Kiến thức
Hạt giống được bao bọc
Chủ nhật, 02/02/2022 03:21
Sự thay đổi bắt đầu từ chính tâm thức của mình. Nó không cần biểu hiện ra thành một hành động cụ thể nào, chỉ cần nó đang chứa một loại năng lượng tích cực, đó có thể gọi là thực tập rồi.
Hoàn cảnh mới
Đại dịch Covid-19 mang đến một thay đổi rất lớn trong đời sống của chúng ta, trong tu viện cũng như ngoài xã hội. Sự thay đổi này có bình diện rộng, tác động của nó lớn và có thể kéo dài. Hiện tại vẫn chưa biết đại dịch này sẽ kéo dài bao lâu và tất nhiên chúng ta sẽ phải tự thay đổi để có thể thích ứng với tình trạng đó. Đây là một cơ hội tốt cho chúng ta thực tập, nhưng bên cạnh đó cũng có những tác dụng phụ, có thể trở thành vấn đề nếu như ta không nhận diện được chúng.
Ta đang tiếp nhận loại hạt giống nào?
Là người có tu tập, ta sẽ thấy sự thay đổi do đại dịch Covid có tác động rất sâu sắc không những vào đời sống mà còn vào tâm thức của mình. Theo dõi tin tức về những sự kiện đang xảy ra xung quanh ta hoặc trong xã hội cũng chính là quá trình gieo trồng một loại hạt giống vào tâm thức mình. Người thực tập thường được ví như một người làm vườn. Một người làm vườn thông minh sẽ biết cách chọn lựa những hạt giống tốt nhất và chăm sóc chúng chu đáo. Dù ở nhà hay ở trong tu viện, những thứ chúng ta tiếp nhận từ xung quanh vẫn rất nhiều. Có bao giờ chúng ta ý thức những hạt giống nào đang đi vào trong tâm thức, trong khu vườn của mình hay không?
Cái gì ở phía sau?
Khi đọc một bài viết trên Internet, xem một chương trình truyền hình, nói một câu chuyện, hay tiếp nhận một thông tin gì mới, có thể chúng ta không nhận ra rằng chúng ta đang mong muốn một cái gì đó. Và chính cái mong muốn ấy làm thay đổi cách chúng ta tiếp nhận thông tin.
Thí dụ như chúng ta muốn biết thông tin về thời tiết của ngày hôm nay. Nếu như đó là một thông tin đích thực, chân thật và không bị thêm thắt gì thì xem ở đài này hay đài khác, về mặt bản chất, những thông tin ấy tương đối giống nhau, chỉ khác nhau ở trình tự và cách nói.
Khi nghe các thông tin về Covid-19, có thể chúng ta không ý thức rằng mình đang mong muốn một điều gì khác chứ không phải là cái lặp lại và giống nhau như thông tin về thời tiết. Tâm ta đi về hướng nào là do điểm mấu chốt này.
Chúng ta muốn nghe một cái khác lạ hay muốn một thông tin lặp lại, nhàm chán mặc dù nó là thật? Nếu không phải là tin giả hay tin đồn thì nó sẽ mang bản chất giống như thông tin về thời tiết, nó sẽ giống nhau từ chỗ này qua chỗ khác. Trong quá trình muốn một cái gì mới, một cái gì khác, có thể ta đang mở cửa cho những thông tin không đúng hoặc tin đồn đi vào trong tâm. Vì thế nếu là một người thực tập, chúng ta sẽ nhận ra năng lượng nào của tâm ta đang tác động vào loại tin tức mà mình tiếp nhận.
Nếu muốn biết những tin mới, những tin khác lạ thì chúng ta sẽ phải đọc rất nhiều tin tức. Thế nhưng làm sao phân biệt được đó là một tin thật mà không phải là tin đồn hay tin giả? Khi đọc tin mới mà thấy nó khác lạ quá thì Pháp Hội sẽ dành cho nó một khoảng thời gian, một khoảng đệm để suy nghĩ về nó, hoặc để cho những thông tin đó được kiểm chứng rồi mới tiếp nhận, như vậy sẽ an toàn cho mình hơn. Khi có một người hỏi về một tin mới nào đó mà Pháp Hội không chắc thì Pháp Hội xin phép để vài ngày rồi mới trả lời. Có thể sau đó phát hiện ra đó là tin đồn. Như vậy hạt giống kia không rơi thẳng vào tâm thức của mình mà nó được kèm theo một ý thức cảnh giác. Đó là thực tập tưới tẩm có chọn lọc. Sự thực tập này rất hữu ích cho chúng ta trong bối cảnh hiện nay.
Hạt giống được bao bọc
Ngày trước, thầy Pháp Dung có chia sẻ với Pháp Hội một cách trồng sồi rất thú vị. Thường mình đi nhặt những hạt sồi rồi vùi nó xuống đất với hy vọng sẽ có một cây sồi xuất hiện ở chỗ nào mình muốn. Nhưng trước khi vùi hạt giống đó xuống đất, thầy bọc nó trong một nắm đất có nhiều chất dinh dưỡng. Khi hạt giống ấy thò cái rễ ra, nó tiếp xúc được ngay với nắm đất có nhiều dinh dưỡng và sẽ được nuôi dưỡng, được lớn lên một cách tốt hơn.
Chúng ta cũng có thể thực tập như vậy với những hạt giống đang rơi vào trong tâm thức mình. Chúng ta có nhu cầu tìm hiểu những tin tức đang làm thay đổi đời sống của mình. Chúng ta không thể nào trốn chạy khỏi những thông tin đang bủa vây xung quanh. Ở đây ta không nói đến tính chất tốt hay xấu của thông tin tiếp nhận, mà nói đến cách ta nhận diện tâm thức của mình khi tiếp xúc với những thông tin đó. Nếu như chúng ta cứ thả cho nó rơi tự do vào trong tâm thức thì cũng giống như một hạt giống gieo xuống đất mà không được bọc trong một nắm đất có nhiều dinh dưỡng.
Thực ra, ta có thể bọc những hạt giống bằng bất cứ loại năng lượng nào mà ta muốn. Nếu ta bọc hạt giống đó bằng năng lượng của sợ hãi, lo lắng thì khi hạt giống lớn lên, trong bản chất của nó sẽ có một phần của lo lắng, sợ hãi. Nhưng nếu ta bọc nó bằng sự vững chãi, hy vọng, bằng một cái nhìn theo hướng tích cực thì khi biểu hiện trở lại, nó cũng sẽ mang theo những năng lượng này. Loại dinh dưỡng ta dùng để bao bọc những hạt giống rơi vào tâm chúng ta thực sự có tác động lên hạt giống.
Ta cũng là người tạo ra hạt giống
Hơn thế nữa, chúng ta không phải chỉ là người tiếp nhận hạt giống mà còn là người sản xuất, chế tạo ra những hạt giống mà chúng ta muốn, bất kể điểm xuất phát ban đầu của nó như thế nào. Là một người có chủ quyền trong sự thực tập, chúng ta có thể làm được điều đó.
Khi ta muốn bỏ một tin tức gì lên trang facebook, ta muốn nó phải thực sự đặc biệt. Nếu không nó sẽ giống nhau, nhàm chán giống như những tin về thời tiết được lặp lại từ chỗ này qua chỗ khác. Chúng ta muốn “xào nấu” nó để thu hút nhiều người đi theo. Chúng ta muốn tiếp nhận một tin tức “đặc biệt” và cũng muốn đưa ra tin tức “đặc biệt”. Chúng ta có nhận thấy tâm tư đó trong hành động của mình hay không? Nếu nhận ra được, ít nhất, chúng ta cũng là người có thực tập. Nếu không thì chúng ta đã bỏ sót một phần nào đó trong sự thực tập của mình. Nếu ta muốn chạy theo số đông, muốn trang nhà của ta vượt trội hơn những trang khác thì ta phải viết tin theo kiểu giật gân. Đó là cách nhiều tờ báo đang làm. Họ không quan tâm đến cách đưa ra thông tin. Có những người chăm sóc trang facebook của mình mỗi nửa tiếng, bỏ nhiều năng lượng cho nó. Ở đây, chúng ta không nói về đúng sai mà chỉ muốn nói đến những mong muốn đằng sau hành động này. Nếu như tin tức không mới, không giật gân, không theo hướng “câu like”, “câu view” thì rất có thể nó chỉ bình bình và cũng có thể nó làm giảm lượng người đọc tin tức trong trang của chúng ta, nhưng về mặt bản chất nó đã được nuôi dưỡng theo hướng tốt.
Tuy vậy, cũng có rất nhiều người đang ra sức làm cho tin tức trở nên thực hơn, để những năng lượng lạc quan trở nên nhiều hơn, giàu có hơn. Đó chính là một hành động thực tập tốt. Không cần phải để cho tâm trí tò mò, khó chịu, hay tức giận của mình phát tiết ra bên ngoài. Chúng ta bình tĩnh, chuyển hóa nó, cho nó một cơ hội để tiếp nhận những năng lượng nuôi dưỡng.
Khi chế tạo một món ăn cho tâm thức mình hay cho những người khác, phải ý thức rằng nó luôn chuyên chở theo năng lượng của mình. Nếu đó là năng lượng tốt lành, trong tương lai, khi biểu hiện trở lại nó sẽ mang theo năng lượng ấy.
Một bộ lọc cho tâm thức
Tâm thức của chúng ta không phải chỉ là của riêng cá nhân, mà là của cả cộng đồng, hay nói rộng hơn là của cả quốc gia, cả thế giới nơi chúng ta đang sống. Vì thế, chúng ta hiểu được trách nhiệm của mình và ý thức được những tác động của mỗi tâm thức chúng ta. Mặc dù nó không biểu hiện theo một hướng cụ thể nào đó nhưng thực sự nó đang tác động. Chúng ta không để cơ hội cho những tin đồn đi quá xa. Chúng ta không quá tò mò về những tin giật gân.
Đọc một tin giật gân, sở dĩ nó đi vào được trong ta bởi vì ta mở cửa cho nó ngay từ lúc đầu. Chúng ta hoàn toàn có khả năng mở cửa, nhưng đồng thời tạo thêm bộ lọc để cho những tin tức tốt, nuôi dưỡng đi vào bên trong mình. Và đó là sự thực tập của một thiền giả.
Nếu chúng ta dành một khoảng thời gian để xem tin tức đó có đáng tiêu thụ hay không thì nó sẽ trở nên rất khác trong tâm thức ta. Chúng ta xây dựng cho mình một thói quen, tạo một bộ lọc cho tâm thức. Nghĩa là ta vẫn có thể làm mọi thứ như trước kia, nhưng bỏ vào trong đó một chút tâm hành thiện của người có thực tập, thế là đủ rồi. Khi biểu hiện lại trong tâm thức, nó thực sự đã mang theo những thành quả ngọt ngào. Chỉ cần hành động nho nhỏ như vậy cũng đủ để làm thay đổi tâm thức của cá nhân và tâm thức của cả thế giới.
Nhận diện những mầu nhiệm
Những thông tin quanh ta có thể tác động và làm thay đổi chất lượng đời sống hằng ngày của chúng ta, theo chiều hướng tốt hay theo chiều hướng xấu. Nó có thể làm cho chúng ta chìm trong sợ hãi, không có khả năng nhận ra những điều tốt đẹp vẫn đang có mặt.
Giống như các bác sĩ nói, thông tin về dịch bệnh Covid này luôn chứa đựng sự tiêu cực vì số người bệnh và số người chết sẽ tăng lên theo thời gian. Thế nhưng, nếu chúng ta bi quan khi tiếp nhận thông tin thì năng lượng bi quan cũng đi vào trong ta, và rất có thể, sẽ làm che mờ tâm trí khiến chúng ta không nhận ra được những may mắn hay những điều tốt lành đồng thời đang xảy ra bên cạnh.
Vài tháng trước, người ta dự đoán rằng, có thể, 50% dân số nước Mỹ sẽ bị nhiễm bệnh, nhưng cho đến nay, may mắn là điều này đã không xảy ra theo hướng đó. Ở đây chúng ta không trách móc là họ đã nói dối hay nói không đúng sự thật, mà nhận ra sự may mắn là nó đã không xảy ra như vậy. Có nghĩa là bên cạnh những tin tức xấu, ít nhất chúng ta phải tự tìm những tin tức theo hướng tốt lành để nuôi dưỡng tâm thức mình, để không chìm trong bi quan hay trong năng lượng xấu của những sự việc đang xảy ra. Đó là điều mà Pháp Hội muốn nhắc nhở mọi người. Dù trong hoàn cảnh không được tốt như mong muốn, nhưng chúng ta vẫn hoàn toàn có thể sử dụng nó như một cơ hội thực tập đặc biệt trong đời sống hằng ngày.
Có chủ quyền, không chạy theo đám đông
Một số thông tin về bệnh dịch Covid mang rất nhiều màu sắc tiêu cực. Nó mang theo sự sợ hãi của rất nhiều người vì những sự kiện giống như vậy chưa từng xảy ra trong thời hiện đại. Ở đây, chúng ta không nói về mức độ thực sự nguy hiểm của dịch bệnh. Thế nhưng, năng lượng của mỗi người khi suy nghĩ, khi tiếp nhận thông tin cộng hưởng lại, tạo nên một năng lượng cộng đồng, không phải chỉ ở một quốc gia mà trên cả thế giới. Sư Ông gọi đó là tâm thức cộng đồng. Nhiều năm trước, có một thầy hỏi Sư Ông: “Khi một việc không phải là sự thật mà nhiều người cùng suy nghĩ theo hướng đó thì chuyện gì sẽ xảy ra?”. Sư Ông trả lời là khi có rất nhiều người cùng suy nghĩ theo một hướng thì sự việc có thể sẽ không xảy ra theo hướng tự nhiên như bản chất của nó nữa. Tại vì có năng lượng của nhiều người được kèm theo trong đó.
Các nhà khoa học cũng công nhận điều này. Khi một nhà khoa học quan sát bản chất của một sự vật, sự việc – thuần túy là sự vật, sự việc bên ngoài – sự vật, sự việc ấy sẽ bị tâm thức của nhà khoa học làm cho thay đổi. Năng lượng của rất nhiều người, tạo nên một tâm thức cộng đồng, có thể làm thay đổi bản chất của sự việc. Hiện giờ, trên thế giới năng lượng sợ hãi rất lớn, gây ảnh hưởng đến suy nghĩ của ta, làm cho nó không còn sáng suốt. Năng lượng phát ra từ số đông có thể tạo ra tác hại rất lớn nếu như nó không phải là sự thật. Hiện nay, có rất nhiều người nghe tin đồn về dịch bệnh Covid, rồi chuyển thành những hành động để xả nỗi bực dọc, sợ hãi trong tâm thức mình lên người khác. Khi chúng ta không có khả năng chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực này, nó sẽ tác động ngược lại, trở thành một loại rác đổ lên người khác.
Chúng ta là những người có thực tập, được hướng dẫn những phương pháp rất hiệu quả để áp dụng khi phải đối diện với những gì đi vào trong tâm thức mình. Chúng ta hoàn toàn có quyền để chọn lựa. Nếu ta theo đám đông kia, chạy theo tiêu thụ những năng lượng sợ hãi và để cho chúng có cơ hội bùng phát với người khác thì đó không phải là cách của một người thực tập.
Tất nhiên, chúng ta không làm theo kiểu tìm cách chống lại số đông, nhưng chúng ta có thể tác động theo chiều hướng tích cực, ít nhất là xuất phát từ chính bản thân ta. Khi không nuôi dưỡng những tin đồn, tin giả, những tâm hành xấu, những cái làm ta sợ hãi, bực bội hay tức giận thì ta có thể thực tập theo cách được hướng dẫn từ trước đến nay. Ta không trốn chạy. Đương nhiên nó đang ở xung quanh ta trong đời sống hằng ngày, dù là trong tu viện hay trong gia đình. Thế nhưng nếu bỏ một chút năng lượng thực tập vào đó, nó sẽ như một hạt giống được chăm sóc, được bảo vệ bởi năng lượng tốt và khi lớn lên nó mạnh hơn rất nhiều. Nó tạo thành tâm thức vững chãi của một người có thực tập, không dễ dàng bị lung lay bởi những tin đồn hoặc tin giả.
Người làm vườn
Mỗi người chúng ta hiện đang là một người làm vườn cho chính mình và cho cả thế giới, dù đang tiếp nhận hay cho ra. Là một cộng đồng sống theo phương thức lành mạnh, nuôi dưỡng và có trách nhiệm đối với xã hội, chúng ta cũng đang làm công việc của người làm vườn. Ngày xưa khi làm báo, Sư Ông cũng đi theo hướng đưa những tin tức nuôi dưỡng, không đưa tin đồn hay những tin giật gân. Khi đọc những tin không vui lắm, hơi tiêu cực thì ít nhất chúng ta phải đọc thêm một tin tức lạc quan, tốt đẹp để nó trung hòa năng lượng kia, và để nó trở thành một loại đất có dinh dưỡng bao bọc cho hạt giống như thầy Pháp Dung nói đến. Một người làm vườn có hiệu quả sẽ chọn cho mình những cách thức phù hợp. Thầy Trời Niệm Lực có một cách thức gieo hạt giống kiểu khác: thầy gieo hạt trong một cái chậu có đầy đủ chất dinh dưỡng mà không bọc đất cho hạt. Sống trong tăng thân, chúng ta rất may mắn có cơ hội chia sẻ với nhau những kinh nghiệm thực tập và chúng tác động qua lại. Không nhất thiết mọi người sẽ đồng ý với nhau về tất cả những cách thức thực tập đó, nhưng khi chúng ta cảm nhận được hiệu quả theo hướng của mình hay của người khác thì nó trở thành một loại tâm thức cộng đồng. Đó là lý do vì sao chúng ta vẫn tiếp tục sống chung với nhau.
Không là nạn nhân
Đại dịch có thể tiếp tục kéo dài, không ai khẳng định được sẽ kéo dài bao lâu. Thế nhưng, nếu chúng ta thụ động để cho nó tác động tiêu cực vào đời sống của mình thì quả thực không hay tí nào. Chúng ta không chờ đợi đến khi hết cách ly và quay lại đời sống như trước kia thì chúng ta mới có hạnh phúc. Trông chờ như vậy không thực tế lắm.
Pháp Hội cũng trải qua thời gian đầu bối rối khi không biết làm thế nào để thích ứng với tình trạng thay đổi rất lớn trong tu viện và trong đời sống hàng ngày của mình. Nhưng rồi, Pháp Hội cũng nhanh chóng tìm ra được cách thức quan sát tâm tư mình, thấy nó thay đổi như thế nào khi mình phải thích ứng với tình trạng hiện tại. Rất thú vị! Tâm thức chúng ta không cần là nạn nhân chịu trận với tình trạng xấu. Ta có thể biến nó thành một người tiên phong, thành một cái gì đó rất tích cực. Nó có thể tự thay đổi để thích ứng và tạo ra những năng lượng tốt cho chính mình và cho những người xung quanh. Ta không để cho tâm mình bị sụp đổ bởi những năng lượng của sợ hãi, tức giận và ý muốn xả ra bên ngoài. Pháp Hội thấy nhiều người khác cũng đang thực tập theo hướng đó. Thật may mắn!
Chúng ta cũng không cần mở được khóa tu mới gọi là đóng góp cho xã hội. Chúng ta nuôi dưỡng, bảo vệ chính mình cũng đã là một hành động thiết thực đóng góp cho xã hội rồi, huống chi chúng ta còn có khả năng chia sẻ năng lượng tích cực, những cái thấy sáng tỏ của mình cho những người khác.
Sự thay đổi bắt đầu từ chính tâm thức của mình. Nó không cần biểu hiện ra thành một hành động cụ thể nào, chỉ cần nó đang chứa một loại năng lượng tích cực, đó có thể gọi là thực tập rồi. Và từng chút một của nhiều người góp lại sẽ tạo thành một năng lượng thay đổi theo hướng mà chúng ta mong muốn và chúng ta sẽ cùng nhau tận hưởng năng lượng tốt lành đó.
Làm được như vậy chúng ta mới xứng đáng để hiện hữu như một người hữu ích trong hoàn cảnh này, tức là người biết nhìn theo hướng tích cực.