Hỏi - Đáp
Hãy là người giác ngộ, đừng là người đau khổ con nhé!
Thứ năm, 20/01/2024 02:06
Kính thưa Thầy, Thầy thường nói dù tình huống tốt hay xấu xảy ra cho mình thì điều quan trọng là từ tình huống đó mình có học ra được bài học gì về chính mình và bản chất cuộc sống hay không. Nhưng con nghĩ mãi vẫn không hiểu nổi bài học xảy ra cho con là gì?
Con đến với chồng con bằng một tấm lòng trong trắng, còn chồng con thì lừa dối con. Khi mọi chuyện vỡ lở, con đã vì thương chồng mà bỏ qua tất cả, vẫn yêu thương chiều chuộng anh ấy.
Nhưng trong khi con luôn nhẹ nhàng thì chồng con luôn gắt gỏng, trong khi con tận tình thì chồng con luôn hờ hững. Chồng con cứ nghĩ đem tiền về là đủ. Con rất buồn khổ, con luôn mong một cuộc sống vợ chồng trong đó vợ chồng là hai người bạn có thể chia sẻ tâm sự mọi điều. Nhưng ở đây chỉ có con chia sẻ với chồng mỗi khi anh ấy có chuyện gì buồn bực, còn nếu con kể chuyện của con thì anh phớt lờ hoặc la lối mà thôi.
Bây giờ thì con kết luận là tại anh không yêu thương con nên mới như vậy và con quyết định sẽ chỉ im lặng sống vì con cái. Anh và con cái rất yêu thương gắn bó nên con không muốn ly hôn vì sợ các con sẽ khổ. Nhưng nhiều lúc con cảm thấy cuộc đời mình đau buồn và bế tắc. Nhiều lúc con sợ con bị trầm cảm và con định uống thuốc (vì con là bác sĩ). Nhưng thầy ơi, thầy có thể chỉ cho con bài học này là gì không và con phải sống tiếp cuộc đời này như thế nào?
Trả lời:
Con ạ, bài học của con quá rõ ràng, chỉ tại con chưa đủ trầm tĩnh để nhận ra đó thôi!
Con đã bám vào bản vẽ mà tâm tưởng con phác họa nên về một mẫu đời sống hạnh phúc gia đình đầy lý tưởng đã dự phóng trong con, rằng: "Nếu như chồng là thế này, nếu mà con như thế kia, phải chi tình yêu và sự hòa hợp diễn ra như thế nọ..." một cách hợp tình hợp lý như trong ý tưởng của mình, thì cuộc đời sẽ hạnh phúc biết bao! Nhưng bài học thực tế xuất hiện trong vai người chồng không như ý của con để ngầm thức tỉnh con rằng: “Không phải thế đâu!
Hạnh phúc không lệ thuộc vào người khác, vào điều kiện hay hoàn cảnh bên ngoài, mà là đóa hoa vô ưu chỉ nảy nở trong tận cùng sâu thẳm của một tâm hồn có thể vượt qua muôn vàn phong ba bão tố.
“Cuồng phong bão tố ngất trời
Khúc vô thành vẫn ngàn đời vô thanh!”
Chính những chất liệu của bất như ý, của sự xung khắc mới là những gam màu biến hóa bất ngờ và vô tận, để rồi đột nhiên “xung khí dĩ vi hòa” toát ra trong bức tranh hiện thực muôn màu muôn vẻ của cuộc sống đầy khổ đau mà vô cùng mầu nhiệm này.
“Trăng khi tròn khi khuyết
Đời có khổ có vui
Thõng tay vào cuộc thế
Cớ chi phải ngậm ngùi?”
Kinh Cựu Ước cũng đã nói: “Ta đến không phải để đem lại hòa bình trên Trái Đất mà bèn là gươm giáo, ta đến để chia rẽ vợ với chồng, cha với con...”
Theo Phật giáo, Pháp - chân lý của đời sống - cũng thể hiện luật nhân quả nghiệp báo rất ư nghiệt ngã tưởng chừng như vô cùng tàn nhẫn. Nhưng nếu ai hiểu ra thì đó đích thực là lòng từ bi vô hạn. Dù đôi lúc có vẻ như khắc nghiệt vậy đó, nhưng lòng từ bi vô tận của Pháp chính là sự kiên nhẫn và tận tình không ngừng để sẵn sàng nhắc nhở những ai chưa thấy ra niềm hạnh phúc phong phú sẵn có trong chính mình, những ai còn tìm cầu hạnh phúc nơi người khác, nơi điều kiện và hoàn cảnh bên ngoài.
Hoàn cảnh bên ngoài cũng có giá trị của nó, khi con biết xem đó là bài học giúp mình thấy ra chính mình, thấy ra ý nghĩa đích thực của đời sống. Khi con đã nhận ra niềm hạnh phúc ngay nơi thái độ sống bên trong, thì con sẽ cám ơn tất cả những trở ngại trong đời, cám ơn người chồng gắt gỏng, la lối, hờ hững, phớt lờ... đã giúp con biết trở về gặp lại niềm hạnh phúc bên trong, một niềm hạnh phúc quá êm đềm lặng lẽ, dường như vô hình vô vị nên khó có thể nhận ra trong thế giới đầy những lôi cuốn bên ngoài. Nhưng khi ai chạm được vào niềm hạnh phúc tự tại an nhiên ấy thì mới thấy tất cả mọi hấp dẫn hào nhoáng bên ngoài đều trở thành vô nghĩa.
Và chính khi con chạm vào niềm hạnh phúc an bình sâu thẳm ấy thì tình yêu thương mới thật sự nảy nở trong con, một tình yêu thương rộng mở không còn ranh giới tôi và anh, của tôi và của anh, không cần có điều kiện cho đi và nhận lại trong mối quan hệ ngã-nhân, Ta-người mà chỉ còn sự tương giao ung dung vô ngại của vạn pháp trong trùng trùng duyên khởi tự nhiên. Lúc bấy giờ dù vẫn ở giữa cuộc đời có được có mất, có thành có bại, có hưng có suy, có vui có khổ, nhưng con vẫn an nhiên tự tại, bởi vì:
“Khi xúc chạm việc đời
Tâm không động không sầu
Tự tại và vô nhiễm
Là phúc lành cao thượng”
(Hạnh Phúc Kinh - Mangala Sutta)
Vậy bao lâu con nhận ra chân lý:
“Tự do là ung dung trong ràng buộc,
Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau”
Từ chén đắng cuộc đời thì con sẽ thấy ra toàn bộ bài học tuyệt vời mà chân lý đã ân cần trao tặng cho con.
Hãy là người giác ngộ, đừng là người đau khổ, con có biết không?