Kiến thức
Họa, phước trong đời người đến từ đâu?
Thứ bảy, 11/11/2020 09:24
Bởi vì phước hoạ khôn lường, trong cuộc sống, khi phước đến, chúng ta đừng nên tự mãn; cũng vậy, khi hoạ đến, chúng ta đừng nên thất vọng. Gặp hoạ, nếu biết tu dưỡng đạo đức, trí tuệ, giới luật và nỗ lực làm lành, hướng thiện thì có thể chuyển hoạ thành phước.
10 nghiệp lành mang lại phước đức
Ngược lại, nếu có phước mà mình cống cao, ngã mạn, thiếu trí tuệ, thiếu đạo đức, thiếu giới luật, buông lung, phóng túng, thì phước có thể biến thành hoạ.
Nguồn gốc của họa, phước
Vậy, hoạ từ đâu mà ra và phước từ đâu mà đến? Có người cho rằng thần thánh hoặc thượng đế có quyền năng ban phước, giáng hoạ cho con người, từ đó sinh ra việc khấn vái, cúng lễ, cầu xin các “đấng tối cao” vô hình này. Nhưng trên thực tế, phước hay hoạ đều là kết quả của những nghiệp nhân tốt hay xấu do chính bản thân con người tạo tác.
Người tốt nghiệp bác sĩ có phải do ông trời, ông thần, ông thánh nào đó ban cho hay không? Chắc chắn là không, bởi vì rõ ràng là họ phải siêng năng học tập, nỗ lực phấn đấu, cố gắng hết mình mới có thể trở thành bác sĩ.
Người nghiện rượu có phải do ông trời, ông thần, ông thánh nào đó trừng phạt hay không? Dĩ nhiên là không, mà nguyên nhân là do họ uống rượu lâu ngày thành quen, dần trở nên nghiện, không một ai xúi giục hay trừng phạt họ.
Người ăn cắp bị ở tù, có phải do ông trời, ông thần, ông thánh nào đó giáng hoạ hay không? Không phải. Chính họ ăn cắp, ăn trộm, tham lấy của người nên mới phải ở tù. Bị giam cầm trong vòng tù tội là hoạ do bản thân họ gây ra, tự làm tự chịu, không ai giáng hoạ cả.
Người mê cờ bạc có phải do ông trời, ông thần, ông thánh nào đó bắt họ mê hay không? Cũng không phải. Chính họ buông lung, tập nhiễm rồi thành ra say mê, không một đấng tối cao nào bắt họ phải mê trò cờ bạc đỏ đen này.
Như vậy, phước hay hoạ đều là do chính con người tạo ra. Con người là chủ nhân của hoạ phước, có thể chuyển hoạ thành phước, cũng có thể biến phước thành hoạ. Một người xấu xí, tàn tật, bệnh hoạn bẩm sinh là hoạ, nhưng nếu người đó có trí tuệ, có đạo đức, có kỷ luật, nỗ lực tu dưỡng, phấn đấu không ngừng thì có thể chuyển hoạ thành phước. Còn một người khoẻ mạnh, thông minh, xinh đẹp là phước, nhưng nếu người đó thiếu trí tuệ, thiếu đạo đức, thiếu kỷ luật, thiếu tàm quý, buông lung, phóng túng, thì chắc chắn phước sẽ biến thành hoạ.
Những nguyên nhân giàu và nghèo trong cuộc sống
Họa và phước đều do nghiệp
Có một câu chuyện như sau: Em Trần Mạnh Chánh Quân, nhà ở Bà Rịa - Vũng Tàu, thường được gọi là “chim cánh cụt” vì bị chứng bại não và liệt toàn thân ngay từ khi mới chào đời. Nguyên nhân là do mẹ em mang thai mới bảy tháng thì bị tai nạn nên em phải sinh non. Lớn lên, khi đến tuổi đi học, em đã nỗ lực tập vật lý trị liệu; và cuối cùng, em có thể ngồi và khẽ động đậy được tay chân. Em có một người bác là giáo viên. Thấy em ham học nên bác đưa em đến trường. Nhưng, em không viết chữ được vì tay phải bị xụi, còn tay trái chỉ ngo ngoe chút ít, không thể cử động bình thường. Hai chân em cũng bị liệt nên không thể kẹp bút để viết như một số người tàn tật khác.
Thương con, cha mua cho em cái máy đánh chữ để tự đánh và tự học. Nhưng em cũng không có khả năng gõ chữ. Thấy vậy, cha mua cho em một cái máy tính, vì bàn phím máy tính gõ nhẹ hơn. Không thể cử động tay, em đã cố gắng dùng chân để gõ chữ. Thế mà, nhờ nỗ lực, trong năm năm tiểu học, em luôn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.
Đến năm lớp 6, cha lại mua cho em một chiếc laptop để đi học. Thường thì ở nhà em dùng chân để gõ. Một hôm, em nói: “Vào lớp mà lấy chân để lên bàn coi kì quá”. Thế nên, em cố gắng tập gõ bằng tay. Vì chỉ khẽ cử động được tay trái, em bảo mẹ trói chặt chân và tay phải của mình, chừa mỗi tay trái lại. Em tập trung hết sức lực vào tay trái để có thể điều khiển được bàn tay này. Sau một thời gian dài kiên nhẫn và nỗ lực tập như vậy, em đã thành công. Cuối cùng, điều kỳ diệu đã đến, bằng một bàn tay chỉ có ba ngón, em đạt được giải 3 tin học cấp tỉnh vào năm lớp 9.
Khi lên cấp III, em là học sinh giỏi toàn tỉnh năm học 2008 - 2009. Đến năm 2010, có một chương trình thi học sinh giỏi tin học cấp quốc gia. Nhà trường định cử em tham dự kì thi này, nhưng nhiều thầy cô e ngại rằng em không đủ sức khoẻ để tham dự. Được tin đó, em quyết tâm đi đến núi Tao Phùng ở Bãi Sau, Vũng Tàu, cố gắng leo từng bậc từ chân núi lên tới đỉnh. Ở những bậc đầu tiên, em bước lên và bị té. Em cố gắng đứng dậy và tiếp tục cuộc hành trình gian khổ của mình. Cứ leo từng bậc một như vậy với quyết tâm và nghị lực phi thường, trong hai giờ, em đã vượt qua 1.000 bậc thang để lên tới đỉnh núi. Sau khi lên tới đỉnh, toàn thân em trầy xước khắp nơi. Em điện thoại về cho thầy hiệu trưởng, báo cáo với thầy là em đã đủ sức khoẻ leo 1.000 bậc thang lên đỉnh núi Tao Phùng. Sau đó, nhà trường quyết định cho em đi dự thi học sinh giỏi toàn quốc và em đã đạt được giải khuyến khích môn tin học. Khi tin này được đăng trên báo Tuổi trẻ, Trường Đại học Utica ở Mỹ đã cấp học bổng bán phần và bảo lãnh cho em qua Mỹ du học. Khoa y của trường hứa sẽ giúp em tập vật lý trị liệu để chữa trị căn bệnh liệt bẩm sinh.
Một Phật tử cải táng mộ ông bà để hiến đất cúng chùa
Như vậy, sự kiên cường cùng sức mạnh phấn đấu không mệt mỏi đã giúp cho một thiếu niên vốn bị bại não và liệt bẩm sinh tìm được thành công vẻ vang và đạt được hạnh phúc đích thực trong cuộc đời mình. Nhờ có trí tuệ, nỗ lực học tập, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, cuối cùng em đã chuyển hoạ thành phước.
Tương phản với trường hợp Trần Mạnh Chánh Quân là câu chuyện về một nữ sinh viên quê ở Cao Bằng, người đã gây ra vụ trọng án chấn động dư luận cả nước đầu năm 2009. Vũ Thị Kim Anh sinh ra trong một gia đình gia giáo, cha mẹ cô được hàng xóm láng giềng rất tôn trọng. Mẹ Kim Anh là giáo viên của trường cấp 3 thị xã Cao Bằng, ngoài ra còn có một cửa hàng kinh doanh văn phòng phẩm. Cha cô là một kỹ sư, công tác trong ngành giao thông vận tải. Cha mẹ Kim Anh rất quan tâm giáo dục con cái. Từ nhỏ đến lớn, cô được tiếng là ngoan ngoãn, nghe lời, không ham chơi, đua đòi, không làm việc gì xấu. Khi Kim Anh có bạn trai ở cùng thị xã, cha mẹ đã ngăn cấm để cô tập trung vào việc học, cô cũng nghe theo và chia tay với người bạn trai đó. Kim Anh học rất giỏi, từng đoạt giải nhất tin học không chuyên cấp tỉnh và giải nhì môn hoá cấp tỉnh vào năm học lớp 12. Cô đạt 26 điểm trong khi kỳ thi đại học và đăng ký vào khoa Hoá, Đại học Sư phạm I, Hà Nội. Là con út, cô được bố mẹ khá chiều chuộng, mua xe và nhà ở Hà Nội cho sau khi cô đậu đại học.
Khoảng tháng 05/2006, cô quen biết và có quan hệ tình cảm với ông Nguyễn Tiến Chính, một người đã có vợ và đáng tuổi cha cô. Ông Chính là một đại gia giàu có nhưng sở hữu các mối quan hệ được xem là rất phức tạp. Đến cuối năm 2006, cô đã chủ động cắt đứt quan hệ với Chính và thay đổi số điện thoại để không bị người đàn ông này quấy rầy. Việc Kim Anh có quan hệ tình cảm với Chính cả nhà cô không ai hay biết. Chắc chắn là cô đã giấu gia đình. Kim Anh là một cô gái xinh đẹp với gương mặt bầu bĩnh dễ thương, từng đoạt giải nhì trong cuộc thi Nữ sinh thanh lịch của khoa Hoá. Chính vì thế, cô được nhiều đàn ông vây quanh. Sau khi chia tay với Chính, cô có người yêu mới làm trong ngành công an.
Theo lời khai của Kim Anh, tối 13/02/2009, Chính chủ động rủ Kim Anh đi chơi. Vì bị doạ sẽ kể lại mối quan hệ giữa hai người cho người yêu mới của mình biết, nên Kim Anh đành miễn cưỡng đi cùng ông ta. Dừng chiếc Lexus ở đầu ngõ 279, Đội Cấn, Hà Nội, lấy cớ đợi một người bạn nữa đi cùng cho vui, Chính giở trò sàm sỡ. Trong lúc chống cự, Kim Anh đã dùng con dao gọt hoa quả để sẵn trong xe cứa vào cổ Chính, làm đứt động mạch, chảy nhiều máu và chết trước khi xe cấp cứu đến. Sau khi gây án, Kim Anh nhảy ra khỏi xe và bắt taxi trốn khỏi hiện trường.
Phiên toà xét xử vụ án Vũ Thị Kim Anh diễn ra vào ngày 30/12/2009, cô bị tuyên án 14 năm tù vì hành vi giết người dã man của mình. Với tài liệu điều tra và diễn biến tại toà, cơ quan xét xử nhận định: “Việc Kim Anh bị sàm sỡ trên xe là hoàn toàn có thật, nhưng mức độ đến đâu thì không thể xác định được. Bị cáo có thể phản ứng bằng cách khác là mở cửa xe chạy xuống nhưng đã không xử sự như vậy mà lại dùng dao cứa cổ ông Chính. Hành vi này đã thể hiện thái độ côn đồ”. Bản án cũng nêu: “Hành vi của bị cáo rất nguy hiểm, gây ra nỗi đau cho người thân và gây mất trật tự trị an xã hội. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận học sinh, sinh viên là những người có học thức nhưng không rèn luyện đạo đức và sống buông thả. Do vậy, cần phải xử lý nghiêm khắc để răn đe chung.”
Kim Anh là người có phước bởi cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình gia giáo, được nuôi dưỡng đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần. Không những thế, cô còn là người xinh đẹp, tài giỏi, được ăn học đến nơi đến chốn và có một tương lai tươi sáng đang chờ đợi mình phía trước. Vậy mà, vì buông lung, phóng túng, quan hệ tình cảm bừa bãi và hành xử thiếu trí tuệ, cô đã biến phước thành hoạ, tự tay huỷ hoại cuộc đời vốn rất tốt đẹp của mình.
Qua những dẫn chứng trên, chúng ta thấy rất rõ, hoạ phước đều do mình, không phải do ông thần, ông thánh nào sắp xếp, an bài. Thế nên, người học Phật chúng ta phải thấu hiểu được điều này: Khi phước hay hoạ đến, chúng ta biết rằng đó là quả báo dành cho những lời nói, ý nghĩ, việc làm của chính mình ở hiện tại cũng như trong quá khứ, không có thần thánh nào ban phước hay giáng hoạ cả. Nếu chúng ta biết tu dưỡng trí tuệ, đạo đức và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống thì chắc hẳn sẽ chuyển hoạ thành phước. Ngược lại, nếu sống buông lung, phóng túng, thiếu trí tuệ, đạo đức, giới luật thì có thể sẽ biến phước thành hoạ.
Câu chuyện dưới đây cho chúng ta ví dụ rất hay về sự khôn lường của hoạ và phước: Một gia đình nọ có bốn thành viên, trong đó cha mẹ và cậu con trai rất mộ đạo, thường xuyên đi chùa nghe pháp; riêng cô con gái không chịu đi chùa, không chịu nghe pháp, mà đôi khi còn chống đối lại cha mẹ. Cha mẹ rất buồn, khuyên nhủ như thế nào cô cũng không nghe. Đến năm lớp 11, cô bỏ học, lại mê chơi game và hay la cà, lêu lổng với bạn bè. Cha mẹ rất khổ tâm, vì mình là người Phật tử hiểu đạo, mà con gái lại hư hỏng như thế.
Nhân dịp Lễ Vu lan, người cha dụ con gái đến chùa dự lễ. Buổi lễ dạt dào tình mẫu tử thiêng liêng, nhất là nghi thức cài hoa hồng thể hiện sự cao cả của công ơn cha mẹ làm cho cô bé thật sự xúc động và đã rơi nước mắt. Thấy thế, người cha rất vui mừng, biết rằng con mình đã hiểu được phần nào công ơn của cha mẹ và có thể sau này sẽ thay đổi tâm tính.
Không tham dục thì phước báu vô biên
Sau buổi Lễ Vu lan, người cha đưa cô con gái đến gặp một vị thầy ở trong chùa. Thầy đã thuyết pháp cho cô bé nghe về đạo lý làm người. Nhờ vậy, cô thức tỉnh và hiểu ra nhiều điều mới lạ. Từ ngày đó, cô bắt đầu đi chùa một cách thường xuyên. Rõ ràng là hoạ đã chuyển thành phước, mang lại niềm vui lớn cho cả gia đình cô.
Càng về sau, cô bé này càng siêng đi chùa hơn. Lúc đầu hai, ba ngày cô đến chùa một lần; sau đó, ngày nào cô cũng đến. Bẵng đi một thời gian, có người đến báo cho cha mẹ cô biết là cô có tình cảm với ông thầy. Lúc này, gia đình lại lo lắng nên bảo cô bớt đến chùa. Nhưng cô không nghe, lại đi nhiều hơn nữa. Vị thầy này hơn 20 tuổi, còn cô bé mới 17 tuổi. Nằm trong thế kẹt, thầy phải bỏ đi chùa khác. Vì đã có tình cảm, nên cô lại tìm đến gặp thầy. Thầy rất cương quyết, và cuối cùng đã thuyết phục được cô bằng lòng chấm dứt mối tình éo le này.
Trong thời gian cô bé đeo đuổi vị thầy đó, gia đình cô rất lo buồn. Giờ họ mới cảm thấy an tâm khi cô chịu ở nhà, không đến chùa của thầy nữa. Thầy cũng hay gởi băng đĩa và kinh sách đến để cô tìm hiểu Phật pháp. Nhờ đọc giáo lý và nghe đĩa giảng, dần dần cô hiểu được bản chất của cuộc đời và con đường giải thoát mọi khổ đau mà đức Phật đã chỉ dạy. Cuối cùng, cô quyết định đi xuất gia. Khi biết được tâm nguyện của cô, cha mẹ mừng vui khôn xiết. Đó là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời họ.
Câu chuyện này rất hay. Gia đình của cô bé đã trải qua nhiều cung bậc thăng trầm của cuộc sống: từ hoạ chuyển thành phước, từ phước biến thành hoạ, rồi từ hoạ lại chuyển thành phước. Cô bé ấy có thật nhiều phước khi gia đình cô toàn là những Phật tử thuần thành và hiểu đạo.