Sống an vui

Hạnh phúc trong những điều bình dị

Chủ nhật, 25/08/2021 02:04

Theo các bạn thì hạnh phúc ở nơi đâu? Nằm ở chốn nào? Phải chăng nó ở trong các nẻo đường, sàn nhảy, những chốn tiêu dao xanh, đỏ tung tăng ca hát...

“Thu mãn thiên thời đông tái lai

Sinh linh vạn cảnh tiết tân nhai

Hữu tình hạnh ý tâm viên diệu

Nhàn hạ pháp âm tán nhã đài”.

Đó là bốn câu thơ mà tôi cảm tác trong một buổi chiều đông khi nhẹ gót thênh thang trên lối mòn trong thôn vắng; và trong tôi như phảng phất đâu đây một tấm chân tình ngay trong cuộc sống bình dị này.

Vâng! Trong cuộc sống, chúng ta ai cũng có hơn một lần để thương, để nhớ và rồi trong sâu thẳm cõi lòng, mỗi người có một cách cảm nhận giá trị của những may mắn, hạnh phúc đến với mình.

Thưa các bạn! Bất kể ai cũng phải chấp nhận cho mình ít nhất một lần té ngã, vấp phải khốn khó, khổ đau ập đến với mình khi đối diện với cuộc sống. Đó là điều hiển nhiên phải không ạ! Nói ít nhất một lần ta vấp ngã là để an ủi một chút vậy thôi, chứ chúng ta thấy trong cuộc đời này, tai họa đâu chỉ đến với chúng ta một lần, mà nó còn đến nhiều lần khác nữa. Ông bà ta thường nói “Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí” chính là thế.

Tăng sinh khóa V trường TCPH Đồng Nai trong BBT tranh thủ chỉnh sửa nội san Hương Tràm.

Tăng sinh khóa V trường TCPH Đồng Nai trong BBT tranh thủ chỉnh sửa nội san Hương Tràm.

Dòng thời gian cứ trôi mãi, con người sống trong cảnh biến dịch đổi thay ấy đương nhiên phải thuận dòng theo quy luật tuần hoàn bất di bất dịch của thiên nhiên mầu nhiệm. Hễ thu mãn thì mùa đông lại đến. Mới hôm nào những chiếc lá vàng khẽ chao nghiêng trước gió, những tia nắng hanh vàng nhuộm ửng một miền quê, những dòng sông xanh tươi mát mang đầy nhựa sống cho đôi bờ lau lách như bản tình ca xoa dịu tâm hồn nắng gió giờ đây không còn nữa. Cái giá rét của trời đông đã lên ngôi. Ôi! Sao ta cứ mãi tìm lại dấu chân ngày nào trên triền cát trắng, trên vòm cỏ thu xưa từng lưu dấu một thời!

Nhớ thuở nào ta đã đi qua

Thoáng chốc giờ đây như đã phẳng lặng

Ôi! Cuộc đời còn nhớ ta chăng!

Sông nước mênh mông buồn quá đỗi

Kìa ai lưu bóng một thời.

Hạnh phúc thay!

Có những lúc trên bước đường đời, ta vội vàng lặng lẽ lướt qua nhau, để làm gì vậy? Để tự tìm kiếm mong cầu thú an nhàn hạnh phúc cho riêng mình đấy ư? Như một thi sĩ nào đó đã từng nói.

“Có khi nào trên đường đời tấp nập

Ta vô tình đã đi lướt qua nhau

Phút lơ đãng chẳng ngờ đang để mất

Một tâm hồn ta đợi đã từ lâu”.

Vâng! Thế gian thì vạn trạng muôn hình. Mỗi chúng ta là những mảng màu khắc họa thành những bức tranh bốn mùa đa màu sắc đó. Lắm lúc trên vạn nẻo đường, ta lặng lẽ lướt qua nhau, vô tình để bao buồn vui tụt khỏi tầm với. Có những niềm hạnh phúc mong manh ta chưa kịp nhận diện thì viễn cảnh biệt ly đã trùng trùng ập đến. Không biết ta vội vàng để làm gì? Nếu ngay đó ta biết dừng lại để nhìn nhau một chút, với ánh mắt nụ cười và một lời chào hỏi, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ nói lên bao niềm yêu thương hạnh phúc, mọi sự cảm thông được truyền đến cho nhau. Cho nên, nhìn từ một phương diện nào đó, chúng ta sống ở đời phải cần có nhau. Cần có một tấm lòng để làm gì bạn có biết không…?

Thường tình chúng ta hiểu, cuộc đời như những vòng tay yêu thương luôn rộng mở, như dòng sông luôn cho ta bao tươi mát trong những buổi trưa hè, bình dị ngọt ngào và mát dịu biết bao! Cuộc đời luôn sẵn sàng tiếp nhận ta và tất cả. Cảm nhận về điều này, nhà thơ Tế Hanh đã từng thốt:

“Tôi dang tay ôm nước vào lòng

Sông mở nước ôm tôi vào dạ”…

Và đó cũng là một niềm hạnh phúc, kỷ niệm đẹp của một thời đã nuôi ta lớn khôn từ thuở ấu thơ với chuỗi dài của năm tháng, để rồi trong phút giây khoảnh khắc của bình sinh vẫn đọng lại trong ta biết bao xúc cảm hạnh phúc của một thời đã qua. Không thể quên được những ấn tượng trìu mến của ngày xưa. Nhớ “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, nghìn năm hồ dễ mấy ai quên”. Những ấn tượng đó nó đã khắc họa in sâu vào trong tâm thức não trạng của mỗi chúng ta, dệt nên những vần thơ, hòa chung vài điệu nhạc trầm bổng du dương đang phảng phất đâu đây để cho cõi lòng nhận niềm xúc cảm. Bất chợt ta reo vang: Ôi! Hạnh phúc quá! Thật hạnh phúc biết bao!

Thưa bạn ạ!

Nếu một mai em về bên xứ sở

Của dư vang về lịch sử khuynh thành

Thì quốc sắc bỗng thiên hương rạng rỡ

Sẽ bao trùm hồn sông nước mênh mông.

(Bùi Giáng)

Cuộc đến và đi, sự qua lại đợi chờ, ngóng trông, mong đợi đã bao lần in đậm trong nét sử son. Không hẳn đến bây giờ mà trước đó, biết bao sử gia, triết gia vẫn mãi tìm cầu cho mình một thú tiêu dao an nhiên hạnh phúc. Trong những cuộc du hành mà họ đã đi qua khi ngoảnh mặt nhìn lại nào thấy hạnh phúc, bình yên gì đâu, mà chỉ là một khối ê chề, khổ sở, bi đát. Socrate đã thốt lên: “Ôi! Hạnh phúc là gì, sao ta tìm mãi không có?”. Đó là câu nói tưởng chừng như lời trăn trối cuối cùng, sắp ly biệt mọi người để trở về mảnh đất không chỉ của riêng ai.

Như vậy! Theo các bạn thì hạnh phúc ở nơi đâu? Nằm ở chốn nào? Phải chăng nó ở trong các nẻo đường, sàn nhảy, những chốn tiêu dao xanh, đỏ tung tăng ca hát? Tuyệt lắm chứ, đó là những giây phút mà con người cho đó là thảnh thơi, nó được dành cho các giới mọi nơi tìm đến để cùng tham gia vào điệu múa; vài điệu nhạc giật gân. Mãi chung vui hoan lạc như thế, rồi cho rằng chính đây là hạnh phúc thực thụ của mình. Nhưng thật ra đó có phải là hạnh phúc thực thụ hay không? Điều này tự các bạn sẽ cảm nhận lấy.

Hạnh phúc không tìm đâu cả, không phải ở một nơi xa xăm nào đó, ở những nơi đàn ca múa hội…, mà hạnh phúc có mặt khi và chỉ khi tâm thức con người vắng bóng của sự mong mỏi cầu trông, thì ngay đây và bây giờ chúng ta mới cảm nhận được giá trị của hạnh phúc là gì.

“Mong cầu hạnh phúc thêm phiền lụy

Cứ nhặt hoa rơi thấy an nhàn”.

Quả nhiên, cuộc đời luôn là những món quà, là tình thương vô giá nhất, lúc nào cũng ban tặng hiến dâng cho ta. Nhưng thử hỏi có khi nào ta nhận lãnh món quà đó và thưởng thức hương vị của nó hay chưa? Các bạn thử nghĩ, trong cái nắng giữa trưa hè nóng bức, khi thân ta mệt lả mà có một bát nước mát để uống thì ta cảm thấy hạnh phúc biết dường nào. Cảm nhận như thế thì chúng ta mới thấy được đây chính là món quà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta đó vậy.

Hạnh phúc nhất của một con nguời khi sống trên đời cần phải có sự cảm thông và thương nhau. Đó là chiếc cầu nối bắc nhịp để cho chúng ta cùng nhau bước trên con đường hạnh phúc. Với bao nhiêu công danh sự nghiệp, tiền tài, chức vị có ý nghĩa gì đâu khi chúng ta nằm xuống. Vâng! Nó được ví như một dòng nước chảy, những cánh hoa trôi mà thôi. Vậy thì, còn gì nữa mà chúng ta không biết san sẻ cho nhau những tình thương, niềm hạnh phúc tốt đẹp nhất để lưu bóng một chút dư âm lại cho đời.

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui

Chuyện đời như nước chảy hoa trôi

Lợi danh như bóng mây chìm nổi

Chỉ có tình thương để lại đời.

(Tôn nữ Hỷ Khương)

Ôi! Thật thất vọng biết bao khi mất hết tất cả những gì mà chúng ta đã có, để rồi tìm lại cái Có trong cái Không. Cũng vậy, hạnh phúc không phải tìm đâu cả, nó không nằm ngoài thế giới này và cũng không nằm ngoài hành tinh kia, mà nó ở ngay chính giờ phút hiện tại, chính trong những hơi thở ra vào. Khi chúng ta gặp phải nỗi đau khổ về một vấn đề nào đó mà chúng ta cảm nhận được nỗi khổ đau ấy nó xuất phát từ đâu, thấy được nguyên nhân ngọn nguồn của nó thì bấy giờ ta chẳng có gì sợ sệt, mọi cảm xúc không còn chiều theo ý muốn của nó nữa. Nói như vậy có nghĩa là hạnh phúc có được từ khổ đau, khi chúng ta làm chủ được nỗi khổ đau ấy. Nếu chúng nói: “Sao mà cuộc đời này lắm khổ đau thế, thôi thì hãy nhổ bỏ hết khổ đau ấy đi, để chừa lại phần hạnh phúc mà thôi”. Nói như thế, thì xin thưa bạn khổ đau không có thì làm gì có hạnh phúc, có phải thế không! Tại vì giữa khổ đau và hạnh phúc là hai mặt nằm trên một bản chất thực tại của cuộc đời. Nó cũng như hai mặt cùng nằm trên một bàn tay của chúng ta vậy. Cho nên, một khi chúng ta tách rời khổ đau ra khỏi hạnh phúc thì ngay nơi con người mà chúng ta cho đó là của ta cũng chẳng có ý nghĩa gì cả. Vì thế, trong cuộc sống chúng ta làm sao dung hòa hai yếu tố này cho nó có sự cân bằng tương đối với nhau để duy trì đời sống của chúng ta được tốt đẹp hơn.

Trong kinh Pháp Cú câu 345 Đức Phật có dạy “Chỉ có ta làm điều tội lỗi. Chỉ ta làm cho ta ô nhiễm, chỉ có ta tránh điều tội lỗi, chỉ có ta gội rửa cho ta. Trong sạch hay ô nhiễm đều từ nơi ta, không ai có thể làm cho ta trong sạch”. Đúng thế! Khi chúng ta cảm nhận được niềm hạnh phúc và thấy được nỗi khổ đau, tức là chúng ta đang sống với giờ phút thực tại của mình bây giờ và ở đây. Điều này trong thuật ngữ Phật giáo gọi đó là chánh niệm. Tuy nhiên, trong đời sống của chúng ta như một dòng nước luôn ầm ĩ chảy trôi theo tháng ngày, mà mỗi chúng ta là một khách lữ hành rong chơi thênh thang mỏi mòn không biết mệt. Đâu là điểm dừng lại của một chuyến đi và sắp đến? Hỡi các bạn! Chúng ta đã cảm nhận được gì sau những buổi tiệc hay một cuộc chơi mà nơi ấy còn đang dang dở và đầy nuối tiếc. Vâng! Giữa bạn và tôi, giữa chúng ta và cuộc sống như những cánh tay được đưa lên để chào hỏi nhau và tiến bước vào cuộc đời. Bạn ở bên này và tôi ở bên kia, khác miền xa xứ, tưởng như là hai bờ đối lập cách biệt nhau. Nhưng trong một khoảnh khắc nào đó chúng ta cùng đi trên một chuyến đò, cùng nắm tay nhau bước theo nhịp sống của cuộc đời. Đó là những phút giây hạnh phúc nhất mà ta cảm nhận được qua từng hơi thở và nhịp điệu lên xuống của con tim.

Trong mỗi chúng ta khi vừa sinh ra, cất lên tiếng khóc chào đời cho đến ngày khôn lớn, thì Bạn cũng như tất cả mọi người ai cũng phải có một hoàn cảnh và hoài nguyện của riêng mình, phải không thưa các bạn! Nhưng cho dù hoàn cảnh của chúng ta như thế nào đi chăng nữa, một khi chấp nhận đi vào cuộc đời, cùng một chí nguyện để xây dựng sự bình yên hạnh phúc tại chốn nhân gian này, thì bạn ơi hãy cùng với tôi nói lên một lời “yêu thương và tha thứ cho nhau nhé!”.

Thật thế, trong cuộc sống đôi khi hạnh phúc đến từ những điều bình dị, khi chúng ta đi chung một con đường, cùng ăn một mâm, cùng uống chung một dòng nước; hơn nữa cùng ngồi lại với nhau để nghe những lời hướng dẫn chỉ dạy của chư Tôn túc nữa. Hạnh phúc lắm chứ, chỉ trong một tách trà thôi mà chúng ta biết chia sẻ hương vị ngọt ngào cho nhau. Bao nhiêu đó cũng đủ nói lên ý nghĩa cùng nhau xây dựng, nối kết giữa tình người với người. Hay nói một cách gần gũi dễ hiểu hơn là chúng ta cùng nhau thiết lập một đời sống Lục hoà trên nền tảng trong cái nhìn tuệ giác của giáo lý nhà Phật.

Vẫn biết cuộc đời là như thế, nó đến từ những điều bình dị, giản đơn, nếu chúng ta không biết vận dụng cái đơn giản để sống cho tốt, thì chúng ta đã đánh mất đi một cơ hội mà sau này khó có thể tìm lại được. Thế nên, con người sống trong cõi tạm có bao nhiêu năm đâu! Giữa cuộc hội ngộ mộng trùng lai, có và không, đến và đi, thoáng chốc lưu lại được những gì. Thôi thì, trước kia ta chưa gặp và không biết sau này có còn gặp lại nữa không, chi bằng hãy sống hết lòng với nhau trong giờ phút này.

“Trăm năm trước thì ta chưa gặp

Trăm năm sau biết gặp lại không

Cuộc đời sắc sắc không không

Thôi thì  hãy sống hết lòng với nhau”.

loading...