Kiến thức

Hòa thượng Thích Thanh Từ: “Cứ quyết chí tu và thật tâm lo cho đạo thì không sợ thiếu”

Chủ nhật, 27/10/2023 09:15

"Tụi con tu làm sao ngày nào tháng nào cũng tu đều đều, đừng bỏ phế, tự sống với chính mình, ngày một tiến bộ hơn, bớt tham, sân, si. Ðó mới là thành công của mình, chớ không phải làm ra nhiều tiền là thành công. Người tu của mình bây giờ hay đặt nặng việc làm ra nhiều tiền."

Tụi con thấy Thầy vui vẻ, ít quạu quọ là tại sao? Hơn thua phải quấy là trò đùa nên cái gì cũng cho qua hết. Nếu không vậy thì lúc này cái trán Thầy nhăn mấy nếp rồi.

Ðủ thứ chuyện phải lo, phải sắp đặt, nhưng tới đâu thì làm tới đó.

Ở thế gian, trong một gia đình lo năm bảy người là hết hơi hết sức rồi.

Còn Thầy lo Thiền viện bên đây, Thiền viện bên kia, cử người đi không biết làm có tốt không. Nhưng thôi cứ cử đi, khôn nhờ dại chịu, hơi đâu lo!

Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử từ hôm khởi công tới nay tốn cũng nhiều nhưng Thầy cứ mặc, làm sao thì làm.

Thầy cứ ngồi ở đây. Chớ người ta như vậy là chạy ngược chạy xuôi lo lắng.

Hôm trước có một Phật tử hỏi Thầy sở phí cất ở ngoài đó bao nhiêu, Thầy nói phỏng chừng hai tỷ. Nhưng bây giờ bản vẽ tính là sáu tỷ. Tiền bươi đâu ra?

Tiền đó không ai có trách nhiệm hết, chỉ mình Thầy có trách nhiệm thôi. Những khi đi giảng, Thầy đâu có hề than thiếu tiền, cứ giảng bình thường. Vậy mà vẫn có tiền cất chùa, đó là cái đặc biệt.

“Chỉ nên nỗ lực cố gắng tu học, không nên mong... được cái gì đó”

01

Người hay lo thì bóp đầu bóp trán mà lo, chạy sao cho có đủ.

Còn Thầy, kể cả ra nước ngoài, Thầy đâu có nói “Tôi đang xây Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, ai có khả năng đóng góp thì phụ tôi”.

Chưa bao giờ Thầy kêu gọi, giảng cứ giảng, cứ thật thà cho nên Tam Bảo gia hộ.

Tụi con thấy ở đây Thầy có tính làm gì ra tiền không?

Có trồng cây bán chút ít nhưng không đủ cho tụi con ăn nước tương nữa.

Mà sao có tiền nuôi hoài không thiếu mới ngộ.

Vậy mới thấy có phước, cứ quyết chí tu và thật tâm lo cho đạo là không sợ thiếu.

Nhiều khi đi ra nước ngoài, bộ đồ Thầy mặc còn tốt quá chừng, cái áo ấm cũng không tệ, vậy mà Phật tử cứ chạy đi sắm, hối may gấp trong một ngày cho rồi, cái này không vừa may cái khác.

Phải chi Thầy rách rưới thì nói tội nghiệp, lo sắm cho Thầy.

Chưa từng than gì hết mà người ta lo như vậy, thấy tội!

Bởi vậy Thầy nói Thầy là ăn mày chúa.

Phước không thể lường trước được, không thể tính toán làm cái này cái kia mà được.

Tự mình tu, làm lợi ích cho nhiều người thì có phước.

Cũng như có người đặt câu hỏi, bãi đậu xe ở đây không thâu tiền, mướn mấy người nhân công, rồi nhà vệ sinh, các thứ... tiền ở đâu ra, không có ai trả lời được.

Mỗi tháng tối thiểu ba nhân công làm dưới đó, lấy tiền đâu ra trả lương đây?

Lại còn tiền lặt vặt, mà sao tháng nào cũng đủ hết, cũng no ấm hoài, không nghe Thầy than.

Bởi vậy người đời họ không hiểu nổi.

Cứ chân thật mà tu, đừng tính toán.

Nhiều người nghĩ mình phải ra làm kinh tế tự túc, nhưng khi làm tự túc thì kẹt trong việc làm, cũng phải tính toán lợi hại.

Còn ở đây không có tự túc, không tính lợi hại.

Không tính mới có thời giờ tu, còn ra lo tự túc hết giờ tu.

Hiểu như vậy mới biết tại sao Thầy chủ trương chỉ tự túc phần nào thôi.

Tụi con tu làm sao ngày nào tháng nào cũng tu đều đều, đừng bỏ phế, tự sống với chính mình, ngày một tiến bộ hơn, bớt tham, sân, si.

Ðó mới là thành công của mình, chớ không phải làm ra nhiều tiền là thành công.

Người tu của mình bây giờ hay đặt nặng việc làm ra nhiều tiền.

Không riêng ở đây, mà mấy Thiền viện dưới kia Thầy cũng chủ trương chỉ trồng cây trồng rau.

Nội tiền xăng dầu để chạy máy tưới, rồi phân bón, rốt cuộc đâu cũng vào đó, không thấm đâu hết. Bởi vậy người tu mà tính toán làm ăn khó lắm.

Thầy bảo đảm với mấy Thiền viện dưới đó là chỗ nào hết gạo cho Thầy hay. Thầy chỉ lo gạo còn các thứ khác chỗ đó tự lo.

Nhưng Thầy thấy ít có viện nào thiếu gạo.

Ở đây gần hai trăm, Thường Chiếu gần hai trăm, Viên Chiếu một trăm, rồi Linh Chiếu, Phổ Chiếu, Huệ Chiếu cũng đông, vậy mà không hụt.

Thế mới biết tu hành là cái gốc để Phật tử cảm thông mà ủng hộ. Như vậy, mình ngồi yên tu mới có phước đức, còn chạy ngược chạy xuôi lo cho có tiền thì tu không được.

Tu không được tức phước không có.

Cứ lo làm hoài, là tu không tiến chút nào.

Vậy tụi con mới hiểu làm sao cho phước nhiều.

Ở đây có nhiều đứa lo tính toán, sau có chùa có thất làm tự túc để tu.

Tính như vậy nhưng càng tự túc càng trói buộc.

Thí dụ tụi con buôn bán cái gì đó để kiếm lời, bán đắt quá thì làm hoài, làm hoài không có giờ tu.

Thấy như lương thiện, nhưng không lợi cho đường tu.

Thầy thường nói, ai nghĩ tự túc để sống tu là trái với bản ý của Phật.

Ðức Phật chủ trương đi khất thực để gieo duyên với chúng sanh.

Nếu hồi xưa Phật dạy chúng ta làm rẫy làm ruộng để tự túc thì bây giờ mình làm là phải.

Nhưng Phật bảo phải đi khất thực.

Mà khất thực giờ nào?

- Giờ cơm trưa. Mười một giờ người ta ăn thì chừng mười giờ đi khất thực.

Người ta không chuẩn bị trước phần ăn, nhưng khi Phật tới thì họ chia sớt bớt. Mình thấy hơi bất nhẫn nhưng chính đó là phước lớn của người thí chủ: chia phần ăn chớ không phải sắp đặt trước.

Ði khất thực là gieo duyên, người ta sớt cơm cho mình ăn để sống mà tu.

Mình lãnh thọ của họ nên phải tìm cách độ họ, đời này chưa được thì đời sau.

Vậy thì mới có duyên với nhau.

Nếu nay người tu tự lo làm, tiền mình mình ăn thì có duyên với ai đâu.

Nếu có duyên là có với mấy người thương mại thôi, phải không?

Như vậy, đức Phật dạy mình nhận của thí chủ ăn rồi tu.

Vì nhận là thiếu nợ nên phải ráng tu cho xứng đáng.

Thứ hai nữa là mình nhận nợ của họ đời này chưa trả thì đời sau sẽ trả.

Nhờ gặp Phật pháp họ sẽ trở thành người hiểu đạo lý.

Ðó mới gọi là có duyên với chúng sanh.

Thầy nợ ngập đầu nên bây giờ chúng hội mới đông thế này, chớ không có nợ chắc là không đông vậy đâu.

Thôi, nói nhiều khô cổ, trả nón đây, Thầy về.

loading...