Sống an vui

Hỏi đáp thiền sư S.N. Goenka về giới tà dâm & uống rượu?

Thứ bảy, 21/04/2023 06:26

Tình dục có một chỗ đứng thích hợp trong đời sống gia đình. Chúng ta không nên cố dồn nén nó, vì bắt buộc một cuộc sống kiêng tình dục chỉ gây ra căng thẳng, tạo thêm nhiều vấn đề, nhiều khó khăn.

Audio
19-800x445
 

Thế nào là sự khác biệt giữa hoạt động tình dục đúng đắn và tà dâm. Đây có phải là vấn đề của sự chủ ý không?

Không. Tình dục có một chỗ đứng thích hợp trong đời sống gia đình. Chúng ta không nên cố dồn nén nó, vì bắt buộc một cuộc sống kiêng tình dục chỉ gây ra căng thẳng, tạo thêm nhiều vấn đề, nhiều khó khăn. Nhưng nếu bạn buông thả theo sự đòi hỏi của tình dục và chấp nhận làm tình với bất cứ người nào khi thể xác đòi hỏi, thì chẳng bao giờ bạn có thể thoát khỏi đam mê. Hãy tránh hai cực đoan này vì chúng nguy hiểm như nhau. 

Dhamma đưa ra con đường trung dung, một sự thực hành lành mạnh về tình dục mà vẫn cho phép phát triển về tâm linh. Đó là sự liên hệ tình dục giữa một người nam và người nữ đã kết hôn với nhau. Và nếu người phối ngẫu của bạn cũng là một thiền sinh Vipassana thì khi sự đam mê nổi dậy, cả hai hãy quan sát nó. Đây không phải là sự dồn nén, cũng không phải buông thả. Bằng cách quan sát bạn có thể thoát khỏi đam mê một cách dễ dàng. 

Đôi khi hai người vẫn có quan hệ tình dục, nhưng dần dần họ cùng tiến triển đến một giai đoạn mà quan hệ tình dục chẳng có ý nghĩa gì. Đây là giai đoạn thực sự không tình dục một cách tự nhiên, ngay cả một ý tưởng đam mê cũng không khởi sinh trong lòng. Sự không tình dục này tạo một niềm vui vượt xa hơn bất kỳ sự thỏa mãn tình dục nào. Ta luôn luôn cảm thấy cực kỳ thỏa mãn, cực kỳ hòa hợp. Chúng ta nhất thiết phải học cách trải nghiệm hạnh phúc chân thật này.

Ở phương Tây, nhiều người cho rằng quan hệ tình dục có thỏa thuận giữa hai người trưởng thành bất kỳ là điều chấp nhận được. Quan điểm này cách xa Dhamma (Giáo pháp) nhiều lắm. Một người nào đó có liên hệ tình dục với một người, rồi một người khác, và một người khác nữa thì sự thèm muốn gia tăng gấp bội, và đồng thời làm tăng sự đau khổ. Bạn nhất thiết chỉ nên kết hợp với một người hoặc sống không tình dục.

Còn đối với sự dùng các loại thuốc để trải nghiệm một vài loại cảm giác, hoặc những thực tại khác thì sao?

Có vài thiền sinh nói với tôi rằng khi dùng loại thuốc tâm thần, họ đã có những kinh nghiệm tương tự như trong khi hành thiền. Dù chuyện này có thật hay không, thì khi phải dùng thuốc để có một kinh nghiệm là hình thức lệ thuộc vào một yếu tố bên ngoài. Nhưng Dhamma dạy bạn làm chủ chính mình để có thể trải nghiệm thực tại theo ý muốn vào bất cứ lúc nào. Còn một điều khác biệt quan trọng nữa là việc dùng thuốc làm nhiều người mất quân bình tâm trí và có hại cho chính họ, còn khi trải nghiệm sự thật bằng cách thực hành Dhamma thì thiền sinh trở nên quân bình hơn, không có hại cho mình hay người khác.

Giới thứ năm là tránh chất gây say nghiện hay tránh bị say nghiện? Nói cho cùng, nếu uống vừa phải, không say, thì dường như không có hại gì. Hay chỉ cần uống một ly ruợu là phạm giới?

Dù chỉ uống một chút, nhưng về lâu về dài, bạn sẽ thèm ruợu. Bạn không ý thức được, nhưng bạn đã bước một bước đầu tiên vào con đường nghiện ngập, chắc chắn làm hại bạn và hại người khác. Mỗi người nghiện đều khởi đầu bằng chỉ một ly. Tại sao lại bước một bước vào con đường đau khổ? Nếu bạn hành thiền nghiêm chỉnh và một ngày nào đó bạn quên hay vì giao tế mà bạn phải uống một ly, bạn sẽ thấy hôm đó bạn thiền kém hẳn đi. Dhamma không thể đi chung với sự dùng chất gây say nghiện. Nếu bạn thật sự muốn phát triển trong Dhamma, bạn phải tránh hết mọi sự say nghiện. Đây là kinh nghiệm của hàng ngàn người hành thiền. Những người phương Tây đặc biệt cần phải hiểu hai giới liên quan đến việc tránh tà dâm và dùng chất gây say nghiện.

Nhưng ở đây người ta thường nói: “Nếu cảm thấy tốt thì ắt phải đúng.”Đó là vì họ không nhìn thấy thực tại. Khi bạn hành động vì chán ghét, tự nhiên bạn cảm thấy bất an. Và khi bạn hành động vì thèm muốn, tuy bề ngoài bạn cảm thấy thoải mái, nhưng trong thâm tâm bạn thấy dao động. Bạn cảm thấy tốt đẹp vì vô minh. Khi bạn nhận ra rằng những hành động như vậy đã gây hại cho bạn như thế nào thì tự nhiên bạn sẽ dừng ngay những hành động đó.

Hỏi đáp cùng Thiền Sư S.N. Goenka – Trích từ cuốn Nghệ Thuật Sống

Bài viết trích từ cuốn Nghệ Thuật Sống – The Art Of Living – Thiền Sư S.N. Goenka & William Hart. Tải cuốn sách bản PDF tại đây.

loading...