Kiến thức

Hiểu nghĩa của từ “thâm” trong Bát Nhã Tâm Kinh

Thứ bảy, 26/01/2024 08:30

Đọc Bát-nhã Tâm kinh, chắc ai cũng nhớ đến câu mở đầu: “Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa”. Trong đó chữ “thâm” được mọi người hiểu khác nhau. Vậy hiểu như thế nào mới đúng là điều mà chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài viết này.

Dường như đa số đều hiểu chữ “thâm” là một trạng từ bổ nghĩa cho động từ “hành” đứng trước nó: Hành thâm có nghĩa là thực hành một cách thâm sâu. Thực hành có nhiều cấp độ như thực hành cạn, thực hành trung bình và thực hành một cách thâm sâu.

Ở đây Bồ-tát Quán Tự Tại (một danh xưng khác của Bồ-tát Quán Thế Âm) đã thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa đạt đến mức thâm sâu. Do đạt đến mức thâm sâu nên mới có thể quán chiếu được năm uẩn đều Không (chứ thực hành cạn hay trung bình thì chưa thể thấy được rốt ráo ngũ uẩn giai không). Về mặt ý nghĩa, việc hiểu như vậy là hợp lý.

Tuy nhiên, nếu về mặt ngữ pháp thì ở đây lại có vấn đề. Bởi trong chữ Hán không có cấu trúc ngữ pháp kiểu trạng từ đứng sau động từ. Nếu muốn nói “thực hành một cách thâm sâu” thì không ai nói là “hành thâm” mà phải nói là “thâm hành”.

Như vậy, hoặc là câu kinh này sai ngữ pháp, nếu không thì nó phải mang một ý nghĩa khác. Và đó là nghĩa thứ hai mà một số người đã hiểu, tức chữ “thâm” làm tính từ bổ nghĩa cho danh từ “Bát-nhã ba-la-mật-đa”. “Thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa” có nghĩa là trí huệ thâm sâu, trí huệ sâu xa. Vậy trong hai nghĩa này thì nghĩa nào mới đúng?

Trí Bát nhã và lòng từ bi của người học Phật

00

Trước đây, đọc Bát-nhã Tâm kinh, chúng tôi cũng đặt nghi vấn chỗ này nhưng không thể khẳng định, mãi đến khi đọc kinh Đại Bát-nhã, có đoạn nói về ý nghĩa câu kinh đó nên mới hiểu rõ ràng, không còn hồ nghi nữa.

Kinh Đại Bát-nhã (phẩm Tín hủy, 41) nhiều lần đề cập đến chữ “thâm” trong sự liên hệ với Bát-nhã Tâm kinh. Phẩm kinh này khá dài, ở đây chỉ trích dẫn một số câu hay đoạn kinh có liên hệ đến vấn đề mà chúng ta đang bàn mà thôi, rồi phân tích để biết chúng mang nghĩa nào.

“Ngài Tu-bồ-đề thưa: ‘Bạch Đức Thế Tôn! Thật hành đạo bao lâu mà Bồ-tát này có thể thật hành thâm Bát-nhã ba-la-mật này?’”. Câu này giống như câu trong Bát-nhã Tâm kinh, tức “hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa”, nên ta chưa thể kết luận được gì.

“Đức Phật nói: ‘Này Tu-bồ-đề! Trong đây phải phân biệt để nói. Có đại Bồ-tát sơ phát tâm tập thật hành thâm sáu ba-la-mật”: Chữ “thâm” ở đây giữ chức năng tính từ bổ nghĩa cho thành ngữ “sáu ba-la-mật” đứng sau đó. Vì sao ta nói như vậy? Vì Bồ-tát “sơ phát tâm” và đang “tập thật hành” thì không thể thực hành một cách thâm sâu được. Như vậy ở đây thật hành chỉ là thật hành thôi chứ không nói là thật hành sâu, vừa hay cạn.

 “Lại này Tu-bồ-đề! Có đại Bồ-tát thấy chư Phật nhiều. Hoặc từ vô lượng trăm ngàn ức kiếp theo chư Phật thật hành sáu Ba-la-mật, vì không sức phương tiện, đều vì có sở đắc, nên lúc nghe giảng thuyết thâm Bát-nhã ba-la-mật, liền từ trong chúng hội bỏ đi, chẳng cung kính thâm Bát-nhã ba-la-mật và chư Phật. Chư đại Bồ-tát ấy hiện nay ngồi trong đại chúng này, nghe thâm Bát-nhã Ba-la-mật, vì không thích nên bèn bỏ đi. Tại sao vậy? Vì những người này đời trước lúc nghe nói thâm Bát-nhã ba-la-mật bèn bỏ đi nên đời nay nghe nói thâm Bát-nhã ba-la-mật nên cũng bỏ đi, thân tâm không hòa. Những người này gieo trồng giống nghiệp duyên ngu si. Do nghiệp duyên ngu si nên khi nghe giảng thâm Bát-nhã ba-la-mật bèn khinh chê… Nếu có người nghe nói thâm Bát-nhã ba-la-mật mà chẳng tin nổi rồi hủy báng rằng chẳng nên học pháp ấy. Đó là phi pháp, chẳng phải pháp lành, chẳng phải lời Phật dạy, chẳng phải Phật giáo”.

 Đoạn này có 7 chữ “thâm” và đều đứng sau chữ “nghe”. Nếu là nghe thì nghe một cách chăm chú chứ không thể nào nghe một cách sâu xa được nên chữ “thâm” ở đây không thể là trạng từ của động từ “nghe” mà phải là tính từ của cụm từ “Bát-nhã ba-la-mật” theo sau đó.

“Này Tu-bồ-đề! Người ngu si ấy ở trong Phật pháp xuất gia thọ giới rồi phá thâm Bát-nhã Ba-la-mật, chê bai chẳng tín thọ. Ngài Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Đức Thế Tôn! Có mấy nhơn duyên mà người ngu si này chê bai phá hoại thâm Bát-nhã ba-la-mật? Đức Phật nói: ‘Có bốn nhơn duyên. Một là bị ma sai sử. Hai là chẳng tin thâm pháp, chẳng tin, chẳng hiểu, tâm không thanh tịnh. Ba là gần gũi thầy bạn ác, tâm mê tối giải đãi, chấp chặt thân ngũ ấm. Bốn là nhiều sân giận, tự cao, khinh người’. Này Tu-bồ-đề! Do bốn nhơn duyên trên đây mà người ngu si muốn phá hoại thâm Bát-nhã ba-la-mật”.

Đoạn này có 3 chữ “thâm” đứng sau các động từ “phá”,  “phá hoại”. Trước nay chưa từng nghe ai nói phá hay phá hoại một cách sâu xa. Cho nên chữ “thâm” phải là tính từ của cụm từ “Bát-nhã ba-la-mật”.

Qua những đoạn kinh trên ta thấy rằng dù những động từ đứng trước chữ “thâm” có thay đổi khác nhau như làm, nói, biết, phá hoại, hiểu, nghe... nhưng chữ “thâm” và “Bát-nhã ba-la-mật” vẫn luôn đi chung với nhau, gắn liền với nhau không thay đổi. Điều đó chứng tỏ chữ “thâm” là một phần gắn liền với cụm từ “Bát-nhã ba-la-mật” chứ không phải là một phần của động từ trước nó. Như vậy, ta có thể tạm đi đến kết luận, “Thâm Bát-nhã ba-la-mật” là một cụm từ cố định.

Kinh Đại Bát-nhã và Bát-nhã Tâm kinh do ngài Cưu-ma-la-thập dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán và Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch từ chữ Hán sang chữ Việt. Với trình độ dịch thuật của cả hai ngài thì ắt hẳn không thể có chuyện sai ngữ pháp được. Tuy nhiên, khi chưa hiểu thì ta có quyền đặt nghi vấn để mà tìm hiểu.

Và qua những tìm hiểu trên đây, ta thấy một cách rõ ràng rằng chữ “thâm” không phải là một trạng từ bổ nghĩa cho động từ “hành” (trong Bát-nhã Tâm kinh) mà là một tính từ được dùng để bổ nghĩa cho cụm từ “Bát-nhã ba-la-mật” đứng đằng sau nó, để diễn tả sự thâm sâu của trí huệ Bát-nhã. Cách hiểu này vừa phù hợp về nội dung lại vừa đúng về ngữ pháp. Thâm Bát-nhã ba-la-mật nghĩa là trí huệ sâu xa vậy. 

loading...