Sách Phật giáo

HT.Quảng Đức, biểu tượng về tính dân tộc và đạo pháp của PGVN

Chủ nhật, 10/05/2013 09:20

Bồ tát Thích Quảng Đức đã hoà nhập thực sự vào dòng chảy nhập thế của Phật giáo Việt Nam, đã trở thành biểu tượng cho tính dân tộc và đạo pháp của Phật giáo Việt Nam. Bồ tát Thích Quảng Đức vì vậy đã trở thành bất tử.

Đã 42 năm trôi qua kể từ ngày Hoà thượng Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân. Nhưng ngọn lửa của tinh thần đấu tranh cho Đạo pháp và cho Dân tộc  của hòa thượng như vẫn còn cháy mãi! Nhân dân trên thế giới và Việt Nam, những người con Phật cũng như những người không theo đạo  đều như bùi ngùi nhớ lại hình ảnh ngọn đuốc rực cháy trên thân thể Người vào năm 1963 ấy. Điều gì đã làm nên sự kỳ diệu đó ?  Đây có phải chỉ là những phản ứng  chống lại sự kỳ thị về tôn giáo của một chế độ độc tài? Có phải đó chỉ là “tiếng nói “ thay cho những đòi hỏi về một sự công bằng trong chính sách đối với các tôn giáo?

Tìm hiểu những câu hỏi trên chính là nêu lên được những đóng góp lớn lao, những ý nghĩa sâu sắc từ hành động vì đạo pháp và  cho dân tộc của Hoà thượng Thích Quảng Đức;  cũng chính là góp phần  chỉ ra được bản sắc của dân tộc Việt Nam và của Phật giáo Việt Nam. 
 Tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức
1.Trở lại với thời điểm sôi động của đất nước năm 1963, từ nguyên cớ hạ cờ Phật giáo của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm ở Huế để thấy rõ một điều rằng sự độc đoán, tính đố kỵ và lòng vị kỷ của những người cầm đầu chế độ ấy đã lên đến đỉnh điểm. Việc hạ cờ Phật giáo chỉ là một hành động cuối cùng, là điểm nút cuối cùng  để bộc lộ  hết tính  vị kỷ, chấp chặt lấy đạo pháp của một chế độ ! Chính sự chấp pháp ấy đã đưa đẩy chế độ độc tài Ngô Đình Diệm mau chóng bị kết thúc từ những hành động mù quáng của mình. Ngô Đình Diệm, với chính sách phân biệt  đối xử, xem đạo của mình mới thật là đạo, được ban cho đặc quyền, đặc lợi. Còn các đạo khác, dù có lịch sử  2.000 năm , dù có hàng chục triệu tín đồ, vẩn bị khinh miệt! Với Đạo dụ 10, sự phẩn uất của tăng ni, phật tử càng lên cao. Chính quyền đã đàn áp Phật giáo bằng những phương tiện quân sự và phương pháp tàn bạo.  Hàng chục tăng ni Phật tử, rồi đến hàng trăm  tăng ni  sau đó bị bắt bớ và bị giết hại. Ngọn sóng đàn áp cứ thế mà ngày càng bùng lên mạnh mẽ. Người dân  sống ở Huế vào năm 1963 không thể quên được hình ảnh thảm khốc từ những chiếc xe tăng của Diệm càn lên những người có đạo vô tội. Máu đã đổ và hận thù  như đã siết chặt thêm. Những người con Phật dùng vũ khí  từ  tinh thần Bi -Trí -Dũng  để chống trả! Trước những đàn áp bạo tàn và khốc liệt, những người con Phật đã sử dụng thế Nhu của mình để chống trả lại thế Cương của chế độ Diệm . Lấy thân mình thay cho tiếng nói cảnh tỉnh, như  những gáo nước lạnh dội vào ngọn lửa của  sự thù hận và vô minh. Những ngọn đuốc được đốt lên từ thân thể, hình hài của mỗi  người  con  Phật  như từng ngọn đèn thắp sáng, soi rọi tận cùng vào sâu thẳm tâm hồn đen tối, độc tài của một chế độ.  Và cứ thế liên tục, hết người này đến người khác…sao cho đến một ngày hành động vị pháp thiêu thân ấy đã trở thành một tiếng gọi vang vọng, làm rúng động lương tri của những người yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Đỉnh điểm ấy, ngọn sóng trào dâng tột đỉnh ấy chính là hành động tự thiêu của Hoà thượng Thích Quảng Đức, là tiếng chuông vang vọng ngân xa, lan tỏa ra ngoài phạm vi một quốc gia và trở thành bất diệt.

2. Hoà thượng Thích Quảng Đức,  tên đời  là Lâm Văn Tuấn, quê ở Khánh Hoà, Hoà thượng đã trụ trì chùa Quán thế Âm trước khi tự thiêu. Trước tình thế Phật giáo đồ bị sát hại thảm khốc, đã phát lời đại nguyện rằng: “ Nhận thấy Phật giáo nước nhà đương lúc ngửa nghiêng, tôi là một tu sĩ, mệnh danh là trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để Phật pháp tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật  để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo…Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc” ( Lời nguyện tâm huyết, Tỳ kheo Thích Quảng Đức) .  

Từ nhận thức được nung nấu sau bao cơn đàn áp bạo tàn của Diệm, Hoà thượng Quảng Đức, đã viết: là trưởng tử của Như Lai, được thấm nhuần lẽ đạo, nên không thể ngôi yên. Hoà thượng hiểu rõ rằng, với một chế độ độc tài như vậy, với những con người có hành động thiếu đạo đức và không có nhân bản như vậy, đất nước sẽ không thể yên, lòng dân sẽ không thể được bình ổn, an lạc và đạo pháp sẽ không thể được bảo tồn ! Vì vậy, thực hành lời nói ấy, quyết đem lại một sự cảnh tỉnh  lớn lao, làm thay đổi nhận thức con người, từ vô minh đến giác ngộ, phải bằng việc hy sinh chính bản thân mình. Lấy sự xả thân, tinh thần vô uý thí  để  đối lập lại cường quyền, bạo lực. Làm được điều đó, thực hành được suy nghĩ trên, đó là điều không dễ dàng, không phải ai cũng làm được.  Do đâu Hoà thượng Quảng Đức có được quyết tâm đó?

3. Trả lời câu hỏi trên chính là đi tìm lại cội nguồn của tinh thần dân tộc. Là người dân Việt, không ai không yêu nước. Tinh thần yêu nước này ngày càng  được nhân lên cao hơn chính từ những cuộc ngoại xâm .  Những người dân nước Việt đã qua thử thách trước nguy cơ xâm lược, từ đó tinh thần yêu nước càng như  được củng cố. Tinh thần ấy còn được nhiều tấm gương trong lịch sử in đậm thêm qua quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước.  Từ đó,  hình ảnh  của người dân ra biên cương chống giặc khi có ngoại xâm là hình ảnh đẹp đẽ, được lập đi lập lại trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, không loại trừ những người theo đạo Phật , với tư tưởng nhập thế, cứu đời, giúp đời. Không phải ngẫu nhiên mà có được một Hoà thượng Thích Quảng Đức của thế kỷ XX, bởi vì đã có trong lịch sử hàng trăm năm trước , những  thiền sư Vạn Hạnh, Khuông Việt….đã biết đem tinh thần Phật pháp ra áp dụng vào đời sống hàng ngày. Những tấm gương sáng ấy chính là bài học muôn đời về tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam , là sự thể hiện việc đem đạo vào đời, là tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam.  Nó được nhân rộng,  kế thừa  và tiếp nối liên tục từ thế hệ này sang thế hệ khác.   Vì vậy không phải ngẫu nhiên mà có được những con người biết hy sinh thân mệnh mình cho đạo pháp , cho dân tộc.

Mặt khác,  còn chính trên cơ sở của dòng Phật giáo Việt Nam, nổi bật từ thời các vua nhà Lý , nhà Trần…. đã  biết đem thập thiện đến từng gia đình, đã biết cụ thể hoá giáo lý nhà Phật trong điều kiện đất nước Việt Nam,  đã bằng chính hành động từ bỏ ngai vàng, danh lợi và những ham muốn vị kỷ cá nhân để trao truyền cho những thiền sư Việt Nam một  tinh thần xã thân cao quý . Tuỳ từng thời điểm lịch sử, tuỳ vào những điều kiện, hoàn cảnh  khác nhau mà các thiền sư đã có những ứng xử khác nhau, những cống hiến cho Đạo pháp và cho Dân tộc khác nhau. Nhưng trên hết , vẫn là lòng yêu nước nồng nàn, là tình yêu  thương  nhân dân sâu đậm…Tình thương đó, lòng yêu người đó đã tạo thành, đã giúp phát khởi nên  một quyết tâm cao độ, một đại nguyện vang lừng, đó là tinh thần vô uý thí.   

Chính từ sự dâng hiến tất cả, không loại trừ ngay cả bản thân mình, của những thiền sư  trong lịch sử và của Hoà thượng Quảng Đức ở thế kỷ XX  đã làm cho sự cống hiến ấy trở thành bất tử, bởi vì một khi đã cho đi hết thì sẽ nhận được tất cả!

4. Bài học  về tinh thần xã thân này, được đưa ra trong giai đoạn đạo pháp đang bị chia rẽ, đất nước đang bị ngoại xâm….càng có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cái chết của Hoà thượng không chỉ nhằm cảnh tỉnh những người trong chế độ độc tài nhà Ngô, mà sâu sắc và lớn lao hơn,  nó còn mang ý nghĩa  thời đại. Đó còn là tiếng  chuông tỉnh  thức cho những người con Phật còn đang thờ ơ trước sự hưng vong của đạo pháp, của quốc gia … kêu gọi họ cần nhanh chóng đoàn kết lại, một lòng chung sức cứu lấy nước nhà. Bởi vì tổ quốc còn, đạo pháp mới có thể còn tồn tại được! Đánh giá cao về hành động tự thiêu  của hoà thượng Quảng Đức, GS. Trần Văn Giàu đã  cho rằng: “ Đó là một hành động chống chiến tranh, là hành động bảo vệ hoà bình, vì hoà bình mà hi sinh (…) nhà sư là một người yêu nước, Quảng Đức yêu nước theo phong cách một nhà sư  “  (1)

5.Tìm hiểu về hành động “Vị pháp thiêu thân” của Hoà thượng Quảng Đức còn là nhằm nêu lên bài học có  giá trị lịch sử ,  có ý nghĩa thực tiễn lớn lao.  Qua cái chết của hòa thượng đã góp phần khơi gợi trong tư duy của nhân dân thế giới, những người yêu chuộng hoà bình, suy nghĩ kỹ hơn về giá trị  đích thực của một đời người. Đó không phải là  tính ham sống, sợ chết ; không phải là lòng vị kỷ, độc tài, ham chuộng bạo lực…mà điều vi diệu trong cuộc sống, tạo nên giá trị vĩnh hằng, chân lý tối thượng …chính là tình thương, là lòng dũng cảm, là sự hy sinh cho những điều lớn lao , cao cả, là quyền lợi và sự sống còn của dân tộc, của đất nước, của đạo pháp….Bài học ấy mãi mãi sẽ còn nguyên giá trị , vì nhân dân thế giới đã có được hình ảnh xác thực qua cái chết của Hoà thượng , một dấu ấn sâu đậm về con người Việt Nam biết hy sinh cho nghĩa cả, về một đất nước Việt Nam nhỏ bé nhưng kiên cường , bất khuất trước cái xấu, cái vị kỷ, trước những mưu toan đen tối nhằm đè bẹp, trấn áp bằng bạo lực của ngoại xâm….Chính từ những ý nghĩa ấy, hoà thượng Quảng Đức đã thực sự trở thành một vị Bồ tát, người luôn hướng tâm hồn  mình,  thể xác mình cho cuộc đời, cho người đời để cứu giúp và góp phần giác ngộ họ.

6. Những vị Thiền sư Việt Nam, trên đường tiếp nối hướng đi đúng đắn và có ý nghĩa của Phật giáo Việt Nam,  đã “ nói” lên suy nghĩ của mình bằng hành động. Bồ tát Thích Quảng Đức đã hoà nhập  thực sự vào dòng chảy nhập thế của Phật giáo Việt Nam, đã trở thành biểu tượng cho tính dân tộc và đạo pháp của Phật giáo Việt Nam. Bồ tát Thích Quảng Đức vì vậy đã trở thành bất tử. Trái tim để lại cho đời của bồ tát Quảng Đức vì vậy đã trở nên bất diệt!

TS.Trần Hồng Liên
(1) Trần Văn Giàu: Thích Quảng Đức. Tập Văn  số 7, 1987, ban VHTW GHPGVN xb, tr. 30.


Trích từ "BỒ TÁT QUẢNG ĐỨC NGỌN LỬA VÀ TRÁI TIM", Lê Mạnh Thát Chủ biên, Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Tp.HCM 2005
loading...