Lời Phật dạy

Hãy vượt lên chính mình, đoạn trừ dục niệm thế gian

Thứ bảy, 05/10/2023 03:15

Để vượt lên những toan tính đời thường, người xuất gia cần sáng suốt và can đảm để vượt lên chính mình. Sáng suốt vì thấy rõ tham ái là nguyên nhân của khổ. Can đảm vì thấy lợi mà buông, quyết không dính vào. Nếu có mong muốn (dục) thì hãy mong thành tựu đạo nghiệp giác ngộ.

"Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na thường tu tập với các Tỳ-kheo-ni. Nếu có vị nào trước mặt Mâu-lê-phá-quần-na mà nói xấu các Tỳ-kheo-ni, thầy liền sân hận, hằn học cho đến cãi vã. Hoặc có vị nào trước mặt Tỳ-kheo-ni nói xấu Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na, các Tỳ-kheo-ni nghe vậy liền sân hận hằn học cho đến cãi vã. Một số đông các Tỳ-kheo nghe như vậy liền đến chỗ Phật, thưa rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na thường tụ tập với các Tỳ-kheo-ni. Nếu có vị nào trước mặt Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na nói xấu các Tỳ-kheo-ni, thầy ấy nghe vậy liền sân hận, hằn học cho đến cãi vã. Hoặc có vị nào trước mặt các Tỳ-kheo-ni nói xấu Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na, các Tỳ-kheo-ni nghe vậy liền sân hận, hằn học cho đến cãi vã.

Đức Thế Tôn nghe rồi liền bảo một Tỳ-kheo:

- Hãy đến chỗ Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na mà nói rằng: ‘Đức Thế Tôn gọi thầy’.

Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na nghe vậy liền đến chỗ Phật đảnh lễ dưới chân ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn nói:

- Phá-quần-na, có thật ngươi thường tụ hội cùng các Tỳ-kheo-ni? Và có vị nào trước mặt ngươi nói xấu các Tỳ-kheo-ni, ngươi nghe vậy liền sân hận, hằn học cho đến cãi vã. Hoặc có vị nào trước mặt các Tỳ-kheo-ni nói xấu ngươi, các Tỳ-kheo-ni ấy liền sân hận hằn học cho đến cãi vã? Phá-quần-na, có thật vậy không?

Phá-quần-na thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn! Điều đó có thật.

Thế Tôn liền nói:

- Phá-quần-na, như vậy, ngươi chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo, phải học như thế này, nếu có dục, có niệm nào y cứ trên thế tục, hãy đoạn trừ. Nếu có dục, có niệm nào y trên vô dục, hãy tập, hãy tu, hãy phát triển rộng lớn. Phá-quần-na, ngươi nên học như vậy”.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Đại, kinh Mâu-lê-phá-quần-na, số 193 [trích, lược])

Diệt trừ tham ái, chứng đắc Niết bàn

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Lời bàn: 

Lời Phật dạy “Nếu có dục, có niệm nào y cứ trên thế tục, hãy đoạn trừ” đã mấy ngàn năm nay vẫn đang đồng vọng đến thế hệ chúng ta. Thời Thế Tôn còn tại thế, các Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni ở khá gần nhau (chỉ cách nhau một khoảng, nhỡ có chuyện gì cần hỗ trợ, gọi thì nghe được). Chư vị có thể cùng nghe pháp chung và hỗ trợ nhau trong khuôn khổ giới luật cho phép. Tình huynh đệ trong sáng thật đáng quý, nhưng khi đã có chấp thủ, mang màu sắc thế tục như đây là ân nhân của tôi, là người thân của tôi, là thầy bạn của tôi v.v… thì bị Thế Tôn quở trách nặng nề.

Cái tình huynh đệ khi chưa gột sạch phiền não rất cần tỉnh táo, không được chủ quan. Vì tâm từ (thương yêu rộng lớn) và tâm ái (thương yêu chấp thủ) tuy khác nhau nhưng cũng hay khiến cho người ta nhầm lẫn. Chuyện Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na với các Tỳ-kheo-ni rõ ràng là tâm ái chứ không phải tâm từ. Vì họ bảo vệ nhau đến quyết liệt, bất chấp đúng sai, nếu cần thì cãi nhau đến hằn học. Đây là biểu hiện phe nhóm của thế tục, không phải tình huynh đệ đúng nghĩa, cần phải chấm dứt, đoạn trừ.

Nhân việc này, Đức Phật đã chỉ ra, người xuất gia nếu có những toan tính, nghĩ suy (niệm), mong muốn (dục) có tính thế gian thì hãy chuyển hóa, diệt trừ. Ấy vậy mà ngày nay có không ít người xuất gia tự hào về sự khôn ngoan, lanh lợi của mình. Đâu biết sự khôn ấy chỉ là vặt vãnh, lanh lợi ấy là dư nghiệp của thế tục còn sót lại, chẳng ích gì cho con đường giác ngộ và giải thoát.

Để vượt lên những toan tính đời thường, người xuất gia cần sáng suốt và can đảm để vượt lên chính mình. Sáng suốt vì thấy rõ tham ái là nguyên nhân của khổ. Can đảm vì thấy lợi mà buông, quyết không dính vào. Nếu có mong muốn (dục) thì hãy mong thành tựu đạo nghiệp giác ngộ. Nếu có nghĩ suy (niệm) thì hãy tư duy về đạo lộ giải thoát. Tất cả những gì có liên hệ đến thế gian thì nhanh chóng xả ly. Xuất gia là nghịch lưu, đi ngược dòng đời, mới mong có ngày sáng được nguồn tâm. Còn nếu cứ duy trì sự hiệp thế, thuận lưu thì chỉ xuôi dòng sinh tử, không thể thành tựu giác ngộ, giải thoát.

loading...