Chùa Việt

Hải Dương: Chùa Động Ngọ tiếp tục đầu tư, tu bổ

Thứ sáu, 17/11/2014 06:27

Chùa thường gọi là chùa Cập Nhất, chùa Động Ngọ, tọa lạc ở thôn Cập Nhất, xã Tiên Tiến, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông. 

Theo sách Mỹ thuật của người Việt (Hà Nội, 1989) cho biết: Chùa có 2 tấm bia cổ (đã mất) có hai niên đại sớm: Lý Thái Bình (Lý Thánh Tông: 1054 – 1072, niên hiệu Long Thụy Thái Bình) và Đại chính nguyên niên (1530) cùng bát hương năm Hoàng Định 19 (1619).
 
Chùa Động Ngọ hiện nay mang dấu ấn kiến trúc cuối thế kỷ XVII. Tấm bia “Kiến khai Cửu phẩm Liên Hoa bi ký” (1692) đã nói đến việc Thiền sư Chân Nguyên thuộc Thiền phái Trúc Lâm đã tổ chức dựng cây Cửu phẩm Liên Hoa vào mùa xuân năm Nhâm Thân (1692) thời vua Lê Hy Tông. Cây Cửu phẩm cao 5,30m, mặt cắt 6 cạnh đều, 9 tầng (mỗi mặt gắn 3 pho tượng Phật, tổng số tượng là 162 pho), được đặt trong tòa Cửu phẩm vuông, 2 tầng 8 mái. Năm 1993 – 1994, Thượng tọa Thích Thanh Đạt - trụ trì đã tổ chức đại trùng tu ngôi chùa, bài trí điện Phật trang nghiêm. Tam quan được tôn tạo năm 1995. Cửa chính của tam quan xây gác chuông hai tầng, bốn mái chồng diêm, trên có treo một đại hồng chung cao 1,5m,  đúc năm 1813.

Hiện Chùa còn lưu giữ nhiều câu đối như:

Phật tức tâm, tâm tức Phật, duy thiện khả thông
Không thị sắc, sắc thị không, hữu thành lăng cẩm
Y bát chân truyền vi cổ giá
Bật xô nhu nhuyễn hữu thanh lương.
(Trích sách Hải Dương- Di tích và danh thắng, 1999)
 
Nhằm tiếp tục tu bổ, tôn tạo làm đẹp thêm cảnh quan cho Di tích lịch sử văn hoá cấp được xếp hạng Quốc gia từ năm 1974, Chùa Động Ngọ  tiếp tục xây dựng các công trình có ý nghĩa trong khuôn viên nhà chùa.

Sáng 11/11/2014 (19/09/Giáp Ngọ) Thượng tọa Thích Thanh Đạt - Viện trưởng Học viện Phật giáo tại Hà Nội; đại diện BTS GHPGVN các huyện, cán bộ và nhân dân địa phương đã dự, chứng minh Lễ đặt Thượng lương Nhà thờ các vị Phật Tổ-một trong các hạng mục tu bổ, tôn tạo dịp này. 
 
Toàn bộ công trình được xây dựng trên diện tích hơn 700m2 trong khuôn viên chùa. Ngôi nhà thờ Phật tổ được thiết kế dài 34m, rộng 4m, với 14 gian, kết cấu toàn bộ bằng gỗ tứ thiết.

Trong diện tích này, nhà chùa còn cho đào một hồ nhỏ để trồng sen. Trên hồ bắc một cây cầu đá cổ, cùng 2 đường dẫn dài 40m, rộng 2m, trồng cây xanh, cây cảnh làm lối cho du khách tham quan chiêm bái và lễ Phật.

Đặc biệt, nhà chùa còn tạo một Bản đồ Việt Nam, ở giữa khuôn viên này, với đầy đủ chủ quyền lãnh thổ và biển đảo Tổ quốc, được ghép từ trên 600 chiếc cối đá cổ, do Đại đức Thích Thanh Thắng sưu tầm nhiều năm qua, nhằm bảo tồn những vật dụng vốn gắn bó mật thiết với người Việt và giáo dục truyền thống... Tổng kinh phí đầu tư khoảng trên 1 tỷ đồng, từ nguồn xã hội hoá của nhà chùa. 

Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Công trình cũng sẽ được nhân dân địa phương tham gia đóng góp hàng trăm ngày công xây dựng.

Đức Tùy
loading...