Kiến thức
Hành trình cõi trăm năm
Chủ nhật, 13/11/2023 09:30
Ngày tôi bước chân vào ngã rẽ về miền giải thoát là ngày tôi buông xả mọi ràng buộc của thế gian.
Hành trình cõi trăm năm
Bước chân vội vã
Tìm gì chốn ấy
Trong tham, sân, si,...?
Tham vọng, tham cầu là một trong những tập khí được huân tập từ nhiều đời nhiều kiếp của chúng sanh trên hành trình mưu cầu hạnh phúc, là động lực để con người tiến bước trên con đường tạo nên vô vàn thiện nghiệp, ác nghiệp hay trung tính nghiệp. Hễ có nghiệp là có sự ràng buộc, có thân. Nay tôi được tiến bước trên con đường mà hào quang Phật rạng soi, lấy “Duy tuệ thị nghiệp” làm nên chất sống cho bản thân để rồi mai kia biết đâu lại làm nên hạnh phúc chân thật cho đời.
“Duy” là dưỡng nuôi, là duy nhất, “tuệ” là trí tuệ, “thị” là thấy, biết, là. “Duy tuệ thị nghiệp” là lấy việc nuôi dưỡng trí tuệ là sự nghiệp duy nhất cho đời.
Đức Phật là đấng đại hùng đại lực đại từ bi, Ngài vốn sẽ là một đấng vua lành giàu sang tột cùng cho người dân thành Ca-tỳ-la-vệ, ấy vậy mà Ngài còn xả bỏ những dục lạc phù phiếm của thế gian để đến với con đường chân lý, con đường giải thoát, thật sự giải thoát, vừa lợi cho chính mình, lại làm lợi ích muôn loài. Ta nay có gì đâu để không dám buông xả. Con đường đi Ngài đã vạch sẵn ra rồi, chỉ có chịu bước lên thôi mà không dám đặt bước chân lên thì thật dại khờ.
Thật vậy, Phật ra đời chỉ vì một mục đích khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến của Như Lai, để dìu dắt chúng sanh đi đến cái thấy cái biết của Như Lai về thật chân các pháp. Các pháp vốn hư vọng, huyễn hoặc, đều là các duyên, trùng trùng duyên khởi, có trụ, có tán, đủ duyên thì hợp, khuyết duyên tất tan. Vậy mọi mưu cầu hạnh phúc của thế gian chỉ là như huyễn.
Chúng sanh vì nghiệp lực thắt buộc mà sinh ra thân thể, sinh ra thân thì chấp vào bốn tướng giả tạo cho là thật có. Một là tướng ngã, hai là tướng nhân, ba là tướng chúng sanh, bốn là tướng thọ giả.
Một là tướng ngã. Vì thấy có tướng mình nên chúng sanh cho là mình thật có, rồi tham chấp vào thân. Đây là thân tôi, cái do tôi làm ra,..., thân tôi phải được ăn ngon, mặc đẹp, ngủ nghỉ nhiều, ở nhà cao cửa rộng, đi xe sang trọng, dùng hàng hiệu... Từ đó mà nảy sinh nào tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến... dẫn đến các nghiệp tệ hại: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, dối láo, rượu chè, cờ bạc,... để rồi một mai thân bệnh thì đau khổ, “Thân của tôi phải bệnh sao?” Người ta cũng không chấp nhận cái già. Họ tìm cách để luyện tiên đơn trường sinh bất lão, rồi cũng già, họ lại luyện trường sinh bất tử rồi cũng tử. Ấy do đâu? Vì đắm vào sắc thân ngũ uẩn giai không này.
Thân này là nhờ có tứ đại giả hợp duyên nên, một mai chết đi của duyên nào thì về duyên nấy. Thịt xương ngũ tạng thì về với đất vì nó là đất. Hệ nước trong thân như máu, mủ, đờm, dãi thì về với nước vì đó là nước. Hơi ấm thì về với lửa. Tim đập, mạch nhảy thì về với gió. Vậy đâu là ta mà đắm nhiễm? Người học Phật cần phải nắm vững điều cơ bản như vậy để điều phục các cảm thọ, thu nhiếp sáu căn để khi cảnh giới đau đớn hay dễ chịu xảy ra thì không bị dính mắc. Dính mắc vào tức luân hồi.
Hai là chấp tướng nhân cho người thật có. Từ đó, khi người khiến ta đau, ta khổ, khiến ta vui, ta hạnh phúc thì hoặc sanh tâm sân hận hoặc sanh tâm luyến ái. “Ái không nhiễm không sanh Ta-bà. Nghiệp không sạch không sanh Cực Lạc” vậy.
Ba là chấp vào tướng chúng sanh. Thấy tất cả chúng sanh là thật có. Từ đó, mắt tiếp xúc sắc thì ưa nhìn, tai tiếp xúc thanh thì ưa nghe, hoa đẹp thì thích ngắm mãi, bản nhạc hay thì ưa nghe mãi, miếng ngon thì thích ăn nữa,... Tất cả cũng chỉ là giả huyễn. Hoa rồi sẽ tàn, bản nhạc hay nghe mãi cũng có lúc chán, miếng ăn ngon ăn hoài rồi cũng nhàm miệng như chúa Trịnh, ăn sơn hào hải vị suốt đời mà chẳng thấy ngon nhưng ăn món ăn “mầm đá” của Trạng Quỳnh thì bảo rằng “Ngon! Ngon lắm!”. Chúng sanh cũng là duyên giả hợp, cũng là cái sanh diệt, không tồn tại dài lâu. Vướng vào cái sanh diệt thì tâm cũng mắc theo sanh diệt luân hồi...
Bốn là chấp tướng thọ giả, cho là có mạng sống tiếp nối trong một thời gian. Cảm thọ là một sự ghi nhận một hình ảnh, một vấn đề... nào đó, vướng mắc vào cho là thật có. Ví như hôm nay làm bài tốt được thầy giáo khen thì thấy vui mừng, hạnh phúc, đó là ta đang sống trong cảm xúc giả tạm. Nếu tiếng khen thật có thì đâu có tiếng chê. Vì khen đã có thì luôn luôn tồn tại, đâu bị mất đi, nay thầy khen, mai thầy phải khen,... Đắm trong cảm xúc như vậy là nhầm lẫn, là mê mờ.
Kinh Kim Cương có nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tất kiến Như Lai”. Nghĩa là những cái gì có hình tướng đều hư vọng, đều không thật có, nhưng nếu thấy mọi tướng không tướng là nhận được cái thấy của Như Lai, là thấy được Như Lai không đến, không đi, không sanh, không diệt, hữu vi hay vô vi. Hữu hình hay vô minh đều là hư vọng.
Tri kiến của Như Lai không ngằn mé, không có điểm dừng, không có cái sanh, không có cái diệt, không có cái cấu uế, không có cái thanh tịnh, trong sạch... Tất cả đều như như.
Người phát tâm vô thượng bồ đề là chỉ mới bắt đầu gieo hạt giống bồ đề, là mới đặt bước chân đầu tiên trên con đường giác ngộ, cần phải lấy sự nghiệp Giới – Định – Tuệ mà trang sức cho thân tâm. Dẫu biết thân này là huyễn hoặc nhưng không vì vậy mà chấp vào cái không để rồi bỏ bê trễ nãi, lạc mất con đường cần cầu giải thoát. Nhìn thấy được chân thật tướng các tướng, phi tướng thì nên nương vào cái luống dối, cái huyễn giả mà tu cái chơn thật, cái chơn như tự tánh. Ấy là cái tri kiến Như Lai, cái trí huệ tự nhiên, vô sư trí của Như Lai.
Ai muốn hàng phục thân này, ai muốn hàng phục được tâm này, ai muốn an trụ tâm này, ai muốn ngộ nhập tri kiến Như Lai để trụ thường hằng trong chân như thật tánh của bản lai diện mục chính mình và các pháp hãy hành trì theo lời Phật dạy. Đó là những kinh nghiệm của đấng giác ngộ đã đi qua trên con đường “Duy tuệ thị nghiệp” vậy.
Nguyện cho tất cả pháp giới đều quay về với thể tánh sáng suốt của tri kiến Như Lai để thấy được tất cả là bình thường, không hạnh phúc và chẳng có khổ đau.