Chùa Việt
Hoá thân tượng Phật Thích Ca ở chùa Khmer đồng bằng sông Cửu Long
Chủ nhật, 04/06/2019 08:00
Không như chùa người Việt, người Hoa, chùa Khmer chỉ thờ Phật Thích Ca, song không phải một loại tượng mà thường gồm năm hóa thân khác nhau trong kiếp tu hành của Phật.
Phổ biến nhất là kiếp Phật đắc đạo, rồi tượng Phật lúc còn tu hành, Phật thiền định, Phật đi khuyến thiện, Phật nhập niết bàn.
Qua tìm hiểu hơn 30 ngôi chùa Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long và nhận thấy có tám kiểu dáng tượng, gọi là Thích Ca bát thể như sau:
Một là, Thích Ca thành đạo: tượng Phật ngồi theo tư thế kiết già, đầu đội một chỏm nhọn - đặc trưng cho trí tuệ, quyền lực và sự vĩnh hằng cao cả - dưới là hai lớp tóc đen và xoăn.
Mặt tượng có trán rộng, gương mặt đầy đặn, đôi lông mày cong, đôi mắt khép hờ, mũi thẳng, miệng rộng, đôi môi hơi dày, đôi tai to và dài gần chấm vai, đôi khi tượng phảng phất gương mặt người Khmer hiện đại.
Phần thân mình, tượng có ngực nở, lưng thẳng, bụng thon, hai cánh tay tròn trịa. Tay trái trong thế ấn Tam muội, tay phải tì qua chân, bàn tay úp chỉ các ngón xuống đất.
Tượng Phật mặc áo cà sa choàng kín một bên vai trái, vai phải để trần nhằm biểu hiện kinh pháp. Đây là mô típ được rút ra từ Phật tích, truyền lại rằng: sau 49 ngày ngồi tham thiền.
Khi Đức Phật vừa mới đắc đạo thì Ma Vương đem binh tới chống phá, đòi Phật phải minh chứng. Đức Phật chỉ tay xuống, lấy đất làm chứng cho mình. Thần đất (Hêng Prô-át-Thô-ni) chấp thuận, hiện hình lên, buông tóc tuôn thành dòng nước cuốn trôi lực lượng tà ma.
Bệ tượng Phật đắc đạo này đặt cao vượt hẳn lên trên. Tượng ngự trên bệ hình bán nguyệt tròn góc, được bố trí cùng một tòa sen và ba lớp cảnh. Tòa sen này đặt trên ba thân rắn uốn quanh. Đây chính là thần rắn Naga làm tán che giông tố cho đức Phật.
Dưới bệ đế có lớp hoa văn cách điệu. Mặt trước có một dải “khăn” được đắp nổi phủ xuống che phần chính giữa bệ. Trên dải khăn này thường trang trí các hoa dây cuốn tròn, mặt Reahu cách điệu, đôi khi có cả Thần Đất đứng xõa tóc, phun nước.
Ngoài tượng thờ, tích này cũng xuất hiện ở các tranh thờ ở các bức tường ngôi chánh điện.
Hai là, tượng Phật Thích Ca ngồi tọa thiền; Phật ngồi tọa thiền trên đài sen, lưng thẳng, lồng ngực to, đầy đặn, eo thon. Gương mặt đầy đặn đôi lông mày cong, đôi mắt khép hờ, đôi môi đầy đặn, đôi tai to, dày và dài, tóc đen và quăn. Hai bàn tay tròn trịa, để ngửa đặt chồng lên nhau kiểu ấn kiết già.
Phật mặc chiếc áo cà sa choàng kín bên vai trái, vai phải để trần. Bệ tượng nhiều tầng, có chạm khắc hoa văn hình sóng nước. Bên ngoài bệ tượng được nghệ nhân dân gian sơn, vẽ thêm nhiều chi tiết.
Ba là, Tượng Thích Ca ngồi trên mình rắn thần Muchalinda. Tượng thể hiện lúc Phật ngồi thiền định dưới gốc cây bồ đề được rắn thần Muchalinda che chở. Thân rắn cuộn thành 3 vòng làm thành bệ cho bức tượng. Rắn có năm, bảy, hoặc chín đầu tạo thành mái vòm che chở cho Đức Phật (xem thêm phần biểu tượng của rắn Naga).
Bốn là, tượng Thích Ca sơ sinh: Thể hiện hình tượng Phật lúc còn là một hài nhi, mặc chiếc áo cà sa vàng đang đứng trên một tòa sen. Một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất. đầu đội chóp nhọn ba tầng biểu thị Phật - Pháp - Tăng, uy lực của Phật. Tương truyền lúc Đấng Giác ngộ khai hông của mẹ, bước ra cõi đời.
Ngài đưa tay phải chỉ lên trời, tay trái chỉ xuống đất. Giữa đám đông Trời, Người, Thánh Thần có mặt, Ngài dõng dạc tuyên bố: Thiên thượng thiên hạ duy Ngã độc tôn/ Nhứt thiết chúng sanh sinh, lão, bệnh, tử. Tạm dịch: Trên trời dưới đất chỉ có Ta là tôn quý nhất/ Tất cả chúng sanh đều bị sinh, già, bệnh, chết. Đây là lời nói đầu tiên của Đấng Giác ngộ khi vừa chào đời, cũng là chân lý tối hậu mà suốt quãng đời Ngài huấn dạy.
Năm là, tượng Thích Ca cứu vớt chúng sinh. Tượng thể hiện Đức Phật trong tư thế đứng thẳng trên tòa sen, áo cà sa buông thõng phủ kín lưng như một tấm áo choàng. Tay phải buông xuôi bên hông. Tay trái đưa về phía ngực, các ngón tay dài hướng lên trên. Trong lòng bàn tay thường có một đường xoắn ốc là quý tướng của Phật, vừa biểu thị sự vị tha, sẵn sàng đón nhận cứu độ nhân thế.
Sáu là, tượng Thích Ca khổ hạnh trên núi Tuyết Sơn. Tượng ngồi hai tay đưa lên trước mặt, hai ngón tay cái bấm gần vào đốt thứ hai của ngón tay trỏ thành vòng tròn theo tư thế thuyết pháp, Phật gầy ốm vì đang tuyệt thực, tham thiền mong tìm ra chân lý.
Bảy là, tượng Thích Ca bưng bình Bal lak đi khất thực. Tượng đội mũ đen úp sát đầu không có chỏm nhọn hai tay ôm bình sơn đen – màu đen gắn liền với thần Siva, biểu hiện của sự no đủ. (Theo thần thoại Ấn Độ, thần Siva đã đưa đầu chặn thác nước hung dữ từ trên dải Hymalaya đổ xuống, làm thác nước tóc thành sông, chảy khắp nơi tưới cho mùa màng xanh tốt).
Tám là, tượng Thích Ca nhập niết bàn, tượng Phật nằm nghiêng (Chô Niêp Piên) đầu kê tay, mặt quay về hướng đông, đầu quay về hướng Nam.
Tượng Phật trong các ngôi chùa đều có chung tư tưởng, triết lý Phật giáo, đó là cách mô tả cơ thể siêu tự nhiên. Nhưng các nghệ nhân Khmer không đi vào đặc tả mà dùng mảng khối, đường nét ước lệ trần tục để thể hiện cái thần, cái siêu thoát của hình tượng.
Dù được thể hiện bằng nhiều hình thức, kiểu dáng tư thế khác nhau nhưng các tượng đều khoác tấm áo cà sa màu vàng của nhà Phật (phủ kín hai vai hoặc một vai). Nghệ thuật điêu khắc dân gian dân gian ở đây ít nhiều mang đậm tinh thần, phong cách Ấn Độ, song họ đã hướng tới một sự giản lược, tạo cho tượng một vẻ dáng khỏe khoắn, nhẹ nhàng.
Quả là qua trí tuệ dân gian kết hợp với sự tinh tế của các nghệ nhân dân gian, các tượng Phật sống động vừa phản ánh giáo lý vừa rất gần gũi với đời sống con người, được thể hiện và tôn thờ.
(Theo Dân Việt)