Kiến thức

Giữ năm giới có đủ đảm bảo được tái sinh làm người?

Thứ bảy, 28/08/2022 07:02

Phật tử chúng ta được biết rằng, đã quy y Tam bảo và thọ trì năm giới (không sát sinh, không trộm cướp, không tà hạnh, không nói dối, không say nghiện) thì sẽ đảm bảo không đọa vào đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh) , được tái sinh làm người.

Tuy nhiên việc tái sinh làm người không chỉ dựa vào việc giữ giới mà còn dựa vào nhiều yếu tố khác nữa như cận tử nghiệp và các trạng thái tâm lý.

Đúng là nếu giữ được năm giới thì cơ bản sẽ không rơi vào ba đường ác và được tái sinh ít nhất là vào cõi người, nhưng với điều kiện là không có biến cố gì quá lớn xảy ra trong cuộc đời hay trong lúc lâm chung.

Ví dụ, một người dù giữ vững năm giới nhưng tâm tham luyến quá lớn đối với vật sở hữu nào đó thì sau khi chết sẽ tái sinh làm ngạ quỷ hay súc sinh để gắn bó với vật sở hữu đó, như làm con chó để giữ của, làm con sâu trong vườn trái cây mà họ yêu thích, làm ngạ quỷ để quanh quẩn với người thân. Câu chuyện một đạo sĩ Ấn Độ dù đạt đến định Phi tưởng phi phi tưởng xứ nhưng lúc gần chết chỉ một niệm sân khởi lên thì liền tái sinh làm con phi ly là một điển hình.

giu-vung-nam-gioi

Giới luật là hành vi đạo đức, giúp tăng phước và hỗ trợ cho tâm thanh tịnh. Tâm mới là quan trọng, quyết định xu hướng tái sinh. Dù cả đời giữ giới tinh nghiêm, đạt được các tầng thiền, hay tạo được nhiều phước báo nhưng lúc lâm chung chỉ cần một niệm bất thiện (như niệm sân chẳng hạn) khởi lên thì người đó ngay lập tức rơi vào ác đạo nhanh như tên bắn. Cho nên giữ giới không thôi vẫn chưa đủ để đảm bảo sinh vào cõi lành mà còn phải tu tập các phương diện khác nữa như bố thí, xả ly, từ bi, nhẫn nhục, diệt trừ các tâm tham, sân, si, mạn.

Có những người rất nhạy cảm, hay tự ái, mau nóng giận. Bất cứ chuyện gì cũng làm họ phật lòng. Có những chuyện không đáng cũng dễ khiến họ nổi trận lôi đình. Đức Phật dạy những người như thế giống như toàn thân bị ung ghẻ, đụng nhẹ vào bất cứ chỗ nào cũng khiến họ đau đớn vô cùng. Và nếu không tu tập sửa đổi thì sẽ rất nguy hiểm đối với sự tái sinh vào cõi dữ.

Chúng ta đừng chủ quan nghĩ rằng, sân si một chút cũng không hại gì, lúc hấp hối chỉ cần chuyên tâm niệm Phật là được. Nói thì dễ nhưng làm thì rất khó. Một khi đã thành thói quen rồi thì khó kiềm chế. Cho nên muốn được chánh niệm lúc lâm chung thì ngay từ bây giờ ta phải tập kiểm soát tâm mình. Phải làm sao cho tâm không còn dễ sân si nữa, ít bị tác động bởi hoàn cảnh bên ngoài. Có như vậy thì mới mong sinh thuận tử an cũng như đảm bảo tái sinh về cõi lành.

Có người hỏi, cả đời mình giữ giới mà khi lâm chung chỉ cần một niệm sân khởi lên cũng đọa ác đạo, vậy người không giữ giới mà khi lâm chung tâm được bình an thanh thản thì được sinh về cõi lành không? Và nếu được vậy thì đâu cần cả đời giữ giới, tu thiện, chỉ cần tu lúc lâm chung thôi. Xin thưa rằng, người cả đời làm nhiều việc ác thì không bao giờ có chuyện tâm được bình an lúc lâm chung. Thật ra, nếu cả đời làm ác thì khi lâm chung họ sẽ đọa ngay vào ác đạo mà không cần phải có tâm bất thiện hay sân hận.

Trong cuộc sống ta cũng hay thấy một số con vật rất thông minh, một số con vật mà sự hưởng thụ của chúng còn hơn cả nhiều người. Rất có thể kiếp trước của chúng là những người có tu phước nhưng một niệm bất giác lúc lâm chung mà đọa làm cầm thú. Tuy làm cầm thú nhưng chúng vẫn hưởng được những gì tốt đẹp mà chúng đã tạo ở kiếp trước. Tất nhiên chắc chúng ta không ai muốn mình như vậy. Thà làm người kém cỏi vẫn tốt hơn là làm loài vật có phước.

Đức Phật dạy được làm người là khó. Mong sao mọi người hiểu được Chánh pháp, cố gắng tu dưỡng để ít nhất được tái sinh trời, người.

Nguồn: Báo Giác Ngộ

loading...