Chùa Việt
Hoằng Phúc Tự: Ngôi chùa cổ nhất miền Trung
Chủ nhật, 09/08/2019 02:16
Được ghi chép trong sử sách từ cách đây 7 thế kỷ, chùa Hoằng Phúc là ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất miền Trung. Chùa tọa lạc ở thôn Thuận Trạch (xã Mỹ Thuận, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), giữa mảnh đất đầy nắng và gió của miền Trung.
>>Những ngôi chùa Việt độc đáo
Hoằng Phúc Tự toát lên nét giản dị, bình yên sâu lắng đến lạ thường. Nơi đây không chỉ là địa điểm tín ngưỡng của những người con Phật mà còn là điểm đến tham quan của du khách gần xa.
Theo sử sách, vào năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã ghé thăm chùa và cầu phúc đức cho dân. Khi đó chùa Hoằng Phúc có tên là Am Tri Kiến. Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu đặt tên chùa là Kính Thiên Tự. Năm 1821, vua Minh Mạng cho đổi tên là Hoằng Phúc Tự.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, chùa đã bị hư hỏng nặng do bom Mỹ đánh phá năm 1967. Trong cơn bão số 12 năm 1985, chùa tiếp tục bị sụp đổ. Những năm sau đó, chùa được dựng tạm để phục vụ nhu cầu tâm linh của quần chúng. Năm 2014, chùa Hoằng Phúc được khởi công xây mới, hoàn thành vào năm 2016. Nhân dịp khánh thành, chùa được trao bằng Di tích quốc gia Việt Nam.
Sau khi tái thiết, chùa Hoằng Phúc mang không gian, bố cục và kiến trúc chùa Việt truyền thống trên diện tích lên đến 10.000m2. Điều đáng khen ngợi ở đây là vẫn giữ được nét nguyên trạng cổ đó là Tam quan ngoại, Tam quan nội, tháp Phật và Tam Bảo chùa. Không dừng lại đó, chùa vẫn còn lưu giữ lại một số hiện vật như tượng Phật Quan Thế Âm, Địa Tạng Vương Bồ Tát, tượng các vị La Hán cùng một số pháp khí được đúc bằng đồng rất tinh xảo và có tính nghệ thuật thẩm mỹ cao.
Ngôi chùa là nơi thờ tự đức Phật, Hoằng dương Phật pháp. Bên cạnh đó, chùa còn gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta, những cột mốc lịch sử sáng ngời của dân tộc.