Sách Phật giáo

Hạt giống nảy mầm - Tin yêu (P.3)

Thứ hai, 09/04/2016 10:11

Thực tập tôn trọng là một phần đạo đức để chúng ta duy trì chánh niệm: luôn tôn trọng con người và sự sống muôn loài. Tôn trọng được biểu hiện qua thái độ cư xử, hành xử của chúng ta với trẻ em, người già; thái độ của chúng ta với người giàu, người nghèo, người có học hoặc không có học, người nam hoặc người nữ, người dân tộc này hoặc dân tộc khác

4. TƯ DUY TÍCH CỰC

Chúng ta, nhất là một số các bạn trẻ, hay loay hoay trong nhận thức về một tư duy như thế nào là tích cực? Làm như thế nào để có tư duy tích cực? Tư duy tích cực là thái độ sống tích cực, hướng tâm ý của bản thân đến sự tốt đẹp, cao thượng nhằm đạt đến sự vui vẻ và hạnh phúc lành mạnh trong mọi hành động, mọi tình huống. Tất cả các đề mục trong cuốn sách này được chia nhỏ nhưng cũng đang hướng chúng ta đến tư duy tích cực: tình yêu thương và bác ái.

Để có tư duy tích cực, chúng ta đặt ra một cam kết tích cực cho bản thân, cho công việc hoặc cho bất cứ việc gì khác và hãy thực hiện việc đó một cách nhiệt tình, say mê. Chúng ta luôn tập trung tâm ý vào những việc quan trọng và có ý nghĩa. Kiểm tra việc đã làm được gì, chưa làm được gì so với các mục tiêu đã đề ra. Mỗi khi phát hiện các suy nghĩ tiêu cực đang bắt đầu xâm chiếm tâm trí, hãy nhanh chóng thay thế chúng bằng các suy nghĩ tích cực. Chúng ta cũng nên thay đổi những hành động tiêu cực và các suy nghĩ tiêu cực mỗi ngày.

Tư duy tích cực mang lại cho chúng ta thành công trong cuộc sống dễ dàng hơn, vui vẻ hơn; chúng ta có năng lượng sống hơn, có sức mạnh trong nội tại cơ thể hào hùng hơn; chúng ta vượt thoát các khó khăn dễ dàng và tự tin vào bản thân. Người có tư duy tích cực là người vượt qua được các tình huống khó khăn và nguy hiểm của cuộc sống.

Khi chúng ta thực tập thiền sâu trong các ý nghĩ về các mối quan hệ xã hội, chúng ta nhận thấy rằng một lời nói đả kích, phỉ báng hoặc thiếu tôn trọng người khác cũng chỉ do tâm ý của chính người đó nhận ra như vậy. Sự không hiểu biết, sự quy chụp và vô minh của người khác không thể làm chúng ta bận tâm và phải thay đổi chính mình theo cách người khác. Nếu chúng ta không nhận rõ, không phân định được các giá trị đạo đức và tinh thần, lòng tôn trọng và nhận diện được người hiềm khích thì chúng ta sẽ lọt thỏm vào sự vô minh của người khác. Tư duy của một con vật khác tư duy của con người, cho dù cũng là tư duy. Một con vật khác có thể nhảy bổ ra cắn vào chân chúng ta, một vài loài khác cũng có thể chỉ đứng ngoài hoặc phía sau la ó và hùa vào chúng ta đốt chích như loài ong. Con người thì luôn hòa nhã và thân thiện, vì con người luôn biết mình là người.

Tư duy tích cực được thể hiện trên chuẩn mực đạo đức tinh thần nhất định sẽ giúp chúng ta đạt đến sự hoàn thiện về tâm hồn. Tinh tấn, học hỏi và rèn luyện chính mình sẽ giúp chúng ta luôn đi đúng đường mà không sợ bị sai lầm. 
 
Nhân hậu và tử tế

Người nhân hậu là người biết yêu thương quý mến, có lòng vị tha (tha thứ), có lòng nhân từ, có sự hiền lành với chính mình và người khác, có tâm hồn hướng thiện. Người tử tế là người làm việc tốt, sống đúng, sống đẹp, sống có ý nghĩa và phù hợp với đạo đức và các chuẩn mực của xã hội.

Chúng ta có thiên hướng về nhu cầu tự khẳng định mình, nhu cầu xã hội được sống và chia sẻ cùng người khác. Sự nhân hậu và tình yêu thương không có sự phân biệt người sang hoặc hèn, nhiều hoặc ít. Chúng ta hướng các tư duy tích cực về lòng nhân hậu và sự tử tế đến chính mình trong việc tự chăm sóc sức khỏe cho cá nhân mình, tự phát triển các khả năng tư duy và sự hiểu biết. Chúng ta hướng tư duy tích cực về lòng nhân hậu và sự tử tế đến với gia đình mình, hướng đến sự giúp đỡ và chăm sóc các em nhỏ gặp hoàn cảnh khó khăn, biết thương những người khổ hơn mình và biết giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. 

Các hành động nhỏ như: để bảng hướng dẫn người đi đường thấy đường đến Bệnh viện, nhặt hòn đá ngoài đường, chỉ cho người chạy xe gắn máy biết chưa đá chân chống – chưa tắt đèn xe ban ngày, giúp người già – trẻ em qua đường, giúp người hàng xóm đón em nhỏ đi học về nhà, chơi cùng và hướng dẫn một em bé chơi đồ chơi,.. Chúng ta hỗ trợ chia sẻ tiền bạc và/hoặc công sức của mình trong các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, các tổ chức từ thiện, nhóm từ thiện và các bếp ăn từ thiện, vùng có chiến tranh, vùng sâu vùng xa,.. là chúng ta đang sống rất đẹp và sống rất có ý nghĩa.

Sự nhân hậu của một người được thể hiện qua lời ăn, tiếng nói (thân – khẩu – ý); qua cách hành động và các cử chỉ mẫu mực của người đó trong cuộc sống thường ngày. Chúng ta nhân hậu và tử tế trong sự hiểu biết, vị tha, né tránh và nhận diện ra được các hành động lợi dụng sự tử tế để chiếm đoạt tình cảm của người này hoặc người khác; chiếm hữu và cướp đoạt vật chất – tiền bạc của người khác. Những hành vi lợi dụng đó chỉ có được khi chúng ta nhìn nhận sâu sắc về chính mình, chính gia đình mình, chính công việc mình đang làm và chính xã hội mình đang sống. Chúng ta ca gợi lòng nhân hậu - sự tử tế và phát huy tinh thần tốt đẹp trong cộng đồng, không có các hành vi thiếu đạo đức trong chuẩn mực xã hội mà chúng ta đang sống. 

Lòng nhân hậu và tử tế cũng giúp cho chúng ta không còn ác cảm, không còn xa lánh với những người mắc lỗi lầm. Chúng ta mang cơ hội đến cho người mắc lỗi lầm hoà nhập động đồng, về với cuộc sống đời thường với trái tim đồng cảm, bao dung và nhân ái. Chúng ta luôn thực tập về nhân hậu và tử tế của mình và của người khác, chúng ta sẽ tin tưởng và tôn trọng cuộc sống hơn.

Tin yêu tôn trọng

Vốn quý nhất mà cuộc sống này chúng ta có được là chúng ta đang tồn tại với thời gian ở ngay phút giây hiện tại. Chúng ta phải tôn trọng chính mình và chính thời gian mình đang sở hữu. Chúng ta bố trí thời gian hợp lý cho làm việc, nghỉ ngơi và thiền định.

Buổi sáng, mỗi khi thức dậy, chúng ta vệ sinh thân thể sạch sẽ. Làm đồ ăn sáng và ăn sáng với khẩu phần vừa đủ để duy trì năng lượng làm việc trong ngày. Buổi trưa và chiều tối cũng vậy: ăn uống vừa đủ; vậy là chúng ta đã đang tôn trọng cái bao tử của chúng ta. Cũng như thế, sự tôn trọng ấy chỉ đơn giản là buổi tối chúng ta mở tivi vừa đủ nghe để không làm ảnh hưởng đến việc học và làm bài tập ở nhà của trẻ em; tôn trọng sự riêng tư của vợ hoặc chồng khi một trong hai đang đọc một cuốn sách, soạn giáo án, viết một bài báo,.. 

Thực tập tôn trọng là một phần đạo đức để chúng ta duy trì chánh niệm: luôn tôn trọng con người và sự sống muôn loài. Tôn trọng được biểu hiện qua thái độ cư xử, hành xử của chúng ta với trẻ em, người già; thái độ của chúng ta với người giàu, người nghèo, người có học hoặc không có học, người nam hoặc người nữ, người dân tộc này hoặc dân tộc khác; thái độ cư xử, xử sự của chúng ta với một tình bạn, một tình yêu và đồng nghiệp; thái độ của chúng ta với lời nói, ý nghĩ, hành động, yêu cầu và ý kiến của người khác. Thái độ cư xử và cách thức hành động của chúng ta đối với một biểu hiện đạo đức là thước đo về lòng từ bi, bác ái của chúng ta đối với biểu hiện đó. Lòng từ bi, bác ái của chúng ta càng lớn cho đối tượng tôn trọng thì năng lượng tôn trọng đó càng nhiều và càng lớn mạnh trong chính chúng ta.

Sợi dây tôn trọng của chúng ta và đối tượng tôn trọng phải đủ lớn, đủ vững chắc, đủ tin tưởng để có thể truyền tải được toàn bộ ý nghĩa truyền thông đến cả hai (chúng ta và đối tượng). Sợi dây tôn trọng quá mong manh, gây đứt giây và xuất hiện sự hờn trách; sợi giây quá to, chất chứa nhiều sự kiêng nể làm giảm bớt truyền thông. Điều này là hoàn toàn khác với sợi dây trách nhiệm.

Cũng giống như khi chúng ta gặp một người lạ, chúng nghe họ nói, nói như rót mật vào tai, nghe hùng hồn và rất hoành tráng. Sợi dây tôn trọng và niềm tin của ta có vẻ vững vàng. Một lần nói, hai lần nói, n lần nói và chúng ta vỡ òa ra rằng đó là những lời họ đang nói là vô nghĩa, những từ ngữ vô nghĩa thể hiện trong cái tôi, cái ngã của người đó; và như thế, sợi dây tôn trọng của chúng ta với người đó bị cắt đứt. Chúng ta không còn tin, không còn yêu thương như ban đầu. Điều này là có thật trong mỗi chúng ta. Khi thực tập sâu về vô thường, vô ngã và khổ đau trong tứ diệu đế chúng ta sẽ nhận rõ được chân tướng của sự thật.

Phương pháp tư duy tích cực đã được đề cập trong cuốn “Hạt giống nảy mầm – Thiền” bao gồm: Duyên khởi, Tứ Diệu Đế, Nhị Đế, Ngũ Căn – Ngũ Lực và Tam Chuyển. Chúng ta cũng có thể tìm hiểu thêm các khái niệm về vô thường, vô ngã để có các tư duy thoáng và tích cực hơn cho cuộc sống.

Nguyễn Trường Giang
Trích trong Hạt giống nảy mầm - Tin yêu

Còn nữa...

TIN, BÀI LIÊN QUAN:
loading...