Kiến thức
Hòa thượng Thích Trí Quảng: Xả bỏ tham cầu mới có bình an thực sự
Chủ nhật, 02/02/2023 09:23
Riêng bản thân tôi ở những giai đoạn cực kỳ hiểm nguy, cũng thường niệm Quan Âm và cảm nhận được lực gia bị của Bồ-tát mà lòng tôi cảm thấy an lạc và hoàn cảnh thực tế cũng được chuyển đổi trở thành bình an thực sự.
Hoặc đầu năm trong tháng Giêng, các chùa thường tổ chức đàn tràng tụng kinh Dược Sư để cầu an. Nói đến đây, tôi nhớ lại trường hợp Ngọc Lâm Quốc sư tiền kiếp là ông Tăng xấu xí đến mức người khác không dám nhìn. Hòa thượng chùa Linh Ẩn khuyên ông nên tụng kinh Dược Sư, vì Đức Phật Dược Sư phát 12 lời nguyện, trong đó lời nguyện thứ sáu tương ưng với hoàn cảnh của ông: “Ta nguyện đời sau khi chứng Vô thượng Bồ-đề, nếu có hữu tình thân hình hèn hạ, không đủ sáu căn, xấu xí khờ khạo, tai điếc mắt mù, nói năng ngọng liệu, tay chân tật nguyền, lác hủi điên cuồng, chịu nhiều khổ não; nghe được danh Ta, liền được khỏi bệnh, thân hình đoan chánh, trí tuệ sáng suốt”.
Nhờ thọ trì kinh Dược Sư mà trong kiếp lai sanh, ngài rất thông minh và có tướng hảo, vua Thuận Trị phong ngài làm Quốc sư và chính ngài đóng góp công đức nhiều nhất trong việc xây dựng triều đại nhà Thanh.
Tụng kinh cầu an, điều quan trọng là phải cảm hạnh đức của chư Phật, chư Bồ-tát được nói đến trong kinh điển Đại thừa và nỗ lực thực hành theo hạnh của các ngài trong cuộc sống hàng ngày, chắc chắn bản thân chúng ta được an lạc mà còn ảnh hưởng cho người thân trong gia đình và bạn bè mình được an lạc theo.
Ngoài ra, hành hương cầu an, chúng ta còn tìm đến điểm cao nhất là Linh Sơn. Thực tập pháp này, tôi tâm đắc làm bài kệ:
Quyết lòng tìm đến Linh Sơn
Cầu xin chư Phật hiện thân độ đời.
Vì hạ quyết tâm phải tới cái đích, chúng ta gạn bỏ những gì mình không ưa thích; nói cách khác, gạt trần thế sang một bên để tìm về Linh Sơn là chân linh của chúng ta, hay chúng ta tìm bạn tri thức chỉ sống với chân linh.
Con người có ba phần gồm phần vật chất và hai phần tinh thần là vọng thức và chân linh. Người sống bằng vọng thức thì hiểu biết nhiều, nói nhiều, nhưng cuộc đời luôn khổ đau. Người cắt bỏ vọng thức, không quan tâm đến cuộc đời, thường sống với chân linh, cho nên họ thấy được sự thật của cuộc đời, mới không bị cuộc đời chi phối.
Cầu an, chúng ta tìm về chân linh của chính mình, hay tìm đến người hiện hữu trên trần thế có đời sống chân linh thực sự, mà mình tiếp nhận được sự bình an.
Tôi tiếp xúc với người có đời sống tâm linh cao, không lệ thuộc vật chất, cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng, an vui. Các Phật tử nếu có cơ hội thân cận với người có tâm hồn bình an, sẽ nhận thấy họ không đòi hỏi mình làm bất cứ điều gì cho họ, mà chỉ san sẻ niềm an lạc cho mình, làm sao chúng ta không an.
Có thể nói cầu an là tìm đến thiện tri thức có cuộc sống bình an để họ chia sẻ bình an cho mình. Điều này thể hiện rõ nét trong cuộc đời giáo hóa độ sanh của Đức Phật. Khi Đức Phật tại thế, những người giàu có như ông Cấp Cô Độc và cả vua chúa như Tần Bà Sa La, A Xà Thế, Ba Tư Nặc đều tìm đến Đức Phật.
Đức Phật có gì hơn họ. Đức Phật đã từ bỏ tất cả sự nghiệp vật chất, chỉ là Sa-môn đầu trần chân đất, nhưng họ tìm đến Phật; vì sau những tháng ngày lao theo sự nghiệp vật chất, họ đã chuốc lấy từ khổ đau này đến khổ đau khác, chỉ đến khi được gần Phật, họ mới nhận thấy sự bình an kỳ diệu tỏa sáng nơi Ngài.
Ngày nay, các chùa của chúng ta cầu an là cũng để tìm về với Phật, Đức Phật thường hằng ở Tịch Quang chơn cảnh và Đức Phật ở trong chính chúng ta.
Sau khi Đức Phật Niết-bàn, có các vị thiền sư, cao tăng, quốc sư hiện thân khắp đó đây. Riêng ở Việt Nam có Pháp sư Ngô Chân Lưu mà Đinh Tiên Hoàng thường đến thăm viếng, hoặc vua Lý Thái Tổ thường đến với Thiền sư Vạn Hạnh, vua Trần Thái Tông viếng Đại Đăng Quốc sư. Những vị chân tu này sống với “cái thân ngoại vật”, nghĩa là cuộc sống tự tại, không bị ngũ hành chi phối, không bị lệ thuộc trong ba cõi. Người nào có nhân duyên thấy các ngài, gần gũi các ngài, được các ngài chỉ dạy đều cảm nhận niềm an lạc vô cùng, đều thăng hoa cuộc sống đức hạnh của mình.
Thiết nghĩ Đức Phật và chư vị Tổ sư thể hiện cuộc sống an lạc như thế, nếu chúng ta đi đúng đường của các ngài, chắc chắn chúng ta cũng được an lành. Không đi theo con đường của Phật, của Tổ, rồi nói thân mình không an, làm sao cầu cho người khác an! Điều này cũng đúng thôi.
Phật tử xin cầu an, không phải ông thầy đọc tên mình an đâu. An hay không là do đạo hạnh của thầy. Nhìn thấy thầy là mình an, vì tâm thầy an, nên chúng ta đến cầu thầy chia sẻ sự bình an đó cho mình.
Như đã nói, những người quyền thế, trưởng giả đến với Phật, đến các thiền sư, vì tâm các ngài hoàn toàn bình an, không bị sự tác hại của tam giới, mới dẫn dắt được họ đi vào thế giới tâm linh an lành.
Lịch sử đã chứng minh điều này, xưa kia vua Trần Thái Tông bị Trần Thủ Độ bứt ngặt làm chuyện vô luân, ông mới trốn lên núi Yên Tử tìm gặp Phù Vân để cầu an (sau này là Đại Đăng Quốc sư). Tâm hồn quá ư đau khổ của vua Trần Thái Tông gặp được tâm hồn thanh thoát nhẹ như mây của Thiền sư Đại Đăng mà tất cả buồn phiền khổ đau của triều chính nặng trĩu nơi lòng vua bỗng chốc tiêu tan.
Thiền sư Đại Đăng phân tích cho vua thấy cuộc đời của vua và của những người liên hệ với vua về bên ngoài lẫn về tâm lý bên trong, tất cả đan xen hỗn độn như cuộn tơ rối. Và Ngài đã tháo gỡ được cái rối rắm cho vua một cách nhẹ nhàng, giúp cho tâm vua lóe sáng, thấy được lẽ sống bình an cho chính ông, cho cả triều thần và cho đất nước này. Vì công ơn tế độ đó mà vua Trần Thái Tông phong cho Phù Vân là Đại Đăng Quốc sư, tức ngọn đèn lớn rọi sáng lòng vua.
Khi Trần Thủ Độ lên rước vua Trần Thái Tông về triều, vua đã làm bài thơ để lại non Yên Tử nói lên tâm trạng mình lúc đến đây:
Phong đã tùng quang nguyệt chiếu đình
Tâm đầu cảnh sắc cộng thê thanh
Cá trung tư vị vô nhơn thức
Đương dữ sơn Tăng lạc cộng minh.
Nghĩa là gió thổi lay động hàng cây tùng và ánh trăng rọi sáng sân chùa, phong cảnh ở chùa nên thơ như vậy, cộng thêm niềm tâm sự giữa vua với thiền sư thực là tâm đầu ý hợp, tạo thành cái vô cùng cao quý mà người ngoài cuộc không thể nào biết được. Nói cách khác, vua Trần Thái Tông đã cảm nhận được niềm an lạc vô cùng tỏa sáng nơi Thiền sư Đại Đăng, một bậc chân tu ngộ đạo không gợn chút lợi danh phiền não. Và chính sự an lạc của Đại Đăng đã truyền sang tâm hồn vua, khiến ông thức suốt đêm trường tràn đầy niềm vui cùng với ngài, không cần ngủ nghỉ.
Nghe lời dạy của Thiền sư Đại Đăng, vua Trần Thái Tông trở về triều đình; trước khi ra về, vua cảm tác hai câu thơ rất cảm động, nói lên tình thầy trò sâu nặng:
Cảm đức từ bi để nghìn kiếp nguyền cho thân cận
Đội ơn tế độ nát muôn thân thà chịu đắng cay.
Vua Trần Thái Tông bày tỏ công ơn tri ngộ đối với thầy rằng ông cảm đức từ bi của ngài Đại Đăng, nên nguyện đời đời kiếp kiếp sanh ra được gặp ngài làm thầy mình để nhờ thầy tế độ, sống theo lời dạy của thầy, dù cho phải nát muôn thân cũng chấp nhận.
Nhờ sự khai ngộ của Thiền sư Đại Đăng mà vua Trần Thái Tông tìm được niềm an lạc và ông đã trở thành vị minh quân làm được việc lớn cho đất nước; đặc biệt, nhà vua đã biên soạn được sách Thiền uyển tập anh gồm những bài thơ ngộ đạo của các vị thiền sư.
Tóm lại, cầu an là tìm thiện tri thức hiện hữu trên cuộc đời khai mở trí tuệ cho mình để hóa giải khổ đau và có được niềm an lạc trong tâm, trong cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, nếu không gặp được thiện tri thức trong cuộc đời, chúng ta tìm thiện tri thức trong sách vở, trong kinh điển.
Đọc tụng kinh điển Đại thừa, Đức Phật giới thiệu cho chúng ta hình ảnh của chư Phật, chư Bồ-tát và hành trạng của các Ngài mà chúng ta đặt trọn niềm tin nơi các Ngài, hướng tâm trọn vẹn đến các Ngài, suy nghĩ về việc làm của các Ngài và làm theo lời dạy của các Ngài, chắc chắn chúng ta được an lạc trong sự gia hộ của các Ngài.
Riêng tôi luôn nhận được sự an lành trong việc đọc tụng kinh điển Đại thừa, nương theo đó tìm thấy thiện tri thức tháo gỡ cho tôi tất cả những bế tắc trên bước đường hành đạo, giúp tôi luôn vững niềm tin tiến tu đạo hạnh.
Tôi mong rằng mỗi người đều tìm được thiện tri thức giải tỏa cho mình mọi điều phiền muộn khổ đau và tiếp nhận được một phần yếu nghĩa của Đức Phật dạy để đời đời kiếp kiếp được sống an lạc trong Chánh pháp.