Kiến thức
Hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo theo quan điểm Phật giáo
Thứ hai, 24/02/2021 11:38
Phật giáo Việt Nam đồng hành gắn bó cùng dân tộc, những vấn đề của Công tác từ thiện xã hội đã và đang làm cũng là những vấn đề căn bản trong giáo lý Phật giáo; những hoạt động từ thiện xã hội cũng là những Phật sự thường xuyên, là truyền thống được huân tập từ ngàn đời của Phật tử Việt Nam.
Hiến máu cứu người là một hành động cao cả, một nghĩa cử cao đẹp của mỗi người. Cứu người là một hành động thiêng liêng đáng quý hơn hết thảy mọi hành động. Trong Phật giáo, hành động cao cả này là một trong những hạnh Bố thí Ba-la-mật, mà tiêu biểu là bố thí nội tài.
Hiện nay, cùng với quá trình Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước, cường độ và tốc độ cuộc sống ngày càng khẩn trương. Dù khoa học Y học có những tiến bộ vĩ đại nhưng hằng ngày, hằng giờ, chúng ta vẫn luôn gặp phải những hoàn cảnh đau lòng, vì không có đủ máu hay những bộ phận của cơ thể người để kịp thời cung cấp cho những ca cấp cứu để giành lại sự sống cho bệnh nhân hay nạn nhân. Tại các trung tâm hiến máu có câu “Máu có thể chờ người bệnh, nhưng người bệnh không thể chờ máu”, thôi thúc lương tâm chúng ta hãy hành động. Cuộc sống thật hạnh phúc và ý nghĩa biết bao khi biết chắc chắn rằng đâu đó trên cuộc đời này, một phần cơ thể hay dòng máu của ta đang hòa chung vào sinh mệnh, vào nhịp thở của ai đó đã từng được ta cứu sống.
Ba mươi bảy pháp hành Bồ Tát đạo
Đạo Phật là đạo Từ bi và Trí huệ, nếu chỉ lo trau dồi kiến thức mà quên mất lòng Từ bi thì không những không đúng với tôn chỉ của đạo Phật, mà cái Trí huệ ấy cũng không trọn vẹn. Là người Con Phật chúng ta đều biết rằng, vì lòng Từ bi thương tưởng chúng sinh trong dòng khổ sinh, già, bệnh, chết, mà Thái tử Tất-đạt-đa xuất gia tu hành và giác ngộ thành Phật, động cơ xuất gia của Ngài là lòng Đại bi và thành tựu của Ngài là Trí huệ - Giải thoát.
Phật tử phát tâm tu theo Bồ Tát đạo cần phải thấm nhuần tư tưởng và hành trì tu tập Sáu Ba-la-mật, mà Từ bi chính là động cơ của hạnh Bố thí, là hạnh đứng đầu trong Sáu Ba-la-mật. Trong đời sống nhân gian, việc thực hành hạnh Bố thí nội tài khó hơn Bố thí Ngoại tài (như tiền bạc, đồ vật, thức ăn... để cứu người khác qua cơn nghèo đói). Chính Đức Phật và Chư Bồ-tát đã trải qua vô lượng kiếp thực hành hạnh bố thí Nội tài để làm gương cho hàng Phật tử còn nặng tâm tham ái.
Bố thí nội tài là tặng biếu thân mạng, lục phủ ngũ tạng và các chi phần cơ thể cho người khác như xông vào lửa cứu người sắp chết cháy, nhảy xuống nước cứu người sắp chết đuối. Hoặc tặng cho ai có nhu cầu những giọt máu đang chảy trong huyết quản của mình để cứu lấy những mạng sống đang bị đe dọa bởi thiếu máu. Nghĩa là người bố thí sẵn sàng chịu đau, chịu mất mát để cứu lấy cuộc đời của người khác.
Tăng Ni, Phật tử hào hứng tham gia “Hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo”
Trong Phật học phổ thông HT. Thích Thiện Hoa dạy: “Trong các chuyện tiền thân của đức Phật Thích Ca, chúng ta đã thấy nhiều gương thí nội tài, như câu chuyện Ngài lái buôn, trong khi đi biển bị thuyền chìm đã tự hy sinh thân mạng bằng cách buông tay khỏi cột buồm mà mình đang bám vào, để nhường chỗ cho những hành khách xấu số khác khỏi chết đuối”.
Như vậy, thí nội tài là một nghĩa cử hy sinh cao đẹp nhất mà chỉ những người giàu lòng từ bi, bác ái mới làm được. Nếu còn xem thân mạng mình là quý, là trọng hơn thân mạng kẻ khác thì chắc chắn không bao giờ thực hiện được hạnh bố thí này”.
Hiến máu không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí còn có một số tác dụng tích cực nhất định đối với cơ thể của người hiến máu. Lượng máu đã hiến sẽ được cơ thể nhanh chóng tái tạo phục vụ cho quá trình tuần hoàn. Hiến máu không mất nhiều thời gian và sức lực nhưng rất cần thiết cho xã hội.
Thật quý báu biết bao khi những bọc máu được truyền tới giành lại sự sống của những ai vừa mới suýt mất mạng trong gang tấc. Thật tuyệt vời biết bao khi biết một lượng máu của ta đã góp phần cứu sống một con người.
GHPGVN kêu gọi tổ chức phong trào: “Hiến máu cứu người – Hành Bồ tát đạo”
Hạnh phúc vì thấy ta đủ khoẻ mạnh để cứu giúp những người yếu hơn. Hạnh phúc khi nhìn thấy những giọt máu đỏ tươi đang chảy từ cơ thể ta vào cơ thể một người khác trong nay mai. Hạnh phúc khi biết chắc chắn rằng đâu đó trên cuộc đời này, dòng máu của ta đang hoà chung vào sự sống, vào nhịp thở của một vài người đã từng được ta cứu sống. Hạnh phúc khi được sẻ chia và hạnh phúc khi biết ta vừa làm một điều có ích cho xã hội, cho cuộc đời. Với những ý nghĩa đó, hiến máu nhân đạo còn hơn cả một nghĩa cử cao đẹp.
Với khoa học và đạo đức thế gian, hiến máu không những không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn là một nghĩa cử cao đẹp, cứu người là một hành động thiêng liêng đáng quý hơn mọi hành động. Với Phật tử, việc hiến máu và mô, tạng là đại thuận duyên để thể hiện lòng từ bi, hàm chứa cả ý nghĩa tự lợi và lợi tha, giúp Phật tử trưởng dưỡng Bồ-đề tâm trên lộ trình Giác ngộ - Giải thoát.
Với ý nghĩa đó, các vị Tăng Ni sinh hãy sách tấn làm gương làm mẫu trong việc thực hành hạnh Ba-la-mật tối thắng này, đồng thời xiển dương rộng rãi đến mọi Phật tử nơi bản tự, cũng như mọi lúc mọi nơi khi có điều kiện.