Sống an vui

Hơn cả hạnh phúc - Minh triết Đạo Phật và chủ nghĩa Khắc kỷ trong một kỷ nguyên đầy hoài nghi

Thứ sáu, 12/06/2023 05:07

Bởi vì chúng ta là kết quả của chọn lọc tự nhiên, thứ không ‘quan tâm’ đến hạnh phúc của chúng ta, mà chỉ quan tâm tới thành công của việc duy trì nòi giống: chúng ta tiến hóa để tồn tại và sinh sản, chứ không phải để hạnh phúc.

Audio
Hon_ca_hanh_phuc_1440x800px_2__1__jpg

Tự cổ chí kim, thứ mà con người ta khao khát và truy cầu nhiều nhất chính là hạnh phúc. Tuy nhiên, thứ mà con người không có được nhất cũng chính là hạnh phúc.

Hạnh phúc là một phạm trù được nhiều chuyên gia hàng đầu trên thế giới nhận định khác nhau, như: Bertrand Russell cho rằng “hạnh phúc là sự mãn nguyện thật sự, là sự kết hợp mọi khả năng của con người và là sự nhận biết rõ ràng nhất về thế giới xung quanh”; đối với Đại La Lạt Ma “tôi tin rằng mục đích tối hậu của cuộc sống là tìm kiếm hạnh phúc. Đó là một chân lý vững chắc”; còn David Leonhard “tìm kiếm hạnh phúc là tìm kiếm bản thân mình. Bạn không đi tìm hạnh phúc. Bạn phải tạo ra hạnh phúc. Bạn lựa chọn hạnh phúc”.

Bởi vì chúng ta là kết quả của chọn lọc tự nhiên, thứ không ‘quan tâm’ đến hạnh phúc của chúng ta, mà chỉ quan tâm tới thành công của việc duy trì nòi giống: chúng ta tiến hóa để tồn tại và sinh sản, chứ không phải để hạnh phúc. Vậy thì, ta cần phải giải quyết vấn đề nghiêm trọng này như thế nào đây?

Có lẽ, điều đầu tiên cần thực hiện là nhìn nhận lại về hạnh phúc. Có lẽ, ngay lúc này, ta nên dừng lại một chút và tìm đến những chỉ dẫn từ trí tuệ cổ xưa, đặc biệt là đạo Phật và Chủ nghĩa Khắc Kỷ. Một số gợi ý như thế có thể được tìm thấy trong cuốn sách Hơn Cả Hạnh Phúc của nhà trị liệu tâm lý hiện sinh – triết gia Antonia Macaro. Gọi là “hơn cả hạnh phúc” là bởi, như ta đã biết, hạnh phúc là một khái niệm mang tính trừu tượng, chủ quan và thực ra chỉ mang tính thời điểm, thay vì thế thứ ta nên hướng đến là một cuộc sống tốt đẹp trong Chủ nghĩa Khắc kỷ (eudaimonia) hay an lạc trong đạo Phật.

Có lẽ từng có sự giao thoa trong lịch sử giữa nền văn hóa Ấn Độ và Hy Lạp cổ đại mà Phật giáo và Chủ nghĩa Khắc kỷ đã có những điểm chung vô cùng thú vị. Ở đó, cả đạo Phật và Chủ nghĩa Khắc kỷ đều cho rằng những quan điểm sai lầm của chúng ta về bản thân và thế giới rất gần với nguồn gốc của những trải nghiệm khó chịu của ta về cuộc sống (trong Chủ nghĩa Khắc kỷ, những phán đoán giá trị sai lầm khiến cho cảm xúc nảy sinh; trong đạo Phật, những quan điểm sai lầm che mờ sự thật rằng vạn vật là vô thường, vô ngã và không thể tách rời khỏi khổ). Cả đạo Phật và Chủ nghĩa Khắc kỷ đều cho rằng đạo đức và trí tuệ (theo Chủ nghĩa Khắc kỷ, đức hạnh là điều tốt đẹp duy nhất và lý trí giúp ta tách biệt những gì là thực sự tốt và xấu ra khỏi những gì chỉ có vẻ như tốt và xấu; giới (hành động đạo đức hay đạo lý) và tuệ (trí tuệ hay sự hiểu biết sâu sắc) trong đạo Phật) là những yếu tố quan trọng cho mục tiêu tối thượng mà không gì hơn là một cuộc sống tốt đẹp. Cả hai truyền thống đều đề cập đến những hình mẫu khi đạt được thành tựu trên con đường này, trong khi Chủ nghĩa Khắc kỷ nhắc đến hình ảnh của nhà hiền triết thì đạo Phật lại nhắc đến bậc giác ngộ. Tuy nhiên, những hình mẫu lý tưởng gần giống như thần thánh ấy là thứ tương đối xa vời đối với người phàm luôn vướng bận với cơm áo gạo tiền và những giá trị trần thế như chúng ta. Đối với điều này, cả Chủ nghĩa Khắc kỷ và đạo Phật đều gợi ý rằng những gì ta cần làm là ‘học từ từ, hành từ từ, thực tập từ từ’ thông qua các bài tập rèn luyện tinh thần hoặc tâm linh (bhāvanā trong đạo Phật hay askēsis trong Chủ nghĩa Khắc kỷ), thực hiện các bài tập tưởng tượng và thực tiễn, đưa các giáo lý vào đời sống, trau dồi sự mãn nguyện và lòng trắc ẩn để ta có thể sẵn sàng phản ứng phù hợp trước bất cứ điều gì mà cuộc đời trao cho mình, dù cho có thử thách đến đâu.

Điều thú vị của cuốn sách là tác giả đã chỉ ra những điểm mang tính giáo điều và những yếu tố thần bí không mấy phù hợp với tri thức ngày nay.. Vì vậy, khi loại bỏ các lớp lang siêu hình học, siêu nghiệm hay những điểm vô lý (chẳng hạn như cảm xúc và ý nghĩ không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta như những các nhà Khắc kỷ vẫn tưởng); và khéo léo diễn giải những điều này và các khái niệm khó hiểu như vô ngã hay chánh niệm dưới góc nhìn triết học và khoa học, đạo Phật hay Chủ nghĩa Khắc kỷ đã trở nên dễ hiểu, dễ chấp nhận, và dễ tiếp cận hơn đối với những người hiện đại sống trong kỷ nguyên đầy hoài nghi như chúng ta. 

Như Seneca đã từng nói, ‘Niềm vui phát sinh từ chính mình thì đáng tin cậy và mạnh mẽ; nó lớn lên; nó ở bên ta cho đến lúc cuối cùng. Những điều khác mà ta thường mến mộ chỉ là những sự tốt đẹp trong ngày.’ Cả hai truyền thống đều chứa đựng rất nhiều những minh triết đời thường, khi thay đổi lăng kính của chúng ta về thế giới thông qua việc chấp nhận sự vô thường, có nhận thức hơn về bản thân, chú ý hơn đến những điều mà ta coi trọng trong cuộc sống; trong từ bi, trí tuệ và không ngừng tinh tấn trên con đường hoàn thiện bản thân, an lạc sẽ khởi sinh.

 
loading...