Kiến thức
Hai nhánh rẽ của nền văn minh nhân loại
Chủ nhật, 11/02/2023 04:20
Những ngày qua, chatGPT là từ khoá công nghệ được tìm kiếm nhiều nhất – một chatbot AI. Chỉ sau 2 tháng ra mắt công cụ này đã cán mốc 100 triệu người dùng và trở thành ứng dụng có tốc độ phát triển nhất trong lịch sử.
ChatGPT có thể tương tác với người dùng như một người bạn, trả lời mọi câu hỏi của người dùng một cách sắc sảo, hỗ trợ thực hiện nhiều công việc như: soạn thư, viết luận văn, viết mã, làm thơ, viết báo cáo… với ngữ pháp, ngôn từ đầy đủ; có thể lập kế hoạch marketing cho một sản phẩm, những thứ cần chuẩn bị cho một sự kiện ngoài trời, cách mở đầu và kết thúc cho buổi giới thiệu sản phẩm…chỉ trong giây lát.
Khoảng 13 triệu người đã sử dụng ChatGPT mỗi ngày.
Tuy đem lại nhiều tiện ích cho con người nhưng trí tuệ nhân tạo cũng là một con dao hai lưỡi…
Văn minh, công nghệ và lằn ranh đạo đức
“…thế giới bắt đầu lo sợ trước sự tiến bộ của công nghệ. Khi nhờ máy tính toán giúp thì con người vẫn còn là chủ, nhưng đến khi nhờ máy sáng tạo giúp thì dường như vai trò của chúng ta đã bị gạt sang một bên, bởi chỉ người làm chủ mới có mục tiêu, có sáng tạo, tuy nhiên máy đã thay chúng ta làm công việc đó một cách xuất sắc hơn…
…Con người, vì nhu cầu của cuộc sống nên buộc phải tạo ra công nghệ, thúc ép khoa học tiến lên, nhưng nếu đạo đức vượt hơn công nghệ thì nền văn minh không bao giờ rơi vào ngõ cụt, tinh cầu này sẽ trở thành thiên đường. Bằng không, khoa học công nghệ sẽ quay lại thống trị, xóa sổ con người. Không có đạo đức, khoa học sẽ trở thành vũ khí mà con người sử dụng để hủy diệt lẫn nhau. Đó là lý do mà thỉnh thoảng có những bậc Thánh triết đến với trần gian tuyên dạy về đạo đức, uốn nắn tâm hồn chúng sinh. Chính các vị là những bậc đã âm thầm gìn giữ sự sống cho hành tinh này. Trong đó, rõ ràng Đức Phật là Người vĩ đại nhất. Vậy nên, cần giữ đạo đức song song với khoa học.
Ngày hôm nay sự tiến bộ của khoa học quá khủng khiếp, máy móc đã thay thế cho bộ não con người, chúng sáng tạo giỏi hơn, tìm giải pháp thông minh hơn, tìm mục tiêu độc đáo hơn con người. Trong khi trình độ đạo đức của con người vẫn ở mức trung bình. Chưa bao giờ ta nói đạo đức của loài người đã tiến đến mức 3.0 hay 4.0, trong khi công nghệ đã đến ngưỡng 4.0.
Vậy nên, có thể thấy khoa học đang tiến dần lên trí tuệ nhân tạo nhưng lại không thấy rõ ranh giới, bước tiến của đạo đức. Điều này đồng nghĩa với việc con người chưa hề quan tâm đến vai trò của đạo đức trong việc đi kèm công nghệ, giữ cho công nghệ không quay lại hủy diệt con người. Mỗi người chúng ta phải thấy trách nhiệm của mình ở đây…”.