Sách Phật giáo
Hạt giống nảy mầm - Tin yêu (P.7)
Thứ hai, 19/04/2016 09:37
Thực tập siêng năng và hiểu biết là chúng ta đang chuyên cần tiến tới theo chiều hướng tốt đẹp, lợi ích, sáng suốt và an vui; tiến mạnh, tiến mãi trên con đường từ bi, bác ái dưới giác ngộ.
8. GIÁ TRỊ TINH THẦN
Niềm tin
Trong cuộc sống hiện tại chúng ta đã giải thích được khá nhiều về những gì cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm chưa giải thích được bằng thực nghiệm. Chúng ta đã đo được “sóng hấp dẫn”, “lực hấp dẫn”, chúng ta đã tìm thấy hạt Higgs, chúng ta đã quan sát được sự hình thành và giải thích được các lỗ đen trong vũ trụ. Niềm tin của thế hệ đi trước, sự chứng minh xác đáng và hiện thực của chúng ta hiện nay làm cho chúng ta càng phải tin hơn, tinh tấn hơn sự hiểu biết của mình về thế giới.
Chúng ta có niềm tin vào chính mình. Chúng ta biết rằng mình ăn món đồ này là ngon, nghe bài nhạc này là thích, nhìn bông hoa này là đẹp, ở bên người này là mình thương, ở cộng đồng này được tự do, hạnh phúc,.. Niềm tin về giá trị vật chất, các cảm nhận và đánh giá vật chất chung của chúng ta so với cộng đồng tạo ra các cách nhìn nhận niềm tin vật chất như thế là đủ, là hoàn thiện và tốt đẹp. Vật chất không bao giờ làm chúng ta thỏa mãn. Lợi ích của chúng ta thường tham đắm và ngày càng có xu hướng chiếm hữu cho riêng mình. Ở một xã hội này chúng ta cảm nhận có vật chất là cái a, cái b, cái c là thích thú, sung sướng; nhưng ở xã hội khác, họ có cái a, cái b, cái c nhưng chưa chắc họ sung sướng và hạnh phúc.
Cũng như vậy với các giá trị tinh thần. Các giá trị về tinh thần và đạo đức chung của một xã hội luôn có nền tảng cơ bản mặc dù chúng ta có thể vượt xa các giá trị tinh thần đó trong thiền định. Giá trị của tinh thần và niềm tin là các nấc thang đi đến hạnh phúc thực sự. Chúng ta ẵm một em bé, can thiệp vào các tai nạn có thể xảy ra với một em bé, chúng ta đã có hạnh phúc thực sự, ngay tức thì. Chúng ta hỏi thăm, chào hỏi người khác nhận được sự tôn trọng, lòng biết ơn, chúng ta cảm thấy hạnh phúc ngay tức thì. Một lời cầu nguyện hay một cái bắt tay với người mà ta tin tưởng cũng làm cho chúng ta có ngay hạnh phúc tức thì.
Chúng ta sống và tin yêu vào cuộc sống đó là biểu hiện một giá trị tinh thần mà chúng ta nhận được. Sống không có niềm tin vào cuộc sống, không có niềm tin ở hiện tại và tương lai thì như một cái xác không hồn; linh hồn vất vưởng và cái xác cũng vất vưởng. Thật thương thay!
Niềm tin về tinh thần với mỗi người có các quan niệm về niềm tin khác nhau. Nếu chúng ta tin rằng thắp nén nhang, một ngọn nến, một lời cầu nguyện, một hành động đi lễ, đi chùa, viếng thăm đền đài, di tích,.. là điều mang lại ích lợi cho chúng ta và người khác, linh hồn khác, cuộc sống khác thì chúng ta nên làm. Chúng ta làm những việc đó thể hiện niềm tin của mình, không ai có thể ngăn cản và không ai được quyền ngăn cản. Khi niềm tin của chúng ta là từ bi, bác ái thì hiển nhiên các hành động do chúng ta làm, ý chúng ta muốn cũng là từ bi và bác ái.
Chúng ta làm việc, hành động phải thực sự phù hợp với các chuẩn mực đạo đức chung của cá nhân và của cộng đồng. Gắn thực tập thiền với bát chánh đạo, với duyên khởi và tứ diệu đế; tin tưởng vào sức khỏe, sự trung thực, bỏ ác làm lành. Niềm tin vào sự hủy diệt, chết chóc, tàn sát, hủy hoại, nghi kỵ, ganh đua, tranh giành, thù hận, chiếm hữu,.. là những niềm tin không tích cực. Ở đây chúng ta không đề cập đến các vấn đề chính trị hoặc nhắm vào bất kỳ tôn giáo nào. Điều này không mang lại ý nghĩa nhiều cho ý thức chung của toàn bộ cộng đồng. Chúng ta hướng tới những niềm tin tích cực nhằm mang lại các lợi ích chính đáng của mình và làm lợi cho lợi ích thiết thực của người khác. Đây là điều quan trọng và chúng ta phân biệt rõ ràng trong sự hiểu biết và luôn thực hành hiểu biết trong chính mình.
Siêng năng và hiểu biết
Thực tập các các giá trị tinh thần trong siêng năng và hiểu biết cần có cách nhìn nhận đúng đắn của cá nhân, gia đình và xã hội nơi chúng ta đang sống. Trong xã hội hiện tại có nhiều chuẩn mực về cá nhân, về gia đình và cộng đồng chung. Nếu chúng ta nhất nhất bảo vệ giá trị tinh thần của chúng ta mà gây hại hoặc phản bác một giá trị tinh thần khác, của người khác là hoàn toàn sai lầm và chắc chắn rằng ta thực tập giá trị tinh thần đó cũng không mang lại nhiều kết quả. Giá trị về tinh thần chúng ta thực tập chung là sự hiểu biết và tin tưởng vào những giá trị tinh thần của mình ở hiện tại và cũng đồng thời tôn trọng các giá trị tinh thần của người khác.
Thực tập siêng năng và hiểu biết là chúng ta đang chuyên cần tiến tới theo chiều hướng tốt đẹp, lợi ích, sáng suốt và an vui; tiến mạnh, tiến mãi trên con đường từ bi, bác ái dưới giác ngộ. Thực tập siêng năng và hiểu biết tạo cho chúng ta có sức mạnh cả quyết, quả cảm, dẹp tan mọi trở ngại khó khăn để tiến tới an lạc.
Một em bé, khi không tham gia vào các cộng đoàn hoặc các tôn giáo nào, các em được dẫn đi công viên chơi thú nhún, cầu trượt; ở nhà đánh ping pong, chơi đá banh, tham gia vào các trò chơi khác cùng với gia đình. Một em bé khác, cũng có thể tham gia các lớp giáo lý, các đoàn thể, học chơi đàn – nhạc, học ngoại ngữ ở một tổ chức hoặc lớp học khác. Sự siêng năng thực hành và học tập nhằm giúp các em phát triển về nhận thức ở hiện tại và sẽ tốt cho tương lai. Cũng như vậy với chúng ta, chúng ta siêng năng quan tâm và đào sâu suy nghĩ về các giá trị tinh thần tích cực mà chúng ta có hoặc muốn có.
Chúng ta thực tập các giá trị tích cực của tinh thần có thể là thắp nhang ông địa, ông thần tài mỗi buổi sáng ở nơi ta kinh doanh (tùy quan niệm); thắp ngọn nến thơm tại nơi thờ kính tôn nghiêm; hát bài hát hay cho các thành viên trong gia đình nghe hoặc ngồi dưới trăng thiền định chánh niệm,.. Các hành động giản đơn và siêng năng của chúng ta thực tập là sự hiểu biết và tin tưởng vào các hành động mang lại cho chúng ta sự bình an và tốt đẹp. Thực tập siêng năng về các giá trị tinh thần phải đảm bảo việc thực tập của ta không gây tổn hại hoặc ảnh hưởng đến người khác hoặc một cộng đồng khác. Chúng ta cũng chắc chắn rằng chúng ta thực sự an trú trong các giá trị tinh thần của chúng ta đang có và có sự hiểu biết để chúng ta có thể tiếp tục tinh tấn và thực tập các giá trị tinh thần đó. Thực tập các giá trị tinh thần siêng năng mà u mê, mù quáng, luẩn quẩn và ảnh hưởng quá nhiều đến người khác thì việc thực tập không có giá trị và không ý nghĩa.
Nguyễn Trường Giang
Trích trong Hạt giống nảy mầm - Tin yêu
Còn nữa...
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguyễn Trường Giang
Trích trong Hạt giống nảy mầm - Tin yêu
Còn nữa...
TIN, BÀI LIÊN QUAN: