Kiến thức
Hoàn tục thì tu tại gia, hộ trì Phật pháp
Thứ ba, 29/12/2021 02:20
Không còn tiếp tục con đường xuất gia, trở về đời sống cư sĩ tại gia là chuyện rất bình thường. Đôi khi, hoàn tục là điều hay cho những ai nhận thấy sức mình không kham nỗi hoặc thối thất chí nguyện ban đầu hay gặp những hoàn cảnh xảy ra ngoài ý muốn.
Suy ngẫm về người trẻ xuất gia hoàn tục
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, Tỷ kheo hay Tỷ kheo ni nào, từ bỏ học pháp, trở lui đời sống thế tục, có năm vấn đề hợp pháp để tự trách và chỉ trích đến với vị ấy ngay trong hiện tại. Thế nào là năm?
Trong thầy (vị ấy nghĩ) không có lòng tin đối với các thiện pháp, trong thầy không có lòng hỗ thẹn đối với các thiện pháp, trong thầy không có lòng sợ hãi đối với các thiện pháp, trong thầy không có tinh tấn đối với các thiện pháp, trong thầy không có trí tuệ đối với các thiện pháp.
Tỷ kheo hay Tỷ kheo ni nào, này các Tỷ kheo, từ bỏ học pháp, trở lui đời sống thế tục, năm vấn đề hợp pháp này để tự trách và chỉ trích đến với vị ấy ngay trong hiện tại.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Sức mạnh hữu học, phần Học pháp [trích], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.309)
LỜI BÀN:
Xuất gia là phát nguyện đi theo con đường Thánh, lộ trình ấy thường được gọi nghịch lưu. Bởi không xuôi theo những cám dỗ, đam mê của thế thường nên người sơ tâm phải đối diện với vô vàn khó khăn trước tình cảnh phước mỏng, nghiệp dày. Với thách thức này, không phải người xuất gia nào cũng dễ dàng vượt qua nên có người phải trở về rồi quay lại hoặc về hẵn làm người con Phật tại gia, tu thân và hộ pháp.
Không còn tiếp tục con đường xuất gia, trở về đời sống cư sĩ tại gia là chuyện rất bình thường. Đôi khi, hoàn tục là điều hay cho những ai nhận thấy sức mình không kham nỗi hoặc thối thất chí nguyện ban đầu hay gặp những hoàn cảnh xảy ra ngoài ý muốn. Thời Thế Tôn tại thế, nhiều vị xuất gia đã hoàn tục, dù có quở trách ít nhiều song hầu hết Phật đều tùy thuận. Bởi Ngài thấu rõ duyên nghiệp mỗi người và nhất là tu tập hoàn toàn dựa trên nền tảng tự nguyện, mọi sự ép uổng sẽ không đem lại kết quả đôi khi còn phản tác dụng.
Với bất cứ hoàn cảnh nào, người con Phật cũng cần quán sát nguyên nhân. Khi đã thấy rõ duyên khởi của vấn đề thì chúng ta không trách cứ hay phàn nàn về ai cả. Do thầy tổ không quan tâm, do huynh đệ không đùm bọc, do Phật tử không ủng hộ ư? Điều quan trọng nhất phải nhận ra là do mình. Dấn thân bước tới, dừng lại hưởng an nhàn hay thoái lui hoàn tục, xét cho cùng cũng do mình tự quyết. Vì thế, nếu trách trước phải nên tự trách mình.
Cố nhiên hoàn tục là thối thất trong sự nghiệp xuất gia nhưng điều quan trọng là chúng ta nhìn nhận vấn đề như thế nào và bản thân người hoàn tục nhận thức trách nhiệm của mình với Đạo pháp? Đâu đó vẫn còn những nhìn nhận, đánh giá thiếu cảm thông và nhất là chưa có giải pháp thỏa đáng cho những vị đã hoàn tục có điều kiện tiếp tục cống hiến xây dựng ngôi nhà Phật pháp. Điều này thiết nghĩ cũng là thao thức, trăn trở của tất cả những người con Phật trong bối cảnh hiện nay.