Chùa Việt
Hùng Nhĩ Sơn, ngôi già lam khép mình trên đảo ngọc
Thứ sáu, 02/12/2014 02:32
Nếu có dịp về Phú Quốc, một hòn đảo nằm phía Tây Nam của tỉnh Kiên Giang, xin các bạn hãy nhớ ghé thăm ngôi chùa Hùng Nhĩ Sơn.
Men theo con đường lên nghĩa trang liệt sĩ của huyện Phú Quốc, rồi cho xe chạy lên dốc núi khoảng 20 phút là đến. Nằm ở ấp Gành Gió, thuộc thị trấn Dương Đông của đảo Phú Quốc; thế nhưng có rất ít người biết đến sự hùng vĩ nhưng cũng không kém phần lãng mạn của ngôi Hùng Nhĩ Sơn.
Nằm khuất mình trên một sườn núi, lọt thỏm giữa khu rừng xanh thẳm là một nơi tu hành của quý thầy tại đây, ngôi chùa này còn được gọi là chùa Ông Phụng, vì người dân nơi đây muốn ghi nhớ lại công ơn của vị Hòa thượng đã khai khẩn đất đai lập ra ngôi chùa này.
Nằm khuất mình trên một sườn núi, lọt thỏm giữa khu rừng xanh thẳm là một nơi tu hành của quý thầy tại đây, ngôi chùa này còn được gọi là chùa Ông Phụng, vì người dân nơi đây muốn ghi nhớ lại công ơn của vị Hòa thượng đã khai khẩn đất đai lập ra ngôi chùa này.
Được khởi công từ năm 1945 do công lao của Hòa thượng Thích Minh Phụng, thầy đã về đây kiếm chỗ yên tĩnh cho việc tu hành, ban đầu để lo cho việc tự cung tự cấp, Hòa thượng đã tạo lập nên một vườn cây ăn trái, cuốc rẫy, trồng rau và sau đó dựng lên một ngôi chùa đơn sơ bằng cây lá, nền đất, lúc bấy giờ có tên là Hùng Am Nhĩ.
Nhờ đó, đêm đêm nơi đây, tiếng chuông mõ vang lên âm vang cả một núi rừng, xua tan sự lạnh lẽo, heo hút của đêm dài trên đảo vắng.
Trải dài theo năm tháng, Hùng Am Nhĩ được đăt lại tên là Hùng Nhĩ Sơn, không những là nơi để người dân trên đảo đến để chiêm bái lễ Phật mà ngôi chùa còn đóng góp nhiều cho cách mạng. Suốt từ những năm 1945 đến năm 1975, ngôi chùa còn là nơi hội họp và che giấu cán bộ trong vùng.
Trải qua nhiều đời trụ trì, có vị đến rồi viên tịch, có vị đến rồi đi, từ đó ngôi chùa bị bỏ hoang không người trông giữ, nên không mấy chốc cỏ hoang mọc lấn át cả lối đi, rắn rít vào cả trong chánh điện.
Đến năm 2003, từ sự mong mỏi của người dân quanh vùng, đã làm đơn xin Giáo hội Phật giáo tỉnh Kiên Giang bổ nhiệm trụ trì cho ngôi chùa Hùng Nhĩ Sơn, và Sư cô Thích nữ Diệu Hoa được về tiếp quản. Từ đó ngôi già lam được chăm lo, khôi phục; nhưng do là thân nữ, một mình sư cô Diệu Hoa phải rất cố gắng để bám trụ và trông coi ngôi chùa, những năm gần đây do sức khỏa của Sư cô không còn tốt, nên đã giao phó lại cho Đại đức Thích Phước Nguyên trông coi.
Đại đức trụ trì Thích Phước Nguyên |
Ngày chúng tôi đến, men theo con đường dốc cong cong, rất hoang vắng, dõi mắt tìm thử một căn nhà bên vệ đường nhưng không thấy đâu, cảnh vật trở nên đầy tĩnh mịch. Thoáng nghĩ về thời gian trước đây, khi những vị tu sĩ đến đây tu hành thì sự hoang vu còn hơn thế nữa.
Bên trong ngôi chánh điện chỉ rộng khoảng 30 mét vuông, còn thiếu thốn khá nhiều vật dụng cần thiết. Tiếp xúc với đoàn chúng tôi, quý thầy tỏ ra e ngại vì sự túng thiếu này, nhưng đổi lại bằng sự nhiệt tình và nụ cười đôn hậu, quý thầy cho biết: chùa đang trong quá trình xây dựng thêm nên mọi việc tiếp đón còn sơ sài.
Nhà chùa đang bắt tay xây dựng thêm một số hạng mục để đáp ứng nhu cầu tu tập cho người dân trên đảo. |
Hiện nay, dù không nằm ở vị trí thuận lợi, nhưng chùa Hùng Nhĩ Sơn cũng đã mở được Đạo tràng trì chú và niệm Phật hằng tháng, số lượng Phật tử theo tu học cũng đã được 150 phật tử, là những người đến từ dưới chân núi thuộc thị trấn Dương Đông, số lượng quý thầy trú ngụ cũng đã có 4 vị.
Buổi chiều, sau khi dùng bửa cơm thanh đạm với rau rừng, đoàn được nghe nhiều câu chuyện kể về những năm tháng tu hành nơi đây, chúng tôi vô cùng thán phục trước khả năng vượt khó và kiên cường mà quý thầy đã trải qua, quả thật không dễ gì thích nghi được những khó khăn túng thiếu mọi bề của một ngôi chùa ngoài đảo, lại nằm khuất mình một nơi không dân cư qua lại như thế.
Người tiếp quản ngôi chùa hiện nay là Đại đức Thích Phước Nguyên, cũng đang cùng quý thầy nơi đây nỗ lực xây dựng ngôi chùa sao cho đáp ứng được số lượng phật tử đang ngày càng đông hơn, cũng là đáp ứng nguyện vọng tâm linh của người dân trên đảo. Dù công việc trước mắt còn rất nhiều, khó khăn là không kể siết, nhưng trong ánh mắt của quý thầy vẫn toát lên niềm vui an lạc, một niềm hy vọng sẽ xây dựng ngôi Hùng Nhĩ Sơn thành một ngôi chùa tương xứng với công lao khai phá và gầy dựng của các bậc tiền bối.
Trong tiếng chuông chiều trầm bỗng, ngân vang cả đồi núi, chúng tôi nghe ấm áp lạ thường. Và cùng nhau thắp nén hương khấn nguyện sao cho ngôi chùa Hùng Nhĩ Sơn được thuận lợi hơn trong việc xây dựng, để quý thầy và quý Phật tử nơi đây có nơi về tu tập, được an trú và cũng để ngôi già lam này tương xứng của một thời là chứng tích của lịch sử, để trở thành một điểm đến của du khách thập phương khi có dịp về thăm đảo ngọc Phú Quốc.
Lệ Nhật