Sách Phật giáo
Hạt giống nảy mầm - Tin yêu (P.4)
Thứ hai, 10/04/2016 11:38
Sự chân thành trong lời nói và việc làm, minh bạch trong lời nói và việc làm phải hướng đến những vấn đề đúng đắn và các ý niệm đúng đắn theo các chuẩn mực chung của xã hội.
5. NÓI VÀ LÀM
Nói đúng sự thật
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta hiểu điều tốt, hiểu điều hướng thượng và có ích lợi, chúng ta nói ra đúng sự thật những gì mình thấy. Khi chúng cảm nhận sự thật không hướng thượng tốt nhất chúng ta nên giữ im lặng. Phương pháp tìm hiểu về sự thật, nhận diện sự thật đã được tôi trình bày trong tập sách “Hạt giống nảy mầm – Thiền”. Chúng ta hiểu về sự thật theo cách nhìn của chúng ta. Chúng ta không thêm bớt, không kỳ thị, không ràng buộc, nếu sự thật đó chính là sự thật.
Chúng ta đang hướng mình có tâm hồn cao thượng, hướng đến sự hạnh phúc và thảnh thơi nên không có bất kỳ thế lực nào, bất kỳ ảnh hưởng nào tác động lên tâm trí ta để tranh đoạt lại hạnh phúc sự thật đó. Một thân hình quyến rũ, một vài lời nói bóng bẩy, một vài vật chất xa hoa, đồng tiền hoặc sự nịnh bợ lừa phỉnh của người khác không đủ làm cho chúng ta quyến luyến, bám víu và lệ thuộc. Chúng ta thực tập hành vi nghe: nghe những gì cần nghe, cũng như việc chúng ta lắng nghe hơi thở và quan sát hơi thở trong thiền tịnh. Những âm thanh tạp, lời nói tạp, hành vi tạp đều được chúng ta bỏ qua và không quan tâm đến vì nó không có ý nghĩa cho sự phát triển lòng từ bi, bác ái cho chính chúng ta.
Chúng ta nói những lời ái ngữ, nói những lời nghe “lọt lỗ tai” (không nịnh bợ), không nói ra để gây ra các hiềm khích, chê bai và phản bác. Chúng ta phải chắc chắn rằng những lời mình nói ra có lợi cho mình, cho người khác, cho cộng đồng khác; nếu không lời nói của chúng ta là vô nghĩa, lời nói của ta không phải của ta mà luôn bị chìm đắm trong các tà thuyết, các tư tưởng u mê và luẩn quẩn thì thật là tai hại! Chúng ta lải nhải với một vài lời hứa, lải nhải với các tư tưởng, lải nhải với các hành động của chúng ta ở quá khứ và hiện tại mà trong khi chúng ta không có gì tinh tấn, không có gì chứng minh, không có các hành động hướng thượng cho những lời nói lải nhải đó thì thật kinh khủng. Đừng lải nhải, hãy biết giữ im lặng và bình yên cho mình và cho người khác; tự mình thực hành các giá trị của lời nói. Lời nói của chúng ta chỉ có giá trị thực sự khi lời nói của chúng ta đi vào tâm thức của người khác chứ không phải đi từ tay bên trái, qua tai bên phải, đi ra ngoài và ngược lại.
Bộ sách này hướng chúng ta đi đến hành động của lời nói hướng thượng, những việc làm hướng thượng, bác ái và từ bi. Sự từ bi và bác ái đã có từ nhiều ngàn năm trước, sự từ bi cũng đã có ngay khi chúng ta mới chỉ là một hình hài nhỏ bé trong bụng mẹ. Thật có lỗi khi chúng ta đã nhận được sự từ bi, bác ái từ người khác mà không cố gắng xây lại sự từ bi và bác ái trong chính mình. Thật thương thay cho những ai đang lệch lạc về niềm tin, lệch lạc về cuộc sống, lệch lạc trong trí tuệ, lệch lại về lời nói của mình. Khi chúng ta đạt tuệ giác về mọi sự vật hiện tượng, chúng ta sẽ trở nên năng động và tích cực; không tiêu cực và cũng không ỷ lại. Chúng ta có lời nói để diễn đạt, có ngôn ngữ viết để chúng ta nhìn rõ; chúng ta có các cử chỉ mô tả, các hành vi mô tả; phương pháp truyền thông để hiểu rõ đâu là lời nói đúng và đâu là lời nói không đúng sự thật.
Chúng ta không đơn độc trong sự thật, không cố gắng để nói ra những sự thật mà gây nguy hại cho chính mình và người khác, một sinh linh khác và một thế giới khác. Chúng ta sống hài hòa với tự nhiên, với muôn loài. Có loài này hiểu được tâm ý của chúng ta, có những loài khác không hiểu được tâm ý của chúng ta và cố tình kéo tâm ý đúng đắn về phía lệch lạc. Điều này khó nhận ra nếu như chúng ta không chứng nghiệm bằng chính bản thân mình, chính tinh thần tuệ giác của mình.
Ví như việc câu cá, mồi câu đâu phải chỉ là con giun, con trùng thơm lừng trong tự nhiên. Mồi câu là plastic thật tuyệt đẹp, bóng bẩy và có chứa các chất tạo mùi hóa học, mùi của loài cá chúng ta đang câu rất thích. Chúng ta nhử mồi đó đến con cá, dẫn dắt con cá cắn vào mồi câu plastic. Hậu quả thật tai hại, con cá bị cắn câu và bị chúng ta kéo lên bờ. Người câu cá thì hiểu rằng đó là mình làm đúng, có được con cá; con cá chỉ khi lên tới bờ mới biết mình sai. Thật tai hại!
Một câu chuyện khác về sự thật: có một thiền sư thời nhà Đường, tên Hotei luôn đi khắp phố phường, trên vai mang túi vải lớn có chứa đủ các loại bánh kẹo, trái cây người ta cúng biếu; ông mang phát lại cho trẻ em chạy theo ông vui đùa. Khi gặp người mộ đạo, ông nói: “cho tôi một đồng”. Nếu ai nói ông về nơi nào đó thuyết pháp, ông nói: “cho tôi một đồng”. Một hôm đang vui chơi với đám trẻ, có một thiền sư đi qua, dừng lại hỏi: "Thế nào là yếu tính của thiền?”. Lập tức, Hotei yên lặng bỏ túi vải nặng xuống đất. Vị thiền sư kia hỏi tiếp: "Thế thì, cái thực dụng của thiền là gì?”. Nhanh chóng, Hotei vác túi vải lên vai và tiếp tục đi.
Với chúng ta, chúng ta cần biết khi nào nói hoặc không nên nói về sự thật, phân biệt được đâu là thật đâu là giả khi có tuệ giác. Sự thật vẫn là sự thật nên việc chúng ta cố gắng nói ra, cố gắng trình bày, cố gắng diễn giải và cố gắng chứng minh cho người khác khi không cần thiết thì sự thật của chúng ta diễn đạt cũng chỉ là trò cười của người khác. Hiển nhiên, chúng ta không muốn mình là trò cười cho người khác và các ý thức khác. Con cá không phân biệt được thật – giả, bị kéo lên bờ; thiền sư không cần giải thích về thật – giả, vác túi vải tiếp tục đi. Chúng ta cũng phải bình tĩnh để nhận diện được lời nói và hành động chuẩn mực của chính mình và người khác.
Thái độ bình tĩnh
Thái độ bình tĩnh, an nhiên tự tại của một người được thể hiện qua sáu căn, sáu trần trong chính bản thân người đó nên chúng ta cũng sẽ dễ dàng nhận ra nỗi khổ, niềm đau, hạnh phúc hoặc thảnh thơi trong chính người đó.
Chúng ta thấy các học thuyết này, học thuyết khác đề cập đến quan sát thái độ hoặc hành vi của một cá nhân. Lý thuyết cũng chỉ là lý thuyết nếu chúng ta vận dụng không đúng hoặc bị lệch lạc trong lý thuyết thì quả là một tai hại rất lớn cho sự nhận thức của chính ta. Kiểm soát các giác quan, các hành động của cơ thể trong thái độ bình tỉnh và tỉnh thức chỉ cần thông qua hơi thở vào – hơi thở ra mỗi khi chúng ta bị mất quan bình trong tâm thức và hành động. Khi nhớ thương, hờn giận, lo âu, buồn tủi, nghe lời cay nghiệt, nhìn hành động lỗ mãn,.. chúng ta hãy thở vào – thở ra; quan sát hơi thở vào – hơi thở ra để biết được tâm thức mình trong hiện tại và giữ được thái độ bình tĩnh.
Thái độ bình tĩnh, cách xử lý các tình huống bình tĩnh và hiểu biết sẽ làm cho chúng ta có một sự an nhiên tự tại, làm cho chúng ta yên tâm và yêu thương chính về những nhận định xác tín của mình. Một thái độ nóng nảy, một hành vi bực tức, căm hận và thù oán làm cho chúng ta mất khả năng suy xét, phán đoán sáng suốt; không nhận ra được sự thảnh thơi, an lạc và hiểu biết về sự việc đang xảy ra.
Ví dụ, một căn nhà đang cháy mà ta đang ở trong căn nhà. Chúng ta bình tĩnh để đập lửa, bình tĩnh để nhận định được ngọn lửa có quá lớn so với một bình chữa cháy nhỏ của mình không. Chúng ta bình tĩnh để cứu người, chuyển tài sản ra khỏi đám cháy đó. Hoặc khi nhận thấy không có khả năng chữa cháy, chúng ta bình tĩnh để thoát khỏi đám cháy mà không chen lấn, xô đẩy người khác, bình tĩnh hướng dẫn người khác cùng thoát ra đám cháy,.. Đó chính là thái độ bình tĩnh hiểu biết trong hành động.
Chúng ta cũng phải thực tập và tinh tấn để có tuệ giác về những gì chúng ta đã nghe và đang nghe. Khi không có tuệ giác, chúng ta chỉ nghe một chiều. Tinh tấn trong một chiều là tinh tấn của đoạn tuyệt, tinh tấn đến bờ vực. Dòng nước vẫn chảy, chúng ta bơi và nương theo dòng nước để sang bờ bên kia. Đừng cố nhắm thẳng vào bờ bên kia mà bơi quá sức sẽ thiệt hại đến thân thể và tinh thần. Một thái độ hiểu biết, lòng tin yêu vững chãi, tâm trí thảnh thơi và nhận diện được ta đang nói, đang làm là đúng đắn thì ắt hẳn sẽ có ánh sáng ở ngay hiện tại: ngay bây giờ và ở đây.
Hành động bình tĩnh, thái độ bình tĩnh và tâm hồn cao thượng chỉ có được khi chúng ta tinh tấn tuệ giác thông qua thiền định. Qua thiền định, chúng ta nhận ra đâu là điều cần nói, đâu là việc cần làm và đâu là thái độ bình tĩnh hay yên lặng. Một ông thày bói mù (bẩm sinh) sẽ không mường tượng được một con voi đúng như con voi đang hiện diện. Một tinh thần cố hữu, không chịu mở mang, không chịu nhận định về sự thật thì không hiểu được sự vi diệu, sự tinh tế, lòng từ bi, tâm hồn an lạc mà thiền định mang lại.
Thái độ bình tĩnh là một phần của ung dung trong thảnh thơi và an trú trong hiện tại. Thái độ bình tĩnh, kiểm soát được sự nóng nảy, kiểm soát được sự thấp hèn, vượt qua vô minh là chúng ta đang bình tĩnh ở cuộc sống. Chúng ta không như một con giun, con dế khi thấy thân mình hiển lộ ra thì chui rúc, lẩn trốn; không như một bầy ong khi có sự tấn công từ nhỏ từ bên ngoài thì hùa theo giận giữ; chúng ta cũng không như nắng mặt trời thiêu đốt trên sa mạc để các sinh vật khác tìm nơi trú ẩn, tránh nóng bức.
Với cách nói và cách làm việc trong bình tĩnh chúng ta sẽ giảm bớt diệt hại đến muôn loài; giảm bớt sự phiền phức trong tâm trí của người nghe, giảm bớt các mưu cầu không đáng có trong cuộc sống để chúng ta tiến tới sự hài hòa về cuộc sống, hài hòa trong lời nói và việc làm.
Hài hòa lợi ích
Hài hòa lợi ích trong cuộc sống là cách làm tinh vi và hoàn thiện nhất của con người. Chúng ta có xu hướng chế ngự cái này, khai thác cái khác, bảo vệ vùng này, khai thác cạn kiệt vùng khác, duy trì lập trường ở quốc gia này, phản bác lập trường ở quốc gia khác,.. cũng là do các lợi ích không hài hòa và chúng ta chưa thống nhất được cái gọi là lợi ích. Đã gọi là lợi ích thì có đối tượng là chủ thể sở hữu lợi ích, khi chủ thể của lợi ích bị thu hẹp lợi ích thì phát sinh các mâu thuẫn giữa các chủ thể lợi ích. Cũng như vậy với nội tâm chúng ta, hài hòa là một yếu tố để phát triển và sinh trưởng hạnh phúc. Hạnh phúc phát sinh khi có sự hài hòa trong cảm xúc và tâm thức. Cảm xúc chúng ta dễ chịu sẽ làm cho tâm dễ chịu, nhưng nếu tâm bất an thì cảm xúc thành ra khó chịu.
Việc hiểu sai về lợi ích đích thực cũng sẽ gây hại rất lớn cho sự phát triển nhân cách của một cá nhân trong các hành động thông qua lời nói và việc làm, làm ảnh hưởng đến tổ chức, đến doanh nghiệp và đến toàn bộ đạo đức của xã hội. Các tư tưởng sai trái về lợi ích được biểu hiện qua: lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, ăn bớt giờ công lao động, làm việc không nghiêm túc với nội quy – quy định, lấy cắp tài sản; không chia sẻ các giá trị vật chất, tinh thần và tiền bạc trong gia đình,.. đểu là các hành vi không tiến bộ và cần có sự chỉnh đốn trong tâm thức mỗi người.
Lợi ích trong lời nói và việc làm chỉ tiệm cận đến sự hài hòa khi chủ thể lợi ích và những người đóng góp cho lợi ích có những giá trị vật chất và tinh thần gần như nhau. Chúng ta đã và đang có các đoàn thể trong doanh nghiệp, một số hội đoàn độc lập, một số doanh nghiệp hạch toán độc lập với chính phủ. Trong doanh nghiệp chúng ta đã hài hòa lợi ích của ông chủ và nhân viên thông qua cổ phiếu, qua tiền lương, qua nội quy công ty,.. để bảo vệ lợi ích chung. Trong gia đình, chúng ta có luật hôn nhân gia đình bảo vệ lợi ích giữa các thành viên trong gia đình; giữa các quốc gia, chúng ta hài hòa lợi ích của quốc gia này với quốc gia khác thông qua các biểu thuế và các hiệp định thương mại.
Chúng ta tham gia cộng đồng này hoặc cộng đồng khác cũng nhằm mục đích hướng đến sự an bình, ấm no cho toàn xã hội. Lời nói, lời tuyên bố, các hiệp định, các thỏa thuận cũng nhằm mang lại sự hài hòa về lợi ích giữa các cộng đồng và giữa các quốc gia khác nhau. Mọi hành động và lời nói phục vụ cho lợi ích của một nhóm người mà gây ảnh hưởng đến lợi ích và sự phát triển chung của xã hội thì không được chấp nhận.
Nhìn nhận như vậy để đưa chúng ta đến suy nghĩ, lời nói và việc làm minh bạch. Chúng ta có trách nhiệm với chính lời nói và việc làm của chính mình. Chúng ta không thể đổ lỗi cho những người không có trách nhiệm ở hiện tại và trong quá khứ. Cũng như vậy, chúng ta càng không thể đổ trách nhiệm cho thế hệ kết tiếp. Trách nhiệm trong việc mang lại các lợi ích hài hòa được biểu hiện qua sự minh bạch và cầu tiến của những người có liên quan đến lời nói và công việc.
Chân thành và minh bạch
Đứng ở góc độ nào đó sự chân thành cũng tiệm cận đến sự minh bạch nên mọi sự chân thành được thể hiện cũng là làm sáng tỏ hơn cho minh bạch.
Trong gia đình, chúng ta thể hiện sự chân thành với với gia đình, chúng ta mang tình yêu thương chân thành nhất của mình đến với gia đình; chúng ta mang lại các giá trị vật chất và tinh thần tốt nhất đến cuộc sống hiện tại bằng mọi khả năng chúng ta có thể. Đó cũng là sự chân thành.
Một món quà nhỏ, làm một ly nước mát,.. dành cho người thân cũng là sự chân thành. Cũng như vậy với các giá trị tinh thần. Chân thành cũng có thể là: chúng ta thể hiện lời chào hỏi với người khác, một nụ cười thân thiện và hòa nhã; chúng ta thương yêu người một viện dưỡng lão, chúng ta thương yêu trẻ mồ côi và khuyết tật, chúng ta cống hiến các giá trị tinh thần như việc huy động tài lực, vật lực cho các trung tâm đó, chúng ta cống hiến các phương thức vận động, cách vận động để các trung tâm đó có nguồn kinh phí hoạt động.
Ở góc độ thấp hơn, giữa tình cảm của người phối ngẫu, chúng ta thiết lập được sự chân thành và minh bạch cho người phối ngẫu nhằm tạo ra niềm tin, tình yêu thương với họ. Chúng ta không thể giấu kín một công việc, một mối quan hệ, một bài nhạc mình thích, một bức tranh mình đã vẽ, một hàng xóm thân thiện,.. trừ phi người phối ngẫu không quan tâm và không cần nhìn nhận. Chúng ta làm những việc có tâm ý hướng đến chân thành và minh bạch thì chân thành và minh bạch đang hiện diện.
Chúng ta không chân thành với người khác, cũng có nghĩa là chúng ta đang dấu diếm người khác những việc không chân thành; chúng ta rơi vào một góc khuất tối tắm, nơi mà không ai có thể nhận ra được ở thời điểm hiện tại. Thật nguy hiểm! Chúng ta dấu diếm điều này, dấu điếm điều khác làm cho cái góc khuất đó mỗi ngày càng thêm lớn, mỗi ngày càng rộng ra và hậu quả là cái góc khuất ấy không còn bị khuyất nữa. Nó cũng sẽ sáng tỏ cho mỗi người. Thật nguy hiểm!
Sự chân thành trong lời nói và việc làm, minh bạch trong lời nói và việc làm phải hướng đến những vấn đề đúng đắn và các ý niệm đúng đắn theo các chuẩn mực chung của xã hội. Chân thành trong lời nói không phải là các từ ngữ thô thiển, vô học (không biết từ ngữ diễn giải) để mô tả một vấn đề, một sự kiện hoặc một ý niệm. Chân thành trong lời nói và việc làm phải làm cho đối tượng tiếp nhận hiểu đúng nó chính là chính nó. Lời nói vòng vo tam quốc, lời nói bóng gió khơi khơi là sự không chân thành và chúng ta cũng hiểu rằng ở lời nói đó đã không có sự chân thành. Chúng ta phải hiểu rõ và thực tập tin tấn các vấn đề mang tính tích cực, những vấn đề tiêu cực chỉ được quan sát mà không được chúng ta thực hiện. Các vấn đề tiêu cực, các góc khuyất của tâm hồn, chúng ta hãy bỏ nó qua một bên và quên nó đi, mặc dù nó đang hiện diện nhưng sự tồn tại của nó là vô nghĩa với chúng ta. Lời nói và việc làm không mang lại ích lợi cho mình và người khác; chúng ta bỏ nó qua một bên và không quan tâm đến nó. Chúng ta không cần nó, chúng ta quan sát nó, nó sẽ héo úa dần dần và biến mất khỏi mọi ý nghĩ tích cực của chúng ta đang có. Chúng ta quan sát trong hơi thở thiền chánh niệm để nhận diện.
Nguyễn Trường Giang
Trích trong Hạt giống nảy mầm - Tin yêu
Còn nữa...
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguyễn Trường Giang
Trích trong Hạt giống nảy mầm - Tin yêu
Còn nữa...
TIN, BÀI LIÊN QUAN: