Hỏi - Đáp

Giúp người khác mà người ta không tôn trọng thì có nên giúp đỡ họ nữa không?

Chủ nhật, 22/07/2021 10:36

Trong cuộc sống của quý vị, quý vị cũng đã từng giúp đỡ ai đó. Nhưng mà để đối đáp lại cái ân tình, ân nghĩa đó của mình, đôi lúc, người ta lại không có tôn trọng mình. Quý vị có từng bị như vậy chưa?

Ông bà ta nói một câu như thế này:

"Cầm vàng mà lội qua sông,

Rơi vàng không tiếc, tiếc công cầm vàng".

Cũng đồng nghĩa với câu này, ta có thêm một câu nữa là:

"Anh tưởng giếng sâu, anh nối sợi gàu dài,

Ngờ đâu giếng cạn, anh tiếc hoài sợ dây".

Câu này ý muốn nói là gì? Ví dụ, mình có một người bạn hôm đó qua thăm mình, vô tình mình để một món đồ hơi giá trị một chút xíu. Trong lúc lơ là, mình không để ý, thì người bạn ấy khởi tâm tham và lấy món đồ đó của mình. Mà mình biết, rồi mình buồn. Đôi lúc, mình không phải buồn vì mất món đồ giá trị, mà mình buồn vì mình tin tưởng người bạn mình quá lớn. Mà cái niềm tin tình thương mình dành cho bạn mà nó chỉ đo được bằng cái món quà giá trị đó. Có nghĩa là mình buồn vì mình mất người bạn kia. Quý vị thử ngẫm lại xem có đúng như vậy không? Có những việc trong cuộc sống này, nói mình tha thứ thì mình tha thứ, nhưng nói mình tin tưởng hay giao lại những việc quan trọng cho người đó thì khó mà tin tưởng lại lắm. Cuộc sống này khó lắm. Để gây dựng lại niềm tin nơi một người khác, nó khó khăn vô cùng. Một trăm điều tốt mình làm, một ngày nào đó, nó có thể đánh đổi bằng một điều xấu.

5 điều giúp người vợ giữ gìn hạnh phúc gia đình

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Và cũng trong cuộc sống này, mình đối xử với người ta rất tốt, rất nhiều lần luôn, nhưng đâu đó, có một, hai lần nào đó mình đối xử không tốt người ta là họ có thể quay đầu với mình. Cái này còn lạ hơn nữa, mình vẫn giúp người ta, rồi một ngày nào đó, mình không giúp nữa, chứ không phải là mình hại người ta hoặc là chửi người ta. Và nếu mình không giúp nữa, thì thôi, người ta cũng ghét mình luôn. Cho nên, cái chuyện mà mình biết ơn một người nó khó lắm. Đức Phật nói biết ơn là khó mà quý vị! Ai sống với lòng biết ơn ngày nào thì ngày đó sẽ còn hạnh phúc.

Với người con Phật, khi giúp được cho ai, chúng ta nên quán chiếu như vầy. Mình giúp cho người khác, không phải là mình cần sự trả ơn. Dù cho người đó không tri ơn, mình cũng không bị đau khổ. Mình giúp một người cũng không phải để cho người ta tôn trọng mình. Nếu mình giúp người để cho người ta tôn trọng, thì khi người ta không tôn trọng, mình sẽ khổ đau.

Chẳng hạn như mình nói với ai đó là: “Chị nhớ nha! Tôi giúp chị rồi, chị nhớ vô like Facebook tôi nha! Vô mà không like là tôi giận á!”. “Tôi giúp chị, chị đi ngang nhớ cuối đầu xuống chào tôi nha! Tôi giúp chị á! Chị nhớ trả ơn tôi nha! Chị nhớ tôn trọng tôi nha!”. Hay “Tôi giúp chị thì chị phải giúp tôi cái gì nha! Bánh ít đi, bánh quy lại nha!”. Đó, quý vị thấy không, khi mình giúp với cái tâm thái đó, mà người ta không làm những điều như mình muốn, thì mình sẽ phiền muộn, đau khổ đúng không?

Câu hỏi này, vị Phật tử hỏi thầy là nếu mình giúp người đó, nhưng họ lại không có tôn trọng mình, thì mình nên làm gì. Thì thầy xin hỏi lại rằng mình giúp người ta là do mình cần sự tôn trọng đó hay sao? Cái đó nó ít lắm phải không quý vị? Việc của mình là thương người, là giúp người, thì người ta có thương mình hay không là chuyện của người ta. Mình không để cho cách hành xử của người ta ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Cái này quan trọng lắm nha quý vị! Đừng có để cho một lời nói thị phi, hơn thua của người đó làm cho mình thay đổi quan điểm sống của mình.

Gieo mầm thiện cho đời

Thầy hay kể cho quý vị nghe một câu chuyện như sau. Có một thiền sinh đang ngồi thiền ở dưới dòng suối và thấy một con bò cạp đang bị dòng nước cuốn trôi. Thì vị thiền sinh này mới đưa tay ra cứu lấy nó và bị nó chích. Sau đó, anh thả con bò cạp ra, rồi nó lại chích vào tay anh thêm lần nữa. Cứ như vậy, mỗi khi anh muốn thả nó ra là nó lại liên tục chích vào tay anh. Có một người đi ngang qua, thấy vậy thì bảo anh đừng cứu nó nữa, nó đúng là đồ vô ơn. Vị thiền sinh đó mới nói rằng, bản năng của con bò cạp là chích, bản năng của con muỗi là hút máu, bản năng của con chim là hót,… còn bản năng của con người, hay của anh là khi thấy điều gì cần giúp là anh sẽ giúp ngay. Không có việc con bò cạp chích mình mà mình bỏ đi cái tình thương của mình. Cho nên, trong cuộc sống thường ngày, đừng vì lời nói, hành động, suy tư của người ta mà ảnh hưởng đến việc làm tốt của mình. Mà thầy hay dùng câu nói là: “Đừng sống như người ta nói!”. Thầy có giảng bài pháp “Đừng sống như người ta nói”, quý vị nên xem lại để hiểu rõ hơn. Tức là quý vị phải có lập trường sống, có chính kiến của riêng mình. Nếu không thì khi người ta thổi gió chiều nào là quý vị sẽ ngã theo chiều đó. Người ta chửi mình thì mình giận, người ta khen mình thì mình vui. Có phải như vậy là mình đang sống theo cách người ta nói không? Do đó, mình phải có lập trường riêng.

Cho nên, bây giờ mình giúp người ta, người ta không tôn trọng nữa, thì mình nên coi lại. Thứ nhất, mình coi lại mình, là mình giúp họ để cần sự tôn trọng hay sao, mình giúp để cần sự trả ơn hay sao, hay mình giúp vì mục đích gì? Thứ hai, mình giúp họ bằng cả tấm lòng của mình, nhưng họ không trân trọng, thì mình cũng nên suy nghĩ lại, mình dành thời gian, công sức, tiền bạc để giúp đỡ cho những đối tượng, những mảnh đời khác bất hạnh hơn, xứng đáng hơn. Điều đó không có nghĩa là mình sẽ bỏ hẳn người kia, nhưng nếu một đối tượng mà cứ làm mình khổ hoài, thì thầy xin tặng cho quý vị một câu: “Người không đáng thì mình không nên!”. Không phải là mình không thương họ, mà mình thấy mình dành cái này về người đó mà không có lợi ích nhiều, thì mình dành cho những người đang cần cái đó để được lợi ích hơn.

Thầy Thiện Tuệ trả lời vấn đáp Phật Pháp

loading...