Kiến thức
Hiệu lực hồi hướng
Chủ nhật, 16/12/2021 08:35
Người học Phật phải tinh tấn nổ lực làm thiện, tu thiện để bản thân có được một đời sống an lạc hạnh phúc và còn mang đến an lạc hạnh phúc cho người xung quanh để cùng hướng đến con đường giải thoát giác ngộ.
Trong kinh Tiểu Bộ II, Phẩm III, bài kinh số 2 Chuyện Ngạ Qủy Núi Sanuvasin, có kể chuyện vào thời quá khứ có một vị vương tử do phỉ báng một vị Độc giác Phật nên khi chết bị rơi vào địa ngục Vô Gián, sau thời gian ở địa ngục vị này tái sanh vào ngạ quỷ. Vào thời Phật ra đời vị này tái sanh vào cõi người, sinh vào trong một gia đình ở làng chài. Vì nhớ lại các kiếp trước, nhớ lại những nỗi đau khổ đã trải qua ở địa ngục và ngạ quỷ nên dù kiếp này sinh ra trong làng chài nhưng chàng thanh niên không đi đánh cá cùng những người khác, ngược lại thường quăng cá trở ra biển khi họ mang về. Những người quyến thuộc tức giận và đuổi anh ra khỏi làng. Chàng thanh niên do nhân duyên lành được gặp tôn giả A-nan và được Ngài độ cho xuất gia, về sau vị này do tu hành tinh tấn nên chứng được thánh quả A-la-hán. Những người quyến thuộc trong làng chài của tôn giả do ác nghiệp đã tạo ra nên khi chết tái sanh vào loài ngạ quỷ.
Một hôm trong khi tôn giả đi khất thực, một ngạ quỷ kiếp trước là em của tôn giả đến gặp, than khóc với tôn giả và kể về những nỗi khổ của mình như thân thể trần truồng, không có thức ăn, không có nước uống, không có nhà ở,…. Tôn giả do xót thương những thân quyến của mình nên trong những buồi họp tăng tôn giả cúng dường cho chúng tăng và hồi hướng công đức cho quyến thuộc. Khi tôn giả cúng thức ăn cho chúng tăng thì những quyến thuộc của tôn giả có được thức ăn. Khi tôn giả múc nước cúng thì quyến thuộc thoát cảnh khát nước. Khi tôn giả xây một tịnh thất cúng cho Tăng thì quyến thuộc có nhà cửa. Cuối cùng do việc hồi hướng của tôn giả mà quyến thuộc của Ngài được thoát khỏi khổ cảnh. Qua câu chuyện chúng ta rút ra cho mình nhiều bài học.
Hậu quả khi xúc phạm một vị thánh:
Trong câu chuyện này ban đầu vị vương tử ỷ vào thế lực của mình nên xem thường và xúc phạm người khác. Nếu như xúc phạm một người bình thường thì cũng là một việc làm tạo ra nhân xấu rồi. Thế nhưng trong câu chuyện người bị xúc phạm, phỉ báng là một vị Độc giác Phật, nên chàng vương tử này đã gây tạo một tội lỗi sâu nặng. Qua đây chúng ta rút được bài học đừng bao giờ khinh thường những người xung quanh mình, ngược lại phải biết kính trọng mọi người. Có thể hiện tại chúng ta là người có thế lực, có địa vị trong xã hội, sẽ có những người đến gặp mình và cầu xin sự giúp đỡ từ mình. Gặp những hoàn cảnh đó trong tâm chúng ta thường khởi lên ý muốn khinh người, thậm chí có khi vì muốn chứng tỏ ra sự quan trọng của mình mà còn mắng nhiếc, chửi mắng người khác.
Hoặc có những người hay có tính nóng giận, mỗi lần nóng giận là mình chửi mắng, đánh đập, xúc phạm những người thân của mình. Tất cả những việc xúc phạm người khác như trên dù bằng ý nghĩ, lời nói hay hành động đều đem đến những quả báo xấu cho bản thân mình. Khi còn nắm trong tay quyền lực địa vị thì người ta dù căm ghét mình nhưng họ còn e sợ nên không dám làm gì mình. Khi quyền lực không còn, địa vị cũng mất thì những người từng bị ta bắt nạt sẽ quay lại trả đũa. Vì thấy trước được tương lai như vậy nên người học Phật không được xem thường mà ngược lại phải biết tôn trọng và tán thán người khác. Thấy ai làm điều tốt, điều thiện thì mình ca ngợi, thấy ai gặp khó khăn thì mình tích cực giúp đỡ, thấy ai làm điều gì sai trái cũng đừng vội nên chỉ trích, mà nên khuyên bảo. đó mới là tinh thần của người học Phật.
Từ tối ra sáng:
Vị vương tử dù đọa vào địa ngục ngạ quỷ nhưng duyên lành chưa dứt nên được sinh vào loài người trong thời đức Phật Thích Ca ra đời. Được làm thân người và nhớ lại tiền kiếp những sự khốn khổ đã từng trải qua ở địa ngục, ngạ quỷ và vì không muốn phải trải qua những khổ cảnh đó một lần nào nữa nên người thanh niên quyết tâm trong kiếp này không làm những việc ác nữa mà ngược lại chỉ siêng năng làm điều thiện. Nhờ siêng năng làm điều thiện nên dù bị gia đình đuổi đi nhưng duyên lành trổ quả được gặp Phật pháp và được xuất gia tu hành chứng đắc thánh quả A-la-hán.
Trong kinh Tương Ưng, đức Phật dạy có 4 hạng người: hạng người từ tối ra sáng, hạng người từ sáng ra tối, hạng người từ tối ra tối, hạng người từ sáng ra sáng. Trong 4 hạng người trên đức Phật ca ngợi hạng người từ sáng ra sáng và từ tối ra sáng. Trong đó vị tôn giả là hạng người từ tối ra sáng. Sinh ra trong một gia đình, một cộng đồng làm nghề chài lưới, nhưng tôn giả không có ý thích sát hại chúng sinh ngược lại còn thực hiện việc phóng sinh, cứu mạng sống của loài vật. Nhờ vậy mà tích lũy phước đức nên đủ duyên tu hành đắc đạo.
Chúng ta phải học theo tấm gương của tôn giả, biết thay đổi cuộc đời mình từ xấu thành tốt, từ chỗ đau khổ về bến bờ an lạc. Đời trước do gieo nhân xấu nên kiếp này chúng ta rơi vào hoàn cảnh khó khăn, sinh ra trong một gia đình nghèo khó, làm việc gì cũng thất bại, bị mọi người ghét bỏ. Trước khi biết đến Phật pháp chúng ta đau khổ, than trời trách đất vì sao lại đặt tôi vào hoàn cảnh này. Nhưng khi hiểu Phật pháp rồi mình biết tất cả những gì ta phải nhận được trong đời này đều do nghiệp đã gây trong quá khứ nên từ đó không còn có tâm oán trách mà phải tìm cách thay đổi những nghiệp xấu của mình. Thay đổi bằng cách tích cực làm điều thiện giúp người. Có người nói “tôi đã nghèo khó, tiền bạc không có lấy phương tiện gì giúp người khác ?”. Nếu không có tiền của mình có thể bỏ công sức ra giúp người như vậy cũng là đã gieo những nghiệp lành để từng bước thay đổi cuộc đời mình từ xấu thành tốt.
Hoặc có người trước đây làm những việc như: hại mạng sống chúng sinh, trộm cắp tiền bạc của cải của người khác, nói dối, nói lời mắng nhiếc làm đau lòng người. Nay nhờ học Phật mà chúng ta quyết tâm không làm những việc xấu nữa, chỉ làm những việc lành: phóng sinh, giúp đỡ người khác, hay nói lời từ hòa làm đẹp lòng người. Đó cũng là chúng ta đang thực tập bước từ bóng tối ra ánh sáng.
Hiệu lực của hồi hướng:
Do thực hiện những ác nghiệp mà những quyến thuộc của vị tôn giả này phải đọa trong cảnh giới ngạ quỷ khổ đau. Nhưng nhờ tôn giả tích cực làm những điều thiện và hồi hướng công đức mà quyến thuộc được thoát khỏi khổ cảnh. Ngày nay chúng ta hay có phong tục đốt giấy tiền vàng mã. Chúng ta đốt những tờ giấy in hình tiền hay được gấp thành những mô hình nhà cửa, ô tô với mong muốn những thân bằng quyến thuộc đã qua đời của mình sẽ nhận được. Làm như vậy chúng ta nghĩ liệu họ có nhận được hay không? Chắc chắn là không nhận được. Chúng ta mong muốn thân nhân của mình được sinh vào những cõi lành vậy mà trên tờ tiền có đề chữ “Ngân hàng địa phủ” như vậy có hợp lý không. Chúng ta đốt vàng mã như vậy chẳng khác nào muốn quyến thuộc của mình phải đọa địa ngục. Việc đốt hay rải vàng mã đã không có lợi ích với người khuất mà còn gây tổn hại cho người sống, đốt vàng mã gây ra ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe, rải vàng mã ra đường lại làm dơ bẩn đường phố. Việc làm không có lợi ích mà còn gây hại thì công đức từ đâu sinh ra được. Đã không có công đức thì lấy gì hồi hướng cho người đã khuất.
Vậy nên muốn cho thân quyến đã qua đời của mình được sinh vào cõi an lạc hạnh phúc thì bản thân phải tích cực làm thiện và siêng năng học Phật pháp. Đó mới là công đức chân chánh để hồi hướng cho người đã khuất. Như trong kinh Địa Tạng Phật đã dạy như người mang đá nặng đi trong đường hiểm nhưng nhờ gặp người thiện tri thức có sức mạnh gánh đá giúp bớt cho, khiến cho người này được an lạc. Người đọa ác đạo cũng như vậy, chịu nhiều đau khổ nhưng nhờ người thân biết làm phước, tu thiện nên cũng giúp người mất giải thoát không còn khổ đau.
Qua bài kinh này chúng ta đã rút ra cho mình nhiều bài học quý báu. Người học Phật phải tinh tấn nổ lực làm thiện, tu thiện để bản thân có được một đời sống an lạc hạnh phúc và còn mang đến an lạc hạnh phúc cho người xung quanh để cùng hướng đến con đường giải thoát giác ngộ.