Hỏi - Đáp
Hóa giải ác nghiệp của nghề nông?
Chủ nhật, 26/08/2022 11:55
Theo quy trình kỹ thuật và lợi ích kinh tế của trang trại gia cầm thì phải loại bỏ những cá thể không có khả năng sống khỏe trong tháng đầu tiên. Như vậy là sát sinh, tạo ác nghiệp phải không? Có cách hoá giải không hay phải từ bỏ để làm việc khác?
Hỏi:
Tôi chưa phải là Phật tử nhưng có tìm hiểu triết lý và niềm tin vào đạo Phật. Tôi nhận thấy để mưu sinh thì phải làm việc nhưng nghề nào cũng có mặt trái tạo nghiệp ác (vì không làm đúng với lương tâm, dùng nhiều mánh khoé để luồn lách, đối phó nhằm thủ lợi). Chính vì vậy tôi mới quyết định quay về làm nông, chuyên trồng trọt và chăn nuôi cho an lành hơn. Có vấn đề nảy sinh là, theo quy trình kỹ thuật và lợi ích kinh tế của trang trại gia cầm thì phải loại bỏ những cá thể không có khả năng sống khỏe trong tháng đầu tiên. Như vậy là sát sinh, tạo ác nghiệp phải không? Có cách hoá giải không hay phải từ bỏ để làm việc khác?
Đáp:
Nghề nào cũng tạo nghiệp, bạn làm nông thì ắt có nghiệp của nghề nông. Theo quan điểm của nhà Phật thì không phải bỏ nghề (những ngành nghề hợp pháp) mà cần tìm phương cách để hóa giải những nghiệp xấu của nghề. Bạn đã xác định mưu sinh bằng trồng trọt và chăn nuôi thì quan tâm đến chuyển hóa những nghiệp ác, mặt trái của nghề là cần thiết.
Nghề làm nông thì thuộc chánh mạng hay tà mạng?
Khi trồng trọt, cày cuốc đào xới đất đai sẽ làm tổn hại đến các loài côn trùng. Phải chấp nhận việc này vì không có cách nào khác. Để bảo vệ cây trồng, dù cố gắng không dùng các loại hóa chất diệt trừ sâu trùng phá hoại nhưng cũng phải dùng các chế phẩm sinh học để xua đuổi chúng. Cách làm này phù hợp với xu thế mới của nông nghiệp sạch, bớt sát sinh nhưng ít nhiều cũng gây tổn hại, bạn cũng phải chấp nhận điều này.
Thế nên, trước khi cày xới hay xua đuổi côn trùng, bạn tâm niệm rằng trong quá trình lao động, lỡ có làm tổn hại đến những chúng sinh thì các vị cũng nên tha thứ cho tôi, vì đây là điều chẳng đặng đừng. Nhờ khởi lên tâm niệm cầu mong tha thứ nên thay vì nghiệp ác tạo ra khá nặng sẽ nhẹ nhàng hơn. Kế đó, bạn tác ý đến kết quả tốt đẹp của quá trình lao động sẽ tạo ra lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Việc làm này là thiện lành, có lợi ích cho nhiều người, thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng của đất nước, nên có phước báo lớn. So sánh tương quan giữa nghiệp thiện và nghiệp ác trong trường hợp này thì nghiệp thiện nhiều hơn.
Khi chăn nuôi gia cầm cũng cần tìm cách hóa giải nghiệp xấu. Nếu chỉ chăn nuôi rồi xuất chuồng bán mà không giết thì không tạo nghiệp sát. Trong trường hợp, theo quy trình kỹ thuật và lợi ích kinh tế mà phải loại bỏ một số ít những cá thể bệnh yếu, việc làm này chắc chắn tạo ra nghiệp sát hại. Ngay đây có hai hướng chính được mở ra để bạn tư duy và lựa chọn.
Một là, phải chấp nhận nghiệp sát một số ít gia cầm của mình và gánh chịu nghiệp quả tương ứng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, có thể làm tổn hại một số vật nuôi mà ổn định được cuộc sống, giữ vững nhân cách không phạm pháp thì vẫn chấp nhận được. Bởi lẽ “bần cùng sinh đạo tặc”, khi đói kém và nghèo túng thì người ta có thể gây ra nhiều nghiệp ác hơn là sát hại một số chúng sinh. Thế nên, chấp nhận nghiệp ác nhỏ để tránh gây tạo những nghiệp ác lớn cũng là lựa chọn hợp lý trong hoàn cảnh này.
Hai là, chấp nhận lợi nhuận ít hơn để giảm thiểu đến nhỏ nhất việc loại bỏ một số vật nuôi không đạt chuẩn. Cân nhắc, cẩn trọng trong việc sàng lọc, thay vì loại bỏ bạn mở tâm rộng lượng hơn để cưu mang chúng (vì không có lợi nhuận). Lập luận này, thoạt nhìn thì không đúng với quy trình chăn nuôi đã vạch sẵn nhưng nhìn kỹ, việc loại bỏ ấy chỉ là một nhân duyên góp phần đưa đến thành công trong nghề chăn nuôi mà thôi. Để thành công bền vững cần hội đủ nhiều nhân duyên và phước đức khác nữa. Việc thắp lên chút ánh sáng của đức hiếu sinh, dù có bất lợi trước mắt nhưng phước đức ấy sẽ cho bạn lợi ích lâu dài.
Quan trọng hơn là, dù làm nghề gì cũng cần tạo thêm các nghiệp thiện khác để dung hòa với phần ác nghiệp của nghề mà bạn không thể tránh. Đức Phật đã dùng ảnh dụ nắm muối bỏ vào chén nước thì không uống được, cũng nắm muối ấy mà bỏ vào sông Hằng thì chẳng ảnh hưởng gì. Thế nên, người Phật tử hiểu đạo thì không ngại chút nghiệp ác (không thể tránh) của nghề, chỉ sợ là không tạo ra nhiều phước đức mà thôi. Có mười việc phước mà người Phật tử có thể tích lũy, tạo dựng mỗi ngày. Đó là: Bố thí, trì giới, tu tập, cung kính, phục vụ, hồi hướng, tùy hỷ, nghe pháp, thuyết pháp, chánh kiến. Nếu siêng năng vun bồi phước đức sung mãn như nước sông Hằng thì nắm muối nghiệp ác để mưu sinh kia sẽ được hóa giải.
Chúc bạn tinh tấn!