giáo

Trong thời gian chiến tranh năm 1946, Tổ đình Quốc Ân Kim Cang, ấp Bình Lục xã tân bình, huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai, do HT.Thích Minh Chánh làm viện chủ hiện nay, đã bị thiêu rụi cùng nhiều đồ vật và kinh sách. Thế nhưng rất may mắn, còn sót lại một quyển sách quý, vì là người Hoa, thông thạo chữ Hán nên HT.Thích Minh Chánh đã đọc được mười bài giáo lý “Tổ sư huấn hối yếu tắc” của Tổ Nguyên Thiều để lại, trong quá trình bàn giao các di sản của Tổ đình Quốc Ân Kim Cang, hiện đang lưu giữ tại Kim Long cổ tự[1].

Tác phẩm “Tổ sư huấn hối yếu tắc” gồm có 10 bài giáo lý cơ bản, đây là 10 điều Tổ sư Nguyên Thiều dạy bảo cho hàng đệ tử xuất gia học Phật suy nghiệm và thực hành, bao gồm các nội dung cơ bản như: Người xuất gia phải biết tin sâu Tam bảo, tôn kính sư trưởng; giữ gìn giới luật; tin sâu nhân quả; sống đời đạm bạc; tu học phải tinh tấn chớ có biếng nhác; nhẫn nhục chịu khó; biết sống lục hòa; siêng năng niệm Phật, tham thiền và thông suốt ba tạng… như vậy mới có thể tiếp nối một phần nào mạng mạch của chư Phật, chư Tổ để lại. Trong quá trình tham vấn Hòa thượng Thích Minh Chánh tại Tổ đình Quốc Ân Kim Cang về mười bài giáo lý “Tổ sư huấn hối yếu tắc” của Tổ Nguyên Thiều, Hòa thượng Thích Minh Chánh kể lại rằng:

“Hồi đó chiến tranh giặc Pháp đốt cháy hết rồi, còn lại cái nền chùa thôi, mọi di sản còn sót lại đưa về chùa Kim Long cất giữ. Lúc tôi về trụ trì chùa Kim Cang (đó) thì chùa Kim Long bàn giao lại mọi di sản, vật dụng của chùa Kim Cang cho tôi. Lúc đó Hòa thượng Minh Lượng (trụ trì chùa Kim Long ngày xưa đó, chứ không phải thầy trụ trì bây giờ), đưa cho tôi một quyển chữ Hán bị cháy sém một góc phía sau, chỉ còn lại mấy trang đầu hà, (thì) tôi đọc thấy đây là lời dạy của Tổ Nguyên Thiều. Sau đó tôi có chép tay lại mười bài này nữa. Hồi trước tôi còn cho in ra khổ lớn dán ở chùa Long Thiền để giảng dạy cho tăng ni nữa đó, bây giờ không biết còn ở dưới đó không nữa. Chắc là còn đó, bữa nào xuống dưới đó coi thử đi”[2] .

Từ sau khi chép lại được mười bài “Tổ sư huấn hối yếu tắc” này, Hòa thuợng Thích Minh Chánh đã phiên dịch âm, nghĩa và gửi cho Hòa thượng Thích Giác Quang, đưa vào tập tài liệu của văn phòng BTS tỉnh Đồng Nai, để giảng dạy tại các Trường hạ và trường Phật học, đồng thời xem mười bài giáo lý này là bức cẩm nang cho tăng ni tu hành trong toàn tỉnh.

Trong quá trính tham vấn Hòa thượng Thích Giác Quang[3] cũng nhận định rằng: “Hòa thượng Thích Minh Chánh đã có công rất lớn trong việc phục dựng lại Tổ đình Quốc Ân Kim Cang, chẳng những thế mà còn xiển dương phương pháp “Thiền – Tịnh song tu” yếu chỉ của Tổ qua 10 bài giảng “Tổ sư huấn hối yếu tắc” của Tổ Nguyên thiều để lại. Từ đó đến nay Hòa thượng cũng đã duy trì được phương pháp cốt lõi của Tổ sư, đó là “Thiền – Tịnh song tu”. Có thể nói Tổ đình Quốc Ân Kim Cang tại Bình Lục, Vĩnh Cửu – Đồng Nai xứng đáng là chiếc nôi của Phật giáo Việt Nam tại Đồng Nai, mà người có công để chấn hưng cũng như duy trì nền tảng giáo lý, nền văn hóa tại tỉnh Đồng Nai chính là Hòa thượng Thích Minh Chánh[4].

Tác phẩm “Tổ sư huấn hối yếu tắc” gồm có 10 bài giáo lý cơ bản, đây là 10 điều Tổ sư Nguyên Thiều dạy bảo cho hàng đệ tử xuất gia học Phật suy nghiệm và thực hành.

Tác phẩm “Tổ sư huấn hối yếu tắc” gồm có 10 bài giáo lý cơ bản, đây là 10 điều Tổ sư Nguyên Thiều dạy bảo cho hàng đệ tử xuất gia học Phật suy nghiệm và thực hành.

Tại sao người sống thiện, tinh tấn tu hành lại gặp nhiều ác nghiệp?

Dưới đây là nội dung mười bài giáo lý “Tổ sư huấn hối yếu tắc” bằng Hán văn:

祖師訓悔要則:

1-出家要信佛法,三藏一口呑喫,方知源遠 流長,可接佛祖一派

2-出家要敬師長,隨力隨時供養。百孝不如 一順,不可回頭掘強。

3-出家要持戒行,戒是佛祖正令。受戒不守 毘尼,徒勞丧身失命。

4-出家要明人果,粒粒施主辛苦。吃了若不 修行,做牛作馬還補.

5-出家要甘淡薄,自古三常不足,莫嫌淡飯 黃虀,古人學貧證道.

6-出家要除懶惰,凡事向前做去。你若避懶 收安,人神那得衛護.

7-出家要忍人辱,忍辱天下和穆。此章祖佛 眞傳,忍辱作佛作仙.

8-出家要和大眾,慎勿互相爭鬥。聚頭說是 道非,空把光音來送

9-出家要勤念佛,念念要生樂國。念到不念 而念,彌陀不從他得。

10-出家要真參禪,參透未生已前。一日凡 夫軀脫落,靈光普蔭人天。

(TT.Thích Minh Thanh[5] hiệu đính và dịch chữ Hán)

*Phiên âm: Tổ sư huấn hối yếu tắc

1. Xuất gia yếu tín Phật pháp, tam tạng nhất khẩu thôn khích, Phương tri nguyên viễn lưu trường, khả tiếp Phật Tổ nhất phái.

2. Xuất gia yếu kỉnh Sư Trưởng, tùy lực tùy thời cúng dường. Bá hiếu bất như nhất thuận, bất khả hồi đầu quật cường.

3. Xuất gia yếu trì giới hạnh, giới thị Phật Tổ chính lịnh. Thọ Giới bất thủ Tỳ – ni, đồ lao táng thân thất mạng.

4. Xuất gia yếu minh nhân quả, lạp lạp thí chủ tân khổ. Ngật liễu nhược bất tu hành, tố ngưu tác mã hoàn bổ.

5. Xuất gia yếu cam đạm bạc, tự cổ tam thường bất túc, mạc hiềm đạm phạn huỳnh tê, cổ nhân học bần chứng đạo.

6. Xuất gia yếu trừ lại nọa, phàm sự hướng tiền tố khứ. Nể nhược tỵ lại thâu an, nhân thần na đắc vệ hộ.

7. Xuất gia yếu nhẫn nhân nhục, nhẫn nhục thiên hạ hòa mục. Thử chương Tổ, Phật chân truyền, nhẫn nhục tác Phật tác Tiên.

8. Xuất gia yếu hòa đại chúng, thận vật hỗ tương tranh đấu, tụ đầu thuyết thị đạo phi, khống bả quang âm lai tống.

9. Xuất gia yếu cần niệm Phật, niệm niệm yếu sinh lạc quốc. Niệm đáo bất niệm, nhi niệm, Di Đà bất tùng tha đắc.

10. Xuất gia yếu chân tham thiền, tham thấu vị sinh dĩ tiền. Nhất nhật phàm phu khu thoát lạc, linh quang phổ ấm nhân thiên.

*Dịch nghĩa: Tổ sư dạy bảo những quy tắc cần yếu

1. Người xuất gia phải hết lòng chính tín Phật Pháp. Ba tạng Kinh Luật Luận một miệng nuốt hết, mới có thể nối tiếp cùng một tông phái với Phật và Tổ.

2. Người xuất gia phải hết lòng tôn kính Thầy tổ, tùy sức, tùy thời mà cúng dường, trăm điều hiếu không bằng một điều thuận, không được cứng đầu (ương ngạnh) cưỡng cãi.

3. Người xuất gia phải giữ gìn giới luật, oai nghi. Giới luật là sắc lệnh chính của Phật Tổ ban ra. Thọ giới mà không nghiêm trì giới luật thì sẽ bị tan thân mất mạng vô ích.

4. Người xuất gia cần yếu phải rõ nhân quả, mỗi hạt gạo là công khó nhọc của thí chủ, dùng rồi mà chẳng tu hành thì sau này phải làm thân trâu ngựa để đền đáp lại.

5. Người xuất gia phải cam chịu đời sống đạm bạc, từ xưa đến nay ba món thường chẳng đầy đủ, chớ chê cơm lạt, muối dưa, người xưa tu học lấy chữ nghèo mà chứng đạo.

6. Người xuất gia phải từ bỏ sự lười biếng, phàm gặp việc phải xung phong làm tới. Nếu cố trốn tránh lười biếng để cầu sự an nhàn thì người và thần không ủng hộ bảo vệ nữa.

7. Người xuất gia cần phải nhẫn nhịn người, có nhẫn nhục thì mọi người mới hòa thuận vui vẻ, thiên hạ thuận hòa; Chương này do Phật, Tổ chân truyền, nhẫn nhục được sẽ làm Phật làm tiên.

8. Người xuất gia phải thuận hòa với đại chúng, hãy thận trọng đừng đấu tranh với nhau, dụm dầu nói chuyện thị phi, luống bỏ thời giờ trôi qua.

9. Người xuất gia phải chuyên cần niệm Phật, mỗi niệm đều cầu sinh về nước Cực Lạc. Niệm đến khi không niệm mà có niệm thì đức Di Đà sẽ hiện tiền trước mắt.

10. Người xuất gia phải chân thật tham thiền, tham cứu đến chỗ chưa sinh về trước, cho đến một ngày nào xã bỏ xác phàm, ánh linh quang bao trùm cả vũ trụ (pháp giới).

(Hòa thượng Thích Minh Chánh dịch âm – nghĩa)

Qua phần giới thiệu về tác phẩm “Tổ sư huấn hối yếu tắc” đã đóng góp cho độc giả có thêm nhiều thông tin mới:

Thứ nhất: thông tin về di sản mà Tổ Nguyên Thiều đã chỉ dạy cho hàng đệ tử xuất gia noi theo tu tập.

Thứ hai: thông tin về sự truyền bá chính pháp của Tổ Nguyên Thiều tại miền Nam, cụ thể là Tổ đình Quốc Ân Kim Cang, Vĩnh Cửu-Đồng Nai

Thứ ba: lời di huấn của Tổ được truyền dạy và lưu bố rộng rãi trong tỉnh Đồng Nai. Những tăng, ni sinh nào từng học Sơ cấp và Trung cấp của tỉnh Đồng Nai (trong suốt thời gian “10 năm” HT.Thích Minh Chánh làm Trưởng BTS) đều biết đến 10 bài giáo lý “Tổ sư huấn hối yếu tắc” này.

Dưới đây là hình ảnh nguyên bản mười bài giáo lý “Tổ sư huấn hối yếu tắc” bằng chữ Hán, được Hòa thượng Thích Minh Chánh chép tay lại, rồi phiên âm và dịch nghĩa phía dưới, trong quá trình Tổ đình Kim Long bàn giao các di sản văn hóa lại cho Tổ Đình Quốc Ân Kim Cang.

To-su-Huan-Hoi-Yeu-Tac-3-800x504

Công đức xuất gia tu hành thật không thể nghĩ bàn

Chú thích:

[1] Theo tài liệu từ văn phòng BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai viết “Chùa Kim Long là hậu duệ của chùa Kim Cang và chùa Thanh Long. Khi xưa Tổ Nguyên Thiều lập chùa Kim Cang tại ấp Bình Thảo, xã Bình Phước, huyện Phước Long, Dinh Trấn Biên. Ngày nay thuộc ấp Bình Lục, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Cùng thời ấy một nhóm người Hoa cũng lập một chùa Tàu để thờ cúng các vị thần đặt tên là chùa Thanh Long. Đến năm 1946, khi giặc Pháp mở rộng căn cứ chiếm đóng nước ta, chùa Thanh Long và chùa Kim Cang đều bị đốt cháy. Sau đó nhân dân trong làng mới đem các di sản của cả hai chùa về cất giữ tại một ngôi chùa mới, đặt tên là Kim Long. Chùa Kim Long là kết hợp hai chùa, lấy hai chữ đầu của chùa Kim Cang và Thanh Long lại vậy.

[2] Trích lục phỏng vấn trực tiếp Hòa thượng Thích Minh Chánh (viện chủ Tổ Đình quốc Ân Kim Cang, Vĩnh Cửu-Đồng Nai) về văn bản Tổ sư huấn hối yếu tắc của tổ Nguyên Thiều, viện chủ Tổ Đình Quốc Ân Kim Cang, Vĩnh Cửu-Đồng Nai

[3] Phó BTS GHPG tỉnh Đồng Nai, Phó trụ trì Quan Âm tu viện đường Nguyễn Ái Quốc, Tp.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

[4] Trích phụ lục phỏng vấn HT.Thích Giác Quang về quá trình hình thành và phát triển của Tổ đình Quốc Ân Kim Cang, Vĩnh Cửu-Đồng Nai.

[5] Phó trưởng khoa tiếng Trung, HVPG, Tp.HCM, trụ trì Chùa Pháp Vân 85/5, đường số 97, ấp Giòng Sao, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM.

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai(1998), Những tư liệu lịch sử Biên Hòa – Đồng Nai 300 hình thành và phát triển. Thư viện tỉnh Đồng Nai.

2. Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Nxb Tp.HCM.

3. Nguyễn Hiền Đức (2002), “Ảnh hưởng của Tổ sư Nguyên Thiều đối với Phật giáo Đồng Nai – Gia Định”, Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định – Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Tp.HCM.

4. Trương Văn Giới – Lê Khắc Kiều Lục (bảng in 2011), Từ điển Việt Hán hiện đại (现代越汉词典), Nxb Khoa học xã hội.

5. Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định – Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Tp.Hcm.

6. Văn phòng Chùa Thanh Long phường Trung Dũng, Tp.Biên Hòa(2011), Sơ lược Tổ đình Quốc Ân Kim Cang (Tổ đình Quốc Ân Kim Cang), ấp Bình Thảo, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu.

7. Tài liệu văn bản mười bài “Tổ sư huấn hối yếu tắc”, Tổ đình quốc Ân Kim Cang,ấp Bình Lục, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu,tỉnh Đồng Nai.

8. Thích nữ Hạnh Hiếu (2019), “Phụ lục phỏng vấn số 03, HT.Thích Minh Chánh”, nội dung phỏng vấn,Văn bản “Tổ sư huấn hối yếu tắc” của Tổ Nguyên Thiều – Siêu Bạch”,Quá trình hình thành và phát triển Tổ đình Quốc Ân Kim Cang Vĩnh Cửu – Đồng Nai.

9. Thích nữ Hạnh Hiếu (2019), “Phụ lục phỏng vấn số 09, HT.Thích Giác Quang”, nội dung phỏng vấn, Hành trạng và bảo tháp của Tổ Nguyên Thiều – Siêu Bạchtại Tổ đình Quốc Ân Kim Cang Đồng Nai. Quá trình hình thành và phát triển Tổ đình Quốc Ân Kim Cang Vĩnh Cửu – Đồng Nai.

loading...