Kiến thức
Hai mươi hạng người có thể niệm Phật
Chủ nhật, 21/02/2024 08:32
Kinh A-Di-Đà nói: “Nếu người niệm Phật thì lúc lâm chung chắc chắn được sinh về Cực Lạc”. Kinh Quán Vô Lượng Thọ cũng nói: “Người niệm Phật sẽ sinh về Cực Lạc, hoa sen phân ra chín phẩm”.
Bởi pháp môn niệm Phật này không luận nam nữ, Tăng tục; không luận sang hèn, ngu trí, chỉ cần tâm không loạn động, tùy theo công hạnh nhiều ít mà vãng sinh chín phẩm. Thế nên biết, thế gian ai cũng có thể niệm Phật.
- Nếu người giàu có vật dụng đầy đủ chính là lúc nên niệm Phật.
- Nếu người bần cùng nhà nhỏ ít phiền, chính là lúc nên niệm Phật.
- Nếu người có con thì việc hương hỏa đã có người, chính là lúc nên niệm Phật.
- Nếu người không con, một mình tự do, chính là lúc nên niệm Phật.
- Nếu người có con hiếu thảo an ổn nhận sự cung phụng, chính là lúc nên niệm Phật.
- Nếu người có con ngỗ nghịch thì khỏi phải thương yêu, chính là lúc nên niệm Phật.
- Nếu người không bệnh, thân thể khỏe mạnh, chính là lúc nên niệm Phật.
- Nếu người có bệnh, cận kề vô thường, chính là lúc nên niệm Phật.
- Nếu người tuổi già, thời gian không còn nhiều, chính là lúc nên niệm Phật.
- Nếu người tuổi trẻ, tinh thần sáng láng, chính là lúc nên niệm Phật.
- Nếu người rảnh rang, tâm không phiền lụy, chính là lúc nên niệm Phật.
- Nếu người bận rộn, thì tranh thủ thời giờ rảnh, chính là lúc nên niệm Phật.
- Nếu người xuất gia, tiêu diêu ngoài sự vật, chính là lúc nên niệm Phật.
- Nếu người tại gia, biết là nhà lửa, chính là lúc nên niệm Phật.
- Nếu người thông minh, hiểu rõ Tịnh độ, chính phải nên niệm Phật.
- Nếu người ngu khờ, chẳng có tài năng, chính phải nên niệm Phật.
- Nếu người trì luật, luật là do Phật chế định, chính phải nên niệm Phật.
- Nếu người xem kinh, kinh là lời Phật nói, chính phải nên niệm Phật.
- Nếu người tham Thiền. Thiền là tâm Phật, chính phải nên niệm Phật.
- Nếu người ngộ đạo, ngộ phải cần sự ấn chứng của Phật, chính phải nên niệm Phật.
Khuyên khắp mọi người gấp rút niệm Phật, vãng sinh chín phẩm, hoa nở thấy Phật, thấy Phật nghe pháp, rốt ráo thành Phật, mới hay tâm mình xưa nay là Phật!
Trích Tịnh Độ Vựng Ngữ