Kiến thức
Hiếu dưỡng cha mẹ tâm thành, phước báu vô lượng vinh danh với đời
Thứ năm, 22/08/2020 11:45
Vì đức Phật đã dạy: “Cha mẹ tại tiền như Phật tại thế”, “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Phật thì phước đức vô lượng. Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, đã tịch diệt cho đến hôm nay đã gần 2600 năm rồi, mà phước báu của Ngài vẫn còn nhân lên mãi.
Tháng 7 âm lịch có phải là tháng cô hồn?
Ta đến cuộc đời này với hai bàn tay trắng, khi ra đi cũng chỉ trắng hai tay, vậy tại sao không lo sống “Hiếu nghĩa và tu tạo phước đức” để bây giờ có ý nghĩa trong cuộc sống, cha mẹ rất hài lòng, hiện tại được an lạc, mà tương lai có của mang đi và được sinh về cõi thiện lành. Đấy là phước báu lớn nhất, cũng là “Báo ân, báo hiếu cha mẹ” một cách trọn vẹn và đúng nghĩa nhất.
Vì sao hiếu dưỡng cha mẹ là phước báu vô lượng?
Vì đức Phật đã dạy: “Cha mẹ tại tiền như Phật tại thế”, “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Phật thì phước đức vô lượng. Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, đã tịch diệt cho đến hôm nay đã gần 2600 năm rồi, mà phước báu của Ngài vẫn còn nhân lên mãi. Ai theo và thực hành theo lời dạy của Ngài, vẫn được giải thoát, an lạc và hưởng nhiều phước báu vô cùng, vô tận. Nên phụng dưỡng tốt cha mẹ khi còn sống, xem như phụng dưỡng hai vị Phật sống tại nhà, thì phước đức nào bằng.
Vì sao cha mẹ như vị Phật sống trong nhà?
Vì công ơn và tình thương của cha mẹ đã được loài người tưởng nhớ, ca ngợi, qua các ngày lễ “Mother’s day & Father’s day” và Á châu cũng như dân tộc ta tôn vinh qua lễ Vu Lan hàng năm. “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, gánh nặng cuộc đời, không ai khổ bằng cha”, công đức của cha, mẹ rộng lớn vô cùng, cho nên “Nước biển mênh mông, không đong đầy lòng mẹ. Mây trời lồng lộng, không phủ kín công cha”. Cha, mẹ nhất là người mẹ, trong kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân Phật cũng đã dạy rõ có 10 công đức lớn: 1. Chín tháng cưu mang khó nhọc. 2. Sợ hãi đau đớn khi sinh. 3. Nuôi con cam đành cực khổ. 4. Nuốt cay, mớm ngọt cho con. 5. Chịu ướt, nhường ráo con nằm. 6. Nhai cơm sú nước cho con. 7. Vui giặt đồ dơ cho con. 8. Thường nhớ khi con xa nhà. 9. Có thể tạo tội vì con. 10. Nhịn đói cho con được no.
Đặc biệt điều thứ chín (9) có dạy rằng: Làm thế nào miễn con sung sướng, dầu phải mang nghiệp chướng cũng cam, miễn sao có lợi thì làm, chẳng màng tội lỗi, bị giam, bị cầm… lòng của cha mẹ rộng lớn như biển thái bình, suốt cuộc đời hy sinh, tận tụy, lao khổ cũng vì con.
Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, Phật có dạy rõ về Tam phước, nhưng với thế gian này, thì PHƯỚC thứ nhất để HÀNH trước tiên phải là: “1. Hiếu dưỡng cha mẹ; 2. Phụng sự sư trưởng; 3. Từ tâm bất sát; 4. Tu thập thiện nghiệp."
Trong phước thứ nhất, "hiếu dưỡng cha mẹ" là điều kiện quan trọng đầu tiên, rồi mới đến ba điều khác. Như vậy phải hiếu dưỡng cha mẹ như thế nào để có được phước báu, cho đúng nghĩa và trọn đạo làm con?
Muốn hiếu dưỡng cha mẹ được trọn vẹn, phận làm con chúng ta phải biết và hiểu rõ được những điều này: “Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Núi thái sơn thì cao vời vợi không gì sánh bằng, còn nước trong nguồn thì bất tận, chảy mãi không ngưng, vì “cha là bóng mát giữa trời, mẹ là điểm tựa bên đời của con - cha mẹ nhận một đời bão tố, để cho con mãi mãi bình yên - ơn cha bóng núi âm thầm, nghĩa mẹ lặng lẽ nước sông đầu nguồn, một đời dãi nắng dầm sương, nuôi con khôn lớn tình thương dạt dào - mẹ yêu con bằng dòng sữa ngọt, cha yêu con bằng giọt mặn mồ hôi - cha là chân lý rạng ngời, mẹ là gương sáng trọn đời hy sinh. Con là lẽ sống niềm tin, là niềm hạnh phúc gia đình ấm êm - mẹ già dù trăm (100) tuổi, vẫn thương con tám mươi (80).” Khi lớn khôn cha mẹ lo dựng vợ, gả chồng cho con, cũng chưa xong, rồi phải lo trông cháu, dõi theo con, lo từng công việc làm ăn cho con…
Khi ta có con rồi, phải nhiều cực khổ, thức khuya dậy sớm lo cho con, chúng ta mới thấy rõ thêm: “Lên non mới biết non cao, có con mới biết công lao cha mẹ già”. Công ơn cha mẹ đã thấm nhuần vào truyền thống văn hóa dân tộc, đã bàn bạc khắp trong kho tàng văn học dân gian, qua các câu ca dao, tục ngữ hay văn thơ, tích, chuyện… vẫn còn rất nhiều, rất nhiều như: “Vì con sống… mẹ suốt đời lam lũ. Vì con vui… mẹ gánh hết buồn đau - Trong vũ trụ có lắm kì quan, nhưng kỳ quan tuyệt vời nhất vẫn là trái tim người mẹ - Hương thơm vạn đóa hoa hồng, Đâu bằng tình mẹ mặn nồng trong con - Hoa này tàn thì hoa khác nở. Mất mẹ rồi vạn thuở tìm đâu - Tảo tần sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn, Đưa tấm lưng gầy cha che chở đời con - Cha là bắt đầu cho nguồn gốc, lý tưởng và tương lai. Mẹ là bắt đầu cho sự sống, tình yêu và hạnh phúc...”
Vì thế “cha, ơn dưỡng dục trọn đời con ghi tạc, mẹ, nghĩa sinh thành trọn kiếp mãi không quên.” Để từ đó “tạ ơn mẹ, đã cho con trái tim nhân ái để tặng người, tạ ơn cha, đã cho con nhìn thấy núi rất cao và biển thật tuyệt vời”. Cho nên “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”, mà hãy quây quần bên cha mẹ, thực hiện theo “Bông hồng cài áo” để có nhiều lúc về ngồi bên, nhìn thẳng vào mắt, cầm tay cha mẹ mà hỏi: Cha mẹ có biết chăng? biết gì? biết là, biết là, con thương cha mẹ lắm không? Hạnh phúc vỡ òa! Cha mẹ con cái ôm chầm lấy nhau mà trọn hưởng niềm hạnh phúc dâng trào.
Khi cha mẹ còn sống, nên luôn ghi nhớ rằng, hai đấng sinh thành đã chịu cực khổ để nuôi dạy con quen rồi, phần vật chất không cần thiết lắm, nhưng khâu tinh thần là rất quan trọng, nên phận làm con phải biết và thực hành những điều thiết yếu như sau:
Sống ổn, tốt, mẹ cha không lo lắng Cha mẹ cần, có mặt, viếng, hỏi han Khi ở xa, thường liên lạc, luận bàn Xin ý kiến, yêu thương, hằng tôn kính
Cầu sức khỏe, song thân được miên vĩnh Khuyên mẹ cha, niệm Phật, dự khóa tu (để hiện tại an lành, tương lai về cõi Phật) Chăm lo đủ, những cần thiết yếu nhu Phải hiếu thảo, ngay từ khi còn nhỏ.
Cha mẹ già rồi, không cần cao lương mỹ vị cho tốn kém nữa đâu, mà muốn con cháu mình nên người, biết sống hiếu nghĩa, đạo đức, thương yêu, hòa thuận, đùm bọc lẫn nhau, để cùng tiến bộ và sáng thăm tối viếng, biết quan tâm đến nhau, nếu cha mẹ còn khỏe phải tạo điều kiện đi đây đi đó, đi chùa, làm việc từ thiện xã hội hay lo Tộc họ cho thoải mái tâm hồn…là cha mẹ đã vui và mãn nguyện lắm rồi, có thể sống THỌ thêm nhiều năm nữa cùng con cháu.
Đừng có cảnh “cha mẹ sống không cho ăn, đến khi (cha) mẹ chết làm văn tế ruồi”! hoặc khi “cha (mẹ) sống nhà cửa vắng tanh, đến khi hữu sự tranh giành, hơn thua”, hay cha (mẹ) phải nằm co ro một xó, (vì cho đã già rồi) con vui chơi chẳng ngó, chẳng màng, đến khi thần chết gọi sang, tổ chức đình đám, cả làng cùng say, mặc sức ăn nhậu linh đình, phô trương hình thức, chỉ tốn kém mà thôi! Người đời sẽ cười chê, biếm nhẽ lắm đấy! Lúc đó con cháu sẽ làm ăn không khá và chịu mang tiếng đời!
Khi cha mẹ quá vãng, có câu nói rằng: “Nhứt nhơn hành đạo cửu huyền thăng”, nên mỗi người chúng ta, muốn báo ân, báo hiếu cha mẹ, một cách cao đẹp rốt ráo, thì không gì hơn là phải lo tu hành cho miên mật, (tu hành ở đây, không nhất thiết phải vào chùa cạo đầu, tụng kinh, niệm Phật, mà phải biết sống đạo đức, vị tha, chính niệm, khiêm cung, trung thật, quy kính Tam bảo, giữ trọn mười giới, làm lợi ích, an vui cho đời, ai cũng thương kính, hoặc tạo công đức, phước báu cho nhiều). Vì chỉ có được như vậy, mới tỏ ngộ được đạo và có công đức, có nhiều phước báu, mới thấy, biết được tổ tiên, ông bà, cha mẹ đang ở cảnh giới nào, để mà có vốn liếng lo cứu độ hay hồi hướng công đức, phước báu về nơi ấy.
Đức Phật dạy về cách báo hiếu cha mẹ đúng pháp
Nếu tổ tiên, ông bà, cha mẹ ở cảnh giới lành, thì nhờ công đức, phước báu này mà thăng tiến, nếu ở cảnh giới ác, thì cũng nhờ công đức, phước báu này thoát được chốn u đồ vãng sinh về miền tịnh cảnh.
Nhân mùa Vu Lan thắng hội, “mùa xá tội vong nhân” mùa “Phật hoan hỷ” vì đến kỳ “Tăng Tự Tứ” với năng lượng phước đức được trau giồi, thu nạp sau ba tháng an cư kiết hạ, rất là dồi dào. Đây là mùa mà “Ruộng Phước” đã cày xới, vào nước, bón phân đầy đủ, rất phì nhiêu, chỉ cần chúng ta biết vận dụng gieo giống vào, chăm sóc tốt thì sẽ có được một mùa bội thu.
“Muốn tu trí tuệ, phải nương thuyền Bát Nhã, muốn tạo phước điền, phải thành lễ trai tăng”. Mùa Vu Lan là mùa Báo Hiếu, vậy mỗi chúng ta hãy mau tạo điều kiện, cùng nhau đưa cha mẹ về chùa “Tu tập và công quả phước điền” qua các thời khóa và các việc làm “tịnh tâm, cúng dường, bố thí” đem an vui, lợi ích đến cho mọi người, đấy là cách tạo “nhân giàu” và Báo Hiếu thiết thực nhất.
Tất cả đều vô thường, nhưng công ơn cha mẹ thì vẫn mãi hiện hữu với mỗi chúng ta, nên phải lo đáp đền. Ta đến cuộc đời này với hai bàn tay trắng, khi ra đi cũng chỉ trắng hai tay, vậy tại sao không lo sống “Hiếu nghĩa và tu tạo phước đức” để bây giờ có ý nghĩa trong cuộc sống, cha mẹ rất hài lòng, hiện tại được an lạc, mà tương lai có của mang đi và được sinh về cõi thiện lành. Đấy là phước báu lớn nhất, cũng là “Báo ân, báo hiếu cha mẹ” một cách trọn vẹn và đúng nghĩa nhất.
Cuộc đời này “nhân quả” rất phân minh, không bỏ sót một ai, nên:
“Nếu mình hiếu với mẹ cha
Thì con cũng hiếu với ta khác gì
Nếu mình ăn ở vô nghì
Đừng mong con hiếu làm gì uổng công”.
Chùa Pháp Hoa, Nam Úc Mùa Vu Lan, năm Đinh Dậu - 2017