Chùa Việt
Hoa mặt trời rực rỡ ở ngôi chùa độc đáo tại Sóc Trăng
Thứ bảy, 16/02/2023 10:05
Những ngày xuân này, hàng ngàn du khách trong và ngoài tỉnh Sóc Trăng đã đến chùa Chén Kiểu (tên khác là chùa Sà Lôn) ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên để 'check-in' vườn hoa mặt trời đang rực rỡ khoe sắc dưới nắng xuân ấm áp.
Đại đức Kim Hoàng Hưng, sư trụ trì chùa Chén Kiểu, cho biết: “Vườn hoa mặt trời có diện tích khoảng 2.000m2 được nhà chùa gieo hạt trước Tết Nguyên đán Quý mão 2023 khoảng 1 tháng. Hoa bắt đầu nở hoa cách đây khoảng 2 tuần làm cho cảnh sắc rất đẹp. Bên cạnh hoa mặt trời, nhà chùa cũng dành đất để gieo thêm một số loại hoa khác như hoa cúc, vạn thọ… để tạo sức hấp dẫn với du khách khi đến vãn cảnh chùa.
Hiện nay, nhiều luống hoa đã tàn, nhà chùa đang cho làm đất để gieo hạt cho lứa hoa mới. Nay chỉ còn lại một vườn cúc khoảng trên 100 m2 và diện tích hoa mặt trời khoảng 2.000 m2. Mỗi ngày có hàng ngàn du khách đến chiêm ngưỡng, chụp hình làm kỷ niệm”.
Chị Nguyễn Kim Ngân, người đến từ Bạc Liêu vui vẻ nói: “Chúng tôi ở huyện Vĩnh Lợi của tỉnh Bạc Liêu, nghe nhiều người giới thiệu về vườn hoa hướng dương của chùa Chén Kiểu rất đẹp nên hôm nay chị em rủ nhau lên chiêm ngưỡng và chụp hình làm kỷ niệm. Đến đây mới cảm nhận được vẻ đẹp khó cưỡng của hàng ngàn bông hoa hướng dương đang khoe sắc dưới cái nắng rực rỡ đầu xuân này”.
Ông Nguyễn Kim Hưng, một người đàn ông ngoài 60 tuổi cho biết ông cùng gia đình đi vãn cảnh chùa ở Sóc Trăng và tìm đến chùa Chén Kiểu để tham quan vẻ đẹp kiến trúc của chùa cùng vườn hoa hướng dương đang nở rộ. Vị du khách này đã say sưa chup ảnh, quay lại những đoạn video vẻ đẹp của khu vườn làm kỷ niệm, giới thiệu cho mọi người cùng biết để đến tham quan.
Đại Đức Kim Hoàng Hưng giới thiệu: “Chùa Chén Kiểu được du khách trong và ngoài nước biết đến bởi đó là một trong số những ngôi chùa có phong cách kiến trúc “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. Nét đặc trưng của ngôi chùa này là ở những bức tường được ốp bởi những mảnh chén, dĩa sành sứ độc đáo.
Trước đây chùa có tên Khmer là Wath Sro Loun, để dễ phát âm nên từ Sro Loun được đọc trại thành Sà Lôn. Sro Loun có nguồn gốc từ chữ Chro Luong - là tên của 1 con rạch chạy dọc theo đường làng trước đây ở gần chùa, và tên gọi ấy đồng thời cũng được dùng để đặt tên chùa.
Trong thời gian chiến tranh, dưới sức tàn phá của bom đạn, ngôi chánh điện của chùa bị hư hại nặng. Đến năm 1969, chùa được xây dựng lại theo kiến trúc như ngày nay... Trong quá trình xây dựng, do thiếu vật liệu nên các vị sư đã nảy ra sáng kiến là quyên góp chén, dĩa từ bà con để ốp lên tường. Ý tưởng này vừa tiết kiệm kinh phí xây dựng, vừa tạo nên những họa tiết trang trí ấn tượng. Cũng từ đó, chùa còn được biết đến với tên gọi thứ hai: Chùa Chén Kiểu.
Cũng giống như những ngôi chùa Khmer khác, mái chánh điện Chùa Chén Kiểu được xây dựng theo dạng tam cấp, tức là có 3 nếp, nếp dưới cùng lớn nhất và nhỏ dần lên trên. Nếp trên cùng có hình tam giác, trung tâm có đỉnh nhọn cao vút lên. Mái được trang trí hoa văn với màu sắc rất đẹp.
Phía trong gian chánh điện, du khách sẽ thấy khoảng 20 tượng Phật lớn nhỏ với nhiều tư thế tọa thiền khác nhau. Xung quang tường là những tranh vẽ kể về cuộc đời của Đức Phật, từ khi người sinh ra cho đến khi đắc đạo.
Giữa sân Chùa Chén Kiểu là cột cờ với hình tượng rắn thần Nagar xòe 5 đầu khá sinh động, nhằm nhắc đến điển tích rắn xòe đầu ra để che mưa cho Đức Phật khi người tọa thiền. Rắn thần Nagar là mô típ trang trí quan trọng trong nghệ thuật điêu khắc của Phật giáo Khmer. Hơn nữa, người Khmer tin rằng tổ tiên của họ là mẹ rắn, nên hình tượng rắn thường xuất hiện trong chùa.
Phía sau chùa là khu vườn Phật Thích Ca giảng đạo và nhập Niết bàn. Đây là quần thể kiến trúc gồm nhiều tượng Phật lớn nhỏ, mô phỏng khá sinh động quá trình ra đời, đi tìm chân lý, giác ngộ cho đến khi nhập cõi Niết bàn của Đức Phật Thích Ca.
Một nét hấp dẫn du khách đến tham quan Chùa Chén Kiểu là nơi đây hiện còn lưu giữ một phần gia sản của Công tử Bạc Liêu. Trong số các gia sản đó, nhiều người rất ấn tượng về hai chiếc giường ngủ có mặt làm bằng đá cẩm thạch và gỗ giáng hương. Chất liệu hai giường đều bằng gỗ sưa, xung quanh khảm xà cừ với hoa văn tinh xảo.
Theo lời kể của người dân, hai chiếc giường này được Công tử Bạc Liêu thuê thợ tay nghề cao làm ở Trung Quốc rồi mang về Việt Nam. Hai chiếc giường này có giá trị cả chục tỉ đồng. Bên cạnh đó, chùa cũng lưu giữ được giường ngủ dành cho Sư Cả do Phật tử hỷ cúng năm 1934…