Sách Phật giáo

Hạt giống nảy mầm thiền (phần cuối)

Thứ bảy, 21/03/2016 04:29

Thiền mang lại sự hiểu biết về chính Bạn và về sự vật – hiện tượng – ý niệm xung quanh. Bạn đang tự do chiêm nghiệm, quán chiếu lại mình, quán chiếu vũ trụ, quán chiếu sự kỳ ảo của tạo hóa... Quyền lực tự do thực sự trong chính Bạn.

Bài Thực tập Thiền 3:  Hơi thở vòng – Đa chiều (n chiều).

Hơi thở vòng (n chiều) là hơi thở vô cùng quan trọng để Bạn tiếp nhận được các ý niệm, các nguồn điện từ trường giữa “điểm bắt đầu” và “điểm kết thúc” nên Bạn phải thực tập thường xuyên để có được nguồn năng lượng thực sự trong chính cơ thể mình. Khi có nguồn năng lượng (điện từ trường) đó, Bạn dễ dàng khám phá mình và thế giới xung quanh.

Bạn thở vào (điểm bắt đầu của thở vào): thở vào từ mũi – đồng thời cảm nhận luồng khí đến từ ngay giữa hai chân mày hoặc cảm nhận luồng khí ngay trên đỉnh đầu, đến vòm miệng, đến cổ, đến phổi, đến bụng dưới, đến chân (điểm kết thúc của thở vào).

Bạn thở ra (điểm bắt đầu của thở ra) từ chân vượt thoát ra bên ngoài theo vòng cung đến ngay giữa hai chân mày hoặc ngay trên đỉnh đầu (điểm kết thúc của thở ra).

Hoặc Bạn thở vào (điểm bắt đầu của thở vào): từ chân, đến bụng dưới, đến phổi, đến cổ, đến vòm miệng, ra mũi – đồng thời cảm nhận luồng khí đến từ ngay giữa hai chân mày hoặc cảm nhận luồng khí vào ngay trên đỉnh đầu (điểm kết thúc của thở vào). Bạn thở ra (điểm bắt đầu của thở ra) từ mũi – đồng thời cảm nhận luồng khí phát ra từ hai chân mày hoặc đỉnh đầu vượt thoát ra bên ngoài theo vòng cung đến chân (điểm kết thúc của thở ra).

Vấn đề thực chất là Bạn nhận diện được dòng điện từ trường theo hơi thở ở ngay giây phút hiện tại khi hơi thở đi qua. Oxy qua phổi tạo ra các phản ứng sinh học, hóa học và vật lý. Hơi thở vào đến bao tử làm cho các phản ứng sinh hóa được khởi phát, sự khởi phát của các phản ứng này tạo ra các hiện tượng vật lý trong chính bao tử và toàn bộ cơ thể. Không mê tín – dị đoan, không thần bí, không ảo tưởng,.. Năng lượng (điện từ trường) được chuyển hóa từ hơi thở và theo hơi thở là hiện tượng vật lý bình thường.

Bước đầu trong bài thực tập này, Bạn để hơi thở vượt thoát ra bên ngoài theo vòng cung và không có vật cản nào phía trước, một vòng cung có giới hạn bởi một nửa hình tròn, hoặc không lớn hơn nửa hình tròn so với độ cao của cơ thể của Bạn. Dĩ nhiên, Bạn có thể ngồi, nằm, đứng hoặc đi để Thiền. Tùy theo cách Bạn chọn, nhưng nếu Bạn hiểu và nắm bắt được tất cả vẫn hay hơn là chọn một cách Thiền cố định và cứng nhắc.

Hơi thở vượt thoát vòng cung ra bên ngoài cũng có thể là hơi thở chánh niệm về phía trước, phía sau, bên phải, bên trái, hoặc lệch một góc x độ nào đó... Không nhất thiết hơi thở vòng cung ra bên ngoài phải là phía trước mặt. Việc này tựa như việc Bạn hít hơi thở bình thường như tại một cánh đồng lúa thơm ngát, tại nơi có rừng cây xanh mát, hoặc nơi con sông đang chảy tỏa ra mùi nước đặc trưng của con sông,.. cho dù Bạn xoay mình hít thở ra sao thì vẫn cảm nhận được mùi của cánh đồng, của rừng cây, của dòng sông,.. Việc khác hơn chút là hơi thở của Bạn là hơi thở chánh niệm, hơi thở có ý thức, theo sự điều khiển của ý thức. Hơi thở được duy trì đều đặn và đi theo ý của mình, từ trong cơ thể, vượt thoát ra ngoài không gian, từ ngoài không gian tiếp tục đi vào cơ thể.

Sau tất cả các hơi thở chánh niệm Bạn đã trải qua, hơi thở vòng n-chiều chính thức mang lại cho Bạn sự hòa quyện, hòa hợp, sự tương tức toàn thân và toàn tâm của Bạn với không gian bên ngoài. Bạn không bị kìm kẹp, gò bó trong chính các ý niệm về cơ thể cá nhân mình. Ý niệm của Bạn giao thoa với các ý niệm của người khác trong không gian, giao thoa với bản chất sự sống đang tồn tại.
 
Và từ giờ trở đi khi Bạn thức dậy mỗi buổi sáng, mở mắt ra hoặc nhắm mắt lại khi còn nằm trên giường, Bạn tiếp tục thực tập hơi thở vòng n-chiều trong vòng một đến hai phút. Một hoặc hai phút cực ngắn nhưng cũng đủ để Bạn chiêm nghiệm được sự tồn tại của chính mình đã góp thêm vào vẻ đẹp của tạo hóa, nhận ra được chính sự hiện diện của mình ngay bây giờ và ở đây là “phép màu”, sự “màu nhiệm”; dùng hơi thở n-chiều vòng ra với những người yêu thương, với ánh sáng bên ngoài ô cửa,.. Mỗi buổi tối, trước khi ngủ Bạn Thiền với hơi thở vòng n-chiều một hoặc hai phút hoặc nhiều hơn. Thiền với hơi thở vòng n-chiều theo ý niệm buông bỏ các sự việc đã qua, sự việc sẽ tới, chỉ quan tâm đến hơi thở. Bạn sẽ chìm vào giấc ngủ nhanh chóng. 

Cũng như việc cầm đũa (tại một số nước) của trẻ em lúc nhỏ. Lúc đầu, cũng có thể làm rớt đũa, cầm nắm khó khăn, gắp đồ ăn vụng về,.. Nhưng khi qua một vài lần, điều đó tốt hơn, một vài lần nữa, điều đó tốt hơn nữa. Thực tập nhiều và đúng phương pháp, Bạn cũng sẽ nhanh chóng có được những gì mà Bạn tưởng chừng như không bao giờ có được với mình, những điều tưởng như không phải của mình. Giờ đây, Bạn đã có được những điều Bạn muốn, biết cách thức điều khiển hơi thở, biết cách thức nhận định sự vật – hiện tượng hoặc một ý niệm sâu sắc hơn, buông bỏ được ưu tư,.. Người u mê, lầm lạc và vô minh thì khó mà có được; âu cũng do sự việc vô thường mà cho là thường là vậy.

Bạn tiếp tục thực tập hơi thở vòng n-chiều khi không có vật cản phía trước. Sự thực tập theo mạch bài viết giúp cho Bạn luôn vững tin ở phương pháp Thiền này, luôn nhận thấy sự gắn kết giữa các bài thực tập, sự gắn kết giữa chính Bạn với cách mà cuộc sống đang vận hành. 

Khi Bạn đã thực tập đến mức nhuần nhuyễn, Bạn chuyển qua thực tập hơi thở Thiền chánh niệm với mọi sự sống quanh mình. Sự sống quanh Bạn có nhiều điều hay, có nhiều sự tốt đẹp. Một bông hoa trong bình đang nở; một giỏ phong lan vẫn đang bám vào các cục than đen để ra nụ, nở hoa; một cành cây cắm xuống đất vẫn đang vươn mầm ra đứng dậy để sinh ra hoa, lá, quả, gốc dễ cho Bạn làm thuốc uống; đâu đó vài con chim nhà bên bị nhốt trong lồng vẫn đang hót véo von... Và nữa: bên Bạn hàng ngày vẫn còn những người thân ngày đêm làm việc, tu dưỡng, học tập, hòa với cộng đồng để cuộc sống tốt đẹp hơn mỗi ngày; mỗi buổi sáng, ánh mặt trời lại soi sáng cho Bạn, đưa Bạn thức dậy để cảm nhận cái đẹp của mỗi ngày; ngoài xa nơi Trạm vũ trụ Quốc Tế (ISS) hàng ngày vẫn có các phi hành gia miệt mài tìm kiếm, nghiên cứu, thí nghiệm; ngoài xa hơn nữa là các chùm sao vẫn ngày đêm tỏa sáng để Bạn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vũ trụ bao la rộng lớn.

Nhận thức về cái đẹp, cái tự do và thoải mái trong Thiền phải được tuy duy, điều hướng ra hướng tốt và tích cực. Một bông hoa đang tàn héo thì thật là không đẹp, nhưng nhìn với cái nhìn sâu sắc của Thiền thì bông hoa đó đang chuyển qua một sự tồn tại khác, sự kết trái bên dưới cánh hoa; bông hoa héo vẫn đẹp. 

Tự do, thoải mái của một người cũng tương tự. Tự do, thoải mái hướng mình vào với các chất gây nghiện như rượu bia nhiều, hút thuốc nhiều mỗi ngày, hướng vào ý nghĩ xấu, hành động xấu, làm nguy hại đến người khác,.. thì cái tự cho mình là tự do và thoải mái ấy là tiêu cực, không đẹp; bông hoa héo không đẹp.

Chú ý đến hơi thở khi thực tập, cũng tương tự như vậy: hướng về cái đẹp khi nhận thức.

Thiền với hơi thở vòng n-chiều có vật cản (là đối tượng của tâm ý, bao gồm sự vật – hiện tượng hoặc một tâm ý khác): Bạn thở vào (điểm bắt đầu của thở vào): thở vào từ mũi – đồng thời cảm nhận luồng khí đến từ ngay giữa hai chân mày hoặc cảm nhận luồng khí ngay trên đỉnh đầu, đến vòm miệng, đến cổ, đến phổi, đến bụng dưới, đến chân; từ chân vượt thoát ra bên ngoài đến thẳng đối tượng của tâm ý (điểm kết thúc của thở vào).

Bạn thở ra (điểm bắt đầu của thở ra) từ đối tượng của tâm ý, vượt thoát ra bên ngoài đến thẳng mũi – đồng thời cảm nhận trong ý niệm luồng khí đến từ ngay giữa hai chân mày hoặc cảm nhận luồng khí đến ngay trên đỉnh đầu (điểm kết thúc của thở ra).

Ví dụ, đối tượng của tâm ý của Bạn là trái Sầu riêng (hoặc Chanh, Bưởi, Đu đủ,..). Bạn muốn cảm nhận nó, giờ đây không phải Bạn đưa mũi đến ngửi cái là xong. Cách mà Bạn làm là: thở vào (điểm bắt đầu của thở vào): thở vào từ mũi – đồng thời cảm nhận luồng khí đến từ ngay giữa hai chân mày hoặc cảm nhận luồng khí ngay trên đỉnh đầu, đến vòm miệng, đến cổ, đến phổi, đến bụng dưới, đến chân; từ chân vượt thoát ra bên ngoài đến thẳng trái Sầu riêng (hoặc Chanh, Bưởi, Đu đủ,..) (điểm kết thúc của thở vào).

Bạn thở ra (điểm bắt đầu của thở ra) bắt đầu từ trái Sầu riêng (hoặc Chanh, Bưởi, Đu đủ,..) vượt thoát ra bên ngoài đến thẳng mũi – đồng thời cảm nhận trong ý niệm luồng khí đến từ ngay giữa hai chân mày hoặc cảm nhận luồng khí đến ngay trên đỉnh đầu (điểm kết thúc của thở ra).

Mới thực tập và cảm nhận thì thật buồn cười, mắc cười. Nghe nói chẳng hợp lý, nhưng với ngôn ngữ và cách diễn đạt, cách thực tập, cách cảm nhận, cách tiếp xúc,.. của Thiền thì điều đó thật bình thường. Cảm nhận một đối tượng của tâm ý không nhất thiết phải mắt nhìn, tay sờ, mũi ngửi, lưỡi nếm, tai nghe. Cảm nhận đối tượng như vậy thì không thể cảm nhận và hiểu biết hết tất cả được. 

Nhìn nhận vấn đề như vậy sao có được: Ludwig Van Beethoven với Bản Giao hưởng Số 8; Albert Einstein với Sóng hấp dẫn. Isaac Newton với Ba định luật về chuyển động và cũng có nhiều người suy nghĩ về Lý thuyết Big Bang... Chính vì vậy Thiền giúp Bạn nhìn nhận đúng hoặc tiệm cận đến chân tướng của đối tượng hơn.

Cái mùi hương của Sầu riêng (hoặc Chanh, Bưởi, Đu đủ,..) vẫn tồn tại trong không khí, sự tồn tại của người khác vẫn còn với hơi thở, một cái lá vẫn đang tỏa ra oxy,... Khi loại bỏ được không gian và thời gian thì đối tượng của tâm ý sẽ tiệm cận đến chính mình, mình và đối tượng của tâm ý hòa vào nhau ở chính giây phút hiện tại. Hơi thở n-chiều của yêu thương, của tình yêu, của từ bi, bác ái vượt thoát không gian - thời gian và nó chính là chìa khóa đa năng mở tất cả mọi cánh cổng một đối tượng tâm ý khác.

Thiền với hơi thở vòng n-chiều có vật cản tác động đến tâm ý của một người khác, một sự vật khác, một không gian khác. Bạn cũng có thể dùng hơi thở chánh niệm này để chữa lành các “vết thương” cho người khác, chữa lành các đau nhức, sự thao thức, sự suy tư,.. của con người với tinh thần yêu thương người đó (đối tượng của tâm ý) thực sự. 

Tình yêu thương, lòng tư bi và bác ái của Bạn có thể vượt qua mọi không gian và thời gian, vượt qua mọi định kiến, mọi ý niệm để đến được với người mà Bạn cần chữa lành (đối tượng của tâm ý). Việc chữa lành “vết thương” càng được nhanh qua, nhanh khỏi,.. nếu đối tượng tâm ý hiểu được Bạn muốn dành tình yêu thương, lòng từ bi, bác ái của Bạn cho họ. Khi hai “sóng tâm ý” của Bạn và của người khác cùng “tần số”, cùng “sóng yêu thương”, “sóng hấp dẫn” (xem ở trên) chỉ cho thấy “cánh cổng” là ở chỗ nào thì cuộc chia sẻ và chữa lành càng nhanh được thực hiện.

Cũng tương tự như vậy với chính sự đau nhức, các vết thương trong cơ thể của Bạn. Sự hấp dẫn từ nơi đau nhức dưới sự xoa bóp tác động của tâm ý sẽ làm giảm sự đau nhức.

Ví dụ: Khi bị đau bao tử (dạ dày) và Thiền với hơi thở vòng sẽ tương tự như thở vào: từ mũi – đồng thời cảm nhận luồng khí đến từ ngay giữa hai chân mày hoặc cảm nhận luồng khí ngay trên đỉnh đầu, đến vòm miệng, đến cổ, đến phổi, đến bao tử, cảm nhận, nhận biết cái đau hoặc không đau ngay thời điểm hiện tại của bao tử. Đưa tâm ý (hơi thở ý thức) quét từ thành bên trái sang thành bên phải và từ trên xuống dưới của bao tử. Tâm ý quét vào ngay chỗ đau nhức, hơi thở tiếp tục đến bụng dưới, đến chân (điểm kết thúc của thở vào). Thở ra (điểm bắt đầu của thở ra) từ chân vượt thoát ra bên ngoài theo vòng cung đến ngay giữa hai chân mày hoặc ngay trên đỉnh đầu (điểm kết thúc của thở ra). Các sự đau nhức khác khi được cảm nhận cũng quán chiếu tương tự như trên.

Hãy tập trung vào hơi thở và đi theo hơi thở, phần đau nhức vẫn đang đau và cũng đã được hơi thở nâng niu và cảm nhận, được hơi thở đi qua mát-xa từ phải qua trái, từ trên xuống dưới, được cảm nhận đang đau nhức hoặc không đau nhức. Tiếp tục theo dõi hơi thở, tâm ý sẽ không chú ý đến sự đau nhức đó nữa, chỉ đi theo hơi thở. Sự thật là đang đau, nhưng vì tập trung vào sự thật khác là hơi thở nên sự thật đang đau chỉ được nhận diện qua nhanh. Qua nhanh ở sự thật đang đau nhức, sự đau nhức giảm. 

Cũng tương tự như ví dụ Bạn viết bài viết (ở trên) mà quên ăn bữa ăn trưa vậy: đang thở hơi thở vào – ra tương đương với đang viết bài, sự đau nhức tương đương với bữa ăn trưa.

Sự thật vẫn luôn là sự thật, tập trung vào một  sự thật này thì các sự thật khác bị buông bỏ. Cái đau nhức bị buông bỏ nên không còn nhận ra cái đau nhức, mặc dù cái gọi là đau nhức vẫn tồn tại.

Trong một gia đình cũng phải thiết lập một môi trường truyền thông và hiểu biết giữa các thành viên. Sự đau nhức trong tâm hồn của một thành viên làm cho lây lan sự đau nhức đó trong chính gia đình, lây lan qua người khác ở dạng này hoặc dạng khác. Thiết lập, duy trì, yểm trợ và tưới tẩm vào hạt giống tốt của tình yêu thương, sự sẻ chia, quan tâm giúp đỡ là hơi thở chung tích cực sẽ làm giảm sự đau nhức của một cá nhân đó. Hơi thở chung đó có thể là cùng làm một bữa ăn ngon, cùng nhau chia sẻ công việc trong gia đình, cùng nhau sum họp trong các dịp lễ tết, cùng chơi một trò chơi tích cực, cùng dẫn con đi công viên, nhà sách,.. Những gì được gọi là đau nhức giờ đây được thở trong một hơi thở chung tích cực, sự đau nhức của một cá nhân sẽ giảm dần, giảm dần và đến khi không còn nhận thấy sự đau nhức đó. Một hạt giống tốt được tiếp tục nảy mầm, được tưới tẩm thường xuyên những giọt nước từ bi, thương yêu. Cũng như một cơ thể khi tập trung buông bỏ, chỉ quan tâm đến hơi thở, đau bao tử vì thế cũng giảm đau. Sự đau nhức trong trường hợp này được hiểu là sự đau nhức của thân và/hoặc tâm.

Trong một thể chế xã hội bất kỳ, hơi thở chung chính là Luật pháp của xã hội đó. Hơi thở chung được giữ vững và duy trì sẽ giảm đi các hành động, hành vi và các ý thức có hại cho xã hội, có hại cho cộng đồng. Cũng như vậy với một tập hợp các thể chế xã hội cũng phải có tiếng nói chung tích cực giữa các thể chế để hướng đến sự hài hòa lợi ích, sự từ bi, hướng thượng và lành mạnh trong mọi ý thức và mọi hành động. 

Hơi thở của mỗi cá nhân được kiểm soát tạo sự quân bình, an lành trong mỗi cá nhân. Hơi thở của gia đình được duy trì và kiểm soát tạo ra hài hòa, quân bình và an lành trong mỗi gia đình. Hơi thở, tiếng nói của cộng đồng được duy trì, được tôn trọng, được kiểm soát hướng thượng tạo ra hài hòa về lợi ích trong cộng đồng xã hội đó.

Khái niệm về hơi thở bây giờ được chính Bạn tự do quán chiếu theo chiều hướng tốt và hướng sự quán chiếu đó tốt lành hơn. Hơi thở giờ đây mang ý rộng, hơi thở chỉ là cách gọi, cách thức mô tả, cách thức diễn giải ý niệm về Thiền. Hơi thở chánh niệm khởi phát tuệ giác, đạt đến giác ngộ.

Khi thực tập Thiền thân và ý của Bạn phải luôn cùng có mặt: ngay phút giây hiện tại.

Lời kết

Hãy theo hơi thở. Hơi thở còn tồn tại chính là Bạn đang tồn tại. Theo hơi thở vào - hơi thở ra là Bạn đã tăng thêm sức khỏe của chính mình. Sức khỏe của Bạn ổn định, trí tuệ minh mẫn, thân thể và ý của Bạn đang hòa vào cái tự nhiên (sự thật) của vũ trụ. Bạn cảm nhận và nhận diện được không gian rộng lớn, cảnh sắc không gian thật tươi đẹp,... Thật tuyệt vời!

Cấp độ Bạn Thiền đạt đến đâu, khi nào đến,.. không quan trọng. Thực tập theo “Bài Thực tập Thiền 1” là Bạn đã có sức khỏe; tâm và thân đang ổn định. Không mong chờ; không đợi hơi thở này mới qua hơi thở kia. Đó chỉ là phương pháp diễn giải, cách diễn giải, cơ sở lý luận khoa học về Thiền Chánh Niệm. Thực tập theo “Bài Thực tập Thiền 1” là căn bản nhất, đơn giản nhất và dễ hiểu nhất.

Thiền mang lại sự hiểu biết về chính Bạn và về sự vật – hiện tượng – ý niệm xung quanh. Bạn đang tự do chiêm nghiệm, quán chiếu lại mình, quán chiếu vũ trụ, quán chiếu sự kỳ ảo của tạo hóa... Quyền lực tự do thực sự trong chính Bạn.

Bạn đang vượt thoát khỏi khổ đế và đang đi trên con đường rộng lớn của diệt đế. Qua được diệt đế càng nhiều là Bạn đang có hạnh phúc càng nhiều.

Bạn hãy thực tập và Bạn thấy những điều đó là sự thật. Nguồn năng lượng ấy đang lớn trong Bạn. Năng lượng của tự do, của quyền lực đích thực: nhanh và mạnh hơn cả tốc độ ánh sáng, hơn cả sóng vệ tinh, hơn cả hệ thống radar mặt đất, sô-na dưới biển trong quân sự, hơn cả sóng vô tuyến, sóng phát thanh hay sóng điện thoại... Hãy bắt đầu từ chính mình.

Thực tập Thiền thường xuyên giúp Bạn tiếp xúc được với vô sinh vô diệt, khi tiếp xúc, nhận diện được với vô sinh vô diệt, Bạn sống yên ổn, hạnh phúc từng giây từng phút. Thiền mang lại cho Bạn hạnh phúc lớn nhất.

“Mỗi chúng ta đều mang trong mình một tiềm năng ngang nhau, vì thế nếu Bạn thốt lên: “Tôi chẳng là gì cả!”, đấy là một điều hoàn toàn sai. Bạn có khả năng suy nghĩ ngang hàng với tất cả mọi người khác, có thua kém ai. Chỉ cần một chút nghị lực là Bạn có thể thực hiện được tất cả những gì Bạn muốn.”

Hãy phát khởi hạt giống tốt và Bạn hãy tự chăm sóc hạt giống của chính mình.
loading...