Sách Phật giáo

Hành trình 12 năm trong đất Phật huyền bí

Thứ hai, 29/12/2018 06:15

Gần 100 năm kể từ ngày ra mắt, Mystyquet et Magiciens du Tibet, cuốn sách vang dội châu Âu của nữ tác giả người Pháp Alexandra David – Neel, mới có dịp đến tay bạn đọc Việt Nam với tên gọi “Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng”.

>SÁCH PHẬT GIÁO HAY

Bài liên quan

Cuốn sách là một thiên phóng sự đáng kinh ngạc của tác giả trong hành trình xuyên qua vùng đất Tây Tạng để khám phá các huyền thuật của đạo sĩ nơi đây.

Với ý định tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 13 đang lánh nạn tại Ấn Độ (vì xung đột chính trị với triều đại Mãn Thanh), Alexandra David – Neel không ngờ các bí mật về huyền thuật Tây Tạng lẫn lời chỉ dẫn sâu xa của những vị đạo sư đã dẫn bà đi xa hơn dự định ban đầu của mình. Sau 12 năm rong ruổi khắp Tây Tạng, Alexandra đã để lại tập sách Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng như một công trình nghiên cứu quan trọng về vùng đất đầy bí ẩn này.

Trước khi cuốn sách của Alexandra ra đời, huyền thuật Tây Tạng hoặc chỉ được biết đến như những câu chuyện hư ảo về phù phép, bùa chú hoặc bị những nhà nghiên cứu Phật học chính thống ở phương Tây xem là mê tín dị đoan. Tác giả Alexandra David – Neel chính là người phụ nữ ngoại quốc đầu tiên với kiến thức Phật học của mình đã đặt chân đến Tây Tạng để tận mắt chứng kiến và ghi chép những hiện tượng kỳ bí.

Sách Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng.

Sách Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng.

“Người ta không thể giải thích vì sao Tây Tạng lại có sức hấp dẫn kỳ lạ như vậy nếu họ không đặt chân đến đây, nếu họ không trầm mình vào bầu không khí trang nghiêm tĩnh lặng, nếu họ không biết lắng nghe những âm thanh mơ hồ trong gió, hay nhìn thấy những hình ảnh kỳ lạ chập chờn trong sương mù, hư hư thực thực.” – Lời Alexandra trong tập sách.

Bài liên quan

Nữ tác giả Alexandra David – Neel đã nỗ lực lý giải những hiện tượng siêu nhiên của huyền thuật Tây Tạng dưới con mắt quan sát nhạy bén và kiến thức thu nhặt được trong hành trình của mình. Xuyên suốt tập sách, tác giả đã kể lại những câu chuyện về bí thuật của các đạo sĩ Tây Tạng, phương pháp tu tập – thiền định của họ và cả những truyền thuyết bà được nghe kể dọc chặng đường.

Dù trước khi lên đường chu du Tây Tạng, Alexandra là một học giả nổi tiếng về Phật giáo nhưng dường như mỗi một câu chuyện về các đạo sĩ hay truyền thống tu tập của họ đều trở nên lạ lẫm đối với bà. Rõ ràng, Tây Tạng, một vùng đất huyền diệu, đã khiến Alexandra không thể lý giải những gì xảy ra theo logic, ngôn ngữ của một người nghiên cứu hay ít nhất là của một người phương Tây.

Với lối trần thuật đậm chất phóng sự du ký, những trang sách của Alexandra không chỉ mở ra cho các độc giả phương Tây đầu thế kỉ 20 cái nhìn rõ nét hơn về Tây Tạng mà còn giúp các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu để khảo cứu về năng lực con người. Mặc cho đã trải qua 100 năm kể từ lần đầu xuất bản, cuốn sách vẫn đem đến người đọc sự bất ngờ về Tây Tạng, bởi cho đến tận ngày nay, khi thế giới trở nên rộng mở hơn bao giờ hết thì những câu chuyện huyền bí ấy vẫn cứ mờ ảo như dãy núi Hy Mã Lạp Sơn quanh năm tuyết phủ.

Phật sống truyền thế cũng như nhiều tập tục khác ở Tây Tạng mang nhiều màu sắc huyền bí. Ảnh: Getty.

Phật sống truyền thế cũng như nhiều tập tục khác ở Tây Tạng mang nhiều màu sắc huyền bí. Ảnh: Getty.

Có thể xem Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng có giá trị tựa cuốn du ký phương Đông danh tiếng của nhà phiêu lưu Marco Polo. Bên cạnh hành trình về huyền thuật Tây Tạng, cuốn sách của Alexandra David – Neel còn là những ghi chép thú vị liên quan đến các sự kiện lịch sử ở nơi này như việc mô tả chuỗi ngày lánh nạn ở Ấn Độ của Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 13 hay những cải cách tôn giáo đột phá của vua Sidkeong Namgyal xứ Sikkim.

Những nhân vật gắn liền với cuộc hành trình của Alexandra có người ẩn danh, vô danh nhưng cũng có người quyết định vận mệnh của cả một đất nước rộng lớn. Cũng chính vì vậy, Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng đã tạo nên một cảm hứng mạnh mẽ ở người xem về vùng đất Tây Tạng với bao thăng trầm chứ không đơn thuần chỉ là những truyền thuyết hư ảo được phủ một lớp mầu nhiệm lấp lánh nào đó. Sách được nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM và First News phát hành Giáo sư Nguyên Phong biên dịch.

Thông tin tác giả:

Alexandra David – Neel (1868 – 1969) là người phụ nữ da trắng đầu tiên du hành khắp Tây Tạng và đến được thủ đô Lhasa. Bà đã dành ra hơn 12 năm nghiên cứu về Phật học tại đây, lúc thì trong những tu viện hẻo lánh, khi thì nhập thất trong một hang động trên đỉnh Tuyết Sơn (Himalaya). Trong những tác phẩm viết về Tây Tạng, sách của bà có một vị trí vô cùng quan trọng và được xem là những tài liệu có giá trị vượt thời gian.

Bà được trao giải Gold Medal of the Geographical Society of France và huân chương Bắc Đẩu Bộ Tinh. Những tác phẩm của bà bao gồm: Magie d'amour et magic noire (tạm dịch Phép thuật về tình ái và tà thuật), Initiations lamaïques (tạm dịch Những cuộc điểm đạo xứ Tây Tạng), Le lama au cinq sagesses (tạm dịch Vị Lạt Ma có năm phép thần thông) và sau cùng là cuốn Mystyquet et Magiciens du Tibet (Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng).

Thông tin dịch giả:

Dịch giả Nguyên Phong tên thật là Vũ Văn Du, sinh năm 1950 tại Hà Nội. Ông rời Việt Nam du học ở Hoa Kỳ từ năm 1968 và tốt nghiệp cao học ở hai ngành Sinh vật học và Điện toán. Ngoài công việc chính là một kỹ sư cao cấp tại Boeing trong hơn 20 năm, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu trong vai trò nhà khoa học tại Đại học Carnegie Mellon và Đại học Seattle.

Song song với vai trò một nhà khoa học, Nguyên Phong còn là một dịch giả nổi tiếng của loạt sách về văn hóa và tâm linh phương Đông. Trong số đó có thể kể đến: Hành trình về phương Đông, Đường mây qua xứ tuyết, Trên rặng Tuyết Sơn, Hoa trôi trên sóng nước…

loading...