Kiến thức
Hiểu về tục đế và chân đế
Chủ nhật, 28/10/2023 01:10
Ngoài đời con người đảo điên vì tục đế, vì ảo kiến nên đầy dẫy tham, sân, si. Chỉ bằng thực tập chánh niệm để thấy được chân đế mới đưa đến an vui và giải thoát.
Tục đế là những ý niệm, danh từ, tên gọi mà con người tạm đặt ra để dùng trong đời sống thế gian bình thường. Chân đế là thực tại hiện tiền, bản chất thiên nhiên của các pháp mà chỉ khi hành thiền ta mới nhận rõ được. Khi kinh nghiệm được chân đế qua hành thiền, hành giả sẽ phát triển trí tuệ rồi tiến tới giác ngộ, giải thoát và an vui mãi mãi.
Khổ, vui là hai mặt của thế gian mà con người không làm sao vượt ra được. Ta thường sống với tục đế nên luôn cảm thấy khổ nhiều vui ít. Muốn an vui thật ta phải thấy rõ sự thật, thấy rõ chân đế. Đức Phật đã nêu rõ sự thật về khổ và vui trong Tứ Diệu Đế. Chúng sanh không hiểu được nguyên nhân của khổ thì làm sao hiểu được, thấy được nguyên nhân của vui. Tất cả điều này đều là chân đế mà chỉ hành thiền mới kinh nghiệm được. Khi thực tập Thiền Minh Sát Niệm Xứ, ta bắt đầu làm quen với chánh niệm. Đó là trí nhớ trong lúc bây giờ. Ta thường nhớ rất giỏi về quá khứ hoặc tương lai, thường ảo tưởng xa xôi, mơ mộng viễn vông mà lại hay lơ là với những gì đang hiện hữu ngay trong thân tâm này.
Chân đế - Tục đế với hiện tượng luận và bản thể luận Phật giáo
Nhưng ngay cả khi có trí nhớ nơi đối tượng hiện tại, sự ghi nhận phải sâu sát, xuyên thấu như viên đá chìm xuống nước đụng đến đáy chứ không hời hợt như nút bần bềnh bồng trên mặt nước. Phải đi sâu vào đối tượng trong từng khoảnh khắc mới kinh nghiệm được chân đế. Nhờ vậy định tâm và tuệ giác mới phát triển được.
Phương pháp của khoa học là lấy vật để đo vật, được áp dụng nơi phòng thí nghiệm hay bệnh viện như dùng máy móc đo nhiệt độ, đo các chỉ số sức khỏe của bệnh nhân, hoặc dự báo thời tiết, thiên tai… Còn phương pháp của Đức Phật là lấy tâm đo thân, lấy tâm đo tâm, ghi nhận các trạng thái của danh sắc bằng chánh niệm. Chánh niệm là một dụng cụ hết sức hữu hiệu để thấy được chân đế. Điều này rất quan trọng vì nếu không thấy chân đế thì hành giả không thể phát triển được các tuệ minh sát. Vậy yếu tố quyết định vẫn là làm sao duy trì được chánh niệm liên tục để ghi nhận khắn khít các hiện tượng danh sắc đang sanh khởi qua sáu cửa giác quan. Chánh niệm sẽ dẫn dắt ta luôn đi trong chân đế để đạt đến mục tiêu giải thoát cuối cùng.
Lấy một ví dụ đơn giản về cái tay này. Danh từ “tay” chỉ là ý niệm tục đế. Khi hành thiền, trước khi giởtay lên, ghi nhận ý muốn giở tay như “muốn giở tay lên” rồi mới giở tay. Sự ghi nhận ý muốn làm cho ý niệm hoặc hình dáng cái tay biến mất, chỉ còn ý muốn và chuyển động giở lên. Khi theo dõi tiến trình giở tay, phải liên tục ghi nhận chuyển động giở tay, từ lúc bắt đầu đến khi chấm dứt. Tâm lúc bấy giờ không suy nghĩ, mà ở nơi sự chuyển động của tay từng giây phút một và bắt đầu kinh nghiệm cái nhẹ của tay đang giở lên. Rồi khi đặt tay xuống cũng ghi nhận từ đầu đến cuối tiến trình này, và kinh nghiệm được cái nặng của nó. Vậy nhẹ là chân đế, là bản chất thiên nhiên của gió hay lửa cũng như nặng là đặc tính thiên nhiên của đất hay nước. Nặng, nhẹ, cứng, mềm, nóng, lạnh là chân đế. Tâm có sự hay biết cũng là chân đế. Các tâm sở khác đi kèm như chánh niệm, chú tâm, tác ý… cũng là chân đế. Chỉ sống với chân đế, với bản chất thì đâu có gì phải bám víu, phải sân hận.
Ngoài đời con người đảo điên vì tục đế, vì ảo kiến nên đầy dẫy tham, sân, si. Chỉ bằng thực tập chánh niệm để thấy được chân đế mới đưa đến an vui và giải thoát.