Sách Phật giáo

Hạt giống nảy mầm - Tin yêu (P.2)

Thứ hai, 07/04/2016 09:13

Chúng ta chăm sóc thân thể và tâm ý cũng nhằm hướng đến các hoạt động tích cực của thân thể, tích cực của tâm ý và phải hài hòa với đạo đức xã hội. Chúng ta hướng đến sự hạnh phúc và thảnh thơi, chúng ta hướng đến từ bi và bác ái nên phải có tinh thần an tịnh, nghị lực chuyên cần và tinh tấn trong tuệ giác.

3. CHĂM SÓC SỨC KHỎE

Ăn uống

Nhu cầu về dinh dưỡng cho cơ thể là nhu cầu tất yếu của sự tồn tại. Ăn uống của mỗi người cũng khác nhau, có người ăn bốn năm chén cơm, có người ăn một chén cơm là do các nhu cầu thực sự của cơ thể của chúng ta đang đòi hỏi. Một vài người uống cả năm bảy lon bia chưa say, người thì uống một ly đã say… Chúng ta ăn uống là để duy trì và phát huy các năng lượng tốt cho cơ thể. Ăn vô độ, ăn quá mức tiêu thụ thực sự cần thiết của cơ thể làm cho hệ tiêu hóa thêm nặng nhọc; uống quá nhiều và không có sự kiểm soát làm cho hệ bài tiết làm việc liên tục. Thật nguy hiểm! 

Nhiều người giàu sang phú quý nhưng bệnh tật liên miên, tiền tài đổ vào thuốc, đổ vào bệnh viện và bác sĩ đến mức ăn không ngon, ngủ không yên; bệnh tật hành hạ đến cuộc đời. Bệnh tật cũng một phần là do cách ta ăn uống. Chúng ta phải đảm bảo được sức khỏe; không cần ăn quá nhiều đến mức thở mệt nhọc, đứng ngồi cũng không yên. Ăn một món ăn ngon, chúng ta hãy cảm nhận ngay: món ăn ngon. Uống một ly nước thơm lành, hãy cảm nhận: ly nước thơm lành. Điều này cũng có nghĩa là để tâm ý của mình vào các món ăn hoặc nước uống tạo điều kiện cho các giác quan cảm nhận món đó ngon hoặc không ngon. Để tâm ý vào việc ăn uống cũng là việc điều tiết vừa đủ các nhu cầu cần thiết cho cơ thể.

Với người bình thường, không mắc các chứng bệnh nguy hiểm thì việc ăn uống phải đa dạng nhưng không nên quá dư thừa cho cơ thể. Nếu có được các phương pháp ăn uống hoặc các công thức ăn uống (do Bác sĩ chỉ định) thì ta nên theo đúng phương pháp. Ăn uống cũng tùy theo vùng miền, quốc gia. Không phải chúng ta muốn ăn là ăn được. Mùi mắm tôm có thể phù hợp với nơi này, nơi khác, người này, người khác; nhưng không quen mà cứ cố tình ăn vào thì bản thân cơ thể khó hấp thụ, có khi còn gây ra dị ứng cho cơ thể. Điều này cũng đúng với các loại thực phẩm khác. Trong sách hướng dẫn về ăn uống, ẩm thực của Oshawa khuyên chúng ta chỉ nên ăn những thực phẩm ở gần vùng miền nơi ta đang sinh sống nhất. Điều này là hợp lý vì môi trường tự nhiên giữa thực phẩm và người tiêu thụ thực phẩm đó ít có sự cách biệt. 
 
Nhìn trên bình diện văn hóa, giao tiếp và cách ứng xử. Chúng ta cũng không nên ăn uống quá độ và thô thiển. Thức ăn đưa vào miệng ào ào, chưa kịp nhai đã nuốt, ăn uống như ma đuổi, nhai cộp cộp coạp coạp, nước miếng tứ tung, tay bốc (một số quốc gia chấp nhận điều này), miệng vừa ăn vừa la. Một vài nơi chúng ta vẫn thấy việc ăn tiệc, đãi tiệc thức ăn tự do, tự phục vụ; chúng ta thấy có sự tranh giành thức ăn lẫn nhau, cướp giật thức ăn còn nở được các nụ cười trong sự cướp bóc và tranh giành thì chúng ta khó mà chấp nhận; chưa kể họ còn lấy dư thừa thật nhiều thức ăn mà chính họ không thể tiếp nhận. Thật kinh hoàng!

Thực phẩm ăn vào cơ thể phải được chúng ta quan tâm và phải được chúng ta tôn trọng thực phẩm đó khi nó đã ở trong chính cơ thể mình. Chúng ta chỉ cần chịu khó nhai thức ăn cho nhuyễn, ăn uống từ tốn, bao tử sẽ đỡ mệt nhọc, thức ăn cũng sẽ được cơ thể của chúng ta tiêu thụ hết. Quá trình bài tiết, tiêu hóa và hấp thụ cũng sẽ được thuận lợi hơn. Ăn uống vừa đủ ta mới yêu thương và tôn trọng chính sức khỏe của chúng ta. Chúng ta không nên ham ăn uống quá độ đến mức cơ thể không cần đường, ăn vào toàn chất có đường; cơ thể không cần mỡ nữa, ăn vào toàn chất có mỡ; cơ thể không chịu nổi cồn, uống toàn cồn; bao tử ăn được ba chén, ăn vào năm bảy chén. Cơ thể chúng ta ở bên trong sẽ kêu lên “thật kinh hoàng!”.

Việc ăn uống cần có định hướng, có phép tắc phù hợp với xu hướng xã giao. Chúng ta có thể tìm kiếm các sách về xã giao, về văn hóa giao tiếp, văn hóa ẩm thực,.. để hoàn thiện hơn cách ăn uống của chính mình. Trong ca dao, tục ngữ của Việt Nam cũng đề cập nhiều đến việc ăn uống, đó cũng là nguồn tư liệu quý cho mỗi chúng ta thực tập ăn uống nhằm duy trì tốt sức khỏe và trí lực.

Cũng như vậy, chúng ta không nhất thiết là không ăn món ngon, món quen, món lạ. Cuộc sống có giới hạn, ăn uống cũng phải có giới hạn vừa phải cho phù hợp với thể trạng, với quan điểm, với tôn giáo, với mỗi quốc gia và phù hợp với cách vận hành của ý thức và sự vận động của cơ thể của chúng ta. 

Vận động

Vận động cơ thể được coi là sự điều tiết của các cơ quan, các chức năng trong cơ thể cho hài hòa với môi trường, hài hòa với cách sinh hoạt, hoạt động thường ngày của mỗi người. Với một vận động viên cử tạ vận động khác với người làm việc văn phòng. Người lớn tuổi vận động khác người trẻ. Người tu vận động khác với người không tu. Em bé hai tuổi chơi các trò chơi trong công viên khác với em bé năm tuổi. Chúng ta phải vận động cơ thể, đó là hiển nhiên. Vận động cơ thể làm cho máu huyết lưu thông, cơ thể dẻo dai và phát triển vóc dáng chung cho toàn bộ cơ thể. Hiện nay, các chỉ số về chiều cao của chúng ta (Việt Nam) rất thấp so với khu vực và thế giới nên chúng ta có một chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý chúng ta sẽ càng hoàn thiện được giống nòi theo chiều hướng tốt. 

Vận động ở đây cũng được hiểu là mắt, tai, mũi, lưỡi và thân có chuyển động hài hòa. Trong môi trường công việc hoặc trong gia đình, hàng xóm, bạn bè có những gì gây ảnh hưởng thái quá đến mắt, tai, mũi, lưỡi và thân của chúng ta, chúng ta nên có sự điều tiết hợp lý. Chúng ta không thể ngồi xem tivi quá lâu, nhìn màn hình máy tính hoặc điện thoại quá lâu. Chúng ta không thể cứ ngồi nghe nhạc ồn ào, náo động quá lâu; chúng ta không thể ngửi mùi hôi tanh của một con kênh quá lâu; chúng ta không thể ăn món đồ ăn quá cay quá lâu; chúng ta không thể ngồi thiền quá lâu.. Chúng ta vận động bằng cách đi bộ trong nhà, tập tạ, tập hít đất, đi hoặc chạy bộ trong công viên, lau nhà, giặt đồ, rửa chén,.. đều là các vận động mang ích lợi cho cơ thể.

Toàn bộ các tế bào, mạch máu trong ta vẫn đang hoạt động liên tục. Tế bào này tốt thì được sinh ra, tế bào kia xấu thì bị đào thải; mạch máu này có chỗ tắc nghẽn nhưng vẫn vượt qua được; phổi vẫn là một nhà máy tách lọc oxy để nuôi cơ thể,.. Thật hoàn hảo bên trong cơ thể chúng ta. Bên ngoài cơ thể, tự chúng ta phải vận động để duy trì năng lượng bên trong. Cơ thể chúng ta còn hơn cả nhà máy điện hạt nhân; bên ngoài chúng ta là vỏ nhà máy và các thiết bị, bên trong chúng ta là các hạt uranium hoạt động không ngừng nghỉ.

Cơ thể hoạt động không ngừng nghỉ, cơ thể có sự tiếp nhận của oxy nên chúng ta vận động cơ thể trong chánh niệm. Thực tập thiền thở vào, biết ta đang thở vào; thở ra, biết ta đang thở ra. Chúng ta không cần nhất thiết lúc nào cũng phải chánh niệm như vậy, nhưng việc quan sát hơi thở vào và hơi thở ra đặc biệt quan trọng cho tất cả mọi người. Chúng ta loại bỏ các phản xạ có điều kiện hoặc không có điều kiện qua một bên, chỉ quan tâm đến thân và ý khi vận động sẽ tạo cho chúng ta sức khỏe dẻo dai hơn, tinh thần minh mẫn hơn.

Tinh thần

Chăm sóc tinh thần là việc chúng ta làm mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây. Chúng ta ngồi nghe một bản nhạc hay, chúng ta đọc một cuốn sách, ngồi vẽ về làng quê êm đềm, làm một bài thơ, lấy guitar chơi một bản nhạc vui cũng là ta đang chăm sóc cho tinh thần ta thêm đẹp.

Sức khỏe tinh thần được hiểu là niềm tin yêu, sự hiểu biết đối với một sự vật – hiện tượng hoặc ý niệm. Tinh thần phải thực sự có mặt trong ngay giây phút hiện tại, nó phải có được ngay trong một trận đá banh, ngay trong một cuộc vận động tranh cử, ngay trong công việc thường ngày, trong việc chăm sóc gia đình và bản thân. Sức khỏe tinh thần yếu kém sẽ nảy sinh các hành động thấp hèn và yếu kém đi kèm. 

Sức khỏe tinh thần của chúng ta hài hòa với sức khỏe của thân thể. Một tinh thần yếu đuối, khổ đau và bạc nhược được biểu hiện ra bởi một thân thể yếu đuối, khổ đau và bạc nhược. Một tinh thần có tâm trạng quau có, quạu cọ, hờn ghen, trách móc biểu hiện ra bởi một vẻ mặt khó chịu, bực tức và tối tăm. Một tâm trạng u uất, tham lam, chiếm lĩnh biểu hiện ra các hành động nóng nảy, giành dật, tranh đua… Tinh thần thanh cao, hướng thượng, từ bi và bác ái biểu hiện sự an nhiên tự tại, cử chỉ hài hòa, lời nói tao nhã, mặt tươi như hoa và thân thể hài hòa.

Chúng ta chăm sóc thân thể và tâm ý cũng nhằm hướng đến các hoạt động tích cực của thân thể, tích cực của tâm ý và phải hài hòa với đạo đức xã hội. Chúng ta hướng đến sự hạnh phúc và thảnh thơi, chúng ta hướng đến từ bi và bác ái nên phải có tinh thần an tịnh, nghị lực chuyên cần và tinh tấn trong tuệ giác. Chúng ta đi theo ánh trăng sáng để đi với nguồn ánh sáng trong đêm tối cho dù không đi đến được với trăng đi nữa, con đường chúng ta đi vẫn có ánh sáng của trăng. Niềm tin của chúng ta là có ánh trăng, ánh trăng thì sáng. Sự yêu của chúng ta là cái đẹp của ánh trăng, ánh trăng luôn đẹp. Niềm tin yêu là tinh thần của chúng ta, hối thúc chúng ta đi đến cái đẹp và sự an lành, hạnh phúc. 

Chúng ta chăm sóc tinh thần mình bằng tình yêu thương với chính mình. Hiểu rõ về bản thân mình, hiểu rõ về các mong muốn của ý niệm, hiểu rõ về các giác quan và các bộ phận trên cơ thể. Chúng ta chăm sóc tinh thần bằng cách nghe – đọc một bài kinh, bài kệ; cho ta nhìn nhận được thấy một bông hoa đẹp, cho ta cảm nhận được món ăn ngon, cho ta vui đùa với một em bé, cho ta lắng nghe chia sẻ của người thân, cho ta đọc một cuốn sách hay, cho ta tìm kiếm một ý tưởng mới; và mầu nhiệm hơn: cho ta có tinh thần lạc quan vui sống, niềm tin tích cực, hành động tích cực và tư duy tích cực. 

Nguyễn Trường Giang
Trích trong Hạt giống nảy mầm - Tin yêu

Còn nữa...

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

loading...