Sách Phật giáo

Hướng đi của thời đại (P.1)

Thứ hai, 31/08/2018 07:37

Đạo Phật nhận rằng: Vạn vật chúng sinh đều có Phật tính. Con người đều có khả năng thành Phật. Do đấy, con người trong đạo Phật là con người của mọi tầng lớp xã hội, mọi quốc gia, mọi tôn giáo, trên mặt đất và trong tam thiên đại thiên thế giới. 

THAY LỜI TỰA

Nhân loại hôm nay cũng như trước đây 2511 năm đã tự soi vào mình để phát giác ra rằng: mình đang hiện hữu trong một nghiệp dĩ khổ đau, giữa một xã hội phi lý bất ổn, trong một vũ trụ vật lý vô nghĩa ma sát giới hạn khắt khe sinh mạng con người. Tâm trạng này đang vò xé con người, tạo ra một nguồn tư tưởng cô đơn tuyệt vọng! Mọi tinh thần giá trị cũ đương bị con người bôi xóa. Hệ thống duy thần bị coi là lạc hậu. Hệ thống duy vật tàn ác phi nhân đã bị vượt dưới nhận thức toàn diện của nhân loại tiến bộ. Phong trào hiện sinh của thời đại thì quan niệm thân phận con người hiện hữu đầy khổ đau tuyệt vọng, cuộc đời là phi lý, buồn nôn, chẳng có chi là hiện hữu đích thực cả và còn đặt con người, cuộc đời trước một sự kiện đã rồi, để phó mặc cho hư vô vây khốn, choán ngợp vũ trụ. 

Do đó, nhân loại hiện nay đương trong vòng bế tắc, chưa tìm được tư tưởng chỉ đạo cho cuộc sống con người, nên đã đương rơi vào trạng thái hoài nghi buồn chán: con người cảm thấy mình sống lạc lõng trong một vũ trụ vô thường ảo hóa, sống bằng kiếp người thống khổ mong manh, sống giữa một xã hội bất công cùng cực! 

Sự kiện trên minh nhận rằng: nét chính của thời đại là tan loãng mệt mỏi! Con người không thể đứng yên ở trạng huống mất hướng này được. Sự đau khổ của con người phải được giải quyết. Mà muốn giải quyết khổ đau, muốn thoát cảnh bế tắc khắp mặt như hiện nay, nhân loại chỉ còn một con đường sáng duy nhất là tìm về nguồn suối Từ Bi, để hòa hợp mình với tư nhiên giới làm cho vạn hữu cùng rực rỡ thêm lên, hòa hợp với tâm tư giới làm cho nhân loại cùng sáng suốt thêm lên, hòa hợp với siêu việt giới để Phật tính thường hằng nơi vạn hữu mau xòe nở tròn đầy. 

Đạo Phật nhận rằng: Vạn vật chúng sinh đều có Phật tính. Con người đều có khả năng thành Phật. Do đấy, con người trong đạo Phật là con người của mọi tầng lớp xã hội, mọi quốc gia, mọi tôn giáo, trên mặt đất và trong tam thiên đại thiên thế giới. Mặc nhiên là con người đạo Phật, khi chúng sinh đó là một người sinh hoạt trên ba chiều hướng, tự nhiên, tâm tư, siêu việt giới và ý thức được mình là một con người hiện hữu. Rồi nhận trách nhiệm về sự hiện hữu của mình để tự chủ tu chứng bằng thể hiện ba đại hạnh BI, TRÍ, DŨNG để làm sáng cho phận người, làm đẹp cho cuộc đời. 

Với ý hướng trên, chúng tôi nghĩ đã đến lúc cần đề cao khả năng dung hóa của đạo Phật; một đạo từ nghìn xưa đã mở đầu cuộc tổng hợp rộng lớn giữa các hệ huyết Ấn Độ thâm sâu; một đạo mà truyền tới đâu cũng dung hợp được với các nền văn minh địa phương, để tạo cho mỗi địa phương một sắc thái từ bi đạo hạnh để chỉ nẻo mãi mãi hướng đi cho con người và cuộc đời trong trách nhiệm: giải thoát tâm tư khỏi trói buộc của thực tại thế giới. Chính vì điều này mà phật tử có quyền tin rằng tư tưởng của nhân loại thời đại đang đi lên để gặp tư tưởng đạo Phật mà lịch sử trước đây 2511 năm đã kết tinh thành GIÁO LÝ GIẢI THOÁT, PHÁ CHẤP, PHÁ MÊ, THỪA NHẬN KHỔ ĐAU ĐỂ LÀM CHỦ KHỔ ĐAU VÀ DO ĐÓ LUÔN LÀM CHỦ CUỘC ĐỜI.

Đó là Hướng đi của thời đại.

Thiền sư Thích Đức Nhuận
-

DÒNG SUY TƯỞNG

Nhiệm vụ lớn nhất của suy tư là làm thế nào vượt nổi "bức tường chết" để thỏa đáp đòi hỏi trường tồn của tâm thức người. Có vượt nổi bức tường chết thì cuộc đời mới có ý nghĩa, con người mới muốn sinh hoạt, xã hội mới còn tiến bộ. Nhân loại tồn tại tiến bộ tới nay, chính là nhờ ở lòng tin tuyệt đối nơi các tôn giáo qua các trào lưu tư tưởng. Đây là một ý kiến khẳng quyết, nhưng không có nghĩa là áp dụng cho mọi người. Khẳng quyết vì đòi hỏi của con người thường muốn sống cuộc đời thoải mái yên lành và cũng vì tính cách lịch sử của vấn đề. 

Người dân Ấn Độ phần nhiều đã sống, đương sống với quan niệm: sinh ra bởi Phạm Thiên, chết về thể nhập với Phạm Thiên. Người dân Trung Hoa cũng sống với quan niệm chết thành thần minh. Người dân Địa Trung Hải và khắp miền Âu – Mỹ đều sống với quan niệm hồn thiêng bất tử, thiện hồn được vào nước Chúa, ác hồn bị đày xuống hỏa ngục khổ sở đời đời. Mấy nghìn năm qua tâm thức con người đều trú ngụ nơi những quan niệm này, cho đến các tôn giáo Duy Nhiên nhất thể, Duy Tâm siêu thoát cũng bị đại đa số nhân loại nhìn theo lăng kính nhận thức Duy Thần cả. Chính vì nhận thức nhân loại trú ở quan niệm Duy Thần mà các phong trào khác đều không có cơ hội phát triển.

Phải chờ mãi tới thế kỷ này, sau nhiều đợt tấn công, sau nhiều cuộc đổ máu, bằng nhiều phương tiện truyền phổ tư tưởng, phe chống đối mới tạo nổi một chỗ đứng. Nhưng sự thực những tư tưởng quá khích này, chẳng những không giải phóng nổi tâm thức người mà còn thủ tiêu mất nguồn hy vọng trường cửu của con người đi nữa. Phong trào Duy Vật đã dựng "bức tường chết" ngay giữa cuộc sống. Con người luôn bị cái chết ám ảnh. Con người thấy mình sống giữa một xã hội chết chóc lạnh lùng. Sống trong lo âu sợ hãi thường xuyên. Với quan niệm Duy Vật thì chỉ cuộc sống thực tế mới là chân lý đời người, thế mà sự sống của mỗi người đều bị treo trước lưỡi gươm thần tốc của chế độ cả. Xã hội vừa là thiên đường vừa là hỏa ngục, quyền năng thượng đế được đặt vào tay những con người bằng xương bằng thịt, thiếu tình thương công chính mà đầy căm thù ngu tối và bất công nội tại. Thật là bi đát.

Bi đát! Tiếng kêu thất thanh của trí thức thời đại. Trước mắt họ tất cả đều đổ vỡ, nhầy nhụa. Đời người là một trang thảm sử não nề. Xã hội là nhà tù, là hỏa ngục, là nhà thương, là tha ma và là v.v… Họ nổi loạn bằng thái độ "cóc cần". Họ quay lưng vào cuộc đời để bước giật lùi xuống "hố chết". Trí thức Âu Châu đã đặt Hư vô cuối đường hiện hữu. Trên con đường đi tới hư vô, người hiện sinh chẳng cần biết mình phải làm gì? Mà cần chi phải làm gì nhỉ, khi cuộc đời chỉ là một trang thất bại sử, một dòng phi lý. Tất cả sẽ đầu hàng sự chết. Tất cả đều về Hư vô. Thế là sau thời đại chiến, một phong trào thanh niên sôi lên với lối sống hiện sinh. Họ khỏi cần biết tới ý thức hiện sinh. Họ khỏi cần để ý tới sự hiện sinh của tha nhân. Họ ùa lên thủ tiêu mọi thần tượng. Họ đi tìm hiện sinh của mình trong cảm giác. Họ quyết sống lấy được, sống gỡ trước khi bị đầu hàng hư vô.

Từ tâm trạng chán ngán cuộc đời của trí thức Âu Châu tràn qua Mỹ Châu thực tiễn, phong trào Hiện Sinh biến thái thành Phi Sinh. Con người vừa chán xã hội vừa sợ hư vô. Hư vô khống chế, vây khốn hiện hữu. Con người vốn đã cô độc giữa cuộc đời lại càng thấy mình cô độc toàn triệt khi bị hư vô vây hãm. Thân phận con người giờ đây thật quá sức mỏng manh. Có gì bảo đảm cho hiện hữu đâu. Hiện hữu sẽ tan ra như bong bóng xà bông trong hư vô. Hư vô rình rập cướp đoạt sự hiện sinh của con người. Hư vô choán ngợp hiện hữu làm cho con người không thể lẩn trốn vào đâu được nữa. Con người hiện sinh giữa hư vô. Con người chỉ còn một giải pháp duy nhất để hết còn tâm trạng khiếp sợ hư vô, đó là "giải pháp tự tử". 

Hemingway vị thủ lãnh của phong trào Phi Sinh đã chạy trốn hư vô bằng cách gia nhập với hư vô trước thời hạn mà hư vô đón nhận. Tiếp đó là những mái đầu xanh cảm thấy chán đời, cảm thấy cô đơn, cảm thấy hết ý nghĩa sống, cảm thấy yêu đời mà không thể thoát nổi bàn tay khổng lồ của hư vô. Họ đều nhất tề lao đầu vào hư vô. Sau nữ minh tinh Marilyn Monroe và nhiều nam nữ thanh niên khác nữa sẽ gia nhập phong trào Phi Sinh. Tư tưởng của Mỹ Châu đã gặp ngõ cụt. Con người chán đời cũng tự tử, mà thiết tha yêu đời cũng tự tử, để rồi cuối cùng sẽ dẫn tới tư tưởng Huyễn Sinh toàn triệt.

Huyễn Sinh sẽ là tiếng nói cuối cùng của tư tưởng hiện đại. Quan niệm của trí thức thời đại đi từ hiện sinh cho hư vô ở cuối đường hiện hữu, qua phi sinh cho hư vô khống chế hiện hữu sẽ tới huyễn sinh cho hư vô ngay trong thực tại. Hiện hữu chỉ là ảo tưởng. Chẳng có chi hiện hữu đích thực nữa. Tất cả đều "huyễn". Con người đánh lừa nhau bằng ý niệm. Hiện tượng là trò ảo hóa. Hiện hữu chỉ là bóng dáng "mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm" mà thôi. Đây là quan niệm của xứ Ấn nghìn xưa và đây cũng là tư tưởng của Việt Nam thế kỷ XVIII. Nguyễn Gia Thiều là tiếng nói bi đát tuyệt vọng cuối cùng của thân phận con người. Cung Oán Ngâm Khúc là một kiệt tác huyễn hóa khắp mặt. Không ai có thể tìm nổi khuôn mặt đích thực của người Cung nữ qua tâm trạng bi đát tuyệt vọng của phận người, của vạn hữu:

"Tuồng huyễn hóa đã bày ra đấy
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau
Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”.

Trước đây hai thế kỷ, tư tưởng này chưa đủ sức làm nổi một phong trào nhưng hiện nay, với đà đi tới của tâm trạng con người, phong trào Huyễn Sinh tất cả đủ điều kiện để lan tràn sâu rộng khắp nơi. Nếu Hiện Sinh đưa tới hậu quả thù ghét cuộc đời, chán ngán tuyệt vọng, Phi Sinh đưa tới hậu quả tự tử, thì Huyễn Sinh sẽ đưa tới hậu quả tận diệt loài người. Tất cả đều là huyễn hóa thì sống hay chết có nghĩa gì đâu. Sống chết chỉ là một kiếp phù sinh đầy khổ ải thì nhân loại này sống mà làm gì nữa. Thế là con người sẽ tiếp tay cho Hư vô thanh toán nốt những hiện tượng "mờ mờ" này đi, để trả về với vũ trụ hư vô toàn triệt. 

Con người sẽ giết nhau không chút động tâm; giết người rồi giết mình một cách hết sức thoải mái. Thế giới sẽ tận diệt nếu tư tưởng này hoàn toàn làm chủ nhận thức con người. Võ khí hạch tâm không dám nổ vì quyền lợi, nhưng rất muốn nổ từng loạt khi con người hoàn toàn sống bằng quan niệm Huyễn Sinh này. Thế có nghĩa là nhân loại tới thời tận diệt rồi sao! Không, nhân loại sẽ không tận diệt vì thực tại tính của đại đa số nhân loại là ham sống, nhất định sống dù biết đời là bể khổ, vũ trụ là huyễn hóa, kiếp người là phù sinh. Vì "nhất định sống" nên nhân loại sẽ tự tìm lấy lối thoát cho tâm tư, cho suy nghiệm, cho đòi hỏi của khát vọng trường cửu. Sự tắc lối của trí thức hiện nay chỉ là một hiện tượng báo trước cuộc sang mùa mà thôi. 

Con người sẽ tự giải thoát cho mình, cùng giải thoát cho đời để tất cả đều giải thoát. Ý nghĩa của giải thoát do đó không chỉ lệ thuộc vào một sự kiện siêu nhiên huyền nhiệm vĩnh cửu, mà còn giải thoát cho tình cảm con người khỏi tù túng công thức, giải thoát cho suy tư khỏi những lớp vỏ của thành kiến, giải thoát cho hành động khỏi mò mẫm hại người hư vật. Giải thoát cho thân phận oan khiên thiên vạn cổ của con người. Giải thoát cho cuộc đời khỏi độc khí bất công, mọi người đều sống với một cuộc sống thoải mái, thoát ách khổ lao. Xã hội hết là bệnh viện tha ma. Người khác không còn là kẻ thù. Con người sẽ vơi đi tâm trạng cô đơn, sợ hãi để thản nhiên sống, sáng suốt làm, uyển chuyển hòa; hòa với cuộc sống thực tế của đồng loại, hòa trong thể điệu hóa sinh của vạn hữu.

Tự cảm ứng với tất cả, thấy mình tương quan với tất cả, rồi cùng tất cả chuyển hóa. Sướng khổ, vui buồn, sống chết… chỉ là tiết tấu cung bậc của bản trường ca vô thường; thản nhiên sống, sáng suốt sống, uyển chuyển sống trong bản trường ca muôn điệu ấy, tức là đã đạt tới trạng thái không câu chấp, không lệ thuộc, không lo lắng, tức là phát khởi nổi tâm thức thường hằng ngay trong cảnh vô thường, tức là đã tự giải thoát sinh không, tình cảm sẽ thành bao la trong trắng, trí tuệ sẽ sáng suốt quang minh, chí khí sẽ tròn đầy siêu thoát. Khi tâm tư đã có lối giải thoát, thì cuộc sống sẽ hết bế tắc; mọi mối tương quan xã hội sẽ thuận chiều tiếp nối; nhân loại sẽ sống trong cảnh sống người chân thực, sống trong cảnh sống toàn diện không thui chột, không một chiều, không còn đối tượng căm thù.

Phong trào hiện sinh trong triết học Đông phương

Nếu khả năng suy tư đã tạo nổi niềm tin cho con người, đã thỏa đáp khát vọng trường tồn của nhân loại, đã giúp ý niệm người vượt được bức tường chết và đã là ánh đuốc soi đường cho mọi sinh hoạt, thì việc hệ thống hóa suy luận thành các ý thức hệ thuần lý đã lại làm cho nhận thức con người bị gò ép theo lối suy luận một chiều, nhất là còn tạo ra các thứ luân lý công thức, bóp méo, thủ tiêu tình cảm riêng tư của mỗi người đi, khiến cho cuộc sống trở thành cứng đờ, nặng nhọc, tăm tối. 

Thêm vào đó một bọn người manh tâm luôn luôn tìm mọi cơ hội để biến ý thức hệ thành một thứ bình phong che giấu thủ đoạn bóc lột đớn hèn của họ, đã làm cho xã hội vốn loạn lại càng loạn thêm, thân phận con người vốn bi đát lại càng bi đát hơn. Lý tưởng của con người tôn thờ luôn luôn quay lại ma sát thân phận con người. Giá trị con người bị biến mất trước thần tượng lý tưởng. Con người sống một cách thụ động, sống bằng quan niệm của ý thức hệ, sống bằng sự quy kết tội phúc của luân lý, sống bằng pháp luật của kẻ có quyền. Con người hoàn toàn chìm ngập trong ý niệm tội lỗi, cái gì cũng có thể trở thành tội lỗi được; mà mọi tội đều do nơi khát vọng của dục tính sinh ra. Chính vì muốn chế ngự tội mà các nền luân lý xưa và nay đều phải đề ra việc tiết chế dục tính. Sự tiết chế như vậy tuy là vấn đề cần thiết cho một xã hội có tổ chức, tức là sống bằng ý thức, nhưng chính cũng là một áp bức dồn nén tình cảm riêng tư của con người, nhất là người văn nghệ đầy khát vọng tự do tuyệt đối. Một khi tình cảm bị luân lý dồn nén thì sẽ đưa tới tâm trạng ẩn ức. Ẩn ức mỗi lúc một lớn thêm khi nào gặp điều kiện tốt sẽ bùng nổ.

Hiện sinh tồn ngã

Trong cảnh đại loạn xuân thu xưa, Khổng Tử đã hệ thống hóa tư tưởng Trung Hoa thành một ý thức hệ duy lý thực nghiệm hữu vi hòng đặt lại kỷ cương cho xã hội, thì cũng chính là lúc sức phản ứng của tình cảm trí thức nổi loạn để sản ra tư tưởng Hiện sinh tồn ngã của Dương Chu. Dương Tử hoàn toàn dùng tình cảm tự nhiên để đả kích hệ thống hữu vi của Khổng Tử. Ông cho là không nên lấy ý thức người mà can thiệp vào đạo tự nhiên, cứ để cho mọi vật tự do phát triển, không vun đắp cũng không ngăn cản. Ý thức người đã tạo ra các thứ danh ngụy tặc để khống chế con người, bắt bẻ cuộc đời phải chính danh định phận. 

"Thực thì không có tên. Có tên thì không phải thực". Đem những cái giả tạo ấy xâu kết lại thành một hệ thống để cùm xích con người thì chẳng những không hết được loạn mà người thì khổ thêm, đời càng loạn thêm. Nên người sống ở đời có cái vui của thân, không bỏ nó đi, tức là phải tích cực giữ lấy cái ta lạc sinh hiện hữu. Do đấy "thiệt một sợi lông mà được lợi cả thiên hạ không cho, cả thiên hạ phục vụ cho một mình không lấy. Mọi người không thiệt một sợi lông, không ai được lợi cả thiên hạ, thì thiên hạ yên vậy".

Chủ trương tự do tồn ngã lạc sinh của Dương Chu phải được kể là thủy tổ của tư tưởng hiện sinh của con người. Tư tưởng này xuất hiện giữa thời đại loạn, trước áp lực của các hệ thống thuần lý; xuất hiện để chối bỏ mọi thứ luân lý do ý thức hữu vi sản ra, nhằm giải phóng thân phận con người, giải phóng tâm linh nhân loại. Thời đại của Dương Chu là thời đại nông nghiệp phong kiến, nên tư tưởng hiện sinh của ông nhuốm nặng tính cách tự nhiên, không mang sắc thái bi đát cùng cực như thời đại chúng ta, sống bằng cuộc sống máy móc xa lìa tự nhiên; nên Dương Chu vẫn còn vui được khi thấy mình hiện hữu trong cảnh thuần phát của tự nhiên, ông chỉ lên án, đả phá những ý thức cai trị, ý thức luân lý do con người sản ra thôi. 

Tức là ông vẫn còn có lối thoát duy nhất là sống với nội tâm trống rỗng tự tại. Thời chúng ta là thời đại con người khai thác tự nhiên, bóp méo tự nhiên từ nội dung tới hình thức bằng ý niệm người. Con người thấy mình hiện sinh giữa không phải tự nhiên mà là giữa một xã hội người đầy rẫy khổ đau, đầy rẫy bất công và giằng xé. Mình không tìm nổi mình đích thực nữa. Mình hoàn toàn sống bằng quan niệm của kẻ khác, của xã hội. Con người không thể thoát nổi nõa lực vĩ đại phi lý của xã hội. Con người không tìm được lối tự giải thoát, đành sống với quan niệm buông trôi, nên phong trào hiện sinh hiện nay mang nặng tính cách khổ đau tuyệt vọng, khác với Dương Chu sống bằng quan niệm ẩn dật tự nhiên lạc sinh và tích cực giải thoát.

Hóa sinh đại ngã

Tiếp nối tư tưởng của Dương Chu, Lão Tử đã thành lập nổi một hệ thống Duy nhiên. Tuy Lão Tử không quyết định tư tưởng ông là một tư tưởng có hệ thống, nhưng không vì vậy mà ta không nhận được tính cách phi hệ thống của Lão Tử vẫn là một hệ thống Duy nhiên. Mọi nhận thức của Lão Tử đều qui về tự nhiên, lấy tự nhiên làm xuất phát triển và đặt cứu cánh cho cuộc đời là thực hiện một con người tự nhiên. Một con người mộc mạc lòng rỗng bụng đầy, dứt bỏ thánh trí, nhân nghĩa, luân lý để sống một cuộc đời tự do, tự sản, tự tại hợp với đại đạo tự nhiên. 

Đạo tự nhiên là đạo tuyệt đối vĩnh viễn trường cửu, không nghe, không thấy, không cầm nắm được, nhưng ở trong tất cả, bao trùm tất cả, vô thủy vô chung, không làm mà không cái gì không làm. Vũ trụ do đạo mà sinh hóa; vạn vật có đạo mới tồn tại. Đạo là một lẽ tất yếu khách quan vượt tầm trí thức của con người. Nên con người không đủ sức biết về Đạo mà chỉ có thể trực nhận nổi Đạo qua sự sinh hóa của vạn hữu, của chính mình. Đặc tính của Đạo là không làm mà không phải chẳng làm. Con người muốn thể nhập Đạo lớn, thì phải gạt bỏ quan niệm hữu vi, tức là gạt bỏ ý thức về vấn đề làm, hoặc nói khác đi, là làm không theo sự xếp đặt của ý thức: không làm vì danh, vì lợi, vì lý tưởng này, tư tưởng nọ. 

Phải gạt bỏ tất cả mọi đối tượng hành động, thủ tiêu ý thức hữu vi rồi làm bằng sức tự động mặc nhiên. Làm như vậy là thuận Đạo tự nhiên, mà thuận đạo tự nhiên thì mình cùng với tự nhiên là một, đời cùng với tự nhiên là một, khi đã hòa nổi cuộc sống người trong đạo tự nhiên thì loạn sẽ hết, khổ cũng sẽ hết. Con người an nhiên tự tại tự sản bao la. Đời loạn mới cần tới nhân nghĩa, luật pháp là thứ con đẻ của ý thức mà chính ý thức là nguyên nhân của sự loạn. Lấy loạn để trị loạn thì lại càng loạn thêm, do đấy cần phải thủ tiêu ý thức nhân nghĩa, thánh trí, hữu vi mới vãn hồi nổi cuộc sống tự nhiên thanh thoát.

Từ tư tưởng chủ quan tồn ngã hiện sinh của Dương Chu sang tới Lão Tử thành tư tưởng khách quan tồn nhiên hóa sinh. Lão Tử đã triển khai toàn triệt quan niệm duy nhiên của phong trào ẩn dật Trung Hoa. Lão Tử đem con người lại gần với tự nhiên, đem con người trở về với cuộc sống thuần phác mộc mạc của tự nhiên, sống trong nhịp đại sinh hóa của vũ trụ tự nhiên. Lão Tử chủ trương hủy bỏ hẳn nền văn minh hữu vi hiếu động của Hán tộc để vãn hồi cảnh sống mặc nhiên vô vi hiếu tĩnh của con người phương nam. Con người làm loạn cuộc đời vì những ý thức hơn người, thắng vật. 

Xã hội càng văn minh bao nhiêu, nhân loại càng phát sinh nhiều thánh trí bao nhiêu thì đời càng loạn thêm lên bấy nhiêu. Quả vậy, sống sau Lão Tử trên hai nghìn năm chúng ta đều phải nhận lời Lão Tử là đúng. Nhân loại chúng ta hiện nay là một thứ nhân loại hoàn toàn xa lìa tự nhiên, nền văn minh tự tạo của nhân loại lấn át nhưng vẻ tình cảm phong phú của tự nhiên. Con người đã xa lìa tự nhiên quá mất rồi, không có tài nào trở về với nguồn yên vui mộc mạc được nữa. Mỗi ngày nhân loại càng chạy mau thêm tới trước đích tiêu vong, nếu không có một phương pháp giải thoát tâm tư, một cao trào giải phóng cuộc đời.
 
Tồn sinh siêu thoát

Trang Tử là người xiển phát tư tưởng duy nhiên của Lão Tử, đồng thời ông đã thăng hóa tư tưởng Lão Tử lên tới mức siêu thoát: không biết thích sống cũng không biết ghét chết, thảnh thơi mà sống, lúc ra không hớn hở, lúc vào không tấp nập, phất phơ mà đi, phất phơ mà lại. Không quên nơi mình bắt đầu, không cần nơi mình đến cuối. Trời đất cùng với mình cùng sinh, vũ trụ cùng với mình là một. Vũ trụ biến đổi không lường, việc gì phải nhọc lòng về sự sống chết, hơn thua, cứ thuận lẽ tự nhiên mà sống, không ham sống sợ chết, cứ giữ lòng cho chay tịnh hư không, rồi làm theo lẽ của tự nhiên mà quên mình đi, danh lợi không cần, không khoe giỏi, không chấp nhất cứ an nhiên mà sống, nhận tất cả mà mừng nó, quên tất cả mà trở lại nó. Lòng quên, mặt lặng, trán phẳng, mát như mùa thu, ấm như mùa xuân, mừng giận với bốn mùa hợp với muôn vật mà không ai biết đến đâu là cùng. Người đạt tới mức đó mới đích thực là người. Làm tất cả mà quên tất cả để chơi với cõi vô cùng:

"Tướng Mây sang chơi miền đông qua cánh đồng phất phới, xẩy gặp Hồng Mông. Hồng Mông đương vỗ đùi mà nhảy chân cò. Tướng Mây thấy vậy, buâng khuâng, chắp tay đứng mà hỏi:

- Cụ là ai vậy? Cụ làm gì đấy?

Hồng Mông vẫn nhảy không ngừng, ngoảnh sang Tướng Mây mà nói:

- Chơi.

Tướng Mây tiếp:

- Tôi muốn được nghe chuyện.

Hồng Mông ngẩng nhìn Tướng Mây rồi…

- Ổ!

Tướng Mây hỏi:

- Khí trời không hòa. Khí mây uất kết. Sáu khí không đều. Bốn mùa không đúng tiết…  Nay tôi muốn hợp tinh hoa của sáu khí để nuôi các loài có sống, làm nó ra sao?

Hồng Mông vỗ đùi nhảy chân cò, lắc đầu:

- Ta chả biết! Ta chả biết!

Tướng Mây hỏi không được, bỏ đi. Ba năm sau sang chơi miền Đông, qua cánh đồng Hữu Tống, lại gặp Hồng Mông. Tướng Mây cả mừng, đi rảo tới mà thưa rằng:

- Trời! Quên tôi sao! Quên tôi sao?

Rồi dập đầu hai lạy, xin được nghe lời chỉ bảo.

Hồng Mông nói:

- Lông bông, không biết cầu gì! Ngông nghênh, không biết đi đâu! Lăn lóc chơi để xem cái "vô vọng" ta lại biết chi!

Tướng Mây thưa:

- Tôi đây cũng tự lấy mình làm ngông nghênh, mà tôi đi đâu thì dân họ theo đó. Tôi đây chẳng được đừng với dân! Nay thì dân nó bắt chước… Xin cho nghe một lời. 

Hồng Mông nói:

- Loạn lẽ thường ở đời. Trái với tính các loài. Chẳng thành được đạo huyền của trời. Làm tan đàn muông, mà chim đều hót đêm chơi! Cỏ cây lây vạ. Sâu bọ mang tai. Chao ôi! Đó là cái lỗi trị người vậy.

Tướng Mây hỏi:

- Vậy thì tôi làm thế nào?

Hồng Mông bảo:

- Chao ôi! Hại thay là cái lòng khấp khởi kia. Về đi thôi!

Tướng Mây nài:

- Tôi gặp nạn trời, xin được nghe một lời.

Hồng Mông nói:

- Chao ôi! Đem lòng mà nuôi đồ đệ mi! Ở vào chỗ không làm mà vật tự nhiên hóa. Bỏ rời hình thể mi! Khạc nhổ thông minh mi! Cùng vật quên loài. Đại đồng vào cõi mông mênh! Cởi lòng, buông thần, lặng lẽ không hồn. Muôn vật lau nhau, đều trở lại gốc nguồn. Đều trở lại gốc nguồn mà chẳng biết chi. Hỗn hỗn độn độn trọn đời chẳng lìa. Nếu nó biết có, tức là nó lìa nó. Đừng hỏi tên nó, đừng dòm tính nó, vật vì thế sẽ tự nhiên sinh.

Tướng Mây than:

- Trời! Cho tôi đạo đức. Bảo tôi bằng im lặng. Chính mình cầu nó, mà nay mình mới hiểu được.

Lạy hai lạy mà từ biệt"
(Nam Hoa kinh do Nhượng Tống Dịch)

Qua câu chuyện ngụ ngôn trên cho ta thấy: Trang Tử hoàn toàn chủ trương lối sống mặc nhiên không ý thức để thuận với lẽ "vô vi nhi vô bất vi" của trời đất. Nhưng khác với con người suy tư Lão Tử, con người tình cảm của Trang Chu tạo ra cho mình một phong thái siêu thoát đại đồng trong cõi mông mênh. Quên thân, buông thần để đạt tới trạng thái vũ trụ với ta cùng một. Tức là đến cõi chí đạo mịt mờ huyền ảo. Lão Tử khuyên người ta thể nhập với đạo tự nhiên bằng cách gạn lọc tâm tư làm cho lòng trống như hư không, Trang Tử đi xa hơn, biến quan niệm duy nhiên thành một tôn giáo với những lối tu "tọa vong" để mình được phơi phới chơi được ở cánh đồng vô cực:

"Hoàng Đế được lập làm thiên tử, mười chín năm, quyền uy trùm khắp thiên hạ. Nghe biết thầy Quảng Thành ở trên núi Không Đồng, nên sang ra mắt thầy mà thưa rằng:

- Tôi nghe nhà thầy hiểu về chí đạo. Vậy dám hỏi phần tinh túy của chí đạo. Tôi muốn lấy tinh hoa của đất trời để giúp ngũ cốc, để nuôi muôn dân. Tôi lại muốn sắp đặt âm dương để mọi loài sống được thỏa thích. Làm thế nào cho được?

Thầy Quảng Thành nói:

- Điều mi muốn hỏi là chất của vật. Điều mà mi muốn sắp đặt là phần thừa của vật! Từ khi mi trị thiên hạ, hơi mây không đợi họp mà mưa. Cỏ cây không đợi vàng mà rụng. Ánh sáng mặt trời, mặt trăng càng hoang hủy thêm. Lòng kẻ nịnh thường hau háu đầy rẫy. Lại sao đủ để nói chuyện chí đạo. Hoàng Đế lui. Về nhà bỏ thiên hạ… ở dưng ba tháng, rồi lại sang đón thầy. Thầy Quảng Thành nằm quay đầu phía nam. Hoàng Đế thuận gió phía dưới, đi bằng hai đầu gối mà tới, dập đầu mà thưa:

- Nghe nhà thầy hiểu chí đạo, dám hỏi trị mình thế nào mà có thể được lâu dài?

Thầy Quảng Thành uể oải ngồi dậy mà rằng:

- Câu hỏi khéo thay! Lại đây, ta bảo mi chí đạo. Phần tinh túy của chí đạo, mờ mờ ảo ảo. Chỗ rất mực của chí đạo, lặng hẳng rốt ráo. Không nghe, không trông, lấy tĩnh làm lòng, xác sẽ tự chính. Phải trong, phải tĩnh, chớ nhọc đến mình, chớ rung đến tính mới có thể trường sinh. Không trông gì bằng mắt, không nghe gì bằng tai, không biết gì bằng lòng, thì thần mi sẽ giữ nổi phần xác ngoài, xác ngoài mới có thể sống lâu. Cẩn thận phần trong của mi. Đóng kín phần ngoài của mi. Biết nhiều là hỏng. Ta đưa mi tới trên miền sáng láng rồi, đến đó là cõi chí dương! Ta đưa mi vào cửa miền ảo minh rồi, đến đó là cõi chí âm! Trời đất tự có công việc, âm dương tự có chỗ chứa. Giữ mình mi cho cẩn thận, vật sẽ tự lớn. Ta giữ phần một mà ở chỗ hòa, cho nên ta tu thân một nghìn hai trăm tuổi rồi mà xác ta chưa hề suy.

Hoàng Đế dập đầu hai lạy mà thưa rằng:

- Thầy Quảng Thành thật là người trời.

Thầy Quảng Thành nói:

- Lại đây! Ta bảo mi: Nó là vật không cùng mà người đều cho chết là xong. Nó là vật không diệt mà người đều cho chết là h&
loading...