Hỏi - Đáp
Giúp người tái duyên có bị đọa địa ngục?
Thứ hai, 08/06/2020 08:49
Theo tinh thần từ bi và nhân bản của Phật giáo, người cư sĩ sau khi ly hôn hay người bạn đời chết đi thì có thể tái hôn bình thường. Giúp người tái hôn một cách chân chính, đúng pháp thì không hề mang tội, nên không vì thế mà đọa địa ngục.
Người Phật tử phải tu như thế nào để không bị đọa địa ngục?
Hỏi: Tôi là Phật tử, vừa qua tôi có lên internet tìm hiểu về lục đạo và thấy một bài viết về 18 tầng địa ngục. Trong đó có tầng Tiễn đao địa ngục trừng phạt những ai “Làm cho quả phụ tái duyên hoặc giúp nàng làm mai làm mối câu dẫn đàn ông khác thì sau khi chết sẽ bị đưa vào ngục này, cắt đứt mười ngón tay”. Không biết bài viết này có thuộc kinh điển Phật giáo không? Theo tôi thì hình phạt này không hợp tình cho lắm, vì quả phụ thủ tiết thờ chồng sau ba năm vẫn có thể tìm hạnh phúc riêng cho mình. Nếu trừng phạt như vậy thì chẳng phải là ngăn cấm quả phụ không được mưu cầu hạnh phúc sau khi chồng chết, là cướp đi cả tuổi thanh xuân, cả cuộc đời của người đó hay sao? Mong quý Báo khai ngộ cho.
(VIỆT ANH, [email protected])
Đáp:
Bạn Việt Anh thân mến!
Đúng là kinh sách của Phật giáo có nói đến địa ngục (Dục giới gồm lục đạo: cõi trời, a-tu-la, người, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục). Địa ngục là cảnh giới khổ đau chiêu cảm với những nghiệp nhân xấu ác, gây trọng tội. Con người tạo ác nghiệp vô biên nên có vô lượng khổ đau trong địa ngục. Trong kinh điển Phật giáo thuộc Hán tạng, có bản kinh nói về 18 địa ngục (Phật thuyết Thập bát nê-lê kinh, An Thế Cao dịch) nhưng nội dung khác với “địa ngục có 18 tầng và nhất là nhân quả của tầng Tiễn đao địa ngục” mà bạn đã nêu.
Thiết nghĩ, loại hình địa ngục được mô tả với 18 tầng, vong hồn người chết trải qua 10 điện Diêm vương, rồi qua cầu Nại hà nếu tội nặng liền đọa xuống, ai được chuyển kiếp đầu thai phải qua Vọng đài (ăn cháo lú nên quên hết quá khứ)… cùng với nhân quả kiểu “Làm cho quả phụ tái duyên hoặc giúp nàng làm mai làm mối câu dẫn đàn ông khác thì sau khi chết sẽ bị đưa vào ngục này, cắt đứt mười ngón tay” là sự tiếp biến, pha trộn giữa kinh văn Phật giáo và văn hóa dân gian Trung Hoa.
Theo tinh thần từ bi và nhân bản của Phật giáo, người cư sĩ sau khi ly hôn hay người bạn đời chết đi thì có thể tái hôn bình thường. Giúp người tái hôn một cách chân chính, đúng pháp thì không hề mang tội, nên không vì thế mà đọa địa ngục. Với lý luận nhân quả về địa ngục như bạn đã nêu, cốt nhằm răn đe người phụ nữ trong xã hội phong kiến khi sống thờ chồng, chồng chết thủ tiết nuôi con theo quy chuẩn tam tòng “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (Người nữ lúc nhỏ thì theo cha, đến khi lấy chồng thì phải theo chồng, chồng chết thì theo con), hoàn toàn xa lạ với nhân quả và đạo đức nhân bản của Phật giáo.
Chúc bạn tinh tấn!