Sống an vui

Học cách đối trị sân giận từ Bậc Giác Ngộ

Thứ sáu, 29/12/2023 03:09

Một ngày kia, Đức Phật đối mặt với một kẻ tiểu nhân, trong lúc ngài ở trong phòng, hắn gõ cửa, Ngài vừa mở ra, hắn bộc lộ cơn tức giận bằng những lời nói thô lỗ với đấng thánh một cách không thương tiếc như thể những đợt nước lũ cuồn cuộn hầu toan vỡ bờ.

Song đổi lại, Ngài không nói lời nào. Sau khi hắn đã mệt vì uổng công phí sức. Đức Phật từ tốn nói:

- Nếu một người muốn cho người khác một thứ gì đó mà người kia không nhận, thứ ấy sẽ là của ai ?

- Sẽ trả về lại người cho thứ đó. Chàng thanh niên trả lời.

- Vậy những gì anh đã cho tôi, tôi không nhận, tôi trả lại anh.

Người thanh niên bỏ đi và không bao giờ quay lại nữa!

Quả thật, một bậc giác ngộ không gì ở thế gian khả dĩ xoay chuyển họ.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Đừng mang theo nỗi tức giận bên mình

Carrie là một cô gái đầy nhiệt huyết đam mê, nhưng đôi lúc chúng ta cần tỉnh táo nhận biết khi cảm xúc đang đi quá xa và trói buộc mình. Mặc dù cảm xúc rất quan trọng, nhưng chúng ta cần phát triển sự tự tin để có thể nhận biết và đồng thời buông xả được chúng.

Carrie kể:

Tôi còn nhớ trong một chuyến bộ hành Pad Yatra, chúng tôi đã bắt gặp một người đàn ông đang mua gom những cổ vật từ người dân địa phương với giá rẻ mạt, với ý định mang về nước để bán lại kiếm lời. Trước mánh khóe đấy tôi rất bức xúc, tự thấy mình có trách nhiệm bảo vệ người dân và di sản nơi đây nên đã vạch mặt gã này. Chúng tôi đã cãi cọ nhau và cuộc tranh cãi diễn ra kịch liệt tới mức suýt nữa chúng tôi lao vào choảng nhau, mà nếu như vậy thì thật điên rồ vì ông ta có thể đẩy tôi xuống vực.

Rất may là không ai bị thương nhưng tôi vẫn còn hậm hực. Cuối ngày hôm đó, khi trò chuyện với Ngài Gyalwang Drukpa, tôi đã bạch lại cho Ngài toàn bộ câu chuyện và khăng khăng là phải bắt giữ và khởi kiện người đàn ông này. Ngài Gyalwang Drukpa nói với tôi: “Đúng, đúng, chắc chắn chúng ta sẽ báo cáo với chính quyền để họ quyết định việc cần làm”, rồi Ngài nhìn thẳng vào mắt tôi và cười vang, vẫn nụ cười đặc biệt và hiền hậu ấy. Vì vẫn còn ấm ức, tôi không hiểu tại sao Ngài lại có thể cười mình nhưng rồi tôi chợt hình dung ra cái cảnh hai người hùng hổ quát tháo nhau bên sườn núi trên dãy Himalaya mà mình vừa tạo ra mới thật khôi hài. Sau đó Ngài Gyalwang Drukpa hỏi tôi: “Giờ con sẽ để nỗi bực dọc của mình ở sau lưng hay mang nó theo hàng ngày nào? Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải đi đấy!”.

Điều kỳ diệu là khi chúng ta nhìn thẳng vào cơn giận hoặc nỗi thèm khát của mình thì thông thường chúng sẽ tan biến ngay lập tức. Và mặc dù rất khó để làm được điều này vào đỉnh điểm của cơn giận, nhưng khi bình tĩnh lại và chịu khó tìm hiểu thì bản thân việc này cũng là phương cách hữu hiệu giúp ta tránh những suy nghĩ tiêu cực và nhìn nhận sự việc khác đi.

loading...