Kiến thức

Hiểu đạo và tu đạo

Thứ năm, 21/10/2022 11:08

Có hai anh em nhà nọ cùng xuất gia theo Phật. Họ tu một thời gian thì từ từ tách nhau ra, mỗi người rẽ sang một đường lối khác biệt nhau. Người anh thì rất tinh tấn hành đạo, còn người em thì hết sức cố gắng học hỏi để hiểu đạo.

Audio

Sau một vài năm, người thì chăm chỉ sớm tối, người thì chỉ lo nghiên cứu, cả hai đều có chỗ thành đạt. Người anh thì chứng quả A-la-hán, người em thì đã thâm nhập Ba tạng kinh điển của Phật pháp.

Phật pháp khó được nghe, thân người khó được, mà một khi được rồi thì có được bao năm? Chúng ta phải nắm bắt cơ hội, cố gắng tu hành.

Phật pháp khó được nghe, thân người khó được, mà một khi được rồi thì có được bao năm? Chúng ta phải nắm bắt cơ hội, cố gắng tu hành.

Tuy nhiên, người em thường cho là mình học rộng nghe nhiều, tự vỗ ngực khoe khoang tỏ ra thông minh, làm cho mọi người phải biết đến tên mình, cho rằng như thế mới là vinh dự. Khi người anh biết điều ấy rất lấy làm lo lắng cho em, cảm thấy sự thành công của em mình không có triển vọng tốt đẹp, nên có lần khuyên nhủ rằng:

– Thân người khó được, gặp Phật tại thế cũng rất khó. Chính đức Phật đã có nói, cơ hội mất thân người thì ví như mặt đất mênh mông, còn cơ hội được thân người thì ví như chút bùn dính trên móng tay. Bây giờ hiền đệ đã có thân người, nên lấy việc tu hành làm trọng, việc tìm hiểu để sau, hiền đệ phải hết sức thận trọng chọn lựa việc ưu tiên mà làm.

Người em nghe nói thế không thấy anh mình có lý nên bỏ ngoài tai, còn bác bỏ rằng:

– Điều huynh nói, đệ nghĩ không hẳn đã đúng. Đệ cảm thấy sự hiểu biết về Phật pháp của đệ tuy chỉ như giọt nước trong biển cả, và tuy chưa vào được cốt tủy của đạo, song đã đi thì phải đi cho trót. Đợi đệ tinh thông Tam tạng giáo nghĩa, đảm nhiệm chức vị “thầy của trời người”, sau đó tu hành cũng chẳng muộn.

– Nhưng đời người vốn vô thường ngắn ngủi, lỡ như hiền đệ chưa học xong Tam tạng giáo nghĩa đã bị vô thường cuốn mất thì sao? Cho nên chuyện tu hành là chuyện cấp bách nhất!

Nhưng người em vẫn chấp chặt vào ý kiến của mình, không chịu nghe lời khuyên của anh. Không lâu sau, người em mắc phải một cơn bệnh quái dị, không có thuốc nào cứu chữa chỉ còn chờ chết. Biết là không thể thoát chết, người em vô cùng khiếp sợ nói với người anh rằng:

– Lúc trước tiểu đệ ngu si đui mù, không chịu nghe lời khuyên bảo của hiền huynh. Bây giờ đứng trước cửa tử, tu hành không kịp nữa rồi!

Người em nói mà nước mắt ràn rụa, xin lỗi anh và không lâu sau trút hơi thở cuối cùng. Người anh niệm tình anh em, bèn nhập định quán sát xem người em thác sinh về chốn nào.

Khi thấy người em đã thác sinh vào nhà một ông trưởng giả, người anh bèn nghĩ đến chuyện cứu độ em. Nhà của người trưởng giả ở gần một ngôi chùa, người anh bèn về ở đấy tu hành để dò xét chờ đợi cơ hội.

Trong đời sống mới, người em vừa lên ba tuổi đã được người anh cho quy y và dạy niệm Phật. Đó là một đứa bé thông minh khôn ngoan, học đâu biết đó nên được mọi người yêu mến.

Khi nó được bốn tuổi, một hôm được bà nhũ mẫu bồng lên chùa trên núi thăm sư phụ. Chùa tọa lạc trên một ngọn núi cao, các bậc thang bằng đá thì khúc khuỷu gập ghềnh, bà nhũ mẫu bồng đứa bé trong lòng sơ ý vuột tay, đứa bé rơi xuống núi, máu đổ thịt rơi, thân hình tan tác, chết một cách thê thảm.

Ngay trong sát-na nó lìa đời, trong tâm sinh khởi niệm ác, oán hận bà nhũ mẫu ôm mình không cẩn thận khiến cho phải gặp tai nạn như thế này. Vì niệm sân hận trong tâm đó nên chết rồi là đọa ngay xuống địa ngục.

Khi người anh biết được chuyện này, thương xót đứa em bất hạnh đã đành, nhưng ông còn nhập định xem nó thác sinh vào chốn nào. Bỗng nhiên trong định, ông thấy em mình đã rơi xuống địa ngục, bất giác than dài:

– Trong địa ngục khổ sở đến chừng nào, khó độ đến chừng nào! Chư Phật và chư Bồ Tát còn không cứu được, ta làm sao cứu được hiền đệ đây!

Phật pháp khó được nghe, thân người khó được, mà một khi được rồi thì có được bao năm? Chúng ta phải nắm bắt cơ hội, cố gắng tu hành. Trong đạo Phật, hiểu đạo tuy là chuyện quan trọng nhưng thực hành đạo càng cấp bách hơn. Nếu đủ nhân duyên, tốt nhất là nên tu và học cùng một lúc, hành và giải phải được coi trọng ngang nhau. Bằng như chưa đủ nhân duyên, việc trước mắt phải lấy sự hành trì làm trọng, kẻo vô thường chóng vánh, hối không còn kịp!

Trích Truyện cổ Phật giáo -  Diệu Hạnh Giao Trinh

loading...