Sách Phật giáo

Gươm báu trao tay

Thứ hai, 19/07/2016 11:44

“Khi nhận ra Vô thường, Vô ngã, Không… thì hóa ra lại thấy cái gì cũng đáng quý, cũng tuyệt vời! Không có chuyện tiêu cực, buông bỏ ở đây! Đừng nói đoạn diệt. Kim Cang dạy rất kỹ. Thấy “thường” đã sai mà thấy “đoạn” càng sai. Thấy  đã sai mà thấy không càng sai. Bồ tát thì “bất tận hữu vi bất trụ vô vi”. Không có hữu vi thì cũng chẳng thể thấy được vô vi! Núi vẫn là núi, sông vẫn là sông, khác

Cuốn sách “Gươm báu trao tay” của tác giả Đỗ Hồng Ngọc là cách nhìn kinh Kim Cang ngoài luồng “chính thống” của nhà Phật.

Ông làm lơ truyền thống chú giải hàn lâm của phần đông cao tăng. Ông cứ đi khơi khơi, đi lăng quăng nhưng rốt lại vẫn không thấy ông trợt chân lọt ra ngoài chánh lộ. Thế rồi, qua kiểu đi đó, ông Đỗ đưa người đọc tiếp cận kinh Kim Cang theo góc nhìn riêng rất thú vị của ông. 
 
Ở phần lời ngỏ của cuốn sách, tác giả Đỗ Hồng Ngọc đã viết: “Có lần tôi hỏi một vị sư có phải câu hay nhất trong Kim Cang là “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” không, sư nhẹ nhàng bảo không, Kim Cang câu nào cũng hay! 

Câu nào cũng hay? Vậy mà sao ta chỉ thấy những chưng chửng, ngẩn ngơ, lủng ca lủng củng, tối mịt tối mò. Hay là đã tự ngàn xưa nên tránh sao khỏi tam sao thất bổn? Hay là phải chắt lọc bốn câu một kệ mới thấy chỗ vi diệu thâm thâm?

Làm sao mà “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” đủ làm cho Lục tổ Huệ Năng đại ngộ? Làm sao mà ”đối cảnh vô tâm” đủ làm cho vua Trần Nhân Tông trở thành Tổ sư thiền phái Trúc Lâm? Làm sao mà hai trăm năm trước Nguyễn Du phải đốt nến đọc Kim Cang đến ngàn lần…

“Ngã độc Kim Cương thiên biến linh
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh!”
(Kim Cương đọc đến ngàn lần
Mà trong mờ ảo như gần như xa)…

Hay câu hỏi ngàn đời của Tu Bồ Đề, “Vân hà ưng trụ? Vân hà hàng phục kỳ tâm?...” chẳng phải cũng là câu hỏi chính ta hôm nay – giữa bủa vây trùng điệp của âu lo và căng thẳng trong một thế giới nhỏ như lòng bàn tay mà nghìn trùng xa xách? “Gươm báu trao tay” có thể là một thanh kiếm đứt sắc – chém thép như chém bùn – có khả năng chặt đứt bao nỗi muộn phiền, nhưng cũng có thể chỉ là một thanh kiếm gỗ của chàng Vô Kỵ (nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn Kim Dung) – nhờ nội công “thâm hậu” tự bên trong mà khắc chế được đại địch. 

Không phải vô cớ mà Edward Conzé, người đã dịch Kim Cang sang tiếng Anh từ hơn nửa thế kỷ trước đã từng khẳng định hãy ứng dụng vào đời sống hàng ngày đi rồi mới thấy tác dụng kỳ diệu của Kim Cang!

Vượt qua cái chữ, thấy được kinh vô tự, ấy là đã thôi không dừng trên văn tự nữa mà đã bước vào quán chiếu để từ đó mà thấy được thực tướng Bát nhã!

Nó vậy đó. Nó “Như như bất động”. Nó Chân Như.

Kẻ làm thầy thuốc như tác giả Đỗ Hồng Ngọc có thể chữa được cái đau mà không chữa được cái khổ. Có thể chữa được cái bệnh mà không chữa được cái hoạn. Có thể chữa được cho người mà không chữa được cho mình. Nên phải cầu học, tìm học khôn khuây.

Đâu dám mà lạm bàn những điều “thậm thâm vi diệu”.

Chỉ là một cách nhìn, cách nghĩ. Một cách học, cách hành. Một cách dùng thuốc.

Và mong được sẻ chia.

Trong tác phẩm có một đoạn mà tôi thấy rất ý nghĩa và tâm đắc, xin trích lại để mọi người cùng đọc và suy ngẫm: “Khi nhận ra Vô thường, Vô ngã, Không… thì hóa ra lại thấy cái gì cũng đáng quý, cũng tuyệt vời! Không có chuyện tiêu cực, buông bỏ ở đây! Đừng nói đoạn diệt. Kim Cang dạy rất kỹ. Thấy “thường” đã sai mà thấy “đoạn” càng sai. Thấy đã sai mà thấy không càng sai. Bồ tát thì “bất tận hữu vi bất trụ vô vi”. Không có hữu vi thì cũng chẳng thể thấy được vô vi! Núi vẫn là núi, sông vẫn là sông, khác chăng là một hành trình miên mật của sự tu tập dài lâu để nhận ra “sắc tức thị không, không tức thị sắc”, chân không mà diệu hữu… Sự chuyển hóa chỉ có thể đến từ bên trong…

Khi không còn chấp thủ, không còn tham ái, thì mọi thứ đã trở nên nhẹ nhàng, thong dong, tự tại. 

“Gươm báu” đã được “trao tay” từ đó!

“Và như thế tôi đến trong cuộc đời,
Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi…”.
(Trịnh Công Sơn)

Đọc “Gươm báu trao tay” ta có cảm giác thoải mái, như rong chơi. Đó là cách “dễ chịu” cho ai muốn thử một lần tiếp cận kinh Kim Cang. Vâng, bạn thử đi, vì… “Ở trong còn có lắm điều hay”. (Truyện Kiều)

Cuốn sách “Gươm báu trao tay” của tác giả Đỗ Hồng Ngọc hiện đang có ở thư viện tầng 1 chùa Quán Sứ (số 73 phố Quán Sứ - Quận Hoàn Kiếm – Thành phố Hà Nội). Kính mời quý độc giả, các nhà nghiên cứu và mọi người có nhu cầu ghé thăm thư viện theo lịch cụ thể như sau:

- Sáng, chiều thứ Ba, thứ Năm trong tuần.

- Sáng thứ Sáu và Chủ Nhật.

Kim Tâm
loading...